Đặc Sản Cà Mau Làm Quà Là Gì? Mua ở đâu?

Nằm ở cuối cùng của bản đồ đất nước, Cà Mau là địa danh quá đỗi thân thương mà mỗi khi nghe nhắc đến thì bất cứ người dân Việt Nam nào đều có cảm xúc rưng rưng và mong muốn đặt chân đến đây. Ở đó, có Đất Mũi – “ngón chân cái chưa khô hài vạn dặm” – là Cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc, có Rừng tràm U Minh bạt ngàn hay những rừng đước mênh mông đã bao đời làm nhiệm vụ tiên phong lấn biển và giữ đất. Ở đó, là chằn chịt những kênh, rạch, đầm, mương là môi trường sinh sống của vô số loài thủy hải sản nước mặn – ngọt – lợ, chúng là nguồn nguyên liệu chính của những món ăn ngon mà không thể không thưởng thức. Nếu đã đến nơi này, du khách nhất định phải biết những đặc sản Cà Mau làm quà là gì? Mua ở đâu? Như là hành trang không thể thiếu khi trở về để chuyến đi thêm trọn vẹn.

Mục lục bài viết

Toggle
  • Đặc sản Cà Mau làm quà là những món gì?
  • Những đặc sản Cà Mau làm quà là gì? Giá cả?
    • Cua Năm Căn là đệ nhất đặc sản Cà Mau
    • Tôm khô Rạch Gốc là đặc sản Cà Mau được mua làm quà nhiều nhất
    • Khô cá sặc bổi đặc sản Cà Mau mùa chụp đìa
    • Chả trứng mực Đất Mũi bảo ngậy thơm nức mũi
    • Khô cá thòi lòi – đặc sản Cà Mau làm du khách trở nên hiếu kỳ
    • Mắm ba khía Rạch Gốc
    • Bồn bồn Cái Nước – đặc sản Cà Mau trong ruộng ngập nước
    • Mật ong Rừng tràm U Minh
    • Rượu trái giác Cà Mau
  • Địa chỉ mua đặc sản Cà Mau làm quà uy tín
  • Mua đặc sản Cà Mau làm quà cần lưu ý gì?

Đặc sản Cà Mau làm quà là những món gì?

Cà Mau là vùng đất thấp với hệ thống kênh rạch chằng chịt, cũng là chặng cuối cùng của các dòng sông trước khi đổ ra biển nên thừa hưởng được lượng phù sa bồi đắp rất lớn, thích hợp để trồng các loại cây rau màu, nông sản. Tỉnh còn có đến 03 mặt giáp biển, là nơi chuyển tiếp, giao thoa giữa biển Đông – biển Tây (vịnh Thái Lan) với dòng chảy của các con sông trong đất liền qua các cửa biển, đã hình thành nên vùng nước lợ rộng khắp, nơi lý tưởng cho sinh vật phù du phát triển. Đây cũng chính là môi trưởng sống và nơi cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, vô tận cho nhiều loại cá tôm, nhuyễn thể có giá trị. Ngoài ra, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và VQG U Minh Hạ là thế giới sống động của hệ sinh thái rừng ngập nước đặc trưng ở miền Tây Nam bộ. Chính vì những lợi thế về địa lý và tự nhiên như thế mà đặc sản Cà Mau rất phong phú về số lượng và đa dạng về chủng loại.

  • Đặc sản Cà Mau trước hết là các loài thủy hải sản từ các loài sống trong nước ngọt, nước lợ đến nước mặn; đó là: cua Năm Căn, thòi lòi Đất Mũi, vẹm, hàu, nghêu, tôm tích…
  • Vì số lượng thủy hải sản rất nhiều nên không thể cùng lúc ăn tươi hết được, người dân chế biến thành các món khác có thể để dự trữ dùng lâu dải, đó chính là các đặc sản khô, mắm trứ danh: tôm khô Rạch Gốc, mắm ba khía, khô cá sặc bổi, khô thòi lòi…
  • Sản vật từ rừng nếu được khai thác và bảo tồn hợp lý thì cũng sẽ được nhiều món như là: mật ong rừng tràm, ong non, rượu sáp ong, rượu trái giác…
  • Tuy nhiều điện tích ngập nước mặn lợ nhưng Cà Mau cũng có các giồng cát cao hay ruộng nước ngọt để cho ra đời các đặc sản là nông sản, rau củ như: dâu Cái Tàu, bồn bồn Cái Nước…

Những đặc sản Cà Mau làm quà là gì? Giá cả?

Ngoài các món ăn đặc sản được bán ở nhiều nhà hàng, quán ăn mà du khách có thể thưởng thức tại chỗ thì Cà Mau có nhiều đặc sản có thể mua về làm quà mỗi khi đi du lịch đến vùng đất này. Dưới đây là một số món đặc sản Cà Mau làm quà tiêu biểu.

Cua Năm Căn là đệ nhất đặc sản Cà Mau

Cua Năm Căn đặc sản Cà Mau
Cua Năm Căn đặc sản Cà Mau

Năm Căn là tên một huyện của tỉnh Cà Mau, nằm dọc bên dòng sông Cửa Lớn, tiếp giáp với cả biển Đông và biển Tây. Địa phương này có môi trường tự nhiên rất thích hợp cho nghề nuôi trồng cua phát triển; đó là hệ thống đầm vuông, rừng ngập mặn vừa là nơi sinh sống, vừa nhà máy sản xuất tự nhiên cung cấp vô số thức ăn cho loài cua.

Ngày xưa, cua Cà Mau sinh sống hoàn toàn ngoài tự nhiên xen lẫn trong các vuông tôm và người nông dân nếu tiện tay thì chỉ bắt những con lớn và mập mạp để về ăn, không có số lượng nhiều để buôn bán. Dần dà về sau thấy có nhu cầu thưởng thức của du khách khi đến Cà Mau ngày càng nhiều thì người dân mới nghĩ đến việc nuôi thâm canh để được sản lượng lớn.

Khác với việc nuôi tôm, nuôi cá phải can thiệp nhiều bởi các “kỹ thuật” của con người, thì việc nuôi cua ở Năm Căn cho đến ngày nay vẫn sử dụng phương pháp nuôi tự nhiên, nuôi sinh thái, tận dụng tối đa nguồn lợi có sẵn. Tức là người dân chọn khoanh một khoảng rừng ngập nước lại (rừng đước) hoặc dùng các vuông đang nuôi tôm, cá để thả cua vào.

Nhờ các thức ăn sẵn có từ môi trường thiên nhiên và chỉ mất khoảng từ 3 – 4 tháng thì cua đã lớn và người dân có thể thu hoạch đại trà. Cũng nhờ phương thức nuôi thâm canh này mà thịt cua Năm Căn rất thơm ngon, chất lượng cũng giống như là cua ngoài môi trường tự nhiên như ngày xưa.

Cua Năm Căn Cà Mau có nhiều loại khác nhau, như: cua gạch, cua cốm, cua 2 da, cua y, cua yếm vuông…Trọng lượng cua trưởng thành và ngon nhất thường là từ 03 con/kg, nếu nhỏ hơn thì giá sẽ rẻ hơn. Giá thành thường dao động từ 250 – 500kg tùy vào thời điểm và loại cua được bán.

Khi mua cua, du khách sẽ thấy đa phần người bán cột cua bởi các loại dây để cố định chúng lại, vậy nên để chọn mua đúng giá, đúng chất lượng của cua ngon nhất thì ngoài việc xem dây buộc còn phải áp dụng theo cách cầm con cua lên và ấn thử vào yếm và hai bên thân cua. Nếu du khách cảm nhận được độ cứng của các phần trên thì chắc cơ hội được sẽ thưởng thức bữa cua ă chắc thịt.

Khi đến Cà Mau, ngoài việc thưởng thức trực tiếp tại các nhà hàng thì có thể mua cua Năm Căn về làm quà.

Tôm khô Rạch Gốc là đặc sản Cà Mau được mua làm quà nhiều nhất

Tôm khô Rạch Gốc dac san ca mau lam qua
Tôm khô Rạch Gốc

Nếu có dịp đi từ thành phố Cà Mau qua Năm Căn, Ngọc Hiển rồi đến Đất Mũi Cà Mau, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh rất đẹp mắt bởi người dân phơi tôm khô đỏ cả ven đường.

Để làm được con tôm khô, người dân Rạch Gốc tiến hành đánh bắt con tôm đất sống trong môi trường nước lợ ở các vuông đầm vì có được hưởng thụ lượng thức ăn dồi dào nên thịt chúng ngọt và chắc. Tôm khô ngon phải có kích cỡ không được quá lớn, khoảng tầm ngón tay là thích hợp nhất vì võ vừa đủ cứng để bóc, đồng thời khi phơi tôm dễ dàng khô đều từ trong ra ngoài. Sau khi rửa sạch, người dân tiến hành luộc tôm trong nồi trên ngọn lửa cháy đều cho chín rồi đem lột vỏ và phơi khoảng 02 nắng là có thể dùng được. Sở dĩ không nên phơi nhiều nắng vì như thế tôm sẽ quá khô cứng mất chất ngọt và có thể có mùi khai nếu để lâu. Để làm ra được 1 kg tôm khô thì người dân phải dùng đến 7 – 9kg tôm tươi. Chính vì thế mà giá tôm khô Rạch Gốc có giá khá cao, dao động từ 700.000đ – 1.200.000đ/kg tùy vào chất lượng và kích cỡ của tôm.

Khô cá sặc bổi đặc sản Cà Mau mùa chụp đìa

Khô cá sặc bổi đặc sản Cà Mau
Khô cá sặc bổi đặc sản Cà Mau

Cá sặc có mặt khắp miền Tây, tuy nhiên ở Cà Mau vẫn là ngon nhất, đặc biệt ở khu vực rừng U Minh Hạ. Lý do là khu vực rừng U Minh có nước trầm thủy, tràm mọc ở khu ngập nước tĩnh với tầng dày lá cây tích tụ nhiều năm tạo ra nhiều vi sinh vật là thức ăn dồi dào của cá sặc nên cá mập, thịt nhiều.

Cứ vào mùa khô hàng năm khoảng từ cuối năm đến tháng 3 âm lịch sang năm, người dân U Minh Cà Mau lại nô nức thu hoạch cá sặc bằng các hình thức chụp đìa, tát đìa rất độc đáo, vui như ngày hội. Với các cách đánh bắt này sẽ thu được sản lượng cá rất lớn nên không thể ăn ngay hết được, vì thế người dân tổ chức làm khô, làm mắm.

Cá sặc sau khi thu hoạch về đem đánh vảy, mổ bụng và rửa sạch, sau đó ngâm với nước muối khoảng vài giờ đồng hồ. Vớt ra và rửa lại bằng nước ngọt cho sạch cũng như trôi bớt vị mặn rồi đem phơi trên các giàn. Vào mùa nắng thì tầm 2-3 ngày là cá đã vừa khô tới, không nên để quá khô thì thịt sẽ hết ngọt. Ngoài ra để thịt cá thêm phần săn chắt thì người dân còn sắp cá ra rồi dùng những vật nặng đè lên trên. Tới bữa ăn, quạt mẻ than hồng, nướng qua con khô cá sặc bổi bốc mùi thơm phức, lùa miếng cơm nguội và dùng tay xé miếng cá cho vào nhai cùng du khách sẽ cảm nhận hết vị ngon dân dã, ban sơ như từ thuở khai hoang.

Chả trứng mực Đất Mũi bảo ngậy thơm nức mũi

Chả trứng mực là một món ăn không chỉ hấp dẫn các du khách trong và ngoài nước mà còn là một trong những món ăn luôn được những người con xa quê hương nhắc đến khi nhớ về.

Đối với những người dân vùng biển mỗi lần thuyền ra khơi sẽ phải mất cả tuần, có khi là cả tháng mới trở về nên họ mới nghĩ cách để bảo quản hải sản làm sao cho tươi ngon nhất, chính vì vậy, món chả trứng mực được ra đời như thế. Ngư dân khi đánh bắt xa, sẽ mang theo thịt, gan heo và trứng vịt để chế biến để có những miếng chả mực tươi ngon nhất ngay trong chuyến đi dài ngày. Mực có nhiều trứng nhất từ khoảng tháng 1 đến tháng 5 âm lịch, và phải từ 10 đến 12 kg mực tươi mới có thể thu hoạch được 1kg trứng mực, chính vì vậy, đây có thể nói là một món ăn hiếm có và đắt đỏ của người dân Cà Mau, đặc biệt, món ăn này sẽ được người dân nơi đây chiêu đãi khi nhà có khách quý và được đóng gói để gửi đi biếu tặng, và dần dần, trở thành món đặc sản không thể thiếu khi nhắc đến Cà Mau.

Buồng trứng mực dẻo quánh, trong veo sẽ được lột ra rồi rửa sạch, cho vào cối giã tay đến khi sánh nhuyễn, cho thêm các gia vị như muối, tiêu, bột ngọt rồi thêm thịt, gan heo, trứng vịt vào giã cùng, sau đó nặn thành từng cục tròn rồi dùng hai bàn tay ép dẹt lại rồi mang đi phơi nắng cho se lại và có thể bảo quản ở trong tủ đá. Trứng mực có vị béo, ngọt và giàu các chất dinh dưỡng và ngon nhất là khi chiên vàng ăn kèm với cơm nóng, rau sống và bát nước chấm đậm vị ai ăn cũng phải tấm tắc khen ngon.

Chả trứng mực Đất Mũi thông thường sẽ có giá dao động từ 300.000 – 400.000đ/kg. Nếu mua ở các khu du lịch thì mức giá có thể cao hơn, vì vậy, du khách nên mua ở các chợ hải sản hoặc nhà người dân để có giá hời và chất lượng tốt hơn nhé!

Khô cá thòi lòi – đặc sản Cà Mau làm du khách trở nên hiếu kỳ

Khô cá thòi lòi
Khô cá thòi lòi

Du khách đi Cà Mau về hay kháo nhau là dưới đó họ đã thấy một loại cá biết “leo cây”. Nghe thôi là đã kích thích trí tò mò rồi phải không ạ? Điều đó là có thật khi nói về cá thòi lòi – loài cá kỳ dị nhất vùng sông nước miền Tây.

Ở những nơi nước lợ giáp biển như bãi bồi hay cửa sông, nếu chịu khó để ý một chút du khách sẽ chứng kiến cảnh tưởng rất lạ mắt khi thấy hình ảnh những chú cá đang đu đưa trên những chùm rễ hình nơm độc đáo của cây đước. Khi nghe tiếng động của bước chân du khách đến gần, chúng liền “nhảy” xuống bãi sình và bò trườn hay lưng tưng xuống nước và bơi mất. Nhìn hình dáng bề ngoài nếu du khách yếu tim chắc sẽ không dám gần vì chúng trông xấu xí, đầu thì to, thân thì vảy tua tủa, mắt thì lồi ra nên người ta mới gọi là cá thòi lòi. Tuy nhiên, khi có cơ hội thưởng thức thì du khách sẽ cảm nhận được thịt cá rất săn chắc, thơm, bùi và vị ngọt, ngon hơn nhiều loại cá khác. Ở Cà Mau, nhất là khu vực Đất Mũi người dân thường chế biến thành các món cá thòi lòi nướng muối ớt hoặc kho tiêu.

Để mua đặc sản Cà Mau rất ngon này làm quà thì du khách có thể mua khô cá thòi lòi. Có hai loại khô thòi lòi đó là loại nguyên con và loại xẻ phi lê được tẩm gia vị muối, tiêu, đường, bột ngọt. Giá thành của khô cá thì lòi Đất Mũi Cà Mau dao động khoảng từ 400.000đ – 500.000đ/kg.

Mắm ba khía Rạch Gốc

Mắm ba khía
Mắm ba khía

Ngoài các loại khô được làm từ tôm cá, vùng nước giáp ranh mặn ngọt nơi bãi bồi Cà Mau còn có một sản vật nữa đã trở thành đặc sản trứ danh của vùng đất này, đó là con ba khía. Đến bất cứ điểm du lịch nào ở Cà Mau du khách cũng sẽ bắt gặp hình ảnh những hủ lọ bằng nhựa trong hoặc thủy tinh, có khi là nguyên thau to chứa đầy món ăn nhiều màu sắc với những đôi càng to nổi bậc, đó chính là mắm ca khía.

Cũng giống như tôm khô, Rạch Gốc là địa phương nổi tiếng với đặc sản này. Con ba khía có hình dáng như con cua, sống nhiều ở bãi bồi nhưng tập trung nhiều trong mùa “hôi ba khía” khoảng tháng 10 âm lịch. Người dân sau khi bắt về đem rửa sạch và cho ba khía vào các lu sành chứa nước muối rồi dằn lá dừa nước xuống, để đó vài tháng là đem ra ăn. Với 1 lu ba khía thì ăn được hai thứ là nước muối ba khía đem nấu thành mắm nhưng ngon nhất đương nhiên là phần nguyên con. Vớt ra rửa sạch, đem đập dầm dập đôi càng, bỏ mu yếm, trôn với các gia vị ớt, tỏi, tiêu, đường cát, vắt lát chanh, xắt sợi các trái có vị chua như xoài xanh, khế, thơm, cóc…Tất cả đem trộn điều cho thấm rồi ăn cùng cơm nguội kèm với rau thơm, nhấp miếng rượu đế thì chỉ có “mát trời ông Địa”.

Giá thành đặc sản mắm ba khía Rạch Gốc khá rẻ, chỉ khoảng 130.000đ – 160.000đ/kg.

Bồn bồn Cái Nước – đặc sản Cà Mau trong ruộng ngập nước

Bồn bồn Cái Nước
Bồn bồn Cái Nước

Cây bồn bồn là thực vật thân cỏ, mọc dưới nước nơi thường xuyên bị ngập và nhiễm phèn, giống như các loại lát, bàng.

Bồn bồn rất dễ trồng và dường như không tốn nhiều công để chăm sóc. Khi mùa mưa đến là lúc cây đủ lớn thì người dân lội xuống ruộng và nhổ về để sơ chế. Cắt bỏ hết phần lá, chỉ chừa lại phần gốc khoảng 20 – 30cm, sau đó bóc bỏ vỏ ngoài và chỉ lấy phần thân trắng nỏn bên trong. Người dân hoặc là mang sản phẩm bồn bồn tươi ra chợ bán để chế biến các món ăn như bóp gỏi với tôm khô/ tôm tươi, nhúng lẩu, chấm kèm thịt kho, cá kho. Công phu hơn và có thể để được lâu thì muối chua hoặc làm kim chi bồn bồn rồi cho vô hủ để ăn dần hoặc bán cho du khách.

Với giá thành chỉ khoảng tầm 50.000đ/kg nhưng đã có được món ăn rất dân dã đúng phong vị miền quê sông nước. Nếu có dịp xuôi QL 1 theo những km cuối cùng từ thành phố Cà Mau xuống Cái Nước, Năm Căn, du khách sẽ bắt gặp cảnh người dân kê sạp ngoài đường bán đặc sản này rất nhiều.

Mật ong Rừng tràm U Minh

Tổ ong ở rừng tràm U Minh

Nhạc sĩ Vũ Hoàng có bài hát Hương Tràm với đoạn mở đầu “U minh bốn bề là tràm, chẳng biết tháng nào nở hoa, mà hương thơm dường như suốt mùa…”. Lời bài hát đã khái quát lên hết những đặc trưng của Vườn quốc gia U Minh Hạ. Trong môi trường thường xuyên ngập nước, loại cây thích hợp hơn cả với vùng đất này chính là tràm. Loại cây cho tinh dầu này ra hoa gần như quanh năm là môi trường rất lý tưởng cho loài ong làm tổ và hút mật.

Ngày nay, với sự khai thác triệt để qua bao năm tháng của người dân thì các tổ ong tự nhiên dường như không còn nhiều nữa, cho nên người dân mới nảy sinh ra nghề “gác kèo ong”. Có một điều hay của nghề khai thác mật ong Rừng ram U Minh là tuy có sự can thiệp của con người nhưng mật ong vẫn hoàn toàn tự nhiên. Vì công việc đơn giản của người dân là vô trong rừng, với kinh nghiệm tinh tường thì họ xem hướng gió, kết hợp với sự hiểu biết về tập quán di chuyển, thói quen làm tổ của loài ong mà chọn một ví trí thích hợp. Sau đó chặt 3 khúc cây, 2 cây làm cọc cắm xuống đất và 1 cây gác ngang – thế là ra kèo ong – nơi thuận lợi để ong làm tổ và sản sinh ra mật. Đến mùa khô, người dân chỉ việc lần theo chỉ dấu đến các kèo ong đã làm, dùng đuốc con cúi xông khói để dụ đàn ong bay ra khỏi tổ rồi cắt tổ ong về và lấy mật.

Chính vì cách khai thác tận dụng triệt để vào thiên nhiên và bản năng của loại ong mà mật ong Rừng ram U Minh rất có chất lượng, có mùi thơm đặc trưng của hoa ram, màu vàng sánh, ngọt thanh. Giá bán lẻ trên thị trường hiện nay cao hơn so với mật ong nuôi, khoảng tầm 500.000đ – 1.000.000đ/lít.

Rượu trái giác Cà Mau

Rượu trái giác Cà Mau

Giống như tính cách của con người, rừng tràm ở U Minh Hạ Cà Mau cũng rất phóng khoáng khi sản sinh ra nhiều sản vật hữu ích. Nếu như mật ong và các sản phẩm liên quan đã quá nổi tiếng, thì trong những năm gần đây địa phương này còn có loại rất hấp dẫn để mua về làm quà đó là Rượu trái giác.

Trái giác chính là trái nho rừng. Với bọn trẻ con và chị em phụ nữ nơi Đất Mũi đã quá quen thuộc với trái giác sống có màu xanh. Chúng chính là nguyên liệu để tạo vị chua thanh cho nồi canh chua cá ngát thơm lừng. Còn trái giác chín để ngâm ủ làm rượu là một sáng tạo độc đáo của người dân Cà Mau. Trái giác khi đã chín có màu đen thẩm và vị rất ngọt, người dân hái về rửa sạch và làm rượu hoặc làm mật bằng phương pháp lên men. Nếu như làm mật giác thì chỉ cần trộn với đường cát trắng, còn làm rượu giác thì có cho thêm vào rượu gạo loại nguyên chất để tăng độ cồn. Hỗn hợp này đem cho vào lu rồi ngâm ủ một thời gian sẽ cho ra thành phẩm. Cách làm này giống như cách bà con Ninh Thuận làm rượu nho hay Phú Quốc làm rượu sim. Loại thức uống thơm ngon và bổ dưỡng này rất tốt cho sức khỏe. Ngoài việc sử dụng để giải khát thì rượu trái giác hoặc mật trái giác còn có tác dụng rất hay để chữa các chứng uể oải, đau lưng, nhức mỏi tay chân rất hữu hiệu.

Với chỉ khoảng 250.000đ – 300.000đ cho một lít là du khách đã có được món đặc sản Cà Mau đem về làm quà rất có ý nghĩa này rồi.

Địa chỉ mua đặc sản Cà Mau làm quà uy tín

Để mua đặc sản Cà Mau đem về làm quà cho gia đình và người thân thì du khách có thể chọn mua ở các địa điểm uy tín như sau:

  • Chợ Nông Sản Thực Phẩm. Địa chỉ: Đường Phan Bội Châu, Phường 7, Tp. Cà Mau.
  • Vựa khô Thanh Chinh. Địa chỉ: 33 Phan Bội Châu, Phường 7, Tp. Cà Mau.
  • Phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc sản Cà Mau. Địa chỉ: 290 Trần Hưng Đạo, Phường 5, Tp. Cà Mau.
  • Cửa hàng đặc sản Món Ngon Quê Hương. Địa chỉ: 106 Nguyễn Du, Phường 5, Tp. Cà Mau.
  • Hải Lý Shop. Địa chỉ: 85 Lý Văn Lâm, Khóm 6, Tp. Cà Mau.
  • Nhà hàng Hương Đất Mũi gần Công viên VH Đất Mũi Cà Mau.
  • Điểm dừng chân Tư Tỵ, Xã Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển.
  • KDL Cộng Đồng Nguyễn Văn Nhuần ở Đất Mũi.
  • Khu du lịch sinh thái Mười Ngọt ở huyện Trần Văn Thời.

Mua đặc sản Cà Mau làm quà cần lưu ý gì?

Nếu du khách từ xa tới Cà Mau, nhất là ở khu vực miền Bắc, miền Trung, Hà Nội, Đà Nẵng…vì đi bằng phương tiện máy bay nên khi mua đặc sản Cà Mau làm quà nên lưu ý các vấn đề sau:

  • Với các đặc sản Cà Mau có mùi như tôm khô Rạch Gốc, khô cá thòi lòi…cần đóng gói và hút chân không. Nếu là thực phẩm dạng sống như các loại cá, cua Cà Mau cần đóng thùng xốp để giữ độ tươi và không bị chảy nước.
  • Ngày nay, với sự phát triển của các kênh phân phối và sự thuận tiện của giao thông thì đặc sản Cà Mau được đem đi bày bán ở nhiều nơi như TP.HCM và Hà Nội. Ngoài ra, du khách có thể đặt hàng để các cơ sở bán sẽ gửi hàng đến tận tay du khách.

Với nhiều du khách, có những vùng đất dù chưa đến cũng đã gây xúc động, một khi đã chạm đến rồi thì lưu luyến không muốn chia tay, trường hợp này có thể đúng với Cà Mau. Ở một vị trí tận cùng xa xôi của Tổ quốc, hãy đến một lần để cảm nhận cái hồn thiêng đất nước, khi ra về đừng quên mang theo những đặc sản thơm ngon làm quà, như là một sự nhắn gửi của những con người đôn hậu mến khách nơi cuối trời, giống lời một bài hát của nhạc sĩ Thanh Sơn:

“Để chúng mình giả từ cùng nhauLưu luyến bao ân tình khung trời Cà Mau”.

Hi vọng những gợi ý trên sẽ giúp du khách có thể lựa chọn những món quà thú vị và ý nghĩa để dành tặng cho người thân và bạn bè cho chuyến du lịch của mình tại Cà Mau. Tuy nhiên, để lựa chọn những món quà tốt du khách hãy tới các địa chỉ uy tín, chất lượng và có mức giá niêm yết rõ ràng để có những trải nghiệm thú vị ở nơi đây.

Liên hệ tư vấn & đặt tour miền Tây Hotline: 0902 43 1177

Từ khóa » Trái Cây đặc Sản Cà Mau