Đặc Trưng Của Xã Hội Chủ Nghĩa Trong Cương Lĩnh - Tư Liệu - Văn Kiện

1. Chủ nghĩa xã hội theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin là giai đoạn đầu của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Chủ nghĩa xã hội tiến bộ, ưu việt hơn tất cả các xã hội trước đó về các đặc trưng kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội nhằm giải phóng con người khỏi mọi tình trạng áp bức, bóc lột, bất công. Để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, những người cộng sản phải hình dung, phác thảo ra được những đường nét cơ bản nhất của mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa (mà chúng ta gọi đó là những ''đặc trưng''). Nếu không phác thảo được mô hình, những đường nét cơ bản thì rất khó xác định mục tiêu phấn đấu, định hướng để xây dựng chủ nghĩa xã hội và biến chúng thành hiện thực trong cuộc sống. Hơn nữa, những đặc trưng thể hiện mô hình đó phải phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử xã hội loài người, phản ánh được nét đặc sắc của truyền thống dân tộc và xu thế phát triển của thời đại. Đây là đòi hỏi tất yếu nhưng cũng rất khó khăn đối với các Đảng cộng sản trong quá trình lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là trong bối cảnh tình hình hiện nay, khi mà chủ nghĩa xã hội trên thế giới vẫn đang còn trong tình trạng thoái trào.

Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin đã có những dự báo về những đặc trưng của xã hội chủ nghĩa xã hội dựa trên thực tiễn đương thời. Tuy không coi đó là mô hình bất biến, song các ông đã hình dung và phác thảo về chủ nghĩa xã hội - một chế độ xã hội ưu việt và tiến bộ hơn so với các chế độ xã hội trước đó, thể hiện trên một số nét cơ bản như sau:

(1) Mục tiêu cao nhất của chủ nghĩa xã hội là giải phóng con người khỏi mọi ách bóc lột về kinh tế và nô dịch về tinh thần, tạo điều kiện cho con người phát triền toàn diện.

(2) Cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội được tạo ra bởi lực lượng sản xuất tiên tiến, hiện đại;

(3) Chủ nghĩa xã hội là từng bước xóa bỏ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa, thiết lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất (chủ yếu);

(4) Chủ nghĩa xã hội tạo ra cách tổ chức lao động và kỷ luật lao động mới với năng suất cao;

(5) Chủ nghĩa xã hội thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động;

(6) Chủ nghĩa xã hội là một xã hội dân chủ, dân chủ gấp nhiều lần dân chủ tư sản;

(7) Nhà nước trong chủ nghĩa xã hội là nhà nước dân chủ kiểu mới, thể hiện bản chất giai cấp công nhân, đại biểu cho lợi ích, quyền lực và ý chí của nhân dân lao động;

(8) Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, các quan hệ giai cấp - dân tộc - quốc tế được giải quyết phù hợp, kết hợp lợi ích giai cấp - dân tộc với chủ nghĩa quốc tế trong sáng.

Trên cơ sở nhận thức về thời đại, nhận thức về dân tộc và sức mạnh dân tộc từ thực tiễn của công cuộc đổi mới đất nước dựa trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Đảng ta ngày càng rõ hơn. Trong quá trình đổi mới nhận thức về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng ta nhận thấy việc xác định đúng mô hình chủ nghĩa xã hội là yếu tố có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Bởi đó là cơ sở, là định hướng để Đảng và Nhà nước ta hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luật nhằm hiện thực hoá mục tiêu chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991) của Đảng, mô hình chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta xây dựng đã được phác hoạ với 6 đặc trưng. Đại hội lần thứ X (năm 2006) của Đảng đã bổ sung, phát triển làm cho mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam toàn diện hơn, gồm 8 đặc trưng. Trong Cương lĩnh 2011 (bổ sung, phát triển năm 2011) Đảng ta tiếp tục xác định 8 đặc trưng trên cơ sở kết hợp, bổ sung, phát triển những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội trong hai văn kiện nói trên.

Các đặc trưng của chủ nghĩa xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng trong Cương lĩnh 2011 là thành quả của 25 năm đổi mới, trước hết là thành quả của đổi mới nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong điều kiện hiện nay. Đó cũng là thành quả của sự kết hợp hài hòa giữa ''cái phổ biến” và ''cái đặc thù”, cái chung và cái riêng để tạo nên một mô hình: Chủ nghĩa xã hội Việt Nam.

2. Về đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa ở nước ta, Cương lĩnh 2011 đã khẳng định: “Xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ, có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới''(1)

Trong 8 đặc trưng nêu trên, so với Cương lĩnh 1991, có những sự bổ sung, phát triển quan trọng sau đây:

Có 2 đặc trưng bổ sung mới là:

Đặc trưng thứ nhất “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây vừa là đặc trưng tổng quát, đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Chủ nghĩa xã hội phải làm cho dân giàu, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Nghèo đói không phải là chủ nghĩa xã hội. Dân giàu là giàu cả đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần. Dân giàu nhưng phải làm cho nước mạnh, dân có giàu nước mới mạnh, phải nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia. Dân giàu nhưng phải đảm bảo công bằng xã hội, đây là thể hiện tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội. Lần này trong Cương lĩnh 2011, khi diễn đạt đặc trưng thứ nhất có sự thay đổi về trật tự từ so với diễn đạt trong Văn kiện Đại hội X của Đảng: Cụm từ ''dân chủ'' được đưa lên trước cụm từ ''công bằng''. Sự thay đổi này không phải ngẫu nhiên và không đơn thuần là sắp xếp lại thứ tự mà phản ánh sự nhận thức ngày càng sâu sắc hơn của Đảng ta đối với mục tiêu dân chủ. Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, là nguồn lực phát triển đất nước. Dân chủ, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tức dân là chủ, dân làm chủ, dân là gốc, dân chủ là chìa khóa vạn năng. Do đó dân chủ phải được đặt ở một vị trí tương xứng với tầm vóc, giá trị của nó trong Cương lĩnh 2011 và khi đề cao dân chủ, chúng ta không hề coi nhẹ kỷ luật, kỷ cương phép nước là cái hiện nay chúng ta còn nhiều yếu kém. Càng coi trọng dân chủ càng phải coi trọng kỷ luật, pháp luật, kỷ cương phép nước trong quản lý đời sống xã hội. Cả dân chủ và cả kỷ luật đều là những mặt chúng ta còn nhiều hạn chế, cần phải phấn đấu nâng cao.

Đặc trưng mới thứ hai là ''có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo''.Đặc trưng này là kế thừa của Văn kiện Đại hội X của Đảng, phản ánh đường lối xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế của thời đại. Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội, song Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, để tránh hiểu lầm hoặc sự xuyên tạc của một số người khi cho rằng ''dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản'' nghĩa là Đảng ta đứng trên Nhà nước và pháp luật, nêu trong Cương lĩnh 2011 đã thay từ “dưới'' sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản bằng từ ''do'' Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Trong nhiều đặc trưng còn lại của Cương lĩnh 2011, đều có sự bổ sung, phát triển cho phù hợp với thực tiễn và nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội. Ngay cả ở đặc trưng về văn hóa ''có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc'' tuy không có sự thay đổi gì về câu chữ so với Cương lĩnh 1991 và Văn kiện Đại hội X song vẫn chứa đụng những nhận thức mới sâu sắc hơn của Đảng ta về nội hàm khái niệm ''nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, về vai trò của văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, về quan hệ giữa kinh tế và văn hóa...

Kế thừa Văn kiện Đại hội X, trong Cương lĩnh 2011 Đảng ta khẳng định lại đặc trưng ''do nhân dân làm chủ'' (bỏ cụm từ ''lao động'' trong Cương lĩnh năm 1991). Sự khẳng định đó nhằm phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; mỗi người dân Việt Nam đều là người chủ đất nước, có trách nhiệm xây dựng đất nước, dù mình sống trong hay ngoài nước.

Về đặc trưng kinh tế của chủ nghĩa xã hội, kế thừa Văn kiện Đại hội X (năm 2006), Cương lĩnh xác định: “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp'' (thêm từ ''tiến bộ'' so với Văn kiện Đại hội X và không có cụm từ ''chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu” như trong Cương lĩnh 1991). Trong đặc trưng về kinh tế của chủ nghĩa xã hội, nếu đặc trưng về lực lượng sản xuất ý kiến khá thống nhất thì đặc trưng về quan hệ sản xuất vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau cần phải tiếp tục đi sâu nghiên cứu. Tuy nhiên, ở đây có thể hiểu quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp là quan hệ sản xuất được xét trong chỉnh thể trên cả ba mặt: quan hệ sở hữu, quan hệ quản lý và quan hệ phân phối và sự phù hợp không chỉ với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất mà còn phù hợp với chế độ xã hội, với từng điều kiện lịch sử - cụ thể, với đặc thù dân tộc... Quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp ở nước ta chính là quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa (trong chủ nghĩa xã hội). Đến khi chúng ta xây dựng xong chủ nghĩa xã hội, quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp đó phải dựa trên chế độ công hữu về các tư liệu chủ yếu.

Trong đặc trưng về con người, trên cơ sở kế thừa Cương lĩnh 1991, song tách đặc trưng về phân phối ra, Cương lĩnh 2011 xác định ''con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Muốn có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, tất yếu phải giải phóng con người khỏi áp bức bóc lột, bất công, coi sự phát triển con người là mục tiêu cao nhất của chủ nghĩa xã hội. Tất cả vì con người và do con người. Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển.

Trong đặc trưng về quan hệ dân tộc, Cương lĩnh 2011 khẳng định: “Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”. Việc bổ sung cụm từ “tôn trọng” so với Cương lĩnh 1991 là rất có ý nghĩa bởi vì tôn trọng là một trong những nguyên tắc cơ bản để giải quyết vấn đề dân tộc trong một quốc gia đa dân tộc như Việt Nam, nhất là sự tôn trọng của dân tộc đa số đối với các dân tộc thiểu số. Không tôn trọng thì không thể có bình đẳng, đoàn kết thực sự giữa các dân tộc.

Cuối cùng, đặc trưng về hợp tác quốc tế, trên cơ sở kế thừa Cương lĩnh 1991, song xác định có quan hệ hữu nghị và hợp tác không chỉ với nhân dân mà với cả các nhà nước, các Đảng Cộng sản và công nhân, các phong trào xã hội tiến bộ, các đảng cánh tả, đảng cầm quyền và các đảng khác... nên Cương lĩnh 2011 khẳng định: ''Có quan hệ hữu nghĩa và hợp tác với các nước trên thế giới”. Đặc trưng này phản ánh xu thế lớn của tình hình thế giới là hoà bình, hợp tác và phát triển, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, và cũng là nguyện vọng chân thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Chúng ta thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Các đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa được nêu ra trên đây trong Cương lĩnh 2011 là những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng xong, tức khi đã kết thúc thời kỳ quá độ (mặc dù có một số đặc trưng đã được thể hiện ra với nhĩmg mức độ khác nhau ngay trong thời kỳ quá độ).

Mặt khác, nhận thức về các đặc trưng của chủ nghĩa xã hội mà chúng ta nêu ra trong Cương lĩnh 2011 không phải là khép kín, chết cứng, mà là một hệ thống mở bởi vì nhận thức là một quá trình. Chúng ta tin rằng, với quá trình phát triển của thực tiễn đổi mới và của nhận thức, Đảng ta chắc chăn sẽ có những nhận thức mới tiếp tục bổ sung, phát triển, hoàn thiện đặc trưng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Các đặc trưng của chủ nghĩa xã hội nêu trong Cương lĩnh 2011 là một hệ thống chỉnh thể bao quát các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, chúng có quan hệ biện chứng với nhau, tác động lẫn nhau - thể hiện các mối quan hệ hợp quy luật giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, giữa kinh tế và chính trị, kinh tế và văn hoá - xã hội, kinh tế và quốc phòng - an ninh - đối ngoại, giữa nội lực và ngoại lực, giữa mục đích và phương tiện... trong đó mục tiêu cao nhất của chủ nghĩa xã hội là giải phóng con người ra khỏi mọi áp bức, bóc lột, bất công, con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện, thể hiện phẩm giá của mình. Đó là giá trị cao cả, nhân văn, nhân đạo của chủ nghĩa xã hội, theo đúng tư tưởng của C.Mác và Hồ Chí Minh.

3. Các đặc trưng của xã hội chủ nghĩa nêu trong Cương lĩnh vừa thể hiện tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đang xây dựng, vừa là mục tiêu phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Các đặc trưng này của chủ nghĩa xã hội không phải bỗng nhiên mà có, không phải từ trên trời rơi xuống mà là kết quả của quá trình phấn đấu gian khổ, lâu dài của toàn Đảng, toàn dân ta để xây dựng nó. Các đặc trưng của chủ nghĩa xã hội có quá trình hình thành, vận động, phát triển, ngày càng chín muồi tùy thuộc vào các điều kiện khách quan và sự nỗ lực của nhân tố chủ quan. Đó cũng là quá trình vừa định hướng và từng bước định hình trong hiện thực. Vì vậy cần phải xem xét chủ nghĩa xã hội và các đặc trưng của chủ nghĩa xã hội bằng quan điểm động, nó có quá trình sinh thành, phát triển theo quy luật khách quan.

Để thực hiện các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, điều có ý nghĩa quyết định trước tiên trong điều kiện hiện nay là phải kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, tức phải “nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội'' - bài học lớn số một mà Đảng ta đã rút ra trong Cương lĩnh 2011 qua hơn 80 năm lãnh đạo Cách mạng. Gắn kết độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt Cách mạng Việt Nam. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở đảm bảo vững chắc cho độc lập dân tộc, Cương lĩnh 2011 đã khẳng định: ''Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử''(2) Hiện tại, tuy chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Vì vậy, đúng như Cương lĩnh 2011 khẳng định: ''Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định tiến tới chủ nghĩa xã hội''(3). Sự lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa của Đảng và nhân dân ta cũng chính là sự lựa chọn của lịch sử để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Vì vậy cần tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân ta, nhất là cho thế hệ trẻ về lý tưởng, mục tiêu xã hội chủ nghĩa, nâng cao giác ngộ chính trị, tích cực đấu tranh, phê phán bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận con đường xã hội chủ nghĩa. Trong Cương lĩnh 2011, Đảng ta không chỉ vạch ra các đặc trưng của chủ nghĩa xã hội mà còn chỉ ra con đường để thực hiện những đặc trưng đó với lộ trình, bước đi phù hợp. Chúng ta phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, để đến giữa thế kỷ XXI, xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, và đến khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, chúng ta phải nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, ý chí tự lực tự cường, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, quán triệt và thực hiện tốt các phương hướng cơ bản đã nêu trong Cương lĩnh 2011 là:

- Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường.

- Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

- Bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

- Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

- Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất.

- Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

- Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Trong Cương lĩnh 2011, một nội dung rất mới mà Đảng yêu cầu phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết là các mối quan hệ lớn, mang tính chất biện chứng của đời sống xã hội, cấu thành nên nội dung của công cuộc đổi mới. Đó là: Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa, giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ(4). Khắc phục lối tư duy phiến diện, cực đoan, duy chí.

Để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ hơn lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, tiếp tục nghiên cứu làm rõ những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội cũng như những phương hướng cơ bản và những mối quan hệ lớn, lý giải những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình đổi mới, khắc phục những mặt lạc hậu, yếu kém của công tác lý luận, phục vụ tốt cho sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước ta trong bối cảnh phức tạp, đầy biến động của tình hình thế giới với nhiều thời cơ và thách thức to lớn./.

___________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.70.

2. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI: Sđd, tr. 70.

3. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI: Sđd, tr. 70.

4. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI: Sđd, tr. 73.

Từ khóa » Có Mấy đặc Trưng Cnxh