Đặc Trưng Văn Hóa ẩm Thực Nhật Bản
Có thể bạn quan tâm
Bắt nguồn từ môi trường tự nhiên
Nhật Bản là một hòn đảo dài - khoảng 3500 km từ Tây Bắc tới Đông Nam, án ngữ trên biển Thái Bình Dương, phía Đông của khối Đông Á. Bao quanh là vùng biển được kết hợp bởi hai dòng chảy nóng và lạnh, đem lại nguồn cá phong phú và đa dạng. Những cơn gió mùa ẩm chính là đặc trưng của khí hậu Nhật Bản, ngoại trừ khu vực phía Bắc với khí hậu ôn hòa và các đảo phía Nam với khí hậu cận nhiệt đới.
Kết quả là, có thể nhận thấy sự thay đổi khác biệt rõ rệt trong bốn mùa, điều này chính là một yếu tố quan trọng tạo nên đặc trưng của văn hóa ẩm thực Nhật Bản.
Ở Nhật Bản có hai mùa mưa, một vào tháng 6 (Tsuyu: “ mùa mưa”) và một vào tháng 11 (Akisame: mưa thu). Những cơn mưa rào hàng năm trung bình khoảng 2000 mm, đem lại nguồn nước dồi dào. Nước cung cấp nguồn lợi cho nông nghiệp Nhật Bản, giúp việc trồng lúa, các loại rau và quả. Nhờ những lợi ích phong phú từ nước, việc sử dụng nguồn nước rộng rãi là một tính chất trong ẩm thực Nhật Bản.
Khoảng 70% diện tích đất của Nhật là núi với rất ít đồng bằng. Các ngọn núi được bao phủ bởi rừng sâu.
Tín ngưỡng của người Nhật ngăn cấm việc giết hại động vật, điều này đã khiến việc nuôi và giết gia súc như cừu, lợn làm thực phẩm không phổ biến cho tới giữa thế kỷ 19. Tuy nhiên, sau khi đất nước này mở cửa vào năm 1854, các món thịt và các sản phẩm từ bơ sữa đã được chấp nhận và dần trở thành phổ biến. Sukiyaki và Shabu - shabu là những món ăn được tạo ra sau này, và là món ăn khác biệt của người Nhật, cùng với việc sản xuất thịt chất lượng cao Wagyu ( thịt bò Nhật Bản ) đã phát triển.
Vì vậy, văn hóa ẩm thực có thêm món thịt đã tồn tại từ thời Meiji (1868 - ), nhưng văn hóa ẩm thực Nhật Bản truyền thống cơ bản gồm cơm, cá và rau, những thứ được coi như quà tặng của thiên nhiên.
Nguyên liệu sống
Đặc trưng nguyên thủy của văn hóa ẩm thực Nhật là thưởng thức hương vị của thức ăn sống, mà không sử dụng nước sốt mùi vị mạnh. Ví dụ điển hình là Sashimi (các lát cá sống) và sushi (cơm trộn giấm phủ cá sống). Sashimi được chuẩn bị khá đơn giản bằng việc cắt cá tươi. Bằng nhiều phương pháp có thể kiếm tra độ tươi của thực phẩm, và việc vệ sinh thực phẩm được thực hiện một cách cẩn thận. Các phương pháp cắt cũng được phát triển một cách đặc biệt nhằm giữ lại mùi vị tuyệt hảo của thực phẩm.
Dao được sử dụng để cắt sashimi là một con dao dài được làm xiên một cạnh. Độ sắc của cạnh dao và phương pháp lát cắt cùng với việc đẩy dao trên cá sẽ không làm hỏng các mô, giữ lại umami (hương vị) của cá. Itamae (các đầu bếp ẩm thực Nhật) tạo ra kỹ thuật trông tưởng chừng như rất dễ dàng nhưng lại yêu cầu sự luyện tập kỹ lưỡng. Sushi cũng tương tự, giữ lại các mô mỏng trên từng lát cá, vì thế mùi vị của nó khi kết hợp với cơm sushi đã được đánh giá cao.
Shoyu (tương đậu nành) làm tăng hương vị của cá sống. Shoyu được làm từ đậu nành lên men trong thời gian dài. Để thưởng thức vị tươi của các thực phẩm theo mùa, thời gian nấu ăn của người Nhật dành cho món nướng rất ngắn. Trái lại, shoyu và miso (đậu tương lên men) yêu cầu thời gian lên men lâu, từ 3 tháng tới hơn 1 năm để cho chín.
Umami (hương vị) là một vị đặc trưng trong món ăn Nhật. Cảm thụ ban đầu về cảm giác ngọt, chua, mặn, đắng đã được biết đến từ lâu (vị nóng của gia vị được cảm nhận bởi cảm biến đau, vì thế nó không được xem như là hương vị được xác định trong khoa học).
Cảm thụ unami được phát hiện và xác nhận bởi các nhà nghiên cứu Nhật Bản. Thành phần chính của umami là axit glutamic, axit inosinic và axit guanyl, các axit này phổ biến có trong tảo biển (kombu), thịt cá ngừ khô (katsuo) và nấm khô (shiitake). Umami từ cá ngừ, tảo biển là những thức chủ yếu trong ẩm thực Nhật, và được dùng dưới nhiều dạng như súp, rau phơi khô, sushi,…
Việc trình bày các món ăn cũng là một yếu tố quan trọng của ẩm thực Nhật Bản. Các món ăn màu sắc được trình bày theo kiểu truyền thống rất đẹp mắt, kích thích ngon miệng. Đĩa và bát được bày biện rất cẩn thận, hấp dẫn thị giác kết hợp với nội dung về cảm giác mùa. Người Nhật cũng nổi tiếng với những loại đĩa và bát phong phú về kích cỡ và khác biệt trong cách thiết kế.
Cơm và canh miso
Bữa ăn điển hình của người Nhật về cơ bản dựa trên 4 thành phần: cơm, canh miso, các món chính và đồ muối. Cơm là thành phần cố định và là trung tâm của văn hóa ẩm thực Nhật Bản. Cơm của người Nhật nấu từ loại gạo dính Japonica; khi được nấu, nó có vị ngọt dịu đặc trưng. Nó chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng cần thiết, vì thế chỉ cần thêm vào một lượng phù hợp protein từ động vật và chất béo là đã tạo ra một khẩu phần ăn đầy đủ. Canh thường được ăn nhấm nháp chậm rãi trong suốt bữa ăn. Canh Miso được chế biến bằng cách làm tan miso trong dashi –jiru ( một loại canh nhiều umami). Một lượng nhỏ tảo biển hoặc các loại rau theo mùa được cho thêm vào; tôm và trai cũng được sử dụng. Cơm và canh được đựng trong bát trình bày theo dạng một cặp cơ bản.
Bên cạnh món phụ là một bát chính là cơm. Ba món phụ được chuẩn bị tại nhà là: cá, rau và đồ muối. Những thay đổi xã hội đã khiến số lượng món phụ tăng lên, và việc dùng cơm giảm đi, vì thế sự khác biệt giữa món chính và món phụ trở nên không rõ ràng. Đồ muối của người Nhật là rau được lên men, và có các loại khác nhau như rau củ giầm cám, rau củ giầm muối, và hoa quả giầm sakekasu (cặn rượu Nhật Bản). Trong lượng phù hợp được sử dụng với các loại rau trong suốt quá trình lên men, làm giảm lượng nước chứa trong rau củ và tăng umami và hương vị của chúng.
Ko-no-mono thích hợp dùng trong món rau củ giầm để đem lại hương vị ngon, nó làm sạch miệng và kích thích ăn ngon.
Thành phần đặc trưng của cơm (thành phần cố định) cùng với ichi – ju – sansai (canh miso và ba đĩa phụ) là dạng cơ bản của ẩm thực gia đình truyền thống.
Đặc trưng ẩm thực Nhật Bản trong cách ăn
Đặc trưng về cách ăn uống của người Nhật Bản là việc ăn luân phiên giữa cơm, canh và các món phụ. Đây là cách ăn uống thường ngày tại gia đình. Còn tại các nhà hàng Nhật, món ăn được phục vụ hết món này tới món khác dưới dạng kaiseki, với cơm và canh miso thường được mang cuối cùng, làm cho việc ăn uống giống với ẩm thực phương Tây.
Hashi (đũa) là dụng cụ dùng để ăn. Điều quan trọng bắt buộc đối với người Nhật là sự sạch sẽ, vì thế đũa có thể được bỏ đi trong một số quán ăn. Đũa cá nhân dùng tại nhà trông rất đẹp, được làm từ gỗ và được sơn nước bóng. Đũa của người Nhật ngắn và mỏng hơn so với đũa của người Trung Quốc. Một số loại đũa của người Hàn Quốc được làm từ kim loại, nhưng đũa của người Nhật thì thường được làm từ gỗ hoặc tre hoặc nhựa. Đũa rất tiện lợi để gắp những miếng nhỏ và tách các miếng lớn thành những miếng nhỏ. Món ăn Nhật Bản được làm để dùng cho đũa, vì thế các món ăn chính được cắt thành những miếng nhỏ trước khi đem ra phục vụ, hoặc được nướng cho đến khi mềm giúp chúng có thể được cắt bằng đũa.
Thìa không được sử dụng thường xuyên trong ẩm thực Nhật Bản, vì thế canh miso thường được húp trực tiếp qua cạnh bát. Canh rất nóng, vì thế mà người Nhật cẩn thận nhấm nháp từng ít một. Cách cầm bát bằng 1 tay và uống trực tiếp là phép xã giao ở Nhật Bản.
Người Nhật xem việc chia sẻ bữa ăn là một phần quan trọng thể hiện lòng mến khách. Trong trường hợp này, không chỉ mùi vị của món ăn mà còn cả việc trình bày và sáng tạo trên đĩa và bát để làm tăng vẻ đẹp của các mùa là điều quan trọng. Việc chọn lựa các đồ ăn phù hợp với loại đĩa có thể làm tăng cảm nhận về buổi lễ hoặc về nỗi buồn. Việc trang trí phòng với cách cắm hóa và sơn được lựa chọn phù hợp với không khí của bữa ăn, nó cũng rất quan trọng giúp cho việc chia sẻ bữa ăn với khách. Tất cả điều này cho thấy cách ăn uống đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Nhật Bản.
Để bày tỏ lòng biết ơn đối với chủ nhà, một vị khách sẽ nói “ ita – daki – masu” trước khi ăn, và “ gochi – so – sama” sau khi kết thúc bữa ăn; đây là những phép tắc cơ bản thậm trí khi ở nhà, bao gồm cả lời cám ơn không chỉ với mọi người mà còn với thiên nhiên vì đã ban tặng bữa ăn.
Kết luận
Ẩm thực Nhật Bản cân bằng dinh dưỡng và rất tốt cho sức khỏe, điều này giải thích cho tuổi thọ cao của người Nhật Bản. Cũng là một thức ăn tốt cho sức khỏe, trà xanh và bánh Nhật Bản là những món đáng chú ý. Trà xanh chứa chất chống oxi hóa như catechin; bánh ngọt của người Nhật không chứa bơ và kem, vì thế khẩu phần ăn của họ rất ít calo. Chúng được phục vụ sau bữa ăn chính của người Nhật. Rượu sake của người Nhật (rượu gạo Nhật Bản) cũng là một món rượu khai vị ngon và kích thích hưng phấn trong khi ăn.
Kiến thức và ích lợi của ẩm thực Nhật Bản được biết đến trên khắp thế giới. Số lượng nhà hàng Nhật Bản trên thế giới tăng lên nhan chóng, bởi ẩm thực Nhật Bản không chỉ tốt cho sức khỏe và mùi vị thơm ngon, mà còn bởi phương thức giao tiếp đặc biệt giữa chủ và khách. Tuy nhiên, giới trẻ Nhật Bản ngày nay có thói quen ăn uống xấu do ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa, như là thừa các thực phẩm năng lượng cao với mức cân bằng dinh dưỡng thấp.
Chính phủ Nhật Bản đã thông qua Luật cơ bản Giáo dục ẩm thực (Shoku-iku) vào năm 2005 để duy trì thói quen ăn uống theo văn hóa truyền thống. Rất nhiều Tổ chức phi chính phủ đang cộng tác trong việc giáo dục giới trẻ lựa chọn thực phẩm một cách thông minh.
Các vấn đề rộng khắp thế giới như là biến đổi môi trường, thiếu năng lượng và nguồn nước, bệnh béo phì tăng…đang gia tăng nghiêm trọng trong những năm gần đây. Sự quảng bá toàn cầu về chế độ ăn ít calo, tốt cho sức khỏe với ẩm thực Nhật Bản, có thể góp phần giải quyết những vấn đề này.
Dịch: Ngọc Anh
Nguồn: Isao Kumakura, Characteristic of eating culture in Japan
http://www8.cao.go.jp/syokuiku/data/eng_pamph/pdf/pamph5.pdf
Từ khóa » Tiểu Luận Văn Hóa ẩm Thực Nhật Bản
-
Tiểu Luận ẩm Thực Nhật Bản - 123doc
-
Tiểu Luận Văn Hóa ẩm Thực Nhật Bản - 123doc
-
Văn Hóa ẩm Thực Nhật Bản
-
Thuyết Trình Về Văn Hóa ẩm Thực Nhật Bản - ViecLamVui
-
Tiểu Luận Văn Hóa ẩm Thực Nhật Bản - Trần Gia Hưng
-
Tinh Túy Trong Văn Hóa ẩm Thực Nhật Bản Trang 1 Tải Miễn Phí Từ ...
-
Âm Thực Nhật Bản.pdf (.docx) | Tải Miễn Phí
-
Tiểu Luận Giao Tiếp Đa Văn Hóa - Chủ đề Đất Nước Nhật Bản
-
Tham Khảo Bài Tiểu Luận Văn Hóa ẩm Thực Việt Nam Hay Nhất
-
Văn Hoá ẩm Thực Nhật Bản Trang 1 Tải Miễn Phí Từ Tailieunhanh
-
Văn Hoá ẩm Thực Nhật Bản - TaiLieu.VN
-
Tiểu Luận Văn Hóa ẩm Thực Nhật Bản - Cộng Đồng Review
-
Tìm Hiểu Về Mì Ramen Trong ẩm Thực Nhật Bản | Xemtailieu