Đại Biểu Quốc Hội Lo Khó đạt Mục Tiêu Tăng Trưởng GDP 3-3,5% Năm ...

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, kế hoạch năm 2021, tình hình và kế hoạch thực hiện ngân sách nhà nước cũng như công tác phòng chống dịch Covid-19.

THẬN TRỌNG VỚI MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG

Tham gia thảo luận tại hội tường sáng 8/11, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau) cơ bản đồng tình với các báo cáo và kế hoạch triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn về chỉ tiêu tăng trưởng 3-3,5% năm 2021 mà Chính phủ đề ra.

Theo đại biểu, trong năm 2020, cả nước cũng bị đại dịch Covid-19 tấn công nhưng với cường độ không mạnh như hiện nay. Vậy nhưng năm ngoái tăng trưởng GDP chỉ đạt tăng trưởng 2,91%.

“Năm nay tôi e rất khó. Ba tháng cuối năm phải nỗ lực rất cao với GDP phải đạt 8,6% may ra mới đạt tốc độ tăng trưởng 3,5% cả năm. Đây là mục tiêu mà tôi cho rằng Chính phủ phải đánh giá thận trọng”, đại biểu Lê Thanh Vân nêu quan điểm.

Về mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% trong năm 2022, đại biểu đoàn Cà Mau cũng kiến nghị Chính phủ đánh giá thận trọng hơn bởi nền kinh tế phải có giai đoạn phục hồi ít nhất tới tháng 6/2022 trước khi có thể phát triển.

Đi vào phân tích các nhiệm vụ và giải pháp mà Chính phủ đề ra cho tời gian tới, đại biểu đoàn Cà Mau cho rằng các nên tách riêng nhiệm vụ và giải pháp riêng, đồng thời kiến nghị một số giải pháp trọng tâm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trước hết là sắp xếp trật tự ưu tiên theo hướng ưu tiên củng cố và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó nâng cao chất lượng nhân lục cấp cao trong quản lý các cấp, tiếp đó là tập trung rà soát và sửa đổi thể chế.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và sản xuất, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng cần ứng dụng công nghệ mới vào quá trình quản lý để tiết giảm bộ máy và nhân lực, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Ngoài ra, đại biểu cũng kiến nghị cơ cấu lại nguồn vốn, đặc biệt là vốn đầu tư công theo hướng tập trung vào những công trình trọng điểm và công trình dang dở.

CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA PHẢI LÀ CHỦ ĐẠO, KHÔNG LƠ LÀ CẢI CÁCH THỂ CHẾ

Cũng quan tâm tới kế hoạch phục hồi nền kinh tế giai đoạn tới, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng cần cần phải hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, cũng như có giải pháp phi tài chính – tức là có cơ chế về thủ tục đặc thù để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư toàn xã hội.

Phân tích kỹ hơn về chính sách tài khóa và tiền tệ, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết khác với các nước trên thế giới, tại Việt Nam nguồn vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh tại doanh nghệp chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng, do đó hàm chứa nhiều rủi ro.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc tham gia thảo luận.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc tham gia thảo luận.

“Báo cáo của Chính phủ cũng cảnh báo về áp lực lạm phát và nợ xấu đang gia tăng. Do vậy, dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều, cho nên biện pháp "tiếp máu" cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay chỉ có thể là sự cộng hưởng của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Trong đó, chính sách tài khóa phải đóng vai trò chủ đạo”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm.

Đại biểu ủng hộ chủ trương thành lập quỹ hỗ trợ 2-3% lãi suất cũng như tăng gấp 10 lần quỹ hỗ trợ lãi suất theo đề xuất của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, về đầu tư công, đại biểu đoàn Hà Nội bày tỏ lo ngại việc phân bố dàn trải và quyết tâm đẩy nhanh giải ngân bằng mọi giá có thể dẫn tới hệ lụy là dòng vốn đầu tư sẽ chảy vào các dự án kém hiệu quả.

“Tôi đề nghị gói này cần tập trung vào các dự án trọng điểm quốc gia và Quốc hội giám sát chặt chẽ. Phần còn lại bổ sung vào quỹ hỗ trợ lãi suất, để hỗ trợ cho nền kinh tế”, đại biểu Vũ Tiến Lộc kiến nghị.

Cùng với đó, đại biểu đề nghị thúc đẩy hình thức đối tác công – tư trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích.

“Tôi đề nghị các cơ quan nhà nước đừng quá vì an toàn cho mình mà đẩy hết rủi ro khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong phương thức này. Đây chính là chìa khóa để thúc dẩy qan hệ đối tác công tư thơi gian tới, để huy động nguồn lực của toàn xã hội”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Song song với các giải pháp trên, đại biểu Vũ Tiến Lộc kiến nghị tiếp tục rút gọn các thủ tục hành chính, quản trị rủi ro, chuyển sang hậu kiểm, hạn chế thanh kiểm tra, thực hiện chủ yếu trên nền tảng trực tuyến và không ban hành thêm bất kỳ chính sách nào có thể làm phát sinh các thủ tục và chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

“Không một gói hỗ trợ nào có thể bù đắp nổi các thiệt hại to lớn về tính mạng và vật chất tinh thần mà người dân và doanh nghiệp phải gánh chịu thời gian qua. Dù việc thực hiện các gói hỗ trợ tài chính rất cấp bách, tôi vẫn tha thiết đề nghị chúng ta không thể lơ là nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh các cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, để phát huy sức mạnh toàn dân, để nền kinh tế nước ta không 'lỡ nhịp, lỡ thì' với thiên hạ”, đại biểu đoàn Hà Nội kiến nghị.

Theo ông, chính niềm tin vào các cải cách thể chế mạnh mẽ và thực chất, chứ không phải các gói hỗ trợ về tiền bạc sẽ định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam.

Từ khóa » Mục Tiêu Tăng Trưởng Gdp 2021