“Đại Ca” Thông Làm Lục Vân Tiên - Người Đô Thị
57 tuổi, đại ca Thông rời ghế CEO được hai năm, và theo đuổi một sứ mệnh mới của cuộc đời mình, mà tôi gọi vui là làm… Lục Vân Tiên.
Đa sắc màu hội tụ ở ánh sáng trắng
Ghé nhà ông Lê Bá Thông trong một con hẻm ngoằn ngoèo ở đường Trần Bình Trọng, quận 5, Sài Gòn trong một tối cuối tuần. Trong nhà đang có nhà sư Pháp Nguyện, một thị giả thường đồng hành cùng Sư ông Làng Mai nhiều năm qua. Ông Thông đang bàn một chút về buổi lễ ra mắt tập hồi ký của nhà sư này, kể về những bài học sau 15 năm theo chân thiền sư Thích Nhất Hạnh. Không nói cũng biết, ông Thông sẽ là nhà tổ chức, kiêm luôn người dẫn chuyện của chương trình này.
“Làm ở Văn Thánh nhen, chỗ cũ” - câu nhắc này làm tôi nhớ lại lần đầu Sư ông Làng Mai về nói chuyện với doanh nhân, cũng là Lê Bá Thông một tay tổ chức và dẫn chuyện. Lại nhớ cũng chính người đàn ông tài hoa này làm show chữa lành với thiền sư Minh Niệm, mà anh em hay nói vui, là vẫn giữ kỷ lục show bán hết vé nhanh nhất Việt Nam, vỏn vẹn chưa đầy một giờ là bay vèo 2.000 chỗ, dù mỗi người chỉ được mua nhiều nhất 2 vé…
Nhắc chuyện chữa lành cho tâm hồn, lại nhớ kỷ niệm mười mấy năm trước, Lê Bá Thông nghe chuyện các cháu bé mồ côi do cha mẹ bị nhiễm HIV/AIDS qua đời được các linh mục dòng tu Camelo cưu mang ở mái ấm Mai Tâm, Bình Triệu, đã lập tức chạy xuống, và tổ chức một đêm nhạc gây quỹ, mà dư âm của các câu chuyện vẫn còn mãi: bán đấu giá một cây đàn guitar của nhóm doanh nhân hát cho ông chủ xướng, bán một bộ các cây bút của các tổng giám đốc ngân hàng do ông trực tiếp đi xin, bán một chậu mai vàng… Kể lại, ai cũng cười, vì với Lê Bá Thông, việc cần làm là làm, không nề hà chuyện tôn giáo nào, hay có phải là việc của mình hay không.
Ông Lê Bá Thông từng làm trưởng ban tổ chức và dẫn chuyện trong chương trình đầu tiên của thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Việt Nam: “Thở và cười”, diễn ra tại công viên Văn Thánh (TP.HCM) 2008, gặp gỡ 600 doanh nhân hàng đầu Việt Nam bấy giờ.
Nhà sư Pháp Nguyện chắp tay, chậm rãi cúi người chào ra về. Hai con chó sủa hùa ngoài sân, tôi nhìn ra ngoài, vài sợi hoa mận rụng nhẹ, thoảng một chút hương nguyệt quế sau mưa. Ít ai nghĩ, một kiến trúc sư tài hoa, một doanh nhân thành đạt như Lê Bá Thông vẫn ở một căn nhà giản dị theo phong cách… tiểu tư sản Sài Gòn xưa như vậy. Hóa ra, đó là căn nhà hương hỏa cha mẹ ông để lại, cũng là căn nhà duy nhất mà bà Cao Thị Kim Dung vợ ông cảm thấy hạnh phúc nhất khi nấu ăn mỗi ngày và ngủ ngon nhất, dù biệt thự hay bất động sản chắc họ không thiếu.
Ông Thông kể: “Ba tôi là một nhà thơ. Nên mỗi người con sinh ra, ông đều viết nhật ký rất cẩn thận về cách đặt tên, các sự kiện xảy ra lúc nhỏ. Cái tên Bá Thông là gửi gắm rất nhiều tâm nguyện, vì nó gần với chữ trí huệ trong đạo Phật, chữ bá là nhiều, thông là hiểu biết, và hiểu biết nhiều để làm gì đó giúp ích cho đời. Ba đưa tôi đi quy y rất sớm ở chùa, được đặt cho cái tên là Từ Nho, sau gặp ông Thu Giang Nguyễn Duy Cần mới hiểu cái tên này nó vận vào người mình như một quẻ Dịch: đến khi nào buông bỏ hết thế sự, anh mới thực là mình…”.
Và năm 55 tuổi, Lê Bá Thông học theo cách người Ấn Độ ngàn đời trước: buông bỏ thế sự. Ông bàn giao công việc cho các cộng sự trẻ hơn, đăng ký học lớp cử nhân Phật học ở Đại học Vạn Hạnh, và tìm kiếm niềm vui sống bằng việc tổ chức các khoá thiền, các buổi chia sẻ “cùng nhau học Phật” để đưa đạo Bụt đến gần hơn với giới trẻ.
Một chút hương trầm thoảng qua trong gian phòng khách, tôi tự hỏi, phải chăng một Lê Bá Thông quá nhiều sắc màu cuộc sống: doanh nhân, nghệ sĩ, đạo diễn, nhà hoạt động xã hội, kiến trúc sư, thầy giáo, và nhiều mảnh ghép khác không biết gọi tên là gì, giờ màu sắc nào cũng hội tụ về, ra thành màu trắng thuần khiết, nhẹ nhàng như nụ cười của chàng trai tên Từ Nho…
Đại ca “Lục Vân Tiên”
Căn nhà, ngoài tấm bình phong khắc thư pháp của Sư ông Làng Mai, còn lại toàn sách và nhạc cụ, đủ mọi thể loại. Nhìn cây guitar, tôi lại nhớ một đêm lâu lắm rồi, nhạc sĩ Vũ Thành An ghé về Sài Gòn. Mọi người rủ nhau làm một đêm nhạc nhỏ gọn nội bộ. Mà Vũ Thành An “bài không tên” bấy giờ, đã là “thầy sáu” - một vị trí gần giống linh mục Công giáo nhưng vì đã lập gia đình nên dừng lại ở đó. Một Vũ Thành An cũng đã buông bỏ, ngồi với Lê Bá Thông, để kể nhau nghe về việc viết lời mới cho trích đoạn “này em hỡi, con đường em đi đó, con đường em theo đó, đúng đấy em ơi…” thay vì lời trách móc nặng nề “đúng hay sao em…”. Rồi ông Thông ôm đàn và hát, giọng mềm mượt, thủ thỉ và ấm vô cùng.
Vợ chồng ông Lê Bá Thông - Cao Thị Kim Dung tái hiện chuyện tình Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga nhân kỷ niệm 30 năm ngày cưới.
Ông Thông kể: “Người miền Nam có một tục lệ rất thú vị vào ngày đầy tháng, là nghi thức khai hoa, hay còn gọi là bắt miếng hay móc miếng. Người được chọn thực hiện nghi thức này phải là người có uy tín, được kính trọng và đặc biệt là nói chuyện nho nhã, có duyên. Ba tôi nhận thực hiện việc này, và ghi vào nhật ký: cầu mong con sau này nói năng thiện lành, nói gì cũng có ích lợi cho cuộc sống… Chắc ba cũng không ngờ rơ miệng vầy mà được chút duyên ca hát…”.
Bà Dung bước từ bếp ra, đặt ly sữa lên bàn, có vẻ hơi… mạnh tay một chút. Ông Thông cầm lấy, uống một hơi hết ngay. Tôi nhớ cảnh hai vợ chồng nhà này mặc đồ cổ trang, lên truyền hình trực tiếp thi chung kết một cuộc thi ca hát với trích đoạn “Mê Linh biệt khúc”. Tôi hỏi: “33 năm bên nhau, điều gì làm anh tự hào về chị Kim Dung nhất?” - “Nhiều lắm” - “Nhất thôi anh” - “À, vậy là bản lĩnh. Cùng nhau đi qua bao nhiêu là thách thức của cuộc sống, công việc” - “Gần đây nhất đi anh” - “Là dám dựng và diễn chung vở cải lương Lục Vân Tiên, dù hoàn toàn là tay ngang chưa học qua trường lớp hát hò ngày nào…” - “Ủa sao ly sữa đặt hơi nặng tay nhỉ?” - “Tại ổng lười uống sữa lắm em ơi…” - “Hông phải, tại anh sợ vợ ahihi”.
Rồi họ say sưa kể chuyện Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga. Đó là lần kỷ niệm 30 năm ngày cưới, để bù cho cái chuyện luôn dành ngày sinh nhật cho công ty, ông Thông rủ vợ “chơi lớn”. Họ chọn một chuyện tình đẹp, rất đẹp của cụ Đồ Chiểu, lại đúng với cái chất Nam bộ hào hiệp mà Lê Bá Thông theo đuổi, để tái hiện. Họ chụp một bộ ảnh đẹp các trích đoạn, nhờ họa sĩ vẽ tranh và tổ chức hẳn đêm diễn cải lương để gây quỹ, vừa vặn xây một ngôi chùa. Mà là ngôi chùa Việt Nam ở Hàn Quốc, đúng cái chất hào hiệp Lục Vân Tiên: giữa đường thấy chuyện là xắn tay áo lên phụ…
Hai mươi năm nay, tôi và bạn bè luôn gọi Lê Bá Thông là “đại ca”. Anh em, bạn bè, thậm chí người xa lạ, nhờ mà ông giúp được thì chưa bao giờ từ chối. Mới đây, nghe nói ông ghé chơi hồ Trị An, có người bạn xin học bổng cho con nít nghèo, anh gật đầu liền. Cô bạn thân của tôi khi nghe “đại ca” làm Lục Vân Tiên, bật ra một câu cảm thán: “Ổng là Lục Vân Tiên lớn lên từ thành thị, một Lục Vân Tiên có cái sang cả, hết lòng nhưng chủ động vị tha và cho đi”. Tôi cười: “Ừ, thì Lục Vân Tiên kiểu… người đô thị”.
Bước ra cổng, tôi bảo: “Mai mốt em sẽ lưu địa chỉ đây là chùa ông Thông nhen”, ông xua tay: “Vụ này không giỡn được em ơi. Mình là người kết nối, để các doanh nhân bạn bè có điều kiện thực hành sống hạnh phúc hơn, tức là hỗ trợ được nhiều gia đình thành viên của doanh nghiệp hạnh phúc hơn. Thỉnh thoảng làm thêm chút việc của người phiên dịch cho các bạn trẻ thôi. Chuyện hữu duyên mà tham gia thiền tập, chánh niệm… của mỗi người…”.
Bài: Bung Trần - Ảnh: NVCC
Từ khóa » Cây Lục Vân Tiên
-
Cây Lạc Tiên: Đặc Điểm, Công Dụng Và 7 Bài Thuốc Hay Nhất
-
Cây Lạc Tiên: Vị Thuốc Chữa Mất Ngủ Và Rất Nhiều Công Dụng, Bài ...
-
TÁC DỤNG CÂY LẠC TIÊN (CÂY CHÙM BAO)
-
Cách Sử Dụng Cây Lạc Tiên Trị Mất Ngủ, An Thần, Suy Nhược
-
Cây Lạc Tiên - 'Thần Dược' Chữa Bệnh Mất Ngủ Cực Hiệu Quả
-
Cây Lạc Tiên: Tác Dụng Chữa Mất Ngủ Và Cách Dùng Vị Thuốc Quý
-
Cây Lạc Tiên: "Tiên Dược" Chữa Mất Ngủ | VTC Now - YouTube
-
Cây Lạc Tiên Có Tác Dụng Gì? Cách Uống Trà Lạc Tiên Trị Bệnh Mất Ngủ?
-
Uống Cây Lạc Tiên Nhiều Có Tốt Không? Nên Uống Bảo Nhiêu Là ...
-
Lục Vân Tiên – Wikipedia Tiếng Việt
-
Cây Lạc Tiên (nhãn Lồng) Vị Thuốc An Thần, điều Trị Mất Ngủ đầu Bảng
-
Cách Sử Dụng Cây Lạc Tiên Chữa Mất Ngủ đơn Giản, Hiệu Quả
-
Toa Thuốc “Lục Vân Tiên”: Gây Họa Từ "thuốc Tiên" đường Phố