Đại Cử Tri đoàn Và Lá Phiếu đại Cử Tri ở Mỹ

Đại cử tri đoàn gồm 538 đại cử tri tổng thống, cứ 4 năm 1 lần họp lại để bầu lên Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ. Vào ngày bầu cử (năm nay là 3/11), các đại cử tri tổng thống được bầu theo thể thức phổ thông đầu phiếu. Chính các đại cử tri mới là những người trực tiếp bầu ra Tổng thống và Phó Tổng thống, chứ không phải là người dân bình thường (được tính là lá phiếu phổ thông).

Daicutri-NYTimes

Bản đồ đại cử tri Mỹ của tờ New York Times

Các thể lệ hướng dẫn bầu cử tổng thống được ghi trong Điều khoản II Hiến pháp Hoa Kỳ, Phần I, Đoạn III. Tu chính án 12 Hiến pháp Hoa Kỳ nói rằng mỗi đại cử tri phải bầu riêng cho Tổng thống và Phó Tổng thống.

Số phiếu đại cử tri của mỗi tiểu bang là bằng tổng số Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ (luôn luôn là hai) và số Dân biểu Hoa Kỳ của tiểu bang đó; riêng Đặc khu Columbia có ba phiếu đại cử tri mặc dù không có một đại diện nào ở Quốc hội Hoa Kỳ.

Tại mỗi tiểu bang, các cử tri phổ thông bầu chọn một danh sách gồm các ứng cử viên đã được chọn sẵn cho vị trí đại cử tri tổng thống mà đại diện cho nhiều ứng viên tổng thống khác nhau. Tuy nhiên, trên lá phiếu tiểu bang được thiết kế giống như là các cử tri phổ thông đang thật sự bầu trực tiếp cho ứng cử viên tổng thống.

Đa số tiểu bang dùng cách gọi là lá phiếu vắn tắt mà trong đó khi một lá phiếu bỏ cho một đảng nào (thí dụ như Dân chủ hoặc Cộng hòa) thì được xem là một lá phiếu cho toàn thể nhóm đại cử tri tổng thống thuộc đảng đó. Tại những tiểu bang này, hiếm khi ngoại lệ, một đảng sẽ chiếm hết toàn bộ số phiếu đại cử tri của tiểu bang đó (theo hình thức đa số hay tuyệt đối).

Các tiểu bang Maine và Nebraska chọn đại cử tri tổng thống bằng phương pháp được gọi là Phương pháp Maine mà trong đó có thể xảy ra khả năng các cử tri phổ thông chọn ra nhiều đại cử tri tổng thống thuộc nhiều đảng chính trị khác nhau và như thế số phiếu đại cử tri của tiểu bang bị chia ra tại hai tiểu bang này.

Các đại cử tri tổng thống của mỗi tiểu bang (và Đặc khu Columbia) tụ họp lại 41 ngày sau tổng tuyển cử để bỏ phiếu đại cử tri. Lá phiếu đầu tiên của các đại cử tri là cho Tổng thống Hoa Kỳ, và rồi Phó Tổng thống. Ít nhất một trong hai ứng cử viên đó phải đến từ một tiểu bang khác tiểu bang của đại cử tri. Hiếm có trường hợp một đại cử tri tổng thống không bỏ phiếu cho liên danh tranh cử tổng thống thuộc đảng của mình; những người như thế được gọi là "Đại cử tri không trung thành".

Mỗi đại cử tri ký tên vào một tài liệu có tên là Chứng nhận đầu phiếu mà có nêu rõ thuộc đại cử tri tiểu bang nào (hay Đặc khu Columbia). Một bản chứng nhận gốc được gởi đến Văn phòng của Phó tổng thống theo thư bảo đảm.

Một tháng sau khi bỏ phiếu đại cử tri, Quốc hội Hoa Kỳ nhóm họp hai viện để tuyên bố người đắc cử. Nếu một ứng cử viên tổng thống nhận được 270 (cho đến năm 2009) hoặc nhiều hơn số phiếu đại cử tri tổng thống, người chủ tọa (thường là Phó tổng thống đương nhiệm) tuyên bố ứng cử viên đó là Tổng thống đắc cử, và một ứng cử viên Phó tổng thống nhận 270 hay nhiều hơn số phiếu đại cử tri được tuyên bố tương tự là Phó Tổng thống đắc cử.

Để trở thành Đại cử tri, một người cần trải qua hai vòng bầu cử. Đầu tiên, các đảng ở mỗi bang sẽ chọn một loạt ứng viên đại cử tri tiềm năng trước ngày bầu cử. Tiếp đó, vào ngày bầu cử, cử tri phổ thông tại mỗi bang sẽ chọn ra đại cử tri ở bang đó bằng cách bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống.

Vòng 1: Không có quy định thống nhất về phương thức lựa chọn Đại cử tri trên toàn quốc mà mỗi bang có một quy định riêng. Về cơ bản, các đảng sẽ đề cử một danh sách đại cử tri tiềm năng tại kỳ họp đại hội đảng của bang mình hoặc họ có thể chọn thông qua một cuộc bỏ phiếu tại ủy ban trung ương đảng. Đây là những người có đóng góp nhiều cho Đảng hoặc các quan chức dân cử của bang hoặc lãnh đạo của Đảng đó hoặc là người có quan hệ chính trị hoặc cá nhân với ứng viên tổng thống của đảng mình.

Vòng 2: Cử tri phổ thông sẽ cùng lúc chọn ra Tổng thống và Đại cử tri. Việc này thực hiện trên cùng 1 lá phiếu Tên của đại cử tri tiềm năng có thể có hoặc không xuất hiện trên lá phiếu, (nếu có thì tên họ sẽ nằm dưới tên ứng viên tổng thống), tùy thuộc vào quy trình bầu cử và phương thức bỏ phiếu ở từng bang. Tuy nhiên cũng xuất hiện tình trạng tiếng nói của Đại cử tri không phản ánh đúng quan điểm của cử tri phổ thông khi Đại cử tri không giữ cam kết ủng hộ ứng cử viên Tổng thống như sự lựa chọn của cử tri phổ thông.

BidenTrump GN

Các cuộc thăm dò ý kiến vẫn nghiêng về ứng cử viên Biden của đảng Dân chủ (trái) trong khi Tổng thống Donald Trump luôn hy vọng sẽ lật ngược thế cờ như những gì ông đã làm được trong 2016. Minh họa Global News

Việc những kết quả trái ngược giữa kết quả của phiếu phổ thông với kết quả phiếu Đại cử tri đã khiến mô hình bầu cử này gặp một số chỉ trích. Tiêu biểu là việc Tổng thống Nga, V. Putin, đã từng nhận xét: "Ở Mỹ, bạn sẽ phải đi bầu đại cử tri để họ lựa chọn Tổng thống còn ở Nga, Tổng thống được bầu theo mô hình phổ thông đầu phiếu toàn dân. Do đó, bầu cử ở Nga dân chủ hơn ở Mỹ".

Lẽ tự nhiên của tiến trình bầu cử và sự phức tạp của nó đã bị chỉ trích. Có nhiều người đã nêu lên những phương cách khác thay thế để bầu chọn tổng thống. Vấn đề này lại được đem ra bàn cãi theo sau kỳ Bầu cử Tổng thống năm 2000 khi ứng cử viên Đảng Dân chủ là Al Gore giành đa số phiếu phổ thông nhưng lại thất bại giành đa số phiếu của đại cử tri đoàn.

Ở các tiểu bang, ứng viên nào giành được nhiều nhất phiếu đại cử tri thì giành được toàn bộ phiếu của cử tri đoàn. Đây được gọi là nguyên tắc "Được ăn cả, ngã về không" (the winner takes all). Điều này khiến cho về mặt lý thuyết một ứng ứng cử viên chỉ cần giành được 142 phiếu đại cử tri ở 11 bang có nhiều đại cử tri nhất là đã có thể trúng cử (28/55 ở California, 18/34 ở Texas, 16/31 ở New York, 14/27 ở Florida, 11/21 ở Illinois, 11/21 ở Pennsylvania, 11/20 ở Ohio, 9/17 ở Michigan, 8/15 ở Georgia, 8/15 ở Bắc Carolina và 8/15 ở New Jersey - Tổng số phiếu đại cử tri ở 11 bang này là 271/538 phiếu, đủ để trở thành Tổng thống). Từ khi hình thành hệ thống đại cử tri đã xuất hiện 157 đại cử tri có lá phiếu ngược với lá phiếu họ đã cam kết với cử tri phổ thông trước đó. Có 21 bang không có quy định bắt buộc Đại cử tri phải trung thành với lời cam kết.

Các chuyên gia của Đại học Prager đã đưa ra ba lý do vì sao nước Mỹ cần phải duy trì hệ thống bầu cử Cử tri đoàn. “Thứ nhất, nó khuyến khích xây dựng các liên minh và vận động trên toàn quốc gia. Bởi vì chiến thắng chung cuộc đòi hỏi sự ủng hộ từ một nhóm cử tri đa dạng từ khắp nơi trên đất nước. Thứ hai, nó giúp cho mọi bang và mọi cử tri đều có tầm quan trọng ngang nhau trong cuộc bầu cử. Có nghĩa là 51% dân số không thể áp đặt sự chuyên chế lên 49% dân số còn lại. Thứ ba, nó cũng làm cho việc đoán định một cuộc bầu cử trở nên khó khăn hơn. Các cử tri đoàn khiến cho các ứng viên không thể dự đoán được bang nào sẽ là quan trọng nhất. Do đó các ứng viên không thể biết được họ cần lấy phiếu bầu ở nơi nào và bỏ qua nơi nào. Tuy vậy trong một cuộc bỏ phiếu phổ thông, số phiếu áp đảo ở bất kỳ đâu sẽ ảnh hưởng đến kết quả tổng thể. Tóm lại, Đại cử tri đoàn là một phần thiết yếu của nước Mỹ”

Các chuyên gia hiến pháp của Hoa Kỳ khẳng định rằng hệ thống Cử tri đoàn đã hoạt động bình thường trong mọi cuộc bầu cử tổng thống, trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới, một cuộc suy thoái kinh tế lớn và một số thời kỳ bất ổn dân sự. Một hệ thống ổn định như vậy là rất hiếm có trong lịch sử loài người và do đó không thể bị loại bỏ. Judy Cresanta cho rằng: “Cử tri đoàn đã thực hiện chức năng của mình trong hơn 200 năm và trong hơn 50 cuộc bầu cử tổng thống bằng cách đảm bảo tổng thống có đủ sự ủng hộ của dân chúng để cầm quyền và sự ủng hộ của dân chúng được phân bổ đầy đủ trên khắp đất nước để giúp ông ấy có thể cầm quyền một cách hiệu quả".

Cương lĩnh của Đảng Hiến pháp Hoa Kỳ cũng khẳng định Hệ thống cử tri đoàn là vô cùng cần thiết để đảm bảo một cuộc bầu cử mang tính công bằng: "Việc loại bỏ hệ thống Cử tri đoàn sẽ khiến cho khiến phiếu bầu của người Mỹ ở khoảng 25 bang trở nên vô nghĩa vì các ứng cử viên sẽ chỉ quan tâm đến việc vận động tranh cử ở các tiểu bang đông dân, do đó khiến cho vai trò của các bang nhỏ trở thành con số 0 vô nghĩa. Với hệ thống Cử tri đoàn, không một phe phái hoặc khu vực riêng lẻ nào của đất nước có thể quyết định toàn bộ quá trình bầu cử tổng thống, do đó nó đảm bảo được sự đại diện rộng rãi của toàn nước Mỹ".

Chuyên gia Gary Gregg nhận định rằng nếu Hoa Kỳ loại bỏ hệ thống cử tri đoàn, các cuộc bầu cử sẽ đem lại lợi thế không công bằng cho các ứng cử viên giành được đa số phiếu phổ thông ở các khu vực đô thị lớn của đất nước. Khi ấy các cuộc bầu cử tổng thống sẽ chỉ đem lại thắng lợi cho các ứng cử viên và đảng sẵn sàng phục vụ cử tri thành thị, làm các chính sách của quốc gia trở nên thiên vị và chỉ phục vụ lợi ích của các thành phố lớn. Những vấn đề của cư dân sống ở các thị trấn nhỏ và các giá trị nông thôn sẽ không còn là mối quan tâm của họ.

(Theo Wikipedia)

Bài liên quan Thị trường cá cược bùng nổ trước cuộc bầu cử tổng thống MỹThị trường cá cược bùng nổ trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ Xu hướng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc sẽ thay đổi ra sao sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ?Xu hướng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc sẽ thay đổi ra sao sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ? Giới phân tích phố Wall dự báo xu hướng thị trường chứng khoán trong mùa bầu cửGiới phân tích phố Wall dự báo xu hướng thị trường chứng khoán trong mùa bầu cử Giới đầu tư đặt cược thế nào trước ngày bầu cử tổng thống MỹGiới đầu tư đặt cược thế nào trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ

Từ khóa » đại Cử Tri ở Nước Mỹ