Nội dung giáo trình Môn học Đại cương về nhà nước và pháp luật cung cấp những kiến thức cơ bản nhất về nhà nước và pháp luật: những quy luật chung nhất, những phạm trù, khái niệm chủ yếu nhất, những mối liên hệ phổ biến nhất của nhà nước và pháp luật. Môn học này giúp chúng ta lý giải về bản chất đích thực, tính chất, đặc trưng, hình thái biểu hiện, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nhà nước cũng như của các thiết chế nhà nước; những đặc trưng chủ yếu, những chức năng cơ bản của pháp luật, các hình thức tồn tại của pháp luật, các chế định pháp luật, ngành luật và hệ thống pháp luật; sự tương tác của pháp luật với đạo đức, văn hóa và các phạm trù xã hội khác. Môn học Đại cương về nhà nước và pháp luật cũng sẽ giúp nhìn nhận được mối liên hệ giữa nhà nước với các thiết chế chính trị, xã hội và với kinh tế, nhằm thấy rõ và để tìm kiếm những giải pháp tốt nhất cho việc phát huy vai trò điều tiết và quản lý của nhà nước đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội; xác định đúng đắn giới hạn tác động và can thiệp, hỗ trợ của nhà nước đối với đời sống kinh tế - xã hội nhằm kiến tạo và thúc đẩy phát triển. Qua môn học này, người học sẽ nắm được một cách toàn diện, có hệ thống về phương thức tổ chức và hoạt động, hiệu lực và hiệu quả thực tế của các thiết chế quyền lực nhà nước, những thước đo, những tác nhân của hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Những kiến thức đại cương về nhà nước và pháp luật giúp người học hiểu rõ hơn về nội dung và ý nghĩa của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã và đang được triển khai xây dựng và hoàn thiện ở nước ta. Tìm hiểu về Nhà nước pháp quyền sẽ giúp hiểu rõ hơn về các giá trị đích thực của pháp luật đối với nhà nước, xã hội và đối với mỗi con người; giúp khám phá những giá trị và khả năng to lớn của pháp luật và các cơ chế pháp lý trong việc duy trì và bảo đảm sự an toàn pháp lý cho con người, thúc đẩy việc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo đảm môi trường ổn định nhất và tin cậy nhất cho con người trong việc thực hiện các quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của mình; kích thích tính tích cực của xã hội và ý thức về trách nhiệm công dân; giúp chúng ta chủ động tạo ra được những điều kiện cần thiết cho việc bảo đảm hiệu lực và hiệu quả thực tế của các quy định pháp luật, những con đường và điều kiện để cho pháp luật có thể đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực của nó. Môn học Đại cương nhà nước và pháp luật bao gồm những kiến thức về hành vi pháp luật và về trách nhiệm pháp lý với tính cách là hậu quả của hành vi của con người. Những kiến thức đó chẳng những cần cho việc củng cố lòng tin của mỗi người vào việc làm đúng đắn, hợp pháp của mình mà còn tránh được những hành vi sai trái, không phù hợp với pháp luật và thậm chí là vi phạm pháp luật ở những mức độ khác nhau. Ý thức và lối sống tôn trọng và chấp hành pháp luật là tiền đề cho một lối sống tích cực và chủ động, là nhân tố có tác dụng hạn chế các tiêu cực xã hội, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Môn học Đại cương nhà nước và pháp luật cũng giúp mở rộng tầm nhìn ra thế giới thông qua việc mô tả những đường nét cơ bản nhất của các hệ thống pháp luật lớn trên thế giới. Những hiểu biết về nguồn gốc, quá trình phát triển, những đặc điểm khác biệt và quá trình tương tác, xích lại gần nhau của các hệ thống pháp luật trong một thế giới phẳng và trong nền thương mại toàn cầu là hành trang cực kỳ cần thiết của mỗi người trong thời đại hội nhập. Hợp phần thứ hai của môn học Đại cương nhà nước và pháp luật là những kiến thức cơ bản và cần thiết về các ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, bao gồm: 1. Luật Hiến pháp và Luật Hành chính 2. Luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự 3. Luật Dân sự; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Tố tụng dân sự 4. Luật Thương mại 5. Luật Tài chính – Ngân hàng 6. Luật Lao động và An sinh xã hội 7. Luật Đất đai và Môi trường 8. Luật Quốc tế (Công pháp quốc tế và Tư pháp quốc tế). 2. Phương pháp luận và các phương pháp nghiên cứu, nhận thức về nhà nước và pháp luật Phương pháp luận Phương pháp luận cho việc nhận thức về nhà nước và pháp luật là một hệ thống các nguyên tắc, định luật, phạm trù được dùng để nhận thức, đánh giá các hiện tượng về xã hội, về hệ thống chính trị, về nhà nước và pháp luật. Cụ thể, đó là: a. Các nguyên tắc, định luật, phạm trù của chủ nghĩa duy vật biện chứng Chẳng hạn, biện chứng của quá trình chuyển hóa từ những thay đổi về lượng thành những thay đổi về chất, là cơ sở để nhận thức về tính phổ biến của hành vi pháp luật. Biện chứng về mối liên hệ giữa bản chất và hiện tượng, nội dung và hình thức, cái chung và cái riêng cho phép lý giải về quá trình tiếp nhận pháp luật nước ngoài trong hệ thống pháp luật của quốc gia hiện nay đang diễn ra như một quá trình phủ định biện chứng, v.v… b. Các nguyên tắc, định luật và phạm trù của chủ nghĩa duy vật lịch sử Khi nói đến bản chất của quyền lực nhà nước ở nước ta và cơ sở chính trị - xã hội của nó, cần phải xuất phát từ lịch sử tương quan giai cấp và cấu trúc xã hội, sự hiện diện và vai trò của từng giai tầng xã hội. Đó chính là cơ sở phương pháp luận được xác định từ phạm trù của chủ nghĩa duy vật lịch sử về giai cấp và thành phần xã hội, về dân chủ, về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử v.v… Các quan điểm, trong đó có quan điểm chính trị, tư tưởng, quan điểm khoa học cũng là những yếu tố quan trọng góp phần định hướng nhận thức khi tìm hiểu về các hiện tượng, các vấn đề về nhà nước và pháp luật. Các phương pháp nghiên cứu Các phương pháp nghiên cứu về nhà nước và pháp luật thường được sử dụng phổ biến gồm phương pháp phân tích văn bản, phương pháp lịch sử, phương pháp luật học so sánh, phương pháp điều tra xã hội học, phương pháp thống kê… So sánh là phương pháp đặt một số đối tượng nghiên cứu vào cùng tầm nhìn của người nghiên cứu nhằm tìm ra những nét chung, tương đồng và những nét riêng, đặc thù của các đối tượng nghiên cứu. Chẳng hạn, so sánh quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự Việt Nam với quy định tương tự trong Bộ luật Hình sự của Trung Quốc. Phương pháp xã hội học được thực hiện trong quá trình nghiên cứu các vấn đề về nhà nước và pháp luật thông qua các phương pháp cụ thể như phát và nhận ý kiến qua phiếu điều tra (điều tra định lượng), quan sát, phỏng vấn, tọa đàm (điều tra định tính). Đây là cách làm rất thông dụng nhằm “đo lường” về các mặt tổ chức và hoạt động của nhà nước, hiệu lực, hiệu quả của pháp luật, đánh giá trình độ hiểu biết và nhận thức về pháp luật của người dân v.v… Khi sử dụng phương pháp thống kê, chúng ta có thể thu được những thông số có tính chất định lượng về các vấn đề và hiện tượng về nhà nước và pháp luật, chẳng hạn như tình hình tội phạm và các vi phạm pháp luật, tình hình ly hôn hay bạo lực gia đình; thu nhập của người dân hay của một nhóm người làm công ăn lương v.v… Phương pháp lịch sử dựa trên việc so sánh trạng thái, tính chất của một sự việc, một hiện tượng pháp lý trong diễn tiến theo lịch đại, so sánh theo chiều dọc, nhằm rút ra những kết luận cần thiết về đối tượng nghiên cứu. Chẳng hạn, nghiên cứu chế độ quan chế thời kỳ trị vì của vua Lê Thánh Tông cung cấp những kiến thức lịch sử cho những ai quan tâm nghiên cứu về chế độ công chức và công vụ hiện nay. Vai trò và ý nghĩa của môn học Đại cương nhà nước và pháp luật Vai trò của môn học Đại cương nhà nước và pháp luật thể hiện trước hết ở khả năng khái quát hóa, tìm kiếm, giới thiệu những kiến thức có tính cốt lõi và có tính hệ thống cao. Những kiến thức chung đó có nguồn gốc xuất xứ từ các lĩnh vực pháp luật chuyên ngành, chẳng hạn như các khái niệm quan hệ pháp luật, trách nhiệm pháp lý, quy phạm, chế định pháp luật v.v… vốn là các khái niệm của Luật Dân sự; khái niệm “hành vi pháp luật, vi phạm pháp luật” được khái quát hóa và hình thành từ quá trình nghiên cứu về cấu trúc của các hành vi tội phạm – cơ sở của trách nhiệm hình sự. Ý nghĩa của môn học Đại cương nhà nước và pháp luật được xác định về mặt nhận thức lý luận cũng như về mặt thực tiễn. Về mặt nhận thức lý luận, với hàm lượng thông tin có tính khái quát cao, chắt lọc từ những kiến thức pháp luật chuyên ngành, Đại cương về nhà nước và pháp luật giúp cho việc nắm bắt các vấn đề pháp luật chuyên ngành một cách thuận lợi, những thông tin, kiến thức của nó bảo đảm tính súc tích, cô đọng, dễ nhớ. Về mặt thực tiễn, môn học Đại cương nhà nước và pháp luật có đối tượng phục vụ chủ yếu là những người học không chuyên về luật. Hiểu biết về nhà nước và pháp luật ở mức độ và hình thức của chương trình đại cương sẽ là hành trang hữu ích cho mọi công dân bên cạnh những hiểu biết, những kiến thức khác mà một con người hiện đại – chủ thể của các hoạt động kinh tế, xã hội, chính trị v.v… cần có trong thời đại ngày nay. Các tác giả Liên hệ mua sách: Phòng Thông tin và Quản trị thương hiệu - Văn phòng ĐHQGHN Emai: media@vnu.edu.vn Hotline: 0936 283 308 Giá bán: 138.000 VNĐ | |