Đại Gia Bình Dương Và Kịch Bản đưa Công Ty 'sân Nhà' Thâu Tóm đất 'vàng'

Đại gia Bình Dương và kịch bản đưa công ty ‘sân nhà’ thâu tóm đất ‘vàng’ - Ảnh 1.

Các bị cáo tại tòa - Ảnh: NAM ANH

Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã dành cả buổi sáng và hơn nửa buổi chiều 15-8 để đại diện viện kiểm sát công bố bản cáo trạng dài 94 trang vụ án bán rẻ "đất vàng" xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty 3-2) và một số đơn vị liên quan.

Trong 28 bị cáo bị đưa ra xét xử, có hàng loạt cựu lãnh đạo tỉnh Bình Dương gồm: ông Trần Văn Nam - cựu bí thư Tỉnh ủy, ông Trần Thanh Liêm - cựu chủ tịch UBND tỉnh, ông Phạm Văn Cành - cựu phó bí thư thường trực Tỉnh ủy…

Chủ mưu vụ án được cơ quan tố tụng xác định là bị cáo Nguyễn Văn Minh - cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty 3-2. Con gái và con rể của ông Minh cũng bị đưa ra xét xử là Nguyễn Thục Anh - cựu chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Phát Triển và Nguyễn Đại Dương.

Được áp giải đến tòa, bị cáo Nguyễn Văn Minh, 67 tuổi, mái tóc đã bạc trắng, chống gậy đi lại khó khăn được hai cảnh sát hỗ trợ tư pháp dìu đi.

Trao 43ha 'đất vàng’ cho công ty của con rể với giá bèo

Bản cáo trạng được công bố tại tòa cho thấy trong quá trình điều hành hoạt động Tổng công ty Bình Dương, bị cáo Nguyễn Văn Minh đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn thao túng hoạt động của hội đồng thành viên theo mục đích cá nhân.

Với thủ đoạn chuyển nhượng giá rẻ, đưa đi góp vốn, cả hai khu đất 43ha và 145ha đã được trao cho công ty của con rể và con gái bị cáo Minh. Trong đó khu đất 43ha tiếp tục được bán cho bên thứ 3, hiện đang thuộc sở hữu của một nữ đại gia.

Theo cáo trạng, với mục đích vụ lợi, bị cáo Minh đã chỉ đạo chuyển nhượng trái pháp luật khu đất 43ha và 30% vốn góp của Tổng công ty Bình Dương tại Công ty TNHH Đầu tư - xây dựng Tân Phú sang công ty tư nhân của con rể là Nguyễn Đại Dương, gây thất thoát của Nhà nước gần 985 tỉ đồng.

Cụ thể, sau khi biết việc Tổng công ty Bình Dương sẽ triển khai dự án trên khu đất 43ha, bị cáo Nguyễn Đại Dương đã bàn bạc cùng bố vợ của mình thành lập liên doanh để có pháp nhân thực hiện dự án.

Dương đã thành lập Công ty cổ phần bất động sản Âu Lạc và giao Nguyễn Quốc Hùng làm tổng giám đốc, đại diện pháp luật.

Sau đó, Dương chỉ đạo Hùng ký hợp đồng hợp tác với Tổng công ty Bình Dương, thành lập liên danh với Công ty Tân Phú với mục đích nhận chuyển nhượng khu đất 43ha với giá 250 tỉ đồng. Khi Công ty Tân Phú mới thanh toán 140 tỉ đồng, Tổng công ty Bình Dương đã bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất.

Đến tháng 6-2016, Nguyễn Đại Dương đã liên hệ, thỏa thuận và thống nhất chuyển nhượng 100% vốn điều lệ của Công ty Tân Phú, trong đó có khu đất 43ha cho nữ đại gia Đặng Thị Kim Oanh với giá 350 tỉ đồng.

Đưa công ty "sân nhà" vào thâu tóm đất vàng

Đại gia Bình Dương và kịch bản đưa công ty ‘sân nhà’ thâu tóm đất ‘vàng’ - Ảnh 2.

Bị cáo Minh (áo trắng) tại tòa - Ảnh: DANH TRỌNG chụp qua màn hình

Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, với động cơ vụ lợi, bị cáo Nguyễn Văn Minh đã sắp xếp đưa Công ty Hưng Vượng do mình làm chủ tịch và Công ty Phát Triển do Nguyễn Thục Anh (con gái ông Minh) làm chủ tịch để tham gia liên doanh thực hiện dự án tại khu đất 145ha. Đây là những công ty "sân nhà" của bị cáo Minh.

Ông Minh tiếp tục chỉ đạo nhiều người sắp xếp, phân loại khu đất trên từ mục "tài sản đang dùng" sang mục "tài sản chờ thanh lý" để loại khỏi giá trị doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa.

Viện kiểm sát xác định bị cáo Minh đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái các quy định của pháp luật về cổ phần hóa, nội dung phê duyệt phương án sử dụng đất của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương trong việc cố ý chuyển nhượng khu đất 145ha thông qua hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào Công ty Tân Thành.

Đáng chú ý, khi thực hiện góp vốn, giá trị khu đất được xác định hơn 139 tỉ, thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế. Hành vi của bị cáo Minh bị quy kết tạo điều kiện cho 2 công ty "sân sau" hưởng lợi trên giá trị tăng thêm của khu đất 145ha.

Cựu chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm bị xác định cùng các bị can thuộc Sở Tài chính đã làm trái các quy định của pháp luật do không xác định lại giá trị quyền sử dụng đất đối với khu đất 145ha khi cổ phần hóa doanh nghiệp dẫn đến khu đất rơi vào tay tư nhân.

Hành vi của ông Liêm, Minh và các đồng phạm bị xác định đã gây thất thoát cho Nhà nước số tiền đặc biệt lớn, hơn 4.000 tỉ đồng.

Lúc 16h ngày 15-8, đại diện viện kiểm sát đã công bố xong bản cáo trạng, hội đồng xét xử bắt đầu thẩm vấn các bị cáo.

Bộ Chính trị đề nghị kỷ luật Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam Bộ Chính trị đề nghị kỷ luật Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam

TTO - Ngày 18-6, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị, họp Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015-2020.

Từ khóa » đại án Tham Nhũng