Đại Gia Gatsby Là Giấc Mơ Mỹ Suy Tàn - Tuổi Trẻ Online

Đại gia Gatsby là giấc mơ Mỹ suy tàn - Ảnh 1.

Leonardo DiCaprio và Carey Mulligan trong bản phim chuyển thể năm 2013 từ Đại gia Gatsby - Ảnh: WARNER BROS.

Tác phẩm Đại gia Gatsby (The Great Gatsby) của nhà văn Mỹ F. Scott Fitzgerald mấy ngày qua bỗng nhiên "hot" trở lại, khi dư luận xôn xao quanh lời nhận xét được cho là của một học sinh về tác phẩm này: "Nhân vật chính trong tác phẩm này xuất phát điểm là một người nghèo đói, nhưng anh vẫn sẵn sàng ra trận để chiến đấu. Khi trở lại, anh chăm chỉ làm việc và trở thành đại gia nước Mỹ trong những năm 1950. Em đã liên hệ với nhân vật này để làm dẫn chứng cho “những người đã làm ra đất nước”.

Đó có thể là cách hiểu của những độc giả chưa có nhiều trải nghiệm sống, khi đọc tác phẩm Đại gia Gatsby (The Great Gatsby) của nhà văn Mỹ F. Scott Fitzgerald.

Leonardo DiCaprio cũng từng non nớt

Cách hiểu đó non nớt, gượng ép và không đúng tinh thần tác phẩm, nhưng cũng đáng thông cảm. Bởi chính Leonardo DiCaprio - diễn viên thủ vai Gatsby trong phim điện ảnh năm 2013 - cũng có cảm nhận khác nhau khi anh đọc cuốn sách ở thời trung học và khi đã trưởng thành.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2013, tài tử kể Gatsby trong mắt cậu thiếu niên Leo 15 tuổi là "một người đàn ông lãng mạn đến vô vọng, tạo nên cả gia sản kếch xù chỉ để gặp lại người phụ nữ này (Daisy)". Hiểu theo cách đó, tiểu thuyết bị "thu nhỏ" thành một câu chuyện tình.

Nhưng vào năm Leo 39 tuổi, khi anh đọc lại Đại gia Gatsby để hóa thân vào nhân vật, cuốn sách hóa ra hấp dẫn hơn nhiều. Những cảm nhận lãng mạn tan biến, thay vào đó Gatsby trong mắt Leo 39 tuổi là "một người đàn ông vô cùng rỗng tuếch đang đi tìm ý nghĩa cuộc sống. Anh ta gán cuộc đời mình với một tàn tích, đó là Daisy. Phải, cô ta là một tàn tích. Một ảo ảnh".

Đại gia Gatsby là giấc mơ Mỹ suy tàn - Ảnh 2.

Khả năng cảm nhận về Gatsby sẽ trưởng thành cùng trải nghiệm sống của mỗi người - Ảnh: WARNER BROS

Rõ ràng cách hiểu của Leo 39 tuổi thấm đẫm trải nghiệm sống hơn so với chính anh hồi 15 tuổi. Vì thế, không dễ gì một cô gái 18 tuổi ngày nay có thể nắm hết tác phẩm với bề dày lịch sử và văn hóa Mỹ đầu thế kỷ 20.

Nếu Leo đọc lại tác phẩm vào năm anh 60 tuổi, biết đâu anh sẽ còn cảm nhận sâu sắc hơn, khi chính con người anh cũng là một biểu tượng của giấc mơ Mỹ trong mắt khán giả toàn cầu: đẹp trai, tài năng, thành đạt, "lăn xả" trong tình trường. Mọi chốn xa hoa anh đều có mặt, các cô gái đẹp xếp hàng dài để được yêu anh.

Đúng như anh từng nói: "Không phải tất cả chúng ta đều là Gatsby sao? Anh ta dựng nên hình tượng mình dựa trên những tưởng tượng và mơ mộng. Một thanh niên nghèo ở miền Trung Tây nước Mỹ tự dựng nên hình tượng Gatsby Vĩ đại".

Đại gia Gatsby là giấc mơ Mỹ suy tàn - Ảnh 3.

Tác phẩm của F. Scott Fitzgerald thuộc nhóm "Tiểu thuyết Mỹ vĩ đại" - những tiểu thuyết kinh điển nhìn sâu vào căn tính nước Mỹ - Ảnh: WIKIPEDIA/ IMDb

Đại gia Gatsby nổi tiếng là tác phẩm tiêu biểu về thời đại Jazz, thập niên 1920, không phải của thập niên 1950. Chi tiết này xuất hiện trong nhiều lời giới thiệu cuốn sách nên khá dễ tiếp cận.

Câu chuyện trong sách xảy ra vào năm 1922, còn sách ra đời vào năm 1925. Gatsby chính là lính Mỹ trở về sau Thế chiến 1 với một tâm hồn tan vỡ. Tính thời đại rất quan trọng với Đại gia Gatsby, nên nhầm lẫn có thể khiến người đọc hiểu sai tác phẩm.

Độc giả trẻ cần thêm thời gian để hiểu tác phẩm

Năm 2009, dịch giả Trịnh Lữ gây tranh luận trong giới văn chương ở Việt Nam khi dịch The Great Gatsby thành "Đại gia Gatsby". Thời đó, từ "đại gia" còn được nhìn nhận theo nghĩa không mấy tích cực ở Việt Nam.

Nhưng so với những tiêu đề như "Gatsby vĩ đại", "Con người hào hoa" của các bản dịch trước đó, "Đại gia Gatsby" vẫn là cụm từ gần nhất với tính chất của nhân vật và tác phẩm. Bởi Gatsby chẳng vĩ đại cũng chẳng hào hoa, là một hình tượng đầy sứt sẹo, vỡ nát, đại diện của thế hệ thanh niên Mỹ chơi vơi, lạc lõng sau chiến tranh, "đau xót vì sự hư trá của cái gọi là giấc mơ Mỹ".

Đại gia Gatsby là giấc mơ Mỹ suy tàn - Ảnh 4.

F. Scott Fitzgerald và người vợ Zelda được coi là nguyên mẫu của Gatsby và Daisy trong tác phẩm - Ảnh: MARTHA STEWART

"Gatsby vĩ đại" cũng có thể là một cách dịch tốt nếu hiểu theo nghĩa mỉa mai, ảo mộng chứ không nhầm tưởng nhân vật "vĩ đại" thật.

Hãy bàn luôn về khía cạnh "những người làm ra đất nước". Gatsby có thể là như vậy, nếu như giấc mơ Mỹ được ca ngợi một chiều trong tác phẩm này. Nhưng trái lại, Đại gia Gatsby nhìn vào mặt tối suy tàn của giấc mơ Mỹ trong một thời đại thịnh vượng và thừa mứa vật chất.

Đó là khía cạnh người ta không hề nói với thế hệ thanh niên về cái giá phải trả khi theo đuổi sự giàu sang trên đất Mỹ. Đó là đánh mất sự trong sạch, thiện lương để đổi lấy những bữa tiệc suy đồi, hoang dã ở lâu đài phù phiếm xa hoa bậc nhất Long Island, New York. Nơi đó, những vị khách lộng lẫy đổ về "như những con bướm đêm" vì danh tiếng của vị chủ nhân giàu có, người mà họ chẳng mấy quen biết, cũng chẳng mấy quan tâm.

Đại gia Gatsby là giấc mơ Mỹ suy tàn - Ảnh 5.

Nàng Daisy: một ảo ảnh, một tàn tích, một giấc mơ suy tàn - Ảnh: WARNER BROS.

Và Gatsby, là người giàu mới nổi, "giàu xổi" theo suy nghĩ khinh miệt của đám quý tộc lâu đời, lại tự xưng mình "học ở Oxford", "được thừa hưởng gia sản lớn", khoe khoang chiến công trong Thế Chiến 1, chạy theo những thứ danh hão mà người đời tung hô.

Gatsby gán cho Daisy những giá trị hoàn hảo và lý tưởng không hề xứng đáng với người phụ nữ này, người sống cả đời trong chủ nghĩa vật chất. Tương tự, giấc mơ Mỹ suy tàn vì người ta theo đuổi những giá trị không xứng đáng mà họ gán cho nó: tiền bạc và khoái cảm nhất thời.

Và nếu những chàng trai cô gái 18 tuổi hôm nay chưa hiểu Gatsby, hãy cho họ chút thời gian.

Xem Đại gia Gatsby: chung tình đến chết! Xem Đại gia Gatsby: chung tình đến chết!

TTO - ''Sến” theo kiểu những gã si tình nhất thế gian, nhân vật "đại gia Gatsby" trong phim The great Gatsby từng mở màn LHP Cannes và chiếu tại VN từ cuối tháng 6 khiến người xem cảm động.

Từ khóa » Diễn Viên Phim Gatsby Vĩ đại