'Đại Gia Số Một' Nguyễn Văn Mười Hai Làm Lại Cuộc đời - VnExpress

jl

Nguyễn Văn Mười Hai muốn học lớp giám đốc điều hành. Ảnh: Thanh Niên

Vụ án Thanh Hương nổ ra ngày 10/3/1990, thời điểm ấy với lãi suất 15%/tháng, ông chủ Nguyễn Văn Mười Hai vay tiền nhiều người nhưng không có khả năng thanh toán.

Ông và vợ đều bị bắt. Sau 5 năm ngồi tù, chị Nhu, vợ ông, được đặc xá ra tù phải về tá túc tại một căn phòng trọ chừng 4 m2 của người chị ở đường Nhà Thờ bên Thủ Thiêm để nuôi hai con và tích góp thăm chồng.

Khi ông còn ở trong tù có nhiều tin đồn thất thiệt về "đại gia số một này". Người nói ông bỏ vốn hùn mở căn-tin bán cho phạm nhân và "rất khá". Hồi đầu năm nay, lại có người nói ông chết trong trại giam vì bệnh. Nhưng cũng có tin rằng: "Nguyễn Văn Mười Hai có biệt thự ở Trị An, lúc ở tù cũng đi đi về về như cơm bữa"...

Không dám sử dụng tên thật

Từ một cậu bé nghèo trở thành "đại gia" rồi trong phút chốc trắng tay, giờ đây Nguyễn Văn Mười Hai nói rằng ông đang bị lùi về "số âm" chứ không được "số 0" như một số người khác. Bị "số âm" là vì ông chưa thể tiếp cận ngay được với một xã hội mà ông đã bị cách ly ngần ấy thời gian.

"Tôi thấy để giải quyết cho tương lai của mình, cái trước tiên là mình phải học để mà có điều kiện hòa nhập. Và cái chuyện trước mắt phải học là chứng khoán, vi tính và Anh văn", Nguyễn Văn Mười Hai tâm sự.

Thời gian biểu của ông bây giờ chủ yếu là học. Nhưng ông cũng chưa dám vào lớp bằng "tên cúng cơm" của mình mà phải mượn tên người khác, khi là tên con trai, khi là tên bạn cũ. Sau lớp chứng khoán, ông học tiếp chương trình vi tính dành cho nhân viên văn phòng và ngấp nghé muốn đeo đuổi chương trình đào tạo lập trình viên kéo dài 3 năm. Ông cũng muốn ghi danh thêm vào lớp giám đốc điều hành nhưng khi nhìn thấy thông báo học phí 9 triệu đồng đã hoảng. "Kinh khủng quá, tôi toàn xin tiền bạn bè đi học mà học phí cao dữ vậy đâu có dám xin, vợ tôi cũng cằn nhằn nói ông học cái đó để làm gì", ông than thở.

Nguyễn Văn Mười Hai biết xem tử vi, coi phong thủy, nhưng không dùng đó là "làm nghề" để kiếm tiền. Ông tâm sự: "Tôi sợ lắm, cảm giác sợ cũng còn nặng lắm".

Có lần ông coi đất cho một "đại gia" chuẩn bị khởi công xây biệt thự ở quận 9, họ chuẩn bị một phong bì tiền nhưng rồi ông cũng không dám cầm. Do vậy, nhiều người phải trả ơn bằng cà phê, đường, sữa, mì tôm... và mời đi nhậu.

Đối mặt với 3 tội ở mức án cao nhất

Ông kể rằng, tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, luật sư Nguyễn Đăng Trừng đã bào chữa cho ông mà không lấy tiền. Ông Trừng tâm sự: "Tôi nhận bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Mười Hai trong vụ án Thanh Hương là tôi phải ở vào một hoàn cảnh hết sức khó khăn và phức tạp".

Bị cáo đã bị truy tố cùng một lúc 3 tội: tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân, tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế xã hội và tội đưa hối lộ. Mà tội nào cũng bị vị đại diện VKS đề nghị mức án cao nhất.

Sau khi Nguyễn Văn Mười Hai thụ hình ở trại Xuân Lộc, luật sư lên thăm, cho 200.000 đồng và một quyển sổ tay. Trong quyển sổ ấy có ghi hai câu thi kệ của đại sư Mãn Giác: "Chớ nghĩ xuân tàn hoa rụng hết. Đêm qua sân trước một nhành mai".

Ông rất tâm đắc hai câu ấy và lấy đó làm điểm tựa phấn đấu để thay đổi số phận của mình. Ông nói: "Cán bộ giao việc gì tôi cũng lo làm tốt, vì chỉ có một con đường là cải tạo tốt mới được giảm án và ra trại thôi. Nhiều người cứ nghĩ tôi là đại gia ở tù cũng sướng nhưng thực ra vợ con tôi đâu có điều kiện để thăm nuôi".

(Theo Thanh Niên)

Từ khóa » Nguyen Van Muoi Hai Bay Gio Lam Gi