Đại Học Công Nghiệp Dệt May Hà Nội đạt Chứng Nhận Kiểm định ...

Sáng 31/5 tại Hà Nội, Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (HTU) đã long trọng tổ chức Lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục do Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam (AVU&C) cấp.

Toàn cảnh buổi lễ đón nhận giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục của HTU

Tới dự buổi lễ có PGS.TS. Trần Quang Quý – Phó Chủ tịch AVU&C, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; TS. Lê Mỹ Phong – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT. Về phía Tập đoàn Dệt May Việt Nam có ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex, Chủ tịch Hội đồng trường HTU; ông Phạm Văn Tân – Phó TGĐ thường trực Vinatex cùng lãnh đạo các Ban chức năng của Tập đoàn; Về phía Nhà trường có TS. Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng HTU, cùng các thầy cô trong BGH, lãnh đạo các đơn vị dệt may liên kết với HTU và đông đảo các giảng viên, sinh viên của nhà trường.

TS. Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng HTU chia sẻ về quá trình đánh giá, kiểm định để đạt được chứng nhận

Phát biểu khai mạc, TS. Hoàng Xuân Hiệp đã dành lời cảm ơn sâu sắc tới Lãnh đạo Hiệp hội AVU&C, Bộ GD&ĐT, Tập đoàn Dệt May Việt Nam vì đã đồng hành cùng Nhà trường trong suốt thời gian qua, đặc biệt là hỗ trợ HTU trong việc kiểm định, đánh giá để đạt được chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục. Đây là sự kiện quan trọng của Nhà trường, khẳng định những nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và toàn thể sinh viên trong việc cải tiến toàn diện để nâng cao chất lượng giáo dục đại học ngay trong chu kỳ 2016 – 2021, chu kỳ đầu tiên đào tạo trình độ đại học.

Chia sẻ về quá trình đánh giá, kiểm định để đạt được chứng nhận, Hiệu trưởng HTU cho biết đó là một quá trình nỗ lực của Đảng ủy, BGH và tập thể giảng viên, sinh viên trong toàn trường. Hiểu được tầm quan trọng của việc đào tạo gắn với thực hành chuyên môn, ngay từ khóa Đại học đầu tiên, HTU đã có những bước chuẩn bị, triển khai các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục theo đúng yêu cầu của Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT do Bộ GD&ĐT ban hành.

“Tháng 10 năm 2018, Nhà trường đã bắt đầu triển khai tự đánh giá cơ sở giáo dục, hoàn thành báo cáo tự đánh giá vào tháng 6/2019, gửi báo cáo về Cục Quản lý chất lượng đồng thời tiến hành củng cố, cải tiến chất lượng các lĩnh vực hoạt động theo khuyến nghị của các nhóm chuyên trách. Ngay sau khi hoàn thành báo cáo tự đánh giá phiên bản cuối và rà soát các điều kiện chuẩn bị, tháng 3/2021, Nhà trường đã gửi công văn báo cáo về Cục Quản lý chất lượng – Bộ GD&ĐT xin phép đăng ký triển khai đánh giá ngoài và liên hệ với Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam để triển khai công tác đánh giá ngoài cơ sở giáo dục .

Qua khảo sát sơ bộ, khảo sát chính thức phục vụ đánh giá ngoài từ ngày 27/9/2021 đến ngày 21/10/2021 và thông qua hội đồng thẩm định kết quả đánh giá ngoài, ngày 04/5/2022 trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội chính thức lọt vào top 50 trường đại học được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn mới của Bộ GD&ĐT. Đây là bộ tiêu chuẩn tiếp cận theo bộ tiêu chuẩn của AUN-QA (tổ chức đảm bảo chất lượng của mạng lưới các trường đại học ASEAN).

Nhà trường được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục ngay trong chu kỳ đầu tiên đào tạo trình độ đại học khẳng định sự nghiêm túc, tinh thần cầu thị với quan điểm: “Chất lượng tạo nên thương hiệu” và quyết tâm “Đặt chất lượng lên hàng đầu” của toàn thể đội ngũ cán bộ, viên chức nhà trường. Đây là tiền đề quan trọng để Nhà trường tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục với mục tiêu xây dựng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội trở thành trường đại học đào tạo theo định hướng ứng dụng uy tín trong nước và khu vực”, TS. Hoàng Xuân Hiệp nhấn mạnh.

PGS.TS. Trần Quang Quý – Phó Chủ tịch AVU&C vui mừng vì HTU là trường đại học tiếp theo nằm trong top các trường Đại học có chứng nhận kiểm định chất lượng

Chia sẻ về quá trình đánh giá HTU, PGS.TS. Trần Quang Quý – Phó Chủ tịch AVU&C cho biết, Trung tâm KĐCLGD của Hiệp hội cùng với đoàn chuyên gia đánh giá ngoài đã xem xét, thảo luận, phỏng vấn các nhóm đối tượng liên quan và nghiên cứu hơn 1000 hồ sơ minh chứng, khảo sát toàn bộ các minh chứng về cơ sở vật chất, các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, phỏng vấn cựu sinh viên theo quy trình nghiêm ngặt của Bộ tiêu chí kiểm định chất lượng gồm 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí của Bộ GD&ĐT để trình Hội đồng KĐCLGD gồm 13 chuyên gia là các nhà khoa học đầu ngành có nhiều kinh nghiệm xem xét, đánh giá. Với 100% thành viên đồng ý, thống nhất kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đối với HTU.

Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, tính đến nay cả nước có 241 trường Đại học (không bao gồm các trường của An ninh, Quốc phòng), đã có 173 trường được cấp giấy chứng nhận KĐCLGD cơ sở theo Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT do Bộ GD&ĐT. Tức là mới có khoảng 71,78% số trường đại học được cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở. Do đó, Phó Chủ tịch AVU&C vui mừng vì HTU là cái tên tiếp theo nằm trong top các trường Đại học có chứng nhận kiểm định chất lượng, đồng thời bày tỏ thời gian tới HTU tiếp tục xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng sau khi có kết quả đánh giá ngoài và đầu tư nguồn lực để xây dựng hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong và thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm giải trình nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và NCKH của Nhà trường.

TS. Lê Mỹ Phong – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT bày tỏ Nhà trường cần tiếp tục phấn đấu, tiến tới đánh giá và kiểm định chất lượng các chuyên ngành đào tạo nòng cốt

TS. Lê Mỹ Phong – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT bày tỏ, từ 2015 sau khi được nâng cấp trở thành trường đại học, nhà trường đã rất nghiêm túc tự đánh giá theo các tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về mô hình đặc thù. Thậm chí, Cục quản lý chất lượng cũng đã tới khảo sát để tìm hiểu về mô hình trường học tự chủ hoàn toàn và không có cơ quan chủ quản rõ ràng nhưng vẫn có sự phát triển.

TS. Lê Mỹ Phong cho rằng, Nhà trường cần tiếp tục phấn đấu, tiến tới đánh giá và kiểm định chất lượng các chuyên ngành đào tạo nòng cốt để xây dựng HTU trở thành một đơn vị đào tạo hàng đầu về kỹ sư, cử nhân cho ngành Dệt May Việt Nam.

ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex, Chủ tịch Hội đồng trường nhấn mạnh việc đạt chứng nhận kiểm định chất lượng là sự cam kết của Nhà trường đối với sinh viên, phụ huynh, xã hội và người sử dụng lao động

Với cương vị là Chủ tịch Hội đồng trường, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex nhận định, chất lượng giáo dục đào tạo là một hành trình, giấy chứng nhận kiểm định chất lượng mà HTU đã đạt được là dấu mốc ghi nhận chất lượng ở thời điểm này. Để tiếp tục duy trì chất lượng và phát triển ở tầm cao mới, Nhà trường không thể chỉ dừng lại ở kết quả này mà nếu không thường xuyên cải tiến, đổi mới mô hình giáo dục đào tạo thì sẽ không đáp ứng được với sự biến đổi của thị trường lao động, nhu cầu nhân sự trong sản xuất kinh doanh… Sau đại dịch Covid-19, thế giới đã thay đổi cục diện với sự thay đổi lớn nhất là “biến động liên tục”, không còn có những dự báo trong 5 năm, 10 năm. Ngay cả trong kinh doanh, các doanh nghiệp dệt may đã phải thay đổi trong khâu dự báo, dù là dự báo ngắn hạn hay dài hạn. Trong bối cảnh đó, yêu cầu về nhân lực và chất lượng nhân lực cũng sẽ có những thay đổi.

“Việc đạt chứng nhận kiểm định chất lượng là một thành quả rất lớn, là nền móng đầu tiên trong sự phát triển của Nhà trường. HTU cần coi đây là điểm nhấn để bước tiếp trên con đường mới, trước mắt là có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng các ngành đào tạo chính. Chắc chắn, với những ngành trọng yếu như: Công nghệ May, Thời trang, Quản trị doanh nghiệp dệt may, Công nghệ vật liệu (sợi, dệt nhuộm)…, Nhà trường phải nỗ lực phấn đấu để sớm đạt kiểm định chất lượng. Công nhận chất lượng là sự cam kết của Nhà trường đối với sinh viên, phụ huynh, xã hội và người sử dụng lao động. Cam kết này là sự quyết tâm, đảm bảo cung ứng ra thị trường những sản phẩm đạt chất lượng”, ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

Đại biểu, khách mời chụp ảnh lưu niệm cùng Nhà trường

Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội là trường công lập theo định hướng ứng dụng chuyên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Dệt May. Tiền thân là trường Đào tạo Bồi dưỡng Kỹ thuật Nghiệp vụ May mặc được thành lập theo Quyết định số 27/NT ngày 19/01/1967 của Bộ trưởng Bộ Nội thương. Trải qua nhiều lần đổi tên và nâng cấp, tại Quyết số 769/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 04/6/2015, Trường được nâng cấp thành trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội.

Trường là cơ sở giáo dục đại học duy nhất tại Việt Nam đào tạo đại học, cao đẳng phục vụ cho mô hình Chuỗi cung ứng dệt may hoàn chỉnh, bao gồm 8 ngành: Công nghệ Sợi, dệt; Thiết kế thời trang; Công nghệ may; Công nghệ kỹ thuật Cơ khí; Công nghệ kỹ thuật Điện, điện tử; Quản lý công nghiệp dệt may; Kế toán; Marketing thời trang; với quy mô 5000 sinh viên.

PV

Từ khóa » Dệt May Ha Noi