"Đại Hồng Thủy 1999", Kỳ 3: Hòa Duân Bãi Bể Nương Dâu
Có thể bạn quan tâm
"Đại hồng thủy 1999", kỳ 3: Hòa Duân bãi bể nương dâu
TT - Mười năm trước, có một ngôi làng ở biển Thuận An (Thừa Thiên - Huế) đã bị cơn hồng thủy cuốn trôi ra biển. Hòa Duân - tên ngôi làng ấy - mười năm trước vang lên mỗi ngày trên các bản tin báo chí, truyền hình với những hình ảnh không thể nào tin là sự thật.
Mười năm sau, chúng tôi về lại đây. Dấu vết của cơn đại hồng thủy thế kỷ 20 cuốn trôi cả ngôi làng ra biển là một quãng đường vắng bóng nhà cửa, phía đầu đường là tấm biển “Đập Hòa Duân - lý trình 54+250 quốc lộ 49, dài 616m, rộng 8m”.
Làng Hòa Duân đã trở thành cửa biển chỉ sau một đêm nước lũ tràn về. Ngày hôm sau, những người sống sót bày mâm cơm để gọi hương hồn người thân trở về vô vọng - Ảnh: Nguyễn Khoa Quả |
Trên mảnh đất này đã diễn ra cảnh "bãi biển biến thành nương dâu". Trước ngày 3-11-1999, nơi đây là làng xóm đông vui. Chỉ sau một đêm 2-11 nước lũ hoành hành, làng xóm đã thành cửa biển rộng gần một cây số. Một năm sau, con đập này được hàn kín, rừng dương mọc lên và một bãi tắm du lịch hình thành thu hút đông du khách - Ảnh: Lê Đức Dục |
Bàn thờ ở nhà anh Thu đóng hơi rộng để có chỗ đặt hết 12 bát nhang cho tất cả cha mẹ, anh em, vợ con và cả cháu của anh đã bị cuốn trôi theo dòng nước - Ảnh: T.Lộc |
>> Kỳ 1: Lụt chưa từng thấy>> Kỳ 2: Cuộc giải thoát 57 học sinh
Ký ức mười năm
“Chính nhờ eo Hòa Duân bị phá vỡ, nước lũ thoát nhanh ra biển mà mấy chục vạn người dân TP Huế và các huyện phía trên được cứu sống. Nếu không thì nước còn dâng cao, chưa biết điều gì sẽ xảy ra thêm nữa” - ông Nguyễn Văn Mễ, nguyên chủ tịch UBND Thừa Thiên - Huế vào thời điểm lụt lịch sử, cho biết. Theo ông Mễ, cửa Hòa Duân vỡ là do “tức nước vỡ bờ” chứ không phải là sự vận động của biển, nên một năm sau (2000) UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định lấp cửa Hòa Duân. Hai năm sau, cửa biển xanh ngắt đã trở thành một bãi tắm du lịch. |
Giờ thì chúng tôi đang đi xuyên qua đoạn quốc lộ 49 - cũng là con đập Hòa Duân được hàn khẩu từ tám năm trước - để ghé vào ngôi nhà đầu tiên phía Phú Thuận. Chủ nhà, anh Lê Văn Xoan, một ngư dân, đang nghỉ ở nhà bởi đang mùa biển động, nghe chúng tôi nhắc lại trận lụt mười năm trước, hồi ức năm nào vẫn còn trĩu nặng trong anh: “Nhà tui đây là xóm Tân Xuân, xã Phú Thuận.
Cũng ngôi nhà này, mười năm trước tui vừa làm xong, chưa kịp làm bữa cơm đưa tiễn thợ nề thì trúng lụt. Lụt chưa từng thấy trong suốt đời tui. Có đời mô vùng biển ni ngập nước sông được? Rứa mà lụt trên tràn về, nước biển ngoài tràn vô, chiều ngày 2 may mà cả nhà kéo nhau chạy kịp, không thì...”.
Anh Xoan nhắc với chúng tôi về cái chết thảm của gia đình ông Trần Văn Kiệu ở Hòa Duân: cả nhà 12 người chết gồm 2 ông bà già, 4 người con trai, 4 đứa cháu nội, 2 cô con dâu. Cả đại gia đình có một người duy nhất sống sót là anh Trần Văn Thu, nay đang sống ở làng Rồng, tức thôn An Hải, Thuận An.
Chúng tôi đến nhà anh Thu. Nhà anh cũng như 64 ngôi nhà tái định cư ở làng Rồng dành cho những hộ dân bị cuốn trôi nhà cửa ở Hòa Duân trong trận lụt kinh hoàng mười năm trước, khác chăng là trong gian nhà nhỏ bề ngang 4m, dài 6m được Bộ Quốc phòng hỗ trợ cho dân, bàn thờ của nhà anh Thu đóng hơi rộng để có chỗ đặt hết 12 bát nhang cho tất cả cha mẹ, anh em, vợ con và cả cháu của anh.
Sau lụt, người dân Hòa Duân vẫn ngày ngày ra bãi biển ngồi chờ trông bóng người thân mất tích. Ảnh chụp ngày 9-11-1999 - Ảnh: N.C.T. |
Lớp học sau trận lụt lịch sử ở Hương Phong, Hương Trà (Thừa Thiên - Huế). Bàn ghế trôi sạch, các em phải ngồi giữa đất để viết - Ảnh: Minh Tuất |
Xếp hàng mua dầu về thắp do thành phố Huế chưa có điện. Ảnh chụp ngày 9-11-1999 - Ảnh: N.C.T. |
“Còn chồi nảy cây”
Đêm 2-11-1999 kinh hoàng ấy có lẽ sẽ ám ảnh suốt đời anh Thu, khi đó anh 33 tuổi, có vợ và ba con nhỏ đã ra ở riêng. Trưa 2-11, khi thấy nước lũ đổ về, nghĩ rằng lụt to nhưng không nghĩ sẽ to đến mức ngập ngôi nhà của bố mẹ mình, anh chèo thuyền chở vợ và ba con vào tá túc nhà bố mẹ. Ngôi nhà vốn được xây kiên cố quãng giữa làng. Trong nhà lúc đó có bố mẹ anh, vợ chồng đứa em trai và một đứa con, ba em trai khác của anh và vợ cùng ba con trai. Để vợ con yên vị xong, anh chèo thuyền quay lại trông coi nhà mình.
Đến chiều thấy nước lên dữ quá, anh Thu lại chèo thuyền vào nhà bố mẹ. Nhưng chiếc thuyền của anh bị nước cuốn lật úp. Vốn là một ngư dân khỏe mạnh, anh đã lựa chiều con nước để bơi và may mắn bám vào sợi dây điện dọc trục đường đang mấp mé trong làn nước. Bà con trên bờ tìm mọi cách tiếp cận cứu anh nhưng không được, nước bắt đầu dâng cao, ào ạt chảy tràn qua đường.
Bám víu vào sợi dây điện mỏng manh kia, đến gần 12 giờ đêm anh Thu lần được vào đồn biên phòng 220 Thuận An thì người đã tím tái, nhưng nhìn về phía ngôi nhà bố mẹ anh vẫn thấy ánh sáng đèn măngsông hắt ra giữa mênh mông nước.
Nhưng chỉ một lúc sau, một tiếng nổ ầm vang lên, từ đồn biên phòng nhìn về ngôi nhà của bố mẹ, anh thấy ánh đèn măngsông sáng xanh phụt tắt, chỉ nghe tiếng nước réo ào ào cuồn cuộn. Khi ấy không ai nghĩ rằng đã có một cửa biển mới được mở ra, khoét sâu xuống tận đáy ngôi làng chài hiền hòa nơi đây. Anh Thu ngất đi khi biết chắc 12 người ruột thịt gồm bố, mẹ, vợ con, anh em mình khó mà thoát được luồng nước dữ.
Trước thời điểm đó, những chiếc canô của hải đội 2 biên phòng xuất kích lao về phía tiếng thét gào kêu cứu của những người dân thôn Hòa Duân. Nước dâng cao nhanh quá, không thể mở dây buộc canô ở cầu tàu đã chìm sâu dưới nước. Anh em dùng dao chặt đứt dây, con tàu công suất 300 sức ngựa lao ra giữa dòng nước xiết, quần quật trong sóng gió để đưa dân vào phía khu nhà hải đội. Và đúng lúc ánh đèn măngsông nhà anh Thu tắt ngấm cũng là lúc con tàu bị một núi nước khổng lồ trút xuống xé toang ngôi làng, tống luôn con tàu ra biển, cả năm anh em bị sóng đánh bật ra khỏi tàu.
Thuyền trưởng Đào Xuân Thành, máy trưởng Vũ Xuân Cường, thủy thủ Nguyễn Quang Phú vật lộn với dòng nước hung hãn, bị sóng đánh dạt đi xa hàng cây số về tận xã Hải Tiến nhưng may mắn thoát chết, riêng trung úy thợ máy Phạm Văn Điền và binh nhất Lê Đình Tư đã mãi mãi nằm lại giữa dòng lũ dữ.
Dòng hồi ức của anh Thu chợt ngưng lại khi có tiếng gọi “ba, ba” từ gian nhà sau. Một cậu nhóc chừng 3 tuổi vừa ngủ dậy, anh Thu vội vàng quay ra bế cậu vào lòng. “Còn da lông mọc còn chồi nảy cây” - người miền Trung có một bài ca dao bất hủ về niềm tin và hi vọng giữa tận cùng cay cực có một câu như thế. Sau cái tang 12 người trong gia đình, anh Thu có những lúc không thiết sống, nhất là khi nghĩ đến cái chết của vợ và ba đứa con nhỏ của mình trong đêm mưa lũ kinh hoàng ấy. Nhưng rồi anh đã gượng đứng lên.
Là người duy nhất còn lại của gia đình, anh phải sống để khói hương cho bố mẹ, vợ con, anh em, anh phải sống để “còn chồi nảy cây” cho dòng họ. Một cô gái trong làng đã đến với anh giữa những ngày tuyệt vọng đó. Giờ thì anh chị có một ngôi nhà nhỏ trong khu tái định cư làng Rồng. Đã có ba mặt con, hai đứa con gái đầu và thêm cậu út.
Cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng sau tất cả những đớn đau tang tóc của 10 năm trước, anh Thu càng quý hơn những phút giây bình an bên tổ ấm của mình.
LÊ ĐỨC DỤC - THÁI LỘC
___________________
Trong khi nước lụt tháng 11-1999 vẫn còn ngâm thì đầu tháng 12 trời lại hành thêm cơn lụt lớn. Lần này, Quảng Nam là nơi diễn ra ác liệt nhất. Vào thời điểm căng thẳng đó, dưới chân của đại công trình thủy lợi Phú Ninh lúc bấy giờ có một câu chuyện bí mật, liên quan đến sinh mạng của hàng ngàn người dân.
Kỳ tới: Quyết định sinh tử
====================================================================
Ký ức của bạn đọc
* Đêm đó, 1-11-1999, nước lên, lúc đó là gần 23g, cả nhà tôi, bốn mạ con, ngồi chèo queo trên cái gác nhỏ. Nước cứ dâng lên từ từ, rồi sát mép cái gác. Một số gia đình xung quanh trong cái xỏm nhỏ, thấp trũng phường Tây Lộc, nằm trong nội thành đã dỡ ngói lên trên mái nhà ngồi trong cái lạnh, gió, mưa và đói. Mạ tôi cũng lục đục chuẩn bị đưa chúng tôi lên trên nóc nhà phòng trường hợp nước dâng lên ngập cái gác. Dù sao thì cũng còn có hàng xóm xung quanh ở trên, nước có lên cao thì kêu cứu và hi vọng có ai đó đến đưa đi chỗ khác.
Rồi thì chuẩn bị, bỗng nhiên cái thang gỗ dùng để đi từ dưới nhà lên khác bị nước xô lệch khỏi vị trí và đập vào trần dưới của gác. Tôi xô tới níu lấy đó, nhưng bất cẩn tưởng chừng như té theo dòng nước. Mạ cầm lấy chân tôi níu lại. Lúc đó cả bốn mạ con không ai biết bơi, nếu mà tôi lỡ bị rớt xuống thì... Mạ ôm lấy tôi mà khóc. Chúng tôi tạm dừng việc di dời lên mái nhà. Mấy giờ đồng hồ trôi qua, nước lên rồi ngừng, nước rút dần, nhưng rút chậm và ngâm như vậy đến mấy ngày...
Bây giờ tôi vào học trong TP.HCM, mỗi lần miền Trung bão lụt là lòng thắt lại. Có những đêm nằm mà không ngủ được. Thằng con trai vốn kiên cường như tôi cũng rơi nước mắt. Huế mình năm ni lại lụt, nước vô nhà chưa mạ? Tôi cứ đau đáu. 5 năm rồi đi học xa nhà không còn chứng kiến cảnh lụt, đôi khi nhớ, đôi khi thèm được lội lụt đi vòng vòng trong xóm, thèm dội nước lau chùi bùn đất sau lụt. Ký ức lũ lịch sử tháng 11-1999 đến giờ vẫn còn nguyên vẹn sự hãi hùng như vậy.
TRƯƠNG VĂN TÂN
* Dù ở miền <?xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />Nam nhưng ký ức về trận lụt vẫn không thể quên trong tôi. Tôi còn nhớ năm đó, tôi chỉ mới học cấp 2. Lúc đó trong xóm có bao nhiêu quần áo cũ, mì gói, hàng cứu trợ đều tập trung ở nhà bà Năm để mang lên chùa cho chuyến hàng cứu trợ. Mẹ tôi soạn ra một bao quần áo cũ mang sang, có những người từ xóm trên vẫn xuống tới nhà bà Năm mang hàng cứu trợ đến. Bà Năm còn vận động mọi người gói bánh tét để mang đi cứu trợ. Ai cũng vui vẻ giúp, có người còn bỏ cả việc làm để đi theo xe cứu trợ. Tôi còn nhớ cả xóm ai cũng đều sẵn sàng giúp mà chẳng suy nghĩ gì.
Lúc đó dù đang ở trong miền Nam nắng ấm, không có một giọt mưa nhưng tôi cũng hình dung được hậu quả của trận lụt qua lời kể của mọi người kể lại sau khi theo xe cứu trợ về. Rồi những chuyến xe cứu trợ cứ nối tiếp nhau. Có những lúc hoạn nạn như thế này mới thấm thía câu “bầu ơi thương lấy bí cùng ” mà tôi vẫn được học trên lớp. Mấy ngày sau, trường tôi vận động quyên góp cứu trợ, tôi cũng tự nhịn phần an sáng của mình để bỏ vào thùng quyên góp.
NGUYEN HAI
* Ngày ấy, chúng tôi mới vào học năm đầu tiên tại Đại học Huế, đang học giáo dục quốc phòng tại Trung tâm giáo dục quốc phòng Phú Bài, tôi không nhớ là ngày nào nhưng những ngày ấy mưa rất nhiều, bình thường chúng tôi ăn cơm có thịt, rau nhưng đến ngày ấy, điện cúp, thông tin liên lạc đứt, chúng tôi “phải” ăn cơm mắm, với lạc rang, khi đó chúng tôi la ó, muốn “biểu tình” và không biết tình hình ở thành phố thế nào. Sau này chính trị viên nói chuyện chúng tôi mới hơi hơi hiểu vấn đề nhưng vẫn thấy ấm ức, chúng tôi chờ đến thứ 7 để được nghỉ về Huế xem thế nào (khoảng 1 tuần sau).
Tới thứ 7, chúng tôi liền về ngay, về tới ký túc xá thì than ôi! Mọi dấu vết cuả trận lụt vẫn còn nguyên: những cây xà cừ đường kính hơn 1m trong sân trường nằm chỏng chơ, vạch nước lưu lại đỉnh lũ trên tường cao qúa đầu người (đó là ở trường chúng tôi còn có móng nhà cao), xung quanh Đại Nội vạch nước cao gần 2m, bùn đất trong lớp ngoài sân dầy 30 đến 50 cm. Mọi nơi đều tan hoang, chúng tôi đi ngang qua bia Quốc học thì quan tài chất đống. Gọi là quan tài chứ thật ra là 6 miếng gỗ ngo 4 dài 2 ngắn ghép lại với nhau qua loa, nhìn vẫn còn thấy người bên trong.
Chúng tôi đi tiếp lên Kim Long vì gia đình bạn tôi ở đó, đi tới đâu là thấy mùi tang thương chết chóc ở đó, chúng tôi đi ngang qua nhà thờ thấy một người đàn ông khoảng 40 tuổi vác trên vai cái quan tài như vậy, mặt thất thần và chúng tôi đoán trong đó là xác một em nhỏ. Đường xá thì bùn ngập đến đầu gối, đi như lội ruộng sâu. Đây chắc là lần đầu tiên nhưng hy vọng là lần cuối cùng tôi chứng kiến cảnh này.
VU CONG DOAN
* Quê tôi, một làng quê nghèo nằm bên dòng sông Thạch Hãn, Quảng Trị. Một dòng sông hiền hoà thế nhưng mỗi mùa mưa lũ về nó như một con hà mã hung hãn muốn cuốn trôi mọi vật. Trong ký ức của tôi luôn in hằn về trận lũ lịch sử năm 1999. Đó là những ngày đầu tháng 11-1999, trời đổ mưa liên tục. Vào mùa này ở quê tôi mưa nhiều là chuyện bình thường, nhưng những cơn mưa này quá lớn, và nước ở vùng thượng nguồn bắt đầu đỏ về.
Người dân ở quê tôi nhìn con nước lên bắt đầu thấy lo, nước lên nhanh quá, nhanh đến mức không thể tưởng tượng nổi. Nước mới lên tới bãi bồi ven sông, chưa gì đã lên tới con đường lớn, rồi chỉ trong một buổi chiều nước đã mò vào tận nhà tôi. Chỉ qua một đêm nước đã lên tới ngập quá bàn. Nước lên nhanh mà lại lên trong đêm tối nên việc kê tài sản lên cao rất khó.
Ba mẹ tôi lúc đó đã cho 2 chị em tôi lên ngồi ở trên cái bàn được kê trên một cái khác nữa, rồi mò mẫn trong đêm tối để kê tài sản. Không có điện, chỉ mỗi một ngọn đèn dầu nhỏ, thêm vào đó nước lên nhanh quá nên cũng không thể làm được gì. Ba mẹ tôi chỉ có cách là đống kín cửa đề tài sản không bị trôi đi. Lúc dó còn nhỏ nhưng tôi cũng hiểu được rằng nhà tôi cao nhất trong làng mà nước còn sâu như vậy huống gì nhũng nhà khác.
Rồi 5 ngày lũ cũng đi qua, lũ rút nhìn lại làng quê khắp nơi tiêu điều. Thông qua chiếc đài nhỏ tôi được biết số người chết, mất tích ngày càng tăng. Nhà cửa, đồ đạc của người dân bị nước cuốn trôi đi rất nhiều. Nhiều gia đình giờ chỉ còn tay trắng. Làng quê tôi vốn đã nghèo, lũ qua lại càng nghèo hơn.
Biết bao giờ miền Trung hết bão lũ đây!
LÊ THỊ THU HUYỀN
* Đọc bài viết này, tôi xúc động nhớ lại một chương trình văn nghệ mà chúng tôi gấp rút thực hiện để quyên góp gây quỹ hỗ trợ đồng bào Huế trong những ngày khắc phục hậu quả cơn lụt 1999.
Năm đó, những tin tức đau thương từ miền Trung hàng ngày được đọc, được xem thông qua báo đài thôi thúc chúng tôi phải làm một điều gì đó kịp thời để chung tay khắc phục những nỗi đau. Thế nhưng, cũng thời điểm đó, chúng tôi đang phải túi bụi loay hoay hoay cho một chương trình tập huấn đoàn viên ở Đà Lạt đã được lên kế hoạch từ mấy tháng trước đó. Chúng tôi không biết liệu có đủ sức để làm chương trình văn nghệ không.
Vậy mà, khi kế hoạch đề ra, mọi người không một ai bàn lui. Thậm chí còn có ý kiến, cùng lắm là bỏ chương trình tập huấn.
Chương trình văn nghệ do Đoàn trường ĐH KH XH&NV, Đoàn khoa Đông phương và ban liên lạc đồng hương sinh viên Thừa Thiên – Huế tại TP.HCM đã ra mắt trong thời gian chuẩn bị kỷ lục, nên chất lượng chắc chắn không thể như ý. Đa phần chỉ là những tiết mục cây nhà lá vườn, được chuẩn bị vội vàng, có được sự góp mặt của ca sĩ Vân Khánh là chuyên nghiệp. Ấy thế mà chương trình cũng thu hút các bạn sinh viên chật kín cả giảng đường D1 (giảng đường lớn nhất của trường ĐH KHXH&NV TP.HCM thời điểm đó). Và số tiền thu được cũng không phải là ít. Nhưng quý hơn cả là tấm lòng của các bạn sinh viên lúc ấy. Tất cả đều hướng về miền Trung.
Chương trình diễn ra từ khoảng 19g30 và kết thúc lúc 22g. Một tiếng đồng hồ sau, chúng tôi đã phải lên xe đi Đà Lạt. Cảm giác ấm lòng vì đã làm được một điều gì đó theo chúng tôi suốt những ngày ở Đà Lạt, và cho tới tận bây giờ, mỗi khi nhắc tới.
Viết những dòng này, không phải để kể công, chỉ như là lời cám ơn đến những bạn bè tôi: những Cường, Tân, Xuân, Trang, Quỳnh, Thảo…; và cũng như góp thêm vào bức tranh toàn cảnh của cơn "đại hồng thủy 1999": còn có những tấm lòng phương xa hướng về nơi tang thương sau lụt.
GIAO CA
* Bạn có những ký ức và hình ảnh không quên về trận lũ lụt lịch sử 1-11-1999 tại miền Trung, hãy chia sẻ với bạn đọc Tuổi Trẻ Online tại địa chỉ tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Chân thành cám ơn.
Từ khóa » đập Hòa Duân
-
Hòa Duân Hồi Sinh - Báo Thừa Thiên Huế Online
-
Đập Hòa Duân - Thành Phố Huế - Wikimapia
-
Trở Lại Ngôi Làng Bị 'đại Hồng Thủy' Cuốn Ra Biển - Báo Tuổi Trẻ
-
Đập Hoà Duân, Hue, Thừa Thiên–huế
-
Làng Biển Tang Thương Trong Trận Lũ 20 Năm Trước - VnExpress
-
Đập Hoà Duân, Hải Dương
-
Lưu Trữ đập Hòa Duân - Lá Quê
-
Đập Hoà Duân ở Huế - YouTube
-
LỤT ĐẬP HÒA DUÂN VÀ BIỂN XÂM... - Học Tiếng Anh Future Lang
-
Đập Hoà Duân Ngập Rác - Phản ánh Hiện Trường
-
Làng Rồng Sau 20 Năm Từ Trận Lũ Lịch Sử | Xã Hội
-
Sự Tích Mới ở Eo Hòa Duân - Tạp Chí Sông Hương
-
Làng Rồng Nhớ Mãi Người đặt Tên - Báo Công An Đà Nẵng