Đại Thắng Mùa Xuân 1975: Nghệ Thuật Kết Thúc Chiến Tranh độc đáo

Mùa Xuân 1975, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, quân dân ta trên khắp chiến trường miền Nam mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giành toàn thắng. Đó là chiến công vĩ đại trong lịch sử dân tộc, có tầm ảnh hưởng và tác động sâu rộng đến quan hệ quốc tế.

Nhân dịp kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2019), Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) xin trân trọng giới thiệu bài viết “Đại thắng mùa Xuân 1975-Nghệ thuật kết thúc chiến tranh độc đáo, sáng tạo” của Đại tá Trần Tiến Hoạt - nguyên Phó Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử kháng chiến chống Mỹ-Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.

Chỉ đạo chiến lược kiên quyết, sắc bén, linh hoạt

Do chịu thất bại nặng nề trên chiến trường và phong trào phản đối chiến tranh dâng cao cả trong và ngoài nước, tháng 1/1973, Mỹ buộc phải ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút quân về nước. Nhưng với bản chất ngoan cố, hiếu chiến, Mỹ tiếp tục viện trợ kinh tế, quân sự chỉ đạo chính quyền, quân đội Sài Gòn phá hoại Hiệp định vừa ký kết, mở hàng ngàn cuộc hành quân “bình định, lấn chiếm,” các chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ” nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng miền Nam.

Chính phủ Mỹ còn thi hành chính sách ngoại giao xảo quyệt, thỏa thuận với các nước lớn xã hội chủ nghĩa cắt giảm viện trợ, gây áp lực hạn chế thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Trước âm mưu và hành động chiến tranh mới của địch, cách mạng miền Nam gặp những khó khăn, tổn thất nhất định. Nhiều địa phương tỏ ra lúng túng, nhấn mạnh đến hòa bình, hòa hợp, buông lỏng tư tưởng chiến lược tiến công nên trên một số địa bàn bị mất đất, mất dân. Chỉ tính riêng trong năm 1973, địch đóng thêm 500 đồn bốt, chiếm thêm 70 xã và gần 1.000 ấp, kiểm soát thêm 65 vạn dân...

Nắm bắt tình hình trên, tháng 7/1973, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 21 nhấn mạnh: Bất kể trong tình huống nào, con đường giành thắng lợi của cách mạng cũng là sử dụng bạo lực cách mạng, do đó phải nắm vững chiến lược tiến công, kiên quyết đẩy mạnh đấu tranh trên ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao để giành toàn thắng.

Ngày 9/4/1975, quân ta tiến công vào thị trấn Xuân Lộc, căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông Bắc. Ngày 21/4, quân địch ở Xuân Lộc tháo chạy, cửa ngõ vào Sài Gòn từ hướng Đông Bắc đã được mở. Ngay từ khi mất Xuân Lộc, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức. (Ảnh: TTXVN) Ngày 9/4/1975, quân ta tiến công vào thị trấn Xuân Lộc, căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông Bắc. Ngày 21/4, quân địch ở Xuân Lộc tháo chạy, cửa ngõ vào Sài Gòn từ hướng Đông Bắc đã được mở. Ngay từ khi mất Xuân Lộc, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức. (Ảnh: TTXVN)

Thực hiện nghị quyết của Đảng đề ra, quân dân ta trên chiến trường đã kiên quyết mở những cuộc phản công, tiến công trực tiếp giáng trả mọi hành động chiến tranh, tiêu hao, tiêu diệt một phần sinh lực địch, đánh bại cơ bản kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” của chúng, bảo vệ, mở rộng vùng giải phóng, tạo ra thế và lực mới cho kháng chiến.

Đặc biệt, ta giành thắng lợi lớn trong chiến dịch Đường 14-Phước Long (từ ngày 13/12/1974 đến ngày 6/1/1975) loại khỏi vòng chiến đấu trên 4.000 địch, giải phóng toàn tỉnh Phước Long (Đông Nam Bộ) với trên 50.000 dân.

Chiến thắng này cho thấy khả năng chiến đấu của quân chủ lực ta đã hơn hẳn quân chủ lực của địch, đồng thời cho thấy khả năng phản ứng rất hạn chế của Mỹ, tạo thêm cơ sở cho cơ quan chỉ đạo chiến lược cách mạng hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Cuối năm 1974, đầu năm 1975, so sánh lực lượng ở miền Nam có sự chuyển biến mau lẹ theo hướng ngày càng có lợi cho cách mạng, trên cơ sở đó, Hội nghị Bộ Chính trị (từ 30/9 đến 7/10/1974) và Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (từ 18/12/1974 đến 8/1/1975) đã ra nghị quyết lịch sử, hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước trong thời gian 2 năm (1975-1976).

Theo kế hoạch đề ra, trong năm 1975, cách mạng sẽ tranh thủ thời cơ bất ngờ tiến công địch trên quy mô lớn, rộng khắp, tạo tiền đề để trong năm 1976 tiến hành tổng công kích-tổng khởi nghĩa giành toàn thắng.

Tuy đề ra kế hoạch 2 năm, nhưng Bộ Chính trị cũng chỉ rõ nếu thời cơ đến sớm thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975. Về phương hướng, yêu cầu đặt ra, Bộ Chính trị nhấn mạnh: cần tranh thủ thời cơ thực hiện tổng công kích-tổng khởi nghĩa, phải đánh thắng nhanh để giảm thiệt hại về người và của cho nhân dân, đồng thời giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hóa, giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh.

Đây thực sự là một sáng tạo lớn trong nghệ thuật chỉ đạo kết thúc chiến tranh, thể hiện tầm cao trí tuệ, tư tưởng và truyền thống nhân văn sâu sắc của dân tộc Việt Nam, điều đó vượt lên trên mọi toan tính của các nhà hoạch định chính sách phía Mỹ, đồng thời đập tan những luận điệu xuyên tạc về “các cuộc tắm máu” mà các thế lực thù địch, phản động ở trong và ngoài nước rêu rao. Trên thực tế khi bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, nắm bắt kịp thời những diễn biến của chiến trường, Bộ Chính trị không ngừng bổ sung quyết tâm chiến lược, quyết định rút ngắn thời gian: giải phóng hoàn miền Nam ngay trong năm 1975 (cuộc họp ngày 18/3/1975), giải phóng hoàn miền Nam trước mùa mưa năm 1975 (cuộc họp ngày 25/3/1975), giải phóng hoàn miền Nam trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là ngay trong tháng 4 năm 1975 (cuộc họp ngày 1/4/1975).

Thực hành tổng tiến công và nổi dậy toàn diện, triệt để, nhanh gọn

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân dân Việt Nam bắt đầu từ ngày 4/3/1975 và kết thúc vào ngày 30/4/1975, trong đó tiến công quân sự đóng vai trò quyết định với ba chiến dịch chiến lược liên tục về thời gian và liên kết về không gian đi đến đánh sập quân đội Sài Gòn. Mỗi chiến dịch chiến lược lại có cách thức tổ chức thực hiện độc đáo, sáng tạo khác nhau.

Chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4/3 đến ngày 3/4/1975) là đòn giáng mở đầu Tổng tiến công và nổi dậy nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng các tỉnh nam Tây Nguyên, mở rộng hành lang nối liền Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ và đồng bằng Khu 5, thực hiện chia cắt chiến lược, tạo cục diện mới cho chiến trường. Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên xác định trận tiến công Thị xã Buôn Ma Thuột là trận then chốt.

Lực lượng cách mạng hoàn toàn áp đảo. Ta sử dụng cách đánh mới: tổ chức các mũi đột kích binh chủng hợp thành kết hợp với các đơn vị đặc công và bộ binh bí mật triển khai trước đánh thẳng vào trung tâm thị xã, nhanh chóng tiêu diệt cơ quan chỉ huy đầu não địch rồi mới phát triển trở ra bên ngoài thị xã.

Ngày 10 tháng 3 năm 1975, tiếng súng đánh chiếm Buôn Ma Thuột bắt đầu. Đại bộ phận các đơn vị bộ binh cơ giới, xe tăng thọc sâu tại các vị trí chờ đợi từ xa trên các hướng, các trục đường khác nhau theo lệnh vượt qua các tuyến vòng ngoài ào ạt đánh chiếm những mục tiêu chủ yếu trong thị xã. Có những đơn vị phải vượt qua chặng đường dài 30-40 km nhưng vẫn bảo đảm thời gian hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Niềm vui hiện rõ trên gương mặt người dân Sài Gòn trong ngày giải phóng 30/4/1975. (Ảnh: TTXVN) Niềm vui hiện rõ trên gương mặt người dân Sài Gòn trong ngày giải phóng 30/4/1975. (Ảnh: TTXVN)

Đòn tiến công đã làm cho Mỹ, chính quyền Sài Gòn hoàn toàn bị bất ngờ, choáng váng. Mọi sự kháng cự và ứng cứu của địch đều bị đập tan. Đến trưa ngày 11 tháng 3, quân ta hoàn toàn làm chủ thị xã. Việc đánh chiếm giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột trong hơn một ngày đêm là một trong những chiến công vang dội của cách mạng miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trực tiếp mở ra thắng lợi của toàn chiến dịch Tây Nguyên nói riêng, toàn bộ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 nói chung.

Tiếp theo là đòn tiến công giải phóng Huế-Đà Nẵng (26/3 đến 29/3/1975). Sau khi mất Tây Nguyên, chính quyền và quân đội Sài Gòn rơi vào tình trạng hoang mang, rối loạn. Địch tập trung quân về giữ thành phố Huế và khu liên hợp quân sự Đà Nẵng, chờ đợi viện binh từ phía Nam ra phản công.

Nhạy bén tranh thủ thời cơ, ta nhanh chóng mở cuộc tiến công trong hành tiến giải phóng Huế (26/3), sau đó phát triển thành chiến dịch tiến công quy mô lớn bằng thế hợp vây của ba cánh quân từ ba hướng Bắc, Tây, Nam đánh vào Đà Nẵng, phá tan thế co cụm, diệt và làm tan rã 10 vạn địch, làm thay đổi hẳn tương quan so sánh lực lượng trên chiến trường.

Đến những ngày cuối tháng 4 năm 1975, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam dồn sức cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng: Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Bộ Tư lệnh chiến dịch xác định 5 mục tiêu quan trọng nhất cần đánh chiếm bằng được: Bộ Tổng tham mưu, Dinh Độc lập, Biệt khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát, sân bay Tân Sơn Nhất.

Về mặt lực lượng, quân ta vẫn chiếm ưu thế áp đảo. Nhưng đánh bằng cách nào có hiệu lực nhất, để vừa phát huy hết sức mạnh của tất cả lực lượng, giành thắng lợi nhanh nhất, vừa giảm thiểu được sự tàn phá của chiến tranh (giữ được Sài Gòn hầu như nguyên vẹn) là vấn đề đặt ra cấp thiết. Lúc này, trong nội thành Sài Gòn, địch tổ chức phòng thủ thành 5 liên khu do toàn bộ lực lượng cảnh sát, phòng vệ dân sự phụ trách.

Ở vòng ngoài, chúng bố trí các sư đoàn chủ lực mạnh muốn ngăn chặn quân ta từ xa 30-50km, đề phòng khi bị tiến công, chúng sẽ từng bước lùi dần và co cụm về Sài Gòn “tử thủ."

Bộ Tư lệnh chiến dịch sử dụng cách đánh hết sức linh hoạt, sáng tạo, đó là dùng một bộ phận lực lượng thích hợp trên từng hướng, đủ sức hình thành bao vây, tiêu diệt, làm tan rã tại chỗ các sư đoàn chủ lực của địch ở vòng ngoài; đồng thời dùng đại bộ phận lực lượng nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các địa bàn then chốt ven đô, mở đường cho các binh đoàn đột kích cơ giới hóa mạnh đã được tổ chức chặt chẽ, tiến nhanh theo các trục đường lớn đánh thẳng vào 5 mục tiêu đã được lựa chọn trong nội thành.

Với cách đánh như vậy, quân ta hoàn toàn tập trung được sức mạnh để đánh vào các mục tiêu chủ yếu đã lựa chọn kết hợp với tiêu diệt địch ở vòng ngoài không cho địch trong ngoài ứng cứu làm giảm bước tiến quân của ta.

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thắng lợi vẻ vang đã khẳng định cho cách đánh này là hoàn toàn đúng đắn. Đặc biệt, cách mạng đã giữ được thành phố Sài Gòn hầu như nguyên vẹn. Đó là một thành công to lớn mà cả thế giới thấy kinh ngạc.

Phối hợp chặt chẽ với các đòn quân sự then chốt là các cuộc tiến công và nổi dậy của quân dân các địa phương khắp chiến trường (đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long) theo phương thức xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh. Đến ngày 2/5/1975, miền Nam nước ta hoàn toàn giải phóng.

Như vậy, trong một thời gian ngắn (55 ngày đêm), cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân Việt Nam đã giành thắng lợi hoàn toàn. Cách mạng đã diệt và làm tan rã hơn 1 triệu quân chủ lực và khoảng 1,5 triệu quân thuộc lực lượng phòng vệ dân sự của địch, đập tan bộ máy chính quyền và quân đội Sài Gòn, giải phóng miền Nam, kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; đồng thời kết thúc vẻ vang cuộc trường chinh 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc (1945-1975), mở ra kỉ nguyên mới của dân tộc Việt Nam: cả nước độc lập, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 chính là “cột mốc vàng” của lịch sử dân tộc, khẳng định nét độc đáo, sáng tạo trong nghệ thuật chỉ đạo kết thúc chiến tranh của Đảng Lao động Việt Nam phù hợp với yêu cầu của thời cơ quân sự, thời cơ chính trị và hơn hết khẳng định cho trí tuệ, tài thao lược Việt Nam trong “cuộc đụng đầu lịch sử” chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Từ khóa » Thông Tin Về Mùa Xuân Năm 1975