Đại Tướng Của Nhân Dân – Nhà Quân Sự Lỗi Lạc Của Dân Tộc Việt Nam

Đồng chí Võ Nguyên Giáp học giỏi, đỗ đầu kỳ thi sơ học của tỉnh Quảng Bình, được cha mẹ giáo dục về lòng yêu nước, căm thù giặc xâm lược. Năm 1924, thi đỗ vào Trường Quốc học Huế. Năm 1925, 1926, tham gia phong trào học sinh yêu nước của Trường này, tiếp thu tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc. Năm 1927, Võ Nguyên Giáp gia nhập Tân Việt Cách mạng đảng, đến năm 1929, cùng một số đồng chí cải tổ Tân Việt thành Đông Dương Cộng sản liên đoàn, một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong thời gian này, Võ Nguyên Giáp tiếp xúc với các tài liệu tuyên truyền về cách mạng, về chủ nghĩa Mác, với các bài giảng và Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc. Khi làm biên tập viên báo Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng, Võ Nguyên Giáp đã viết những bài tuyên truyền chủ nghĩa Mác và bị thực dân Pháp theo dõi. Tháng 10 năm 1930, Võ Nguyên Giáp bị bắt khi tham gia phong trào Cứu tế đỏ ở Nghệ An, bị tòa án thực dân Pháp kết án 2 năm tù, giam tại nhà lao Thừa Phủ (Huế). Cuối năm 1931, Võ Nguyên Giáp được trả tự do trước thời hạn, nhưng mất liên lạc với tổ chức nên ra Hà Nội. Từ 1932 đến 1934, Võ Nguyên Giáp ôn và thi đỗ tú tài toàn phần. Từ 1934 đến 1940, giảng dạy lịch sử ở Trường Trung học tư thục Thăng Long, viết báo tuyên truyền cách mạng trong học sinh, sinh viên, tiếp tục học Đại học Luật và Kinh tế.

Năm 1936, Võ Nguyên Giáp tham gia Mặt trận dân chủ Đông Dương, ở trong Ban lãnh đạo nửa hợp pháp của Đảng, tham gia sáng lập và viết bài bằng tiếng Việt và tiếng Pháp cho các tờ báo của Đảng: Báo Lao động; Báo Tiếng nói của chúng ta; Báo Tiến lên; Thời báo Cờ Giải phóng. Ông còn tham gia phong trào Đông Dương Đại hội và được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ; tham gia thành lập và là thành viên Ban Trị sự Hội truyền bá quốc ngữ. Tháng 9 năm 1939, Chiến tranh thế giới II bùng nổ, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương quay ra đàn áp phong trào cách mạng, Võ Nguyên Giáp và các đồng chí của mình rút vào hoạt động bí mật.

Tháng 5 năm 1940, đồng chí Hoàng Văn Thụ thay mặt Thường vụ Trung ương Đảng cử Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Theo quy định của Đảng đối với đảng viên bị mất liên lạc, hai người được kết nạp lại vào Đảng. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc để Võ Nguyên Giáp đi học tại Trường Quân sự Diên An nhưng đang trên đường đi, nhận thấy tình hình quốc tế có nhiều biến động, Nguyễn Ái Quốc đã yêu cầu Võ Nguyên Giáp cùng trở về nước xây dựng lực lượng và căn cứ địa, chuẩn bị đón thời cơ cách mạng.

Tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân Võ Nguyên Giáp duyệt binh lần đầu tiên ở Hà Nội ngày 26/8/1945 sau khi giành được chính quyền. (Nguồn: Ảnh tư liệu). Tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân Võ Nguyên Giáp duyệt binh lần đầu tiên ở Hà Nội ngày 26/8/1945 sau khi giành được chính quyền. (Nguồn: Ảnh tư liệu).

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ VIII, khi thành lập Mặt trận Việt Minh, Võ Nguyên Giáp được giao phụ trách Ủy ban Quân sự của Tổng bộ Việt Minh, tham gia chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, xây dựng căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng. Năm 1942, Ông được giao phụ trách Ban Xung phong Nam tiến để tổ chức quần chúng hình thành con đường từ Cao Bằng về Thái Nguyên.

Tháng 12 năm 1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đội quân đầu tiên của lực lượng cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo. Ngày 22 tháng 12 năm 1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, nằm giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Đảng đọc “Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới cờ đỏ sao vàng, 34 chiến sĩ đã đọc “Mười lời thề danh dự” của Đội do Võ Nguyên Giáp biên soạn. Ngay sau ngày thành lập, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp chỉ huy đánh thắng hai trận Phai Khắt và Nà Ngần, mở đầu cho truyền thống “đánh thắng trận đầu”, “đánh tiêu diệt gọn” của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tháng 4 năm 1945, tại Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, đồng chí Võ Nguyên Giáp được bầu vào Ủy ban quân sự cách mạng Bắc Kỳ, giữ chức Tư lệnh các lực lượng vũ trang cách mạng thống nhất với tên gọi Việt Nam Giải phóng quân. Tháng 8 năm 1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí Võ Nguyên Giáp được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, sau đó được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Tại Quốc dân Đại hội Tân Trào (ngày 16, 17 tháng 8 năm 1945), đồng chí Võ Nguyên Giáp được bầu vào Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam và đã có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Chính phủ cách mạng lâm thời được thành lập, đồng chí Võ Nguyên Giáp được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ; về Đảng được phân công là Bí thư Đảng đoàn Chính phủ, được Đảng phân công đặc trách về quân sự. Được Chính phủ ủy nhiệm, đồng chí Võ Nguyên Giáp là người đã ký các sắc lệnh quan trọng: Quy định Quốc kỳ (ngày 5 tháng 9 năm 1945), Học chữ quốc ngữ bắt buộc và không mất tiền (ngày 8 tháng 9 năm 1945).

Từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 2 tháng 3 năm 1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Phó Bộ trưởng (Thứ trưởng) Bộ Quốc phòng trong Chính phủ liên hiệp lâm thời. Từ ngày 2 tháng 3 năm 1946, đồng chí giữ chức Chủ tịch Kháng chiến Ủy viên hội (sau đổi thành Ủy ban kháng chiến) trong Chính phủ liên hiệp. Tháng 4-5 năm 1946, đồng chí là Phó Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị trù bị Đà Lạt (19 tháng 4 đến 10 tháng 5 năm 1946) để chuẩn bị cho cuộc đàm phán Việt - Pháp tại Fontainebleau. Từ ngày 3 tháng 11 năm 1946 đến tháng 8 năm 1947, Võ Nguyên Giáp được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong Chính phủ liên hiệp quốc dân, Chính phủ mới do Quốc hội khóa I thành lập. Ngày 30 tháng 11 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền cho đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Tổng Chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ Việt Nam, sau là Tổng Tư lệnh, kiêm Tổng Chính ủy, Bí thư Tổng Quân ủy. Đồng chí Võ Nguyên Giáp là người trực tiếp theo dõi và tổ chức chuẩn bị vũ trang kháng chiến trên toàn quốc, đặc biệt là chuẩn bị kháng chiến của Hà Nội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Biên Giới (1950). (Nguồn: Ảnh tư liệu) Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Biên Giới (1950). (Nguồn: Ảnh tư liệu)

Ngày 20 tháng 1 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong quân hàm cấp tướng cho 11 cán bộ cao cấp của Quân đội, đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng. Tháng 7 năm 1948, đồng chí được tái bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (thay cho đồng chí Tạ Quang Bửu). Tháng 2 năm 1951, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), đồng chí Võ Nguyên Giáp là Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy các chiến dịch lớn: Chiến dịch Việt Bắc (7/10 - 20/12/1947), Chiến dịch Biên Giới (16/9 - 14/10/1950), Chiến dịch Trần Hưng Đạo (25/12/1950 - 17/01/1951), Chiến dịch Hoàng Hoa Thám (23/3 - 7/4/1951), Chiến dịch Quang Trung (28/5 - 20/6/1951), Chiến dịch Hòa Bình (10/12/1951 - 25/2/1952), Chiến dịch Tây Bắc (14/10 - 10/12/1952), Chiến dịch Thượng Lào (13/4 - 03/5/1953), đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ (13/3 - 7/5/1954). Trong thời kỳ này, Võ Nguyên Giáp đã kiến nghị với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh những quyết sách đúng đắn và sáng tạo, đặc biệt là quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sự lãnh đạo, chỉ huy của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Võ Nguyên Giáp liên tiếp giữ các chức vụ Tổng Tư lệnh, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Ông là người sớm có kiến nghị và đã dành nhiều tâm sức trong việc xây dựng quân đội tiến lên chính quy, hiện đại, xây dựng nền quốc phòng vững mạnh. Ông đề xuất và tổ chức xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân, binh chủng Đặc công, xây dựng đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trên bộ và đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, kịp thời tổ chức và xây dựng các quân đoàn chủ lực để đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng quân binh chủng, thực hiện những trận đánh lớn.

Trong quá trình đánh Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng Quân ủy Trung ương chỉ đạo xây dựng những kế hoạch chiến lược, các phương án tác chiến để kiến nghị với Trung ương và Bộ Chính trị, tổ chức chỉ đạo, chỉ huy thực hiện các kế hoạch ấy, đánh bại các chiến lược của Mỹ trong chiến tranh xâm lược ở miền Nam và chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, cùng với sự chỉ đạo của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị với Bộ Chính trị về kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam và trực tiếp chỉ đạo các cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tư lệnh tiền phương chỉ huy toàn quân thực hiện thắng lợi quyết tâm chiến lược đó: Chọn đúng hướng đột phá chiến dịch Tây Nguyên; Khi địch hoang mang, hỗn loạn rút khỏi Tây Nguyên đã kịp thời nắm bắt thời cơ chiến lược đề nghị Bộ Chính trị chuyển sang kế hoạch sớm giải phóng miền Nam trong năm 1975; Khi xuất hiện tình huống chiến lược địch thất thủ ở Huế, thành lập ngay Bộ Tư lệnh chiến dịch Đà Nẵng, kiên quyết tiến công giải phóng Đà Nẵng trong 3 ngày; Phê chuẩn quyết định thành lập Cánh quân hướng Đông, ký mệnh lệnh lịch sử “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo táo bạo hơn nữa”, ra lệnh cho cánh quân phía Đông nhanh chóng phát triển tiến công để giải phóng Sài Gòn. Nhờ đó, cánh quân phía Đông đã đánh dọc ven biển miền Trung, tiến qua Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, dùng một quân đoàn đập tan phòng tuyến Phan Rang tiến vào Phan Thiết, đánh chiếm Bà Rịa, phối hợp Quân đoàn 4 đập tan tuyến phòng thủ Xuân Lộc của địch, rồi cùng các cánh quân khác tiến thẳng vào giải phóng Sài Gòn và miền Đông Nam Bộ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (26 - 30/4/1975).

Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp duyệt phương án đánh B52 của Mỹ tập kích vào Hà Nội năm 1972 tại Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân. (Nguồn: Ảnh tư liệu). Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp duyệt phương án đánh B52 của Mỹ tập kích vào Hà Nội năm 1972 tại Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân. (Nguồn: Ảnh tư liệu).

Ngay sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quân ủy Trung ương đã kiến nghị với Bộ Chính trị bổ sung vào kế hoạch chiến lược giải phóng quần đảo Trường Sa. Được Bộ Chính trị phê chuẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp chỉ đạo Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược này (từ ngày 2 đến 28/4/1975).

Sau khi đất nước thống nhất, cùng đi lên Chủ nghĩa xã hội, đồng chí Võ Nguyên Giáp được Đảng và Chính phủ phân công vừa phụ trách quốc phòng đến năm 1980, vừa chỉ đạo công tác khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội và sau đó cả công tác giáo dục đào tạo đến năm 1991. Tiếp thu kinh nghiệm của thế giới, tập hợp được trí tuệ của nhiều nhà khoa học trong nước, đồng chí đã có những ý kiến chỉ đạo đúng đắn, sát thực tiễn, góp phần đề ra những quan điểm cơ bản tạo nên những tiến bộ của nền khoa học và giáo dục Việt Nam thời kỳ này.

Là cộng sự tin cậy và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp sớm thấy được giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với những thắng lợi của cách mạng Việt Nam, sớm đề xuất và trực tiếp triển khai nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh. Năm 1990, tại Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức tại Ấn Độ, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã trình bày tham luận “Thế giới còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi”. Năm 1991, đồng chí đề nghị với Bộ Chính trị và Ban trù bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII cần xác định tư tưởng Hồ Chí Minh cùng chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và đã được Đại hội nhất trí tán thành. Sau Đại hội, trong 5 năm, đồng chí làm cố vấn cho chương trình khoa học cấp Nhà nước Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh và trực tiếp làm Chủ nhiệm đề tài “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam”. Sau khi rời vị trí lãnh đạo, quản lý cho đến những năm đầu thế kỷ 21, đồng chí Võ Nguyên Giáp vẫn theo dõi cập nhật tình hình thời sự trong nước, thế giới và luôn quan tâm, kịp thời đóng góp với Đảng, Nhà nước những vấn đề quan trọng của quốc gia.

Là một nhà lãnh đạo văn võ song toàn, đồng chí Võ Nguyên Giáp không những có kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn phong phú mà còn là nhà lý luận xuất sắc với những cống hiến to lớn. Đồng chí hết sức coi trọng việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, nhất là lĩnh vực quân sự, là người đã cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về khởi nghĩa vũ trang, về chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân cả trong hoạt động thực tiễn và tổng kết, đúc rút thành lý luận. Đồng chí đã biên soạn, xuất bản hơn 40 tác phẩm, góp phần phổ biến, quán triệt đường lối chính trị, quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam, chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục lịch sử, truyền thống và kinh nghiệm, đồng thời đã khái quát những vấn đề mới, những nội dung cơ bản về tư tưởng và lý luận quân sự Việt Nam.

Các tác phẩm tiếng Việt chủ yếu của đồng chí Võ Nguyên Giáp: Trước Cách mạng Tháng Tám có “Vấn đề dân cày” (đồng tác giả với Trường Chinh, 1938); “Con đường giải phóng”. Trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí biên soạn nhiều tác phẩm lý luận, tiêu biểu như: “Đội quân giải phóng”; “Quân đội nhân dân và chiến tranh nhân dân”, “Chiến tranh du kích”; “Điện Biên Phủ”; “Chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước” “Bài giảng về đường lối quân sự”; “Nhiệm vụ phát triển nền khoa học quân sự Việt Nam”; “Mấy vấn đề về đường lối quân sự của Đảng”; “Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân”. Sau 1975: “Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc” (1979); Tổng tập luận văn (2006) bao gồm nhiều luận văn quân sự.

Quân ủy Trung ương đang theo dõi diễn biến chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 4/1975). Trong ảnh, từ trái sang phải: Đại tá Lê Hữu Đức (Cục trưởng Cục tác chiến), Thượng tướng Hoàng Văn Thái (Phó tổng tham mưu trưởng), Thiếu tướng Vũ Xuân Chiêm (Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần), Thượng tướng Song Hào (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị), Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Tổng tư lệnh, Bộ trưởng Quốc phòng, Bí thư Quân ủy Trung ương), Trung tướng Lê Quang Đạo (Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị). (Nguồn: Ảnh tư liệu). Quân ủy Trung ương đang theo dõi diễn biến chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 4/1975). Trong ảnh, từ trái sang phải: Đại tá Lê Hữu Đức (Cục trưởng Cục tác chiến), Thượng tướng Hoàng Văn Thái (Phó tổng tham mưu trưởng), Thiếu tướng Vũ Xuân Chiêm (Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần), Thượng tướng Song Hào (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị), Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Tổng tư lệnh, Bộ trưởng Quốc phòng, Bí thư Quân ủy Trung ương), Trung tướng Lê Quang Đạo (Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị). (Nguồn: Ảnh tư liệu).

Đồng chí Võ Nguyên Giáp còn biên soạn và xuất bản nhiều tập hồi ký như: “Từ nhân dân mà ra” (1964); “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử” (1964); “Những năm tháng không thể nào quên” (1970); “Những chặng đường lịch sử” gồm hai tác phẩm đã in “Từ nhân dân mà ra” và “Những năm tháng không thể nào quên” (1977); “Chiến đấu trong vòng vây” (1995); “Đường tới Điện Biên Phủ”, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch Điện Biên Phủ” (2004); “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng” (2000); “Tổng tập hồi ký” (2006); Chủ biên đề tài “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam” và xuất bản “Những bài viết và nói chọn lọc thời kỳ đổi mới”.

Hồi ký tiếng Anh: “Unfogettable Days”, Vo Nguyen Giap, Nxb Thế giới, 2003; “Dien Bien Phu, Vo Nguyen Giap”, Nxb Thế giới, 2004; “Fighting under Siege”, Vo Nguyen Giap, Nxb Thế giới, 2004.

Trên thế giới, danh tướng Võ Nguyên Giáp được ghi trong từ điển bách khoa của nhiều nước, có nhiều tác phẩm viết về Đại tướng.

Với công lao và cống hiến xuất sắc của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, hai Huân chương Hồ Chí Minh, huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp được suy tôn là Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, là Tư lệnh của các tư lệnh, Chính ủy của các chính ủy, là Đại tướng của Nhân dân. Thế giới đánh giá, với tài thao lược về chiến lược, chiến dịch, hậu cần kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao, Võ Nguyên Giáp là một danh tướng của thế giới, một trong những thiên tài quân sự lớn nhất thế kỷ 20.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp là một trong những học trò xuất sắc của Hồ Chí Minh, một tấm gương mẫu mực, một nhân cách lớn bởi tầm cao trí tuệ, đạo đức nhân văn, tấm lòng yêu nước, thương dân, suốt đời “dĩ công vi thượng”, hết lòng phục vụ Đảng, phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc, sống nhân hậu, nghĩa tình, dân chủ, bình đẳng, yêu thương cán bộ, chiến sĩ, gần gũi tôn trọng nhân dân. Ông là một nhà lãnh đạo cách mạng tiêu biểu, một nhà quân sự lỗi lạc, một vị Tổng Tư lệnh “văn võ song toàn”, “đức tài trọn vẹn”, một nhà chiến lược mưu trí sáng tạo, một nhà lý luận quân sự hàng đầu, một nhà tổ chức kiệt xuất, một vị tướng có uy tín lớn trong nước và trên thế giới, là nhà giáo, nhà báo, nhà ngoại giao, nhà sử học, nhà văn hóa lớn của dân tộc.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp từ trần ngày 4 tháng 10 năm 2013. Tên Ông đã được đặt cho một đường phố lớn ở Hà Nội, Điện Biên Phủ, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu và nhiều địa phương trong cả nước.

Từ khóa » đại Tướng Võ Nguyên Giáp Mất Ngày Bao Nhiêu