Đài Tưởng Niệm Pò Hèn - Nơi Khắc Ghi Khí Phách Anh Hùng
Có thể bạn quan tâm
Pò Hèn – một địa danh đã đi vào lịch sử dân tộc với biết bao niềm tự hào. Và ở nơi ấy, Đài tưởng niệm Pò Hèn hôm nay sừng sững, hiên ngang giữa núi trời Đông Bắc biếc xanh, tựa như khí phách anh hùng, chiến công oanh liệt của những người đã nằm xuống, để tiếp tục làm vẹn tròn sứ mệnh bảo vệ, canh giữ từng tấc đất thiêng liêng nơi phên dậu của Tổ quốc thân yêu.
Cổng chào, lối vào Khu Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn đang trong quá trình hoàn thiện.
Dọc theo cung đường tuần tra biên giới từ Cửa khẩu Bắc Phong Sinh để lên đến Pò Hèn, được nghe những hồi ức lịch sử, những câu chuyện linh thiêng trên đỉnh Pò Hèn từ người dẫn đường – Đại tá Nguyễn Quang Vinh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Chính trị (nay là Chính ủy) BĐBP tỉnh Quảng Ninh khiến chúng tôi không khỏi xúc động.
Là người gắn bó, dành tình cảm sâu nặng với Pò Hèn từ những năm còn công tác, đến nay đã ở tuổi 75 nhưng hằng năm, trong những dịp lễ, tết ông Vinh vẫn cùng đồng đội, các cựu chiến binh trở lại nơi đây thắp nén hương thơm tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh. Ông Vinh cũng luôn đau đáu, dành nhiều tâm huyết, đề xuất các cấp, ngành và tự đứng ra vận động xã hội hóa các nguồn kinh phí với mong muốn được góp sức cải tạo, nâng cấp Khu Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn.
Khu Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn tại thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn do Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ninh làm chủ đầu tư được khởi công tôn tạo vào ngày 19/5/2010 nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh nhật Bác, là công trình được huy động từ nguồn vốn xã hội hóa của các tập thể, đơn vị, cá nhân gia đình thân nhân các liệt sĩ trên mọi miền đất nước với tấm lòng tri ân sâu sắc. Công trình được khánh thành ngày 10/1/2011, với tổng diện tích khuôn viên trên 86.000m2, gồm các hạng mục công trình chính là: Đài tưởng niệm, đỉnh hương, nhà bia, sân khu tưởng niệm và vườn cây.
Nổi bật, là Đài tưởng niệm cao 16m bằng bê tông cốt thép, ốp đá trắng, quay mặt về hướng Bắc, có hình tượng ba bàn tay chụm vào nhau vừa là tượng trưng cho ba dân tộc: Kinh, Dao, Sán Chỉ sinh sống tại nơi này, vừa là biểu tượng cho vòng tay ôm của đất mẹ và đồng đội. Ngôi sao năm cánh vàng tươi ở chính giữa những bàn tay ấy tượng trưng cho ý chí, khí phách kiên trung của mảnh đất và con người nơi biên cương phên giậu của Tổ quốc. Ở hai bên phía trước có 2 nhà bia trong đó đặt 2 tấm bia đá. Tấm bia thứ nhất ghi tên 45 cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã hy sinh tại đồn sáng ngày 17/2/1979, còn tấm bia thứ 2 ghi tên 13 chiến sĩ hy sinh trong các giai đoạn từ ngày 15/2/1980 và người hy sinh cuối cùng tại biên giới Pò Hèn ngày 25/6/1991 cùng 28 liệt sĩ, gồm có nữ liệt sĩ duy nhất Hoàng Thị Hồng Chiêm và 27 công nhân Lâm trường cùng hy sinh ngày 17/2/1979.
Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn.
Theo bước chân của Đại tá Nguyễn Quang Vinh và ông Hoàng Như Lý vốn là chuẩn úy, trinh sát Đồn Biên phòng Pò Hèn khi ấy, chúng tôi vào thăm đồi Quế - nơi đã trở thành chứng tích thiêng liêng trong trận chiến sáng 17/2/1979. Đưa từng bước chân trên mảnh đất thấm đẫm máu của các anh hùng liệt sĩ năm xưa và mường tượng về trận chiến đấu anh dũng qua lời kể của hai cựu chiến binh già, những thước phim lịch sử chầm chậm hiện lên trong tôi rõ nét như mới đây thôi.
Dừng chân trước tảng đá và tấm bia ghi tên những liệt sĩ đã ngã xuống tại đồi Quế trong trận chiến ngày 17/2/1979, thắp lên một nén hương tưởng nhớ, ông Lý kể: Hôm ấy, ngày 17/2/1979, anh Phạm Xuân Tảo, Chính trị viên Đồn đã chiến đấu anh dũng, ngoan cường, bị thương. Anh cố gắng bò về đồn, nhưng do vết thương quá nặng, anh đã tựa mình vào tảng đá dưới chân đồi Quế và yên nghỉ mãi mãi ở đó. Tại tảng đá này, chúng tôi có dựng tấm bia để tưởng nhớ anh.
Đôi mắt rưng rưng không kìm nén được niềm xúc động trong ngày trở lại, những cựu chiến binh chia sẻ về mong muốn chốt đồi Quế sẽ sớm được tôn tạo, phục dựng như trước kia để thế hệ trẻ có được hình dung chân thực về những năm tháng đấu tranh anh dũng của cha anh, để không bao giờ quên được lịch sử.
Đại tá Nguyễn Quang Vinh và ông Hoàng Như Lý thắp nén hưởng tưởng nhớ các đồng đội đã ngã xuống tại chốt đồi Quế.
Tháng 3/2014, Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh gồm: Cụm đài tưởng niệm, nhà bia, nhà lưu niệm truyền thống được xây dựng trên nền của Đồn Pò Hèn năm xưa và toàn bộ cảnh quan nơi đây. Cùng với Tượng đài chiến sĩ công an nhân dân vũ trang bảo vệ giới tuyến ở Quảng Trị, Khu trưng bày truyền thống An ninh vũ trang miền Nam ở Tây Ninh, Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ ở Điện Biên, Khu Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn là một trong số 4 công trình văn hóa mang dấu ấn truyền thống của lực lượng công an nhân dân vũ trang (nay là bộ đội biên phòng) được đầu tư nâng cấp, sửa chữa trong năm 2018 hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân và 60 năm Ngày Truyền thống Bộ đội Biên phòng Việt Nam. Cùng với kinh phí đầu tư của Bộ Tư Lệnh Bộ đội Biên phòng, UBND tỉnh và các nguồn kinh phí xã hội hóa, Khu Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn đã được tôn tạo lớn với nhiều hạng mục, như: Cổng chào, nhà đón tiếp, cảnh quan xung quanh và trung tâm là Ðài tưởng niệm.
Khu Tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Pò Hèn hiện nay, đã trở thành khu một trong những địa chỉ đỏ trong việc giáo dục truyền thống đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biên giới Tổ quốc. Hằng năm, tại Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn có trên 300 đoàn khách, đoàn học sinh đến tham quan, dâng hương tưởng nhớ.
Đặc biệt, cứ vào ngày 17/2 hằng năm, Đồn Biên phòng Pò Hèn đều làm lễ giỗ chung cho các liệt sĩ đã ngã xuống trong những ngày đầu của trận chiến đấu bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, viết tiếp những trang sử hào hùng của lực lượng Biên phòng nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Ông Hoàng Như Lý chia sẻ những câu chuyện lịch sử với các học sinh đến dâng hương tại Khu Tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Pò Hèn.
Giữa không gian bốn bề mênh mông, tĩnh lặng của núi rừng, chỉ còn thấy làn khói hương tỏa nồng ấm hòa vào trong gió bay khắp núi đồi biên cương, không khí trang nghiêm thành kính của từng đoàn khách vào dâng hương tưởng niệm. Chúng tôi tạm biệt Pò Hèn khi những hạt mưa xuân lất phất bắt đầu rơi. Phải chăng đó cũng chính là lời cảm tạ của đất trời trước sự hy sinh oanh liệt của những người con vì hai chữ Tổ quốc mà chẳng tiếc máu xương, mãi gửi lại tuổi đời thanh xuân đã hóa thành bất tử nơi dải đất biên cương.
Từ khóa » đỉnh Pò Hèn
-
Bài Ca Trên đỉnh Pò Hèn - Báo Quảng Ninh điện Tử
-
Chiến địa Xưa Hồi Sinh Trên đỉnh Pò Hèn - Báo Giao Thông
-
Chuyện Ghi Trên đỉnh Non Thiêng Pò Hèn - Báo Lao động
-
Pò Hèn - “địa Chỉ đỏ” Bảo Vệ Chủ Quyền Biên Giới Quốc Gia - VOV
-
Trên đỉnh Pò Hèn - Báo Quân đội Nhân Dân
-
Trên đỉnh Pò Hèn - Văn Nghệ Quân đội
-
Pò Hèn: Ký ức Và Những Sắc Màu
-
"Hoa Xuân" Trên đỉnh Pò Hèn - Cổng Thông Tin Quảng Ninh
-
Rưng Rưng Khúc Tráng Ca Tình Yêu Của Liệt Sĩ Trên đỉnh Pò Hèn
-
43 Năm Cuộc Chiến đấu Bảo Vệ Biên Giới Phía Bắc (17.2.1979
-
Dâng Hương, Tưởng Niệm Các Anh Hùng Liệt Sĩ Tại Khu Di Tích Lịch Sử ...
-
Ngân Khúc Ca Tưởng Niệm Trên đỉnh Pò Hèn - Báo Biên Phòng
-
Dâng Hương Tưởng Niệm Các Anh Hùng, Liệt Sĩ Tại ... - Báo Biên Phòng