ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP – ĐẠI TƯỚNG CỦA NHÂN DÂN

Chân dung Đại tướng do phóng viên Marc Riboud của hãng thông tấn Magnum thực hiện năm 1969

Sinh ra ở một vùng quê giàu truyền thống tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước; ngay từ nhỏ, Võ Nguyên Giáp luôn toát lên là người thông minh đặc biệt, dù học ở đâu cũng luôn là người đứng đầu, được thầy yêu, bạn mến. Ngay cả những thầy giáo người Pháp cũng rất quý và nể phục. “Anh Giáp hơn tôi một tuổi, nhưng đã có những suy nghĩ của người lớn, còn tôi lúc ấy chỉ là một cậu bé chăm học và ngoan, dễ bảo thế thôi. Các giáo sư Việt cũng như Pháp đều tỏ vẻ bằng lòng đối với hai chúng tôi, nhất là đối với anh Giáp, học giỏi” - NGND Nguyễn Thúc Hào bạn học của Đại tướng kể lại.

Tham gia phong trào cách mạng từ khá sớm, năm 14 tuổi, khi học ở trường Quốc học Huế, cậu học tròVõ Nguyên Giáp bị lôi cuốn mạnh mẽ bởi phong trào đấu tranh của nông dân, trí thức, học sinh Trung Kỳ chống sưu cao thuế nặng, đòi trả tự do cho cụ Phan Bội Châu. Trong bộ phim tài liệu: “Giọt nước giữa đại dương”, Đại tướng kể lại rằng: “Cứ thứ 5 hằng tuần, chúng tôi đến thăm “Ông già Bến Ngự”, nghe cụ Phan hô hào thanh niên phải yêu nước, phải đứng lên. Những câu thơ “Dậy! Dậy! Dậy! Bên án một tiếng gà vừa gáy”, “Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ”… khiến thanh niên chúng tôi bừng bừng lên như lửa”. Từ đó,Võ Nguyên Giáp đã tích cực tham gia phong trào đấu tranh, bãi khóa ở trường Quốc học Huế; tham gia Đảng Tân Việt cách mạng (năm 1927); tham gia phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, bị thực dân Pháp bắt giữ và bị giam ở nhà lao Thừa Phủ, Huế (năm 1930). Cuối năm 1931, nhờ sự can thiệp của Hội Cứu tế đỏ của Pháp, đồng chí được trả tự do. Khi ra tù, mất liên lạc với tổ chức, đồng chí ra Hà Nội dạy học ở Trường tư thục Thăng Long, viết báo tuyên truyền xây dựng cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh, đồng thời tiếp tục học Đại học Luật và Kinh tế. Trong thời gian này, đồng chí từng được đề xuất nhận học bổng du học Pháp nhờ thành tích học tập xuất sắc, nhưng do đã chọn con đường cách mạng, đồng chí đã nhất quyết từ chối.

Năm 1940, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Từ đây, Võ Nguyên Giáp được Bác giáo dục, rèn luyện, giao đảm trách nhiều công việc và ngay từ rất sớm đã được Người định hướng phải học thêm về quân sự. Giữa năm 1944, Bác Hồ nhận định, thời kỳ cách mạng phát triển hòa bình đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa đến, Người quyết định thành lập một đội tuyên truyền vũ trang đầu tiên. Võ Nguyên Giáp kể lại rằng, trong một cuộc họp, sau khi phân tích tình hình mọi mặt, Người quay sang hỏi: “Việc này giao cho chú Văn phụ trách, chú có làm được không?”. Anh Văn khi đó có chút bất ngờ, nhưng vẫn quả quyết: “Dạ, có thể được”. Bằng câu trả lời ngắn gọn đó, Võ Nguyên Giáp chính thức lãnh sứ mệnh cầm quân đánh giặc. Tháng 12/1944, đồng chí được Lãnh tụ Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Trở thành vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đảm nhiệm trọng trách lớn lao khi tuổi đời còn khá trẻ (37 tuổi); song với sự học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng nghỉ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân Việt Nam. Tại buổi lễ thụ phong quân hàm đại tướng ngày 25/8/1948, Bác Hồ tay cầm Sắc lệnh, bằng giọng trang nghiêm và xúc động, Người nói: “Hôm nay thay mặt Chính phủ và nhân dân…” Bác bỗng ngừng lời, rút khăn tay lau nước mắt. Rồi Bác nói tiếp: “…Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ làm tròn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho…”.

Trong 30 năm liền giữ cương vị là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy Quân đội Nhân dân Việt Nam đánh thắng các đội quân quân xâm lược của chủ nghĩa phát xít, thực dân, đế quốc giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Dưới quyền chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân đội ta từ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân chỉ với 34 chiến sĩ và vài chục khẩu súng trường, súng kíp thô sơ, đã từng bước lớn mạnh, thiện chiến, kiên cường chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược. Chúng ta đã đánh bại quân xâm lược phát xít Nhật, để cướp chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Sau đó, đánh thắng thực dân Pháp, kết thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ - được mệnh danh là tập đoàn cứ điểm “bất khả xâm phạm”. Trong chiến dịch này, được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ: “Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”, Đại tướng đã ra nhiều quyết định quan trọng, mà quyết định khó khăn nhất chính là chuyển phương châm chiến dịch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, với quyết tâm “ta vẫn giữ vững quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ, nhưng phải thay đổi cách đánh”. Chính quyết định ấy đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, lập lại hòa bình ở miền Bắc nước ta. Hiệp định Giơnevơ ký kết chưa được bao lâu thì đế quốc Mỹ hất cẳng thực dân Pháp xâm lược nước ta, đặt ách thống trị kiểu thực dân mới, buộc Nhân dân ta phải tiếp tục cuộc kháng chiến mới, gay go, ác liệt hơn. Với ý chí quyết tâm “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, được Đảng, Nhà nước, Bác Hồ tiếp tục giao nhiệm vụ chỉ huy Quân đội ta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo toàn dân, toàn quân ta lần lượt đánh thắng các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai, làm nên chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975 trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Có thể nói, trong các chiến dịch lớn có tính chất quyết định, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn thể hiện sự quyết đoán, sắc bén, tư duy quân sự, chiến thuật và tài chỉ huy đặc biệt.

Những kiến thức và tài năng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều nhờ quá trình tự học từ lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam và lịch sử quân sự thế giới; tự rèn luyện, tự đúc rút kinh nghiệm qua thực tế chiến đấu của Quân đội ta mà nên. Chính điều ấy đã làm nên sự khác biệt của Đại tướng, khiến thế giới khâm phục, suy tôn Võ Nguyên Giáp là danh tướng, một trong 10 vị tướng vĩ đại nhất lịch sử thế giới qua mọi thời đại... Bách khoa toàn thư quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ, xuất bản năm 1993 viết: “Tài thao lược của Tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao... Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử”.

Không chỉ tỏa sáng rực rỡ trong lĩnh vực quân sự, Đại tướng còn là một trong những nhà văn hóa lớn của Việt Nam. Những tác phẩm của Đại tướng, như: "Từ nhân dân mà ra", "Những năm tháng không thể nào quên", "Chiến đấu trong vòng vây", "Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử", "Tổng Hành dinh trong mùa xuân toàn thắng", "Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam"... đã giúp người đọc cả trong và ngoài nước càng hiểu sâu hơn về bản sắc, truyền thống văn hóa, nguồn gốc sức mạnh của dân tộc Việt Nam, càng thêm yêu mến, khâm phục đất nước và con người Việt Nam. Ở các lĩnh vực như giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật, báo chí, ngoại giao, văn hóa, lịch sử…, Đại tướng đều có nhiều đóng góp quan trọng, thực sự là con người tài - đức vẹn tròn, văn - võ song toàn đúng như Giáo sư Vũ Khiêu đã viết:“Võ công truyền Quốc sử/Văn đức quán nhân tâm”.Trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và đổi mới đất nước, dù trên cương vị nào được Đảng, Nhà nước đặt niềm tin giao cho, Đại tướng đều dồn hết tâm sức, trí tuệ và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nhân dân tôn xưng là Đại tướng của Nhân dân; được cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân gọi với cái tên trìu mến “Anh Cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Hơn 80 mươi năm hoạt động cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, trở thành “Vị tướng huyền thoại” của dân tộc Việt Nam. Ở Đại tướng luôn sáng ngời những phẩm chất nhân cách của nhà văn hóa lớn, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; đặc biệt là 6 đức tính cần phải có của các vị tướng do Bác Hồ chỉ ra “Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung” luôn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp thực hiện đầy đủ, trọn vẹn. Tình thương yêu con người của Đại tướng được hòa quyện với tình yêu quê hương, đất nước và đã để lại trong Nhân dân Việt Nam cùng bạn bè quốc tế hình ảnh về một nhà lãnh đạo đức độ, tài năng, một nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc, một chiến sĩ cách mạng kiên trung, suốt đời tận tụy hy sinh phấn đấu phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, không màng chút danh, lợi riêng tư.

Nhà văn Xukhômlinski từng nói: “Con người sinh ra không phải để tan biến như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất và in dấu lại trong trái tim người khác”. Câu nói này thật đúng với Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. Ngày 4/10/2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vĩnh biệt thế giới để đi về cõi vĩnh hằng, để lại nỗi tiếc thương vô hạn với đồng bào chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế. Sự ra đi của Đại tướng là sự mất mát to lớn đối với Đảng, Nhà nước, Nhân dân và cán bộ chiến sĩ cả nước. Hiếm có vị tướng nào được người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế dành tình yêu thương vô bờ bến đến như vậy. Minh Huyền

Từ khóa » đại Tướng Võ Nguyên Giáp Vị Tướng Của Nhân Dân