Đại Tướng Võ Nguyên Giáp - Người Chiến Sĩ Cách Mạng Kiên Trung ...

Chủ tịch Hồ CHí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1957. Ảnh: AP

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều sinh ra ở mảnh đất miền Trung giàu truyền thống cách mạng: Bác Hồ sinh ra ở quê hương Nghệ An “ là vùng đất địa linh nhân kiệt nhất trong rất nhiều vùng đất địa linh nhân kiệt của Việt Nam”, còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp cất tiếng khóc chào đời từ “miền đất gió Lào, cát trắng” - Quảng Bình. Quê hương anh hùng là một cái nôi bồi đắp, nuôi dưỡng, chở che, rèn luyện ý chí, góp phần hun đúc và hình thành lòng yêu nước sâu nặng trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Năm 1911, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước từ Bến cảng Nhà Rồng. Đây cũng là năm Đại tướng Võ Nguyên Giáp cất tiếng khóc chào đời trong một gia đình nhà nho yêu nước tại làng quê An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Cũng thật ngẫu nhiên, lịch sử lại đưa hai người kiệt xuất của hai thế hệ nối tiếp nhau ấy trùng phùng, gắn bó mật thiết với nhau trong suốt phần đời còn lại của mỗi người và trở nên vĩ đại, bất tử.

Tháng 6-1940, lần đầu tiên đồng chí Võ Nguyên Giáp được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trên một con thuyền ở Thúy Hồ, Côn Minh, Trung Quốc, đây thật sự là một cuộc gặp gỡ lịch sử. Kể từ đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp luôn có vinh dự được sống, chiến đấu bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thường trực trong trái tim, là người có ảnh hưởng to lớn trong cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng. Những thành công trong cuộc đời cầm binh đưa Võ Nguyên Giáp đến vị thế của một tướng lĩnh huyền thoại có dấu ấn sâu đậm của người Thầy vĩ đại Hồ Chí Minh.

Chính Bác Hồ là người đã đưa Võ Nguyên Giáp đến với nghiệp “võ”. Trong cuộc trả lời phỏng vấn nhà báo Pháp Daniel Roussel vào năm 1992, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại những ngày đầu đến với việc… nhà binh: “... Tôi được gặp Hồ Chủ tịch lần đầu tiên ở Trung Quốc năm 1940. Chính ở đó, một hôm Người đã đề nghị tôi nghiên cứu vấn đề quân sự. Tôi đã trả lời Bác là tôi quen cầm bút hơn cầm kiếm. Tôi đã nói nguyên văn như vậy... Sau này trở về Việt Nam, ở Pác Bó, khi chúng tôi thảo luận về sự cần thiết chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, một đồng chí đã nói: "Khởi nghĩa vũ trang ư? Nhưng chúng ta làm gì có vũ khí?". Hồ Chủ tịch trả lời cần ưu tiên vấn đề con người: "Con người trước đã, vũ khí tính sau. Nếu quần chúng ủng hộ, chúng ta sẽ có tất cả”.

Ngày 22-12-1944, tại Cao Bằng, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam làm lễ thành lập do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Kể từ đây Võ Nguyên Giáp bắt đầu bước vào cuộc đời của một vị tướng cầm quân suốt cuộc trường chinh thế kỷ, trở thành người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, lãnh đạo quân ta lập nên những chiến công vang dội.

Điều đó cho thấy, một trong những “quyết định sáng suốt nhất” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - với tầm cao tư duy về chiến lược quân sự là chọn Võ Nguyên Giáp làm người phụ trách quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã nhìn thấy cốt cách cao đẹp của một con người yêu nước nồng nàn, một nhà giáo và sau này là một nhà chính trị có tầm cao tư duy và lại có trái tim nhân văn cao cả. Có lẽ, chính vì vậy, dù là tướng quân đội, nhưng Bác gửi gắm, đặt cho bí danh rất ý nghĩa: Văn.

Ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 110-SL phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân Tự vệ. Đến ngày 28-5-1948, tại buổi lễ phong quân hàm cho vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội ta, Hồ Chủ tịch long trọng tuyên bố: “Nhân danh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng, để chú điều khiển binh sỹ, làm trọn sứ mệnh mà quốc dân phó thác”. Từ đây, đồng chí Võ Nguyên Giáp trở thành vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam khi mới 37 tuổi, là vị quân nhân đầu tiên được đặc cách phong quân hàm Đại tướng không qua các cấp trung gian. Điều này thể hiện thiên tài của Bác trong dùng người: Bác chọn đúng một thầy giáo dạy Sử, một sinh viên Luật học để cầm quân. Và cũng chính nhà giáo ấy đã lãnh đạo quân đội ta từ vẻn vẹn 34 chiến sĩ với trang bị vũ khí thô sơ trở thành một quân đội chính quy ngày càng hiện đại với những binh đoàn hùng mạnh ngày nay.

Ông là vị tướng thể hiện rõ nét nhất tính nhân văn của một người làm tướng: “Anh là Tư lệnh của các Tư lệnh, Chính ủy của các Chính ủy, là Tổng Tư lệnh biết đau với từng vết thương của người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh. Anh Văn trở thành cây đa rợp bóng mát tình yêu thương đồng đội” (Thượng tướng Trần Văn Trà). Nếu Hồ Chí Minh là Người Việt Nam đẹp nhất thì Võ Nguyên Giáp chính là Anh Bộ đội Cụ Hồ đẹp nhất. Nói đến tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh cũng cần nhắc đến khoa học quân sự đã nâng lên mức nghệ thuật của Đại tướng - là tài thao lược trong việc chỉ huy từng chiến dịch, từng trận đánh để biến nghệ thuật quân sự thành những chiến thắng huy hoàng!

Việc dùng người đối với Bác Hồ mà nói là cả nghệ thuật. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở các cán bộ lãnh đạo của Đảng ta là “dùng người như dùng gỗ” và “cán bộ là cái gốc của mọi việc”. Đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bác luôn thể hiện sự vững tin ở phẩm chất, bản lĩnh và tài năng của người học trò xuất sắc của mình.

Trước khi lên đường ra mặt trận làm nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy kiêm Tổng Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Khuổi Tát để chào Bác và xin ý kiến Bác, Bác hỏi Võ Đại tướng:

- Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường có gì trở ngại?

Đại tướng báo cáo với Bác, chỉ có trở ngại là mặt trận Điện Biên ở xa, khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết, khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị.

Bác thân mật nói với Võ Đại tướng:

- Tổng Tư lệnh ra mặt trận, “Tướng quân tại ngoại”! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau.

Khi chia tay, Bác còn nhắc:

- Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh.

Sau này, trong hồi ức “Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử”, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thổ lộ: “Ngày hôm đó (tức ngày 26-1-1954), tôi đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình!”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi đã lựa chọn đúng người, lại giao đúng việc và hơn nữa, lại rèn luyện công phu! Võ Nguyên Giáp trở thành một trong những học trò xuất sắc và gần gũi nhất với Bác Hồ; trở thành một nhà tham mưu tài ba, một phần của thiên tài Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh; được Hồ Chí Minh tôn trọng nhất để bộc lộ nhiều nhất tài năng thiên bẩm về quân sự, về chính trị, về khoa học của mình.

Võ Nguyên Giáp - vị tướng văn võ toàn tài, người đã đánh bại 10 Đại tướng của Pháp, 4 Đại tướng của Mỹ, được cả thế giới vinh danh. Hội nghị các nhà nghiên cứu quân sự hàng đầu Thế giới được tổ chức ở Thủ đô Luân Đôn (Vương quốc Anh) đã nhất trí bầu Võ Nguyên Giáp là 1 trong số 10 vị tướng huyền thoại xuất sắc nhất của nhân loại mọi thời đại (Việt Nam có 2 người trong danh sách này, người còn lại là Trần Hưng Đạo). Hãng tin AP đánh giá: Là một anh hùng dân tộc, đồng chí Giáp để lại một di sản chỉ đứng sau duy nhất người thầy của mình, chủ tịch sáng lập và nhà lãnh đạo giành độc lập cho đất nước - Hồ Chí Minh.

Hơn 80 mươi năm hoạt động cách mạng, cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta và Quân đội ta. Ở Đại tướng luôn sáng ngời những phẩm chất nhân cách của nhà văn hóa lớn, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; đặc biệt là 6 đức tính cần phải có của các vị tướng do Bác Hồ chỉ ra “Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung" luôn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp thực hiện đầy đủ, trọn vẹn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn ghi nhớ, noi gương và thực hành lời căn dặn của Lãnh tụ Hồ Chí Minh: Làm cách mạng là phải “Dĩ công vi thượng" (tức là phải đặt lợi ích chung lên trên hết), “Dĩ bất biến ứng vạn biến", “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng"… coi đó làm phương châm sống và phấn đấu trong suốt cuộc đời.

Đối với Tuyên Quang, nhiều địa danh trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này đã in đậm dấu chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những năm tháng kháng chiến gian khổ mà vĩ đại như: Tân Trào, Kim Quan, Kim Bình…gắn với những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc như: thành lập Khu Giải phóng, Quốc dân Đại hội Tân Trào, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng… Cũng tại lán Nà Nưa, Tân Trào, Bác Hồ đã căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập. Câu nói nổi tiếng này biểu thị cho một ý chí sắt đá: Không có gì quý hơn độc lập, tự do.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-25/8/2021), là dịp để mỗi người Việt Nam nói chung và mỗi người dân Tuyên Quang nói riêng cùng tưởng nhớ đến vị Đại tướng được đánh giá là một trong những học trò trung thành và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nguyễn Thanh Thủy

Từ khóa » đại Tướng Võ Nguyên Giáp Sinh Ra ở đâu