Đại Tướng Võ Nguyên Giáp - Trọn Cuộc đời Gắn Bó Với Sự Nghiệp ...
Có thể bạn quan tâm
Ảnh: Theo baochinhphu.vn |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người chiến sĩ cách mạng kiên trung
Sinh ra từ vùng quê giàu truyền thống yêu nước, trực tiếp chứng kiến cảnh đồng bào bị bè lũ thực dân và tay sai đàn áp, bóc lột đã nung nấu trong ông ý chí sôi sục và quyết tâm đứng lên đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc. Năm 1925, khi còn là học sinh, do sớm được tiếp thu tư tưởng cách mạng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ông đã tích cực tham gia phong trào đấu tranh, bãi khóa ở trường Quốc học Huế; tham gia Đảng Tân Việt cách mạng (năm 1927); tham gia phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, bị thực dân Pháp bắt giữ và bị giam ở nhà lao Thừa Phủ, Huế (năm 1930). Cuối năm 1931, nhờ sự can thiệp của Hội Cứu tế đỏ của Pháp, ông được trả tự do. Khi ra tù, mất liên lạc với tổ chức, ông ra Hà Nội dạy học ở Trường tư thục Thăng Long, viết báo tuyên truyền xây dựng cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh, đồng thời tiếp tục học Đại học Luật và Kinh tế.
Năm 1940, đồng chí Võ Nguyên Giáp với bí danh là Dương Hoài Nam cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng được cử sang Trung Quốc gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tháng 11/1941, trở về Cao Bằng, dưới sự lãnh đạo, dìu dắt của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí khác xây dựng cơ sở cách mạng, tích cực tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, lôi cuốn đồng bào các dân tộc tham gia các hoạt động cách mạng, tổ chức và phụ trách Ban xung phong Nam tiến, mở đường nối căn cứ địa cách mạng Cao Bằng với các tỉnh miền xuôi.
Tháng 12/1944, Đồng chí được Lãnh tụ Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngay sau đó, Đồng chí đã chỉ huy Đội đánh thắng hai trận đầu ở Phai Khắt, Nà Ngần. Trên các cương vị là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, thành viên Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, thành viên Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Tư lệnh Việt Nam giải phóng quân, Đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ; dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với cương vị Tổng tư lệnh Quân đội kiêm Bí thư Quân ủy Trung ương, Đồng chí đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh vũ trang kéo dài 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954) giành thắng lợi. Được phong hàm Đại tướng vào tháng 5 năm 1948, với vai trò là Tổng Tư lệnh chiến dịch, Bí thư Đảng ủy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng, như: Chiến dịch Biên Giới (9 - 10/1950), Trung Du (12/1950), Đồng Bằng (5/1951), Hòa Bình (12/1951 - 2/1952), Tây Bắc (10 - 12/1952), Thượng Lào (4 - 5/1953). Đặc biệt, năm 1954, được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng trao quyền trực tiếp chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy các đại đoàn của Quân đội và các lực lượng tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đánh bại đội quân nhà nghề của thực dân Pháp, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương, giải phóng hoàn toàn miền Bắc nước ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bàn kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954). (Ảnh: Tư liệu TTXVN) |
Hiệp định Giơnevơ ký kết chưa được bao lâu thì đế quốc Mỹ đã nhanh tay hất cẳng Pháp, biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự Mỹ, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Trước tình hình cách mạng mới, Đại tướng đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân, toàn quân tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ xâm lược, làm nên những thắng lợi vẻ vang mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đất nước hòa bình, thống nhất, trên cương vị là Bí thư Quân ủy Trung ương (đến năm 1978), Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội lãnh đạo toàn dân, toàn quân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước.
Năm 1980, Đại tướng thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhưng vẫn tiếp tục là Ủy viên Bộ Chính trị (đến năm 1982) và Phó Thủ tướng phụ trách khoa học - kỹ thuật.
Năm 1991, Đại tướng nghỉ hưu ở tuổi 80. Từ năm 1992 đến lúc từ trần, Đại tướng là Chủ tịch danh dự Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Chủ nhiệm Đề tài: "Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam", kiêm cố vấn chương trình khoa học cấp Nhà nước về "Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh"; Chủ tịch danh dự Hội khoa học lịch sử Việt Nam; Chủ tịch danh dự Hội khuyến học Việt Nam; Chủ tịch danh dự Quỹ hỗ trợ sáng tạo khoa học kỹ thuật Việt Nam; Chủ tịch danh dự Hội Cựu giáo chức Việt Nam.
Trọn cuộc đời gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn sáng ngời phẩm chất cao quý của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, suốt đời tận tụy hy sinh, một lòng, một dạ phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng cộng sản. Dù trong lúc cách mạng gặp thuận lợi hay khó khăn, Đồng chí vẫn tin tưởng, thủy chung, son sắt với Đảng, với Nhân dân, đúng như lúc sinh thời Đồng chí đã từng nói "Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó".
Dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với quân và dân Bắc Kạn trong thời kỳ hoạt động cách mạng
Đối với quân và dân Bắc Kạn, vị Đại tướng tài ba - Võ Nguyên Giáp là người trực tiếp thành lập và dẫn dắt chính quyền cách mạng non trẻ của Bắc Kạn từng bước đi tới thắng lợi mà đỉnh cao là thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Năm 1942, thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp về Nguyên Bình - Cao Bằng củng cố và phát triển phong trào Việt Minh, mở rộng căn cứ Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn; đồng thời mở con đường Nam tiến phát triển phong trào cách mạng về vùng xuôi. Nhiều thanh niên ở huyện Ngân Sơn - Bắc Kạn bắt đầu giác ngộ cách mạng và gia nhập vào tổ chức Việt Minh ở Cao Bằng.
Là huyện đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn tiếp nhận ảnh hưởng của phong trào Nam tiến, các hội viên Hội Việt Minh ở Ngân Sơn đã trực tiếp tham gia vào lớp đào tạo cán bộ cách mạng do đồng chí Võ Nguyên Giáp huấn luyện. Sau khi đào tạo, cùng đoàn quân Nam tiến, đồng chí Võ Nguyên Giáp bắt đầu giao nhiệm vụ cho các hội viên đi tới các vùng núi cao của đồng bào Dao Đỏ, Dao Tiền, các vùng thấp của đồng bào Tày - Nùng ở Chợ Rã, Chợ Đồn, Bạch Thông vận động, tổ chức quần chúng vào các đoàn thể Cứu quốc trong mặt trận Việt Minh. Trên cơ sở đó, đồng chí ra sức bồi dưỡng cốt cán trung kiên, xây dựng lực lượng tự vệ, đẩy mạnh công tác binh vận. Để tiện cho việc tuyên truyền, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã biên soạn và dịch bài ca “Việt Minh ngũ tự kinh” ra các thứ tiếng: Tày, Dao, Mông. Dưới dạng thơ ca, “Việt Minh ngũ tự kinh” có lời lẽ giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ. Bài ca nêu lên những vấn đề cơ bản trong đường lối chính sách của mặt trận Việt Minh, được đông đảo đồng bào các dân tộc Bắc Kạn ưa thích và truyền miệng. Các làng bản ở chân núi Phja Bjoóc tham gia Hội Việt minh ngày càng nhiều. Để kỷ niệm cho thắng lợi đầu tiên này, đồng thời ghi nhận một cao trào cách mạng đang hình thành, tháng 9/1943, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đặt tên cho núi Phja Bjoóc là núi Cứu Quốc.
Dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Võ Nguyên Giáp, phong trào Nam tiến phát triển rộng khắp, đặc biệt phong trào cách mạng tại Ngân Sơn có đà phát triển mới. Công tác phát triển Đảng của Châu Ngân Sơn thời kỳ này là vô cùng cần thiết. Đứng trước tình hình thời cơ cách mạng đang có nhiều thuận lợi, cần có hạt nhân lãnh đạo, định hướng phong trào cách mạng cho quần chúng nhân dân, đồng chí Võ Nguyên Giáp quyết định thành lập Chi bộ Đảng Chí Kiên ở Bản Duồm (xã Thượng Ân). Chi bộ vinh dự được mang tên của đồng chí Phùng Chí Kiên, Uỷ viên Trung ương Đảng, một cán bộ trung kiên của cách mạng hy sinh trên đường làm nhiệm vụ tại Ngân Sơn. Sự kiện Chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh được thành lập tháng 9/1943 tại Ngân Sơn là một sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước ngoặt của phong trào cách mạng tỉnh Bắc Kạn, đưa phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân lên một bước mới.
Đầu năm 1945, phát xít Nhật nổ súng làm cuộc đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Lợi dụng tình hình Nhật đảo chính Pháp, ngày 12/3/1945, Trung ương Đảng ra bản Chỉ thị cho các Chi bộ ở Bắc Kạn tiến hành khởi nghĩa từng phần, giành lấy chính quyền về tay Nhân dân. Trong khí thế hào hùng chống Nhật cứu nước, đồng chí Võ Nguyên Giáp được cử làm chỉ huy Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, chiến khu Cao - Bắc - Lạng. Đồng chí đã chỉ huy một đội quân từ Cao Bằng tiến xuống bao vây quân giặc ở Ngân Sơn - Bắc Kạn. Ngày 21/3/1945, Ngân Sơn là huyện đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn được giải phóng, đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cách mạng của Nhân dân Bắc Kạn nổi dậy giành chính quyền. Ngày 30/3/1945, nhận định tình hình phát triển mới và hết sức thuận lợi của cách mạng, đồng chí Võ Nguyên Giáp - Chỉ huy trưởng Giải phóng quân ở Ba Bể quyết định thành lập chính quyền cách mạng huyện Ba Bể và các xã (chính quyền cách mạng ở huyện sớm nhất Bắc Kạn). Trước sức mạnh như vũ bão của quân dân Bắc Kạn, ngày 23/8/1945, phát xít Nhật đã phải chấp nhận rút khỏi Bắc Kạn, Cách mạng đã thắng lợi hoàn toàn ở Bắc Kạn.
Nhân dân chào đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm chiến khu xưa (Chiến khu Việt Bắc), năm 2004 (Ảnh tư liệu) |
Trải qua bao nhiêu năm đấu tranh, xây dựng quê hương, đất nước, tình cảm của đồng chí Võ Nguyên Giáp với Nhân dân các dân tộc Bắc Kạn càng thêm gắn bó, thuỷ chung. Trong thư gửi Huyện uỷ, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban nhân dân và đồng bào các dân tộc huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, ngày 25/3/1997, Đại tướng viết: “... cùng tăng cường đoàn kết, năng động đổi mới... ra sức xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, phấn đấu tiến kịp miền xuôi, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của căn cứ địa Việt Bắc và của dân tộc Việt Nam, đáp ứng lòng mong ước của Bác Hồ”.
Trong những ngày tháng Tám lịch sử, cùng với người dân cả nước, đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đang hướng đến kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8). Truyền thống lịch sử hào hùng, cùng sự quan tâm, tình cảm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành cho tỉnh Bắc Kạn là động lực để cán bộ, Nhân dân trong tỉnh tiếp tục ra sức phấn đấu, thi đua, đạt được những thành tựu mới trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ quê hương./.
Từ khóa » đại Tướng Võ Nguyên Giáp Sinh Và Mất Năm Nào
-
Võ Nguyên Giáp – Wikipedia Tiếng Việt
-
Tóm Tắt Tiểu Sử Đại Tướng Võ Nguyên Giáp
-
Đại Tướng Võ Nguyên Giáp Qua đời - VnExpress
-
Cuộc đời Và Sự Nghiệp Của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp
-
Kỷ Niệm 110 Năm Ngày Sinh Đại Tướng Võ Nguyên Giáp
-
Đại Tướng Võ Nguyên Giáp: Tấm Gương Trọn đời Vì Nước, Vì Dân
-
Đại Tướng Võ Nguyên Giáp Từ Trần - Báo Tuổi Trẻ
-
Cuộc đời Và Sự Nghiệp Của Đại Tướng Võ Nguyên ... - Báo Quân Khu 4
-
Kỷ Niệm 110 Năm Ngày Sinh Đại Tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 ...
-
Lễ Kỷ Niệm Cấp Quốc Gia 110 Năm Ngày Sinh Đại Tướng Võ Nguyên ...
-
Diễn Văn Của Thủ Tướng Phạm Minh Chính Tại Lễ Kỷ Niệm 110 Năm ...
-
Đại Tướng Võ Nguyên Giáp Sống Mãi Trong Lòng Nhân Dân
-
Đại Tướng Võ Nguyên Giáp - Người Chiến Sĩ Cách Mạng Kiên Trung ...
-
Tóm Tắt Tiểu Sử Đại Tướng Võ Nguyên Giáp | VOV.VN