Đại Tướng Võ Nguyên Giáp Với Ngành Cao Su 17/10/2013

C:\Users\TOSHIBA\Downloads\daituong.jpg

Ban lãnh đạo Tổng cục Cao su đón tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu

Một buổi sáng trời đẹp, chúng tôi được lệnh Tổng cục chuẩn bị máy ảnh, máy quay phim đến sân bay để cùng đi với cán bộ Quân khu 7, theo trực thăng tháp tùng Đại tướng lên Phú Riềng. Trong lúc đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại đến thẳng Văn phòng Tổng cục Cao su ở 236 Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Ông Tư Nguyện - Tổng cục trưởng kêu lên: “Anh Văn đã đến”. Lập tức Thiếu tướng Ba Thạnh - Tổng cục phó; ông Năm Vinh -Tổng cục phó cùng lãnh đạo các vụ, ban, ngành ùa ra đón Đại tướng. Ai nấy cùng kêu lên mừng rỡ: “Anh Văn! Anh Văn đến”.  

Đại tướng mặc áo sơ mi trắng, xắn tay áo cao trông rất trẻ trung. Vui vẻ bắt tay mọi người xong, Anh Văn vào làm việc ngay với lãnh đạo Tổng cục. Sau một lúc nghe đồng chí Đỗ Văn Nguyện, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng cục trưởng báo cáo tình hình sản xuất cây cao su, Anh Văn chợt hỏi ai phụ trách khoa học kỹ thuật. Tổng cục phó Đặng Văn Vinh giới thiệu Vụ trưởng sản xuất nông nghiệp Phan Đắc Bằng. Anh Văn bắt tay Bằng và hỏi về vai trò giá trị kinh tế kỹ thuật cây cao su trong nền nông nghiệp nước nhà. Phan Đắc Bằng thưa ngắn gọn: “Cây cao su là cây nông - lâm - công nghiệp”. Anh Văn cười: “Sao cho nó mang cái tên dài thế”. Bằng nói: “Thưa Anh, vì ươm trồng nó thuộc lĩnh vực nông nghiệp theo tổ chức công ty, nông trường khai thác lấy nhựa và lấy gỗ. Khi nhựa hết chu kỳ thì lấy gỗ đưa nhà máy chế biến gỗ, sản phẩm nguyên liệu cao su có giá trị rất cao” … Anh Văn vui vẻ: “Như thế là chế biến sản phẩm theo lối công nghiệp”.

Anh Văn hỏi rất nhiều về cây cao su và động viên: “Mong các đồng chí cố gắng để phát triển cao su. Xem ra cũng đòi hỏi áp dụng nhiều loại hình khoa học kỹ thuật rất cao và cũng rắc rối phức tạp khó khăn lắm”…

Rời cơ quan Tổng cục, Anh xuống thăm các nông trường. Đầu tiên là lên Công ty Cao su Phú Riềng nơi có Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của công nhân cao su. Nhưng đường sá lúc này rất khó khăn, gập ghềnh bùn lầy, bụi đỏ, phải đi cả ngày mới đến nơi. Quân khu 7 đã điều máy bay trực thăng đón Anh đến Phú Riềng. Ngồi trên máy bay nhìn xuống những khu rừng hoang, đồi trọc xác xơ, Anh Văn vỗ vai ông Tư Nguyện: “Khó khăn đọa lắm anh Tư ơi!”.

Vừa tiếp mặt đất, Anh bỏ qua nghi lễ đón tiếp, bước ngay vào rừng đang khai hoang. Bộ đội Binh đoàn 23, chân tay áo quần lấm bùn đất, tay dao, tay cuốc phát cây lùm bụi, đào gốc sát cánh cùng với xe húc, xe ủi công binh khai hoang. Anh đến lán bếp dở xoong, chảo ra hỏi xem cơm canh ra sao. Có đủ chất đủ sức để bộ đội ra lao động không? Anh tới các lán dân miền Trung mới vừa được tuyển vào cao su, bắt tay thân mật và hỏi quê quán có Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình không? Nghe trả lời có Quảng Bình, Anh cười rất tươi và hỏi thăm cả bà con Lệ Thủy. Sau khi lội rừng, thăm bộ đội, thăm dân, thấy tận mắt núi rừng gai góc, sỏi đá, Anh mới trở về chỗ bộ đội và công nhân tập trung để nói chuyện. Mở đầu Anh nói: “Khai hoang trồng cao su trên vùng đất nghèo, đồi trọc, rừng cạn kiệt, gai gốc, lùm bụi sỏi đá này, chắc các đồng chí và bà con gian nan chẳng kém gì thời đánh giặc. Tôi mong bộ đội cùng công nhân cao su đoàn kết vượt qua mọi khó khăn gian khổ để trồng được nhiều cây cao su, làm giàu cho đất nước”…

Anh đến làm việc với ngành cao su không lâu, đi thăm được một vài công ty, nông trường nhưng ngành cao su không bao giờ quên được những giây phút ấm áp thân tình của Anh với ngành. Ai cũng biết có sự quan tâm của Anh và Tổng Quân ủy Trung ương nên ngành cao su lúc còn non trẻ, nhỏ bé đã được chi viện hai vị tướng, hàng trăm sĩ quan cấp tá và 1 Binh đoàn 23 về Phú Riềng phát triển cao su cùng Binh đoàn 15 về xây dựng vùng cao su Tây Nguyên.

Những người cựu binh già của Anh được Anh cho chuyển ngành về xây dựng ngành cao su đến nay đã sinh con, cháu, chắt… xanh cây bén rễ gắn bó với cây cao su và coi các vùng rừng cao su là quê hương của mình, trong nhiều công ty, nông trường có nhiều công nhân là đồng hương Lệ Thủy của Anh.

Toàn ngành Cao su Việt Nam đội ơn Anh và kính chúc Anh thảnh thơi an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng.

Trần Công Tấn

Nguồn: Tạp chí cao su Việt Nam

Từ khóa » Cao Su Anh Văn