Đại Tướng Võ Nguyên Giáp Với “Quyết định Lịch Sử” - Tỉnh Ủy Hà Tĩnh

Đại tướng thăm hầm tướng De Castries, chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tháng 4/2004. Ảnh: P.V

Điện Biên Phủ là một thung lũng rộng lớn ở phía Tây vùng núi Tây Bắc, có lòng chảo Mường Thanh dài gần 18 km, rộng từ 6 - 7 km, nằm gần biên giới Việt - Lào, trên một đầu mối giao thông quan trọng, có đường đi sang Lào. Thực hiện mưu đồ đối với Điện Biên Phủ, thực dân Pháp đã huy động một lực lượng lớn quân viễn chinh gồm 16.200 lính tinh nhuệ; 48 khẩu pháo, cối các loại từ 75 đến 120 li; xây dựng và mở rộng 2 sân bay với hàng trăm máy bay (trong đó có 43 máy bay ném bom). Tập đoàn cứ điểm được bố trí thành 3 phân khu: Bắc - Trung - Nam, với 49 cứ điểm liên hoàn, với hệ thống công sự và hàng rào dây thép gai kiên cố. Thực hiện quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ, bộ phận tham mưu của ta và đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc đi trước để chuẩn bị chiến trường đã đề nghị phương án “Đánh nhanh, thắng nhanh” nhằm tranh thủ địch vừa tăng cường lực lượng, đứng chân chưa vững, ta tập trung lực lượng tiến công tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ trong “3 đêm 2 ngày”. Đại tướng Vi Quốc Thanh - Trưởng phái đoàn quân sự Trung Quốc khuyên ta: “Nếu không đánh sớm, nay mai địch tăng cường thêm quân và củng cố công sự thì cuối cùng không còn điều kiện công kích quân địch nữa”. Để chuẩn bị và bảo đảm cho thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã huy động hàng chục vạn dân công, hàng vạn thanh niên xung phong, ngày đêm vượt qua đèo cao, núi dốc, vượt qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù để vận chuyển lương thực, vũ khí cho bộ đội đánh giặc và phá bom nổ chậm của địch, mở đường đến các trận địa. Hàng chục khẩu pháo các loại và hàng vạn bộ đội đã bí mật vào vị trí tập kết, sẵn sàng chờ mệnh lệnh “khai hỏa” vào 17 giờ ngày 25/01/1954.

Cuối tháng 12/1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng và Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi lên đường ra mặt trận, tại Thủ đô kháng chiến ở Tân Trào, Đại tướng đã đến chào Bác Hồ. Bác Hồ hỏi Đại tướng: “Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường,có gì trở ngại không?”. Đại tướng trả lời: “Các đồng chí Tổng tham mưu trưởng, Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị đều đã có mặt trên đó. Sẽ tổ chức cơ quan tiền phương của Bộ tư lệnh để chỉ đạo chiến trường toàn Quốc, kể cả Bộ đội tình nguyện ở Lào và Cămpuchia. Anh Nguyễn Chí Thanh và anh Văn Tiến Dũng ở lại khu căn cứ, phụ trách mặt trận đồng bằng Bắc bộ. Chỉ trở ngại là ở xa có vấn đề quan trọng và cấp thiết, khó xin ý kiến của Bác và Bộ chính trị”. Nghe vậy, Bác Hồ nói với Đại tướng: “Tổng tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau”. Chia tay Đại tướng, Bác Hồ căn dặn: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Thực sự đây là vinh dự lớn lao, đồng thời là trách nhiệm hết sức nặng nề của Đại tướng đối với Đảng, nhân dân và quân đội ta.

Mọi công việc chuẩn bị cả về vật chất và tinh thần cho trận đánh được triển khai theo phương án “Đánh nhanh, thắng nhanh” đã hoàn tất. Nhưng trước ngày nổ súng Đại tướng nhận thấy địch không ngừng củng cố công sự ngày càng vững chắc, không còn ở thế phòng ngự dã chiến như ban đầu. Về phía ta, Đại tướng cho rằng có 3 khó khăn nổi lên. Một là: Bộ đôi chủ lực của ta đến nay chỉ tiêu diệt cao nhất là Tiểu đoàn địch tăng cường có công sự vững chắc, nhưng cũng có những trận không thành công, bộ đội thương vong nhiều. Hai là: Trận này tuy ta không có máy bay, xe tăng, nhưng đánh hiệp đồng binh chủng bộ binh - pháo binh với quy mô lớn đầu tiên mà lại chưa qua diễn tập. Ba là: Bộ đội ta từ trước tới nay chỉ quen tác chiến ban đêm, chủ lực của ta chưa có kinh nghiệm tấn công ban ngày trên địa bàn bằng phẳng với kẻ địch có ưu thế về máy bay, pháo binh, xe tăng, trận đánh lại diễn ra trên bình diện với chiều dài khoảng 18 km và rộng từ 6 -7 km. Mặc dù mấy vạn quân đã dàn trận, đạn dã lên nòng, sẵn sàng “Dội lửa” lên đầu kẻ thù vào 17 giờ ngày 25/01/1954 như kế hoạch đã định. Nhưng Đại tướng quyết định dừng lại cho lui quân về vị trí tập kết, kéo pháo ra để chuẩn bị trận địa đánh theo phương án mới. Trao đổi với Đại tướng Vi Quốc Thanh - Trưởng phái đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc về quyết định của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Ý định của tôi là hoãn cuộc tấn công ngay buổi chiều nay, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm “Đánh chắc, tiến chắc””. Với trách nhiệm trước Đảng, trước lời căn dặn của Bác Hồ và nhất là trách nhiệm trước sinh mệnh của cán bộ, chiến sỹ trên chiến trường; Sau 11 ngày đêm theo giỏi, suy nghĩ và tính toán, với nhãn quan thiên tài quân sự, với bản lĩnh và kinh nghiệm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi đến kết luận: Đánh theo cách này nhất định thất bại và quyết định chuyển sang phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”. Với cách đánh này, quân ta sẽ đánh dần từng bước, tiêu diệt từng bộ phận quân địch theo lối “Bóc vỏ”, dồn địch vào tình thế ngày càng bị động, khốn quẩn để tiêu diệt chúng.

Quyết định thay đổi phương châm và kế hoạch đã được triển khai, sau đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo về Trung ương Đảng bằng thư hỏa tốc. Quyết định của Đại tướng được Bác Hồ và Bộ Chính trị nhất trí và tiếp tục động viên hậu phương đem toàn lực chi viện cho tiền tuyến đánh thắng. Thay đổi phương châm tác chiến từ phương châm: “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang phương châm “Đánh chắc, tiến chắc” là một “Quyết định lịch sử” của một vị tướng tài năng quân sự kiệt xuất, giàu bản lĩnh, kinh nghiệm và đầy bản chất nhân văn. Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Đó là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của tôi”. Nhưng đây là quyết định sáng suốt và là nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi cuộc chiến tranh. Đánh giá về quyết định lịch sử này, tướng Lê Trọng Tấn, trong dịp kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên, nói: “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ”. Còn tướng Vương Thừa Vũ nhận xét: “Nếu theo cách đánh cũ, thì cuộc kháng chiến chống Pháp có thể bị kéo dài thêm tới 10 năm”. Trong tác phẩm “Võ Nguyên Giáp, một sự đánh giá”, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Peter MacDonald (người Anh) đã viết: “Điều làm Điện Biên Phủ nổi tiếng chính là ở cách đánh, ở tiến trình phát triển cuộc chiến cũng như kết cục và những hệ quả mà nó dẫn đến... Tất cả những điều đó đã khiến Điện Biên Phủ trở thành trận đánh quyết định của mọi thời đại và đưa tên tuổi Võ Nguyên Giáp vào sử sách”.

Thắng lợi của quân và dân ta ở Điện Biên Phủ là một trong những thắng lợi to lớn nhất, oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. “Được ghi vào lịch sử Việt Nam như một trong những chiến công chói lọi nhất, một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỷ XX. Được ghi vào lịch sử thế giới như một chiến công hiển hách đột phá thành trì của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa nô dịch thuộc địa”. Thắng lợi đó bắt nguồn từ đường lối kháng chiến đúng đắn của Đảng, tinh thần chiến đấu kiên cường dũng cảm, sáng tạo của quân đội và nhân dân ta, gắn liền với tên tuổi và sự đóng góp kiệt xuất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thắng lợi đó buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ ngày 20/7/1954, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, mở ra bước ngoặt mới của cách mạng Việt Nam, miền Bắc được giải phóng, tiến lên cách mạng XHCN và trở thành hậu phương vững chắc để tiếp tục thực hiện thắng lợi “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” - Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân 1975.

Trương Văn Nhỏ

Từ khóa » Tiểu Sự ông Võ điện Biên