“Đãi Vàng” Từ Rác điện Tử - Tạp Chí Kinh Tế Sài Gòn - Saigon Times

“Đãi vàng” từ rác điện tử

Lê Linh

(TBKTSG Online) - Hàng chục triệu tấn tivi, điện thoại di động và các linh kiện điện tử khác bị vứt bỏ uổng phí mỗi năm nhưng giờ đây, nhờ sự tiến bộ của công nghệ, ngành công nghiệp tái chế rác điện tử đứng trước các cơ hội kinh doanh béo bở, theo hãng tin BBC.

“Đãi vàng” từ rác điện tử
Giáo sư chuyên ngành khoa học vật liệu Veena Sahajwalla (trái) tại nhà máy tái chế rác điện tử của bà ở Đại học bang New South Wales (Úc). Ảnh: Twitter.

Khai thác vàng, bạc, đồng từ “mỏ đô thị”

Tại Úc, giáo sư chuyên ngành khoa học vật liệu Veena Sahajwalla đang vận hành một “mỏ khoáng sản”, nơi bà khai thác vàng, bạc và đồng nhưng tuyệt nhiên, bà không sử dụng cuốc chim, một đồ nghề không thể thiếu của các công nhân mỏ.

“Mỏ khoáng sản” của bà là một nhà máy tái chế nhỏ hay còn được gọi là “mỏ đô thị” vì nó nằm ngay tại Đại học bang New South Wales, nơi bà chiết xuất các kim loại quý không phải từ quặng mà từ các linh kiện điện tử.

Sahajwalla đánh giá quy trình “đào mỏ đô thị” của bà sẽ đủ hiệu quả để gặt hái lợi nhuận trong vòng hai năm tới. Theo tính toán của Sahajwalla, với chi phí đầu tư 500.000 đô la Úc, một nhà máy tái chế rác điện tử quy mô nhỏ sẽ được hoàn vốn trong vòng hai đến ba năm và có thể tạo ra doanh thu và việc làm ổn định.

Bà cho rằng nhà máy này không chỉ tạo ra các lợi ích kinh tế mà còn lợi ích xã hội và môi trường. Thực tế, các nghiên cứu cho thấy các “mỏ đô thị” có khả năng mang lợi nhuận vượt xa các mỏ truyền thống.

Theo một nghiên cứu được đăng gần đây trên tạp chí Công nghệ và khoa học môi trường (EST) do Hiệp hội Hóa chất Mỹ phát hành, một chiếc tivi sử dụng màn hình ống tia âm cực (cathode-ray tube) chứa khoảng 450 gram đồng, 227 gram nhôm và khoảng 5,6 gram vàng.

Nếu như tại một mỏ vàng truyền thống, người ta có thể thu được 5-6 gram vàng từ mỗi tấn đất quặng, thì con số này có thể lên đến 350 gram vàng từ mỗi tấn linh kiện điện tử. Các con số này được nêu ra trong một nghiên cứu chung của nhóm nhà khoa học ở Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh (Trung Quốc) và Đại học Macquarie ở Sydney (Úc) khi họ phân tích dữ liệu từ tám công ty tái chế ở Trung Quốc để xác định chi phí chiết xuất những kim loại như vàng, bạc, đồng từ rác điện tử.

Chi phí “đào mỏ đô thị” bao gồm chi phí thu gom rác điện tử, thuê lao động, sử dụng điện cũng như chi phí vốn để mua các máy móc tái chế và xây dựng nhà máy.

Giáo sư John Mathews ở Đại học Macquarie cho biết sau khi tính toán những chi phí này và trừ cho các khoản trợ cấp mà chính phủ Trung Quốc dành cho ngành tái chế, nhóm nhà khoa học phát hiện thấy rằng chi phí khai quặng ở các mỏ truyền thống cao gấp 13 lần so với “đào mỏ đô thị”.

“Tái chế rác điện tử và sản xuất những kim loại đã được tinh chế từ chúng như đồng hay vàng, hứa hẹn sẽ trở thành mảng kinh doanh có lợi nhuận cực cao”, Mathews nói.

Giải pháp cho 50 triệu tấn rác điện tử

Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), một cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc, ước tính khoảng 45 triệu tấn rác điện tử được thải ra trong năm 2016 và con số này dự kiến tăng lên trên 50 triệu tấn vào năm 2021. Tại Mỹ, trung bình mỗi người dân thải 20kg rác điện tử trong năm 2016.

Trong bối cảnh Trung Quốc hạn chế nhập khẩu rác điện tử để tái chế, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Úc và Nhật Bản đang đứng trước áp lực phải tìm ra giải pháp cho nguồn rác điện tử khổng lồ của họ. Phát triển các công nghệ tái chế hiệu quả rác điện tử là một trong giải pháp đó.

Trong khi ngành khai mỏ truyền thống phải sử dụng nhiều lao động thì ngành “đào mỏ đô thị” áp dụng công nghệ tự động hóa ở mức cao. Chẳng hạn, tại nhà máy “đào mỏ đô thị” của giáo sư Sahajwalla, các robot được sử dụng để xác định và phân tách những phần quan trọng của rác điện tử.

Bà cho biết rác thải điện tử sẽ được đưa ra một dây chuyền sản xuất, đầu tiên là được đặt vào một module để đập vỡ và sau đó, tại module thứ hai, có một robot chuyên dụng có nhiệm vụ tách những phần quan trọng của các mẩu linh kiện điện tử.

Một module khác sẽ sử dụng một lò nung để nung chiết xuất những vật liệu quý giá từ các mẩu linh kiện, trong khi đó, một lò nung khác sẽ chuyển hóa nhựa được chiết xuât từ các mẩu linh kiện thành sợi chất lượng cao thích hợp cho in ấn 3D.

Năm 2015, một dự án do EU tài trợ có tên gọi ProSUM, được thành lập nhằm cung cấp một nền tảng dữ liệu giúp các công ty tái chế dễ dàng xác định những vật liệu quý và quan trọng có sẵn để khai thác từ xe cộ bị vứt bỏ, pin hư và các thiết bị và linh kiện điện tử bị thải khác.

“Mỏ vàng” từ điện thoại di động cũ

Trong một nghiên cứu công bố hồi năm ngoái, tổ chức Hòa bình xanh ước tính rác điện tử từ ngành sản xuất điện thoại di động đạt 3,3 triệu tấn vào năm 2014. Trong năm 2016, có 435.000 điện thoại di động bị loại bỏ dù chúng chứa đến các vật liệu quý trị giá đến 9,4 tỉ euro.

Những chiếc thoại di động bị vứt bỏ hứa hẹn trở thành “mỏ vàng” mới. Ảnh: Tech Dump

Một chiếc điện thoại di động thông minh có đến 60 nguyên tố, bao gồm các kim loại hiếm như iridium, thường được sử dụng trong công nghệ màn hình cảm ứng.

Chủ yếu được được khai thác từ các mỏ ở Trung Quốc, iridium đang thiếu nguồn cung trầm trọng, khiến giá của nó tăng mạnh trong năm qua. Mùa hè năm ngoái, giá iridium vượt qua mốc 700 đô la Mỹ/ounce (28,3 gram), rồi phá mốc 1.000 đô la/ounce vào hồi đầu năm 2018 và nay giá đã được đẩy lên trên 1.400 đô la Mỹ/ounce, cao hơn cả giá vàng.

Một vài dự án tái chế rác điện tử như sáng kiến RecEOL mà chính phủ Ireland mới khởi động trong thời gần đây, có thể giúp thu hồi iridium và các kim loại quý khác như tantalum từ các sản phẩm điện tử bị vứt bỏ.

Giáo sư Mathews cho biết hiện nay, thị trường tái chế chủ yếu tập trung vào tivi vì lượng tivi hư hỏng tồn đọng rất lớn song trong tương lai, điện thoại di động sẽ trở thành nguồn tái chế chính của rác điện tử.

Apple đang cố gắng dập tắt những chỉ trích nói rằng các điện thoại iPhone rất khó tái chế bằng cách giới thiệu một robot có tên gọi Daisy có thể rã 200 iPhone trong một giờ. Daisy có thể xử lý chín dòng iPhone khác nhau, tách các bộ phận rồi thu hồi những linh kiện quý.

Tái chế rác điện tử đang mở ra các cơ hội kinh doanh hấp dẫn nhưng các chuyên gia lưu ý ngành này sẽ không phát triển bùng nổ nếu như các nhà sản xuất hàng điện tử tìm cách sử dụng các vật liệu ít quý giá hơn trong các sản phẩm mới của họ.

Adam Read, giám đốc của công ty tái chế Suez UK (Anh) cho biết giá trị thực sự của tái chế rác điện tử nằm ở các sản phẩm cũ và trong tương lai, chi phí tái chế sẽ đắt đỏ hơn khi mà các thế hệ sản phẩm điện tử mới không có nhiều vật liệu giá trị để khai thác.

Từ khóa » đãi Vàng Từ Rác điện Tử