Đắk Lắk đã Sẵn Sàng Thực Hiện Dự án Xây Dựng đường Bộ Cao Tốc ...

Theo chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 6/6 sau khi nghe Chính phủ trình về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) và đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, các đại biểu đã tiến hành thảo luận ở tổ về nội dung này.

Phát biểu tại phiên thảo luận ở Tổ về chủ trương đầu tư 3 dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc, đồng chí Y Vinh Tơr, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk bày tỏ sự thống nhất cao việc Quốc hội xem xét và ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư đầu 3 dự án trên.

Đại biểu cho rằng, đây là bước nhằm thể chế hóa các nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển các địa phương, qua đó tạo cơ chế, tạo thêm nguồn lực cũng như đẩy mạnh phân cấp để tăng tính chủ động cho các địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư tạo ra những cực tăng trưởng mới, động lực, tạo sự lan tỏa, phát triển cho các vùng kinh tế trọng điểm và dẫn dắt các địa phương khác trong vùng cùng phát triển theo.

1
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Y Vinh Tơr tham gia ý kiến tại phiên thảo luận sáng 6/6. Ảnh: Minh Đệ

Riêng hai tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hòa, đây là dự án trọng điểm, cấp thiết được đông đảo cử tri, nhân dân của các địa phương mong mỏi sớm đầu tư, hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng. Sau khi công trình hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, nâng cao khả năng kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, rút ngắn thời gian, chi phí vận tải và bảo đảm an toàn giao thông, tạo động lực liên kết, lan tỏa hằm tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo... phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương và cả vùng.

Đồng chí Y Vinh Tơr cho rằng, dự án đã được nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng tổng thể quy hoạch của các ngành và các địa phương, được kết nối đồng bộ với các vùng kinh tế, các cảng biển, nhà ga, đường sắt, cảng hàng không, các trung tâm logistics. Ở góc độ của địa phương tỉnh Đắk Lắk, với đặc điểm là tỉnh nông nghiệp, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn cao và điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tỉnh cũng xác định đây là cơ hội, ngoài phát triển hạ tầng giao thông, tỉnh sẽ có thêm điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động giao thương, lưu chuyển hàng hóa... góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh Đắk Lắk cũng xác định, khi triển khai dự án sẽ tạo động lực rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, do đó, trong nội dung tích hợp Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm giai đoạn 2021 - 2030 là 11%, giai đoạn 2026 - 2030 tăng 12%. Do đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Lắk rất quan tâm và đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp chuẩn bị hồ sơ dự án, các điều kiện cần thiết và đến nay đã sẵn sàng để thực hiện dự án. Sau khi có quyết định đầu tư, trong quá trình triển khai, những vấn đề gặp vướng mắc, địa phương sẽ kịp thời kiến nghị tháo gỡ kịp thời.

Đồng chí Y Vinh Tơr cũng lưu ý, các dự án đường cao tốc có quy mô, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, tổng mức đầu tư lớn, thời gian chuẩn bị và hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật để khởi công dự án cần khoảng 3 năm, thời gian thi công hoàn thành công trình tối thiểu từ 2 - 3 năm. Việc đặt ra tiến độ cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2026 sẽ là áp lực rất lớn trong triển khai thực hiện. Do đó, Chính phủ cần có các giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm tiến độ triển khai dự án, trước mắt cần tập trung hoàn thiện các bước quy định để khởi công, trong đó có một số dự án thành phần được giao cho địa phương.

Để nâng cao trách nhiệm của địa phương, chia sẻ một phần áp lực đối với ngân sách trung ương, gắn lợi ích đi liền với trách nhiệm, Chính phủ đã cho phép các địa phương được bố trí một phần ngân sách địa phương để tham gia đầu tư dự án. Đối với tỉnh Đắk Lắk, HĐND tỉnh sẽ bố trí 50% chi phí giải phóng mặt bằng các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh thuộc Dự án giai đoạn 1 là 916,5 tỷ đồng. Trong trường hợp tăng chi phí bồi thường tỉnh sẽ bố trí tăng tương ứng tỷ lệ 50%.

Đồng chí Y Vinh Tơr cũng đồng tình với phương án là giao cho các tỉnh thực hiện dự án giải phóng mặt bằng, tuy nhiên trong trường hợp các địa phương khó khăn về ngân sách, đề nghị Chính phủ xem xét bố trí thêm ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương bảo đảm để thực hiện dự án giải phóng mặt bằng.

Theo đồng chí Y Vinh Tơr, giai đoạn 1 đầu tư 359,2 km đối với 3 dự án, với quy mô 4 làn xe, riêng Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có quy mô 4 - 6 làn xe vì mật độ lưu thông cao hơn, như vậy là phù hợp với quy hoạch tổng thể mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các địa phương, đặc biệt là 8 địa phương có dự án đi qua sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, có thêm điều kiện, thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.

1
Ban Chỉ đạo 321 tỉnh kiểm tra thực địa tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (đoạn qua xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc). Ảnh: Hoàng Tuyết.

Đồng chí Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh, công tác giải phóng mặt bằng là yếu tố hết sức quan trọng để bảo đảm tiến độ dự án. Ở đây, theo tính toán, diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 938,54 ha; số hộ bị ảnh hưởng 771 hộ (trong đó: 593 hộ dân có nhu cầu tái định cư, bao gồm: Đắk Lắk: 313 hộ, Khánh Hòa: 280 hộ). Liên quan đến tiến độ có nhiều dự án chậm có nguyên nhân chính là khâu giải phóng mặt bằng. Do đó, cần đặc biệt quan tâm đến việc giải phóng mặt bằng của các dự án này. Trong trường hợp các địa phương khó khăn về ngân sách, đề nghị Chính phủ xem xét bố trí thêm ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương bảo đảm để thực hiện dự án giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, các dự án có nhiều công trình đi qua rừng phòng hộ, rừng sản xuất nên khi giao cho tỉnh quản lý sẽ rất khó khăn cho các địa phương. Cho nên, Chính phủ cần quyết liệt chỉ đạo sự vào cuộc của các bộ, ngành trung ương, các địa phương, chủ đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, thực hiện việc thông tin đầy đủ để người dân hiểu, đồng thuận về chủ trương đầu tư dự án, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát để thực hiện dự án đảm bảo chất lượng, giải quyết khiếu nại trong công tác bồi thường và hỗ trợ tái định cư...

Ngoài ra, nhiều khó khăn có thể gặp trong quá trình triển khai thực hiện công trình, trong đó, có khó khăn về nguyên vật liệu thi công vì nhu cầu về vật liệu xây dựng rất lớn. Do đó, đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo sớm đánh giá đầy đủ hiện trạng vật liệu để bảo đảm khai thác đủ nguyên vật liệu để tiến hành dự án trong thời gian đã nêu. Bên cạnh đó, Chính phủ cần quan tâm về vấn đề xây dựng hệ thống đường gom, dân sinh kết hợp hầm chui tại các vị trí giao cắt với đường dân sinh, đáp ứng được đầy đủ nhu cầu đi lại của người dân, kể cả là những hầm chui.

Đồng chí Y Vinh Tơr cũng đã tham gia ý kiến về một số nội dung cụ thể của Dự thảo Nghị quyết như: Tại khoản 4, Điều 2 về nhu cầu sử dụng đất và phương án giải phóng mặt bằng”, Dự thảo nêu: “Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 938,54 ha”, tuy nhiên Dự thảo chưa đề cập rõ, trong 938,54 ha đó rõ gồm những loại đất nào (đất trồng cây nông nghiệp, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất...). Do đó, đề nghị xem xét bổ sung nội dung trên vào Dự thảo Nghị quyết. Từ vấn đề trên, đề nghị xem xét bổ sung nội dung tại khoản 4 điều 2, đề nghị xem xét bổ sung thành một khoản riêng tại Điều 3 với nội dung như sau: “Hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng các loại đất của Dự án, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương trước khi quyết định đầu tư dự án”.

Tại khoản 1, điều 3 giao nhiệm vụ cho Chính phủ: “Triển khai tổ chức thực hiện, quản lý và khai thác, vận hành Dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình. Quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực”. Để đầy đủ hơn, đề nghị sửa thành “Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai tổ chức thực hiện, quản lý và khai thác, vận hành Dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình. Quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực”, vì các bộ, ngành, địa phương liên quan là chủ thể được Chính phủ giao trực tiếp thực hiện dự án.

Tại khoản 2, Điều 4 của Dự thảo Nghị quyết, đề nghị sửa “Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội...” sửa thành “Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội...”, vì Ủy ban Kinh tế đã được bao hàm trong các Ủy ban của Quốc hội.

Nguồn: Báo ĐakLak.vn

Từ khóa » Bản đồ đường Cao Tốc đắk Lắk Khánh Hòa