Đăk Tô- Lửa Và Hoa - Báo KonTum Online
Có thể bạn quan tâm
|
Một thời lửa đạn
Đăk Tô là vậy. Trên những chuyến đi, tôi luôn tình cờ được nghe những câu chuyện về một thời lửa đạn, về “mùa hè đỏ lửa” năm 1972, về Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh từ những người dân áo vải, chân chất đang sinh sống rải rác đâu đó, dưới những mái nhà yên bình.
Mỗi mẩu chuyện tôi được nghe đều là khúc ca hùng tráng, là những huyền thoại của huyền thoại- những huyền thoại rất đời thường, rất giản đơn- về chiến công hiển hách mang tên Đăk Tô-Tân Cảnh.
Với vị trí chiến lược quan trọng, từ năm 1957 đến năm 1972, Đăk Tô - Tân Cảnh được Mỹ - Ngụy xây dựng thành hệ thống phòng ngự kiên cố nhất, với lực lượng đông đảo, bố phòng dày đặc và vũ khí tối tân, bao gồm căn cứ E42 ở Tân Cảnh và căn cứ Đăk Tô 2; hàng loạt căn cứ ở bờ Tây sông Pô Kô, phía Đông Nam và dọc biên giới Việt Nam - Lào.
Đăk Tô - Tân Cảnh cũng là địa bàn diễn ra nhiều trận chiến quyết liệt giữa ta và địch. Trong đó, nhiều chiến dịch lớn được thực hiện tại đây, như: Chiến dịch Đăk Tô 1 vào năm 1967; Chiến dịch Đăk Tô 2 vào năm 1969. Đặc biệt là chiến dịch Xuân - Hè năm 1972 ở Bắc Tây Nguyên mà trọng điểm là chiến dịch Đăk Tô - Tân Cảnh.
Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh năm 1972 được coi là trận đánh tiêu biểu trong “chiến thuật đánh nhanh, diệt gọn”. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, quân ta đã tiêu diệt một lực lượng lớn sinh lực địch, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch trên tuyến phòng thủ Đăk Tô - Tân Cảnh, bắn rơi 17 máy bay, thu và phá hủy 30 khẩu pháo hạng nặng, thu rất nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch, bắt sống trên 600 tù binh.
Cho đến hôm nay, từ Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, các nhà nghiên cứu lịch sử nước nhà đã tổng kết và rút ra những bài học lịch sử về nghệ thuật chiến tranh, và cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Trong đó, nổi bật là nghệ thuật chiến tranh thể hiện rất rõ trong việc lựa chọn chính xác hướng tiến công chủ yếu, gây bất ngờ đối với địch, tạo điều kiện tiêu diệt mục tiêu chủ yếu nhanh.
Theo tư liệu lịch sử, lúc đầu, ta xác định phương án tiến công địch phòng ngự ở Đăk Tô-Tân Cảnh theo cách “bóc vỏ, đánh từ ngoài vào trong”. Thế nhưng, sau khi nghiên cứu kỹ địa hình, cách bố trí phòng ngự của địch, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định mở đường đưa xe tăng, pháo binh và cao xạ có xe kéo bất ngờ đánh thẳng vào căn cứ 42 (Tân Cảnh) từ hướng Đông, hướng địch sơ hở nhất.
Thực tế Chiến dịch đã chứng minh, ta bí mật mở đường từ phía Tây qua phía Đông để đưa xe tăng, pháo xe kéo vào triển khai sát địch, chúng không phát hiện được. Chỉ khi ta tiến công vào các mục tiêu trong căn cứ 42 - Tân Cảnh, “cố vấn Mỹ mới giật mình không hiểu xe tăng từ đâu tới”.
Trong chiến tranh, không có chiến thắng nào là dễ dàng và không có mất mát, đau thương. Để có một Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh vang dội, đã có rất nhiều chiến sĩ ngã xuống, viết nên những khúc ca bi tráng.
Câu chuyện về kíp chiến đấu trên xe tăng 377 huyền thoại là một khúc ca bi tráng như vậy.
Theo Sách “Lữ đoàn xe tăng 273” do Cục Chính trị Quân đoàn 3 ấn hành, đêm 23/4/1972, từ ngầm sông Pô Kô Hạ, Đại đội 7, Tiểu đoàn 297 tăng-thiết giáp Quân giải phóng gồm 9 xe tăng cùng Trung đoàn 66 bộ binh xuất kích. 1 giờ sáng 24/4/1972, xe 377 dẫn đầu tấn công cứ điểm E42 (Tân Cảnh) mở màn trận đánh.
Lúc xe 377 áp sát hàng rào sân bay thì bị pháo chống tăng bắn cháy. Cả ê kíp 4 chiến sĩ bị cháy theo xe. Trước đó, xe 377 đã bắn cháy 7 xe tăng M41 của địch. Không lâu sau, đúng 11 giờ 30 phút trưa hôm ấy, cờ chiến thắng bay trên cứ điểm 42.
Ngày nay, tên của 4 anh hùng liệt sĩ của kíp xe được khắc trên bia đặt nơi bệ xe 377 gồm: Nguyễn Nhân Triển-Trung đội trưởng, Hoàng Văn Ái-pháo thủ, Trần Quang Vịnh-lái xe và Nguyễn Đắc Lượng-pháo thủ.
Sức dân trong chiến dịch
Trong những yếu tố quan trọng làm nên Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, được sử sách đánh giá là “giáng một đòn chí tử vào quân đội Sài Gòn, làm thay đổi cục diện chiến trường Tây Nguyên”, có sự đóng góp to lớn của quân và dân Đăk Tô nói riêng, Kon Tum nói chung.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, vị tướng trí dũng, kiên trung, là Tham mưu trưởng Mặt trận Tây Nguyên năm 1972 đã đánh giá: Nếu không có đồng bào che chở, thì bộ đội ta khó có thể giành được chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972, bởi những năm 1969-1970, bộ đội ta phải đối mặt với những cơn sốt rét rừng cũng như tình trạng thiếu thốn lương thực.
Hồi ký "Kon Tum trong ký ức tôi" của thiếu tướng Vương Tuấn Kiệt- nguyên Tham mưu trưởng Mặt trận Tây Nguyên, từng làm Tư lệnh Mặt trận Kon Tum năm 1968, cũng đã nhắc lại với sự trân trọng nhất về những đóng góp to lớn của nhân dân Đăk Tô trong chiến dịch này.
Ông kể rằng, ngày ấy các phương tiện cơ giới rất hạn chế, tất cả chỉ nhờ vào đôi vai của bộ đội mình và đồng bào địa phương. Mà bộ đội thì còn phải lo cho công tác chiến đấu, do đó, hầu như tất cả công việc chuẩn bị đều dựa vào dân (mà cụ thể là dân công).
“Họ mở đường, kéo pháo, lo vận chuyển vũ khí đạn dược, gùi gạo vào các vị trí tập kết. Đồng bào các dân tộc H80 qua đôi vai của mình đã gùi hàng trăm tấn vũ khí đạn dược, lương thực phục vụ cho trận đánh. Nhờ có công tác chuẩn bị tích cực, chu đáo đó mà bộ đội ta đánh thắng giòn dã, đập tan tuyến phòng ngự Đăk Tô - Tân Cảnh tháng 4/1972”- Hồi ký có đoạn.
Không hiểu sao mỗi lần rong ruổi trên con đường thiên lý Bắc Nam, tôi đều cố hình dung lại hình ảnh từng đoàn người tay bám cây rừng, chân bấm đất sỏi, ngày qua ngày vượt núi trèo đèo cõng gạo, gùi đạn phục vụ chiến dịch.
Hồi ấy, hẳn là rừng bủa vây mịt mùng. Rừng bảo vệ làng mạc; rừng che cho bộ đội; rừng vây kín quân thù, khiến cho chúng không còn biết đâu là nơi trú ẩn an toàn.
Mỗi khi đi qua một ngôi làng, tôi lại như nghe tiếng chày giã gạo thâu đêm suốt sáng của nhân dân huyện Đăk Tô để nuôi bộ đội. Và như thấy người mẹ Xơ Đăng "tay cầm khẩu súng, phía trước địu con, sau lưng cõng đạn" trong đoàn dân công hướng về tiền tuyến.
Tiếc là tôi chưa tìm ra bức ảnh lịch sử nào về những người mẹ ấy, nhưng tôi tin đó mãi là hình ảnh đẹp về chiến lược chiến tranh nhân dân, dựa vào sức mạnh lòng dân, một vốn quý của dân tộc ta.
Nở hoa
Tôi ngắm mãi tấm hình những người lính già run run thắp nén nhang thơm trong lễ dâng hương tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320 tại Điểm cao 1015 (Sạc Ly) và 1049 (Delta). Từ dáng đứng ấy, trong làn môi mím chặt ấy, tôi nhận thấy nét dũng mãnh, can trường ngày nào.
Trong các trận đánh khốc liệt tại đây, rất nhiều chiến sĩ Quân giải phóng đã ngã xuống, trong tư thế xông lên. Người lính già đã trải trăm trận, dày dạn với đạn bom, đối mặt với cái chết vẫn không mảy may lo sợ, lại không cầm được dòng nước mắt nhớ thương đồng đội đã nằm lại nơi đây.
Để có được chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh trong chiến dịch Xuân Hè 1972 lịch sử, phải kể đến là trận đánh tại hai điểm cao 1015 - đồi Sạc Ly và điểm cao 1049 - đồi Delta, thuộc huyện Sa Thầy.
Nếu như trong chiến tranh, dãy đồi Sạcly từng được gọi là “đồi máu” bởi sự khốc liệt của chiến sự, là hiện diện của chết chóc, thì bây giờ là biểu tượng của sự hồi sinh.
Theo nhiều người kể lại, trước năm 1965, dãy Sạc Ly vẫn được bao phủ bởi những cánh rừng, nhưng trong khoảng thời gian từ 1965-1972, địch đã rải hàng ngàn tấn chất độc hóa học phát quang, diệt trụi cây cối để khống chế đường tiến quân của ta lên đồi, biến Sạc Ly thành vùng đất chết.
Một ngày giữa năm 2001, Sạc Ly được đánh thức bởi dòng người hăm hở tiến lên, phá đá, bạt núi mở đường, dọn bom mìn, đào hố... suốt ngày đêm. Đó là những công nhân của Công ty Nguyên liệu giấy Miền Nam đang thực hiện quyết tâm “hồi sinh” Sạc Ly từ những mầm thông nhỏ bé.
|
Không ai có thể kể hết, nói hết được những khó khăn, gian khổ, thậm chí hy sinh, mà những công nhân trồng rừng phải vượt qua để màu xanh nhích dần trên từng mét đất.
Cũng không ai có thể lý giải được vì sao, chỉ dựa vào sức người và lòng quyết tâm, mà hàng ngàn héc ta thông có thể vượt qua sự khắc nghiệt của nắng gió, sự cằn cỗi của đất đá, phủ xanh màu xám chết chóc của vùng đất mà cả cỏ tranh, là loại có sức sống mãnh liệt, cũng không mọc được.
Chỉ biết rằng, chuyện làm hồi sinh dãy Sạc Ly đã trở thành một huyền thoại mới ca ngợi sức lực, ý chí của con người.
Dưới chân cầu 42, nơi bãi bồi của dòng Đăk Tờ Kan là cánh đồng mía, bắp và hoa tươi. Mùa nào thức nấy, vươn mình khoe sắc, khoe hương trong nắng gió. Tôi tin rằng, trong những bó hoa tươi dâng lên các anh hùng liệt sĩ hôm qua, hôm nay và mai sau, có những bông tươi thắm nhất được hái ngay trên cánh đồng ấy.
Nhưng cách đây hơn 20 năm, khi anh nông dân Nguyễn Văn Đức bắt đầu khai phá với quyết tâm “vắt đất ra vàng”, thì vẫn còn chằng chịt hố bom; cuốc đất lên vẫn gặp đạn, thậm chí là mìn.
Cách sân bay Phượng Hoàng không xa là chập chùng cao su. Nguyễn Minh Sắn- một nông dân sống ở Tân Cảnh đã gần 30 năm, là chủ của một trong những vườn cao su ấy.
Năm 1988, khi anh mới 15 tuổi, đã theo chị gái từ Thanh Hóa vào Tân Cảnh lập nghiệp. Hơn 30 năm trằn trọc mưu sinh trên quê mới, nơi từng là chiến trường khốc liệt, anh hiểu, mỗi tấc đất, mỗi ngọn cỏ nơi đây đều có mồ hôi và máu của cha anh.
Vì vậy, mỗi người dân Tân Cảnh nói riêng và mỗi người dân Đăk Tô nói chung luôn nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống no ấm, góp sức xây dựng quê hương giàu mạnh, xứng đáng với những người đã ngã xuống vì hòa bình- anh Sắn tâm sự.
Trong một câu chuyện, người cựu chiến binh già từng kể rằng, sau chiến thắng ít ngày, người dân đã thấy hoa nở ở miệng những hố bom. Từ đó đến nay, trên vùng đất Đăk Tô-Tân Cảnh một thời lửa đạn, hoa luôn nở, và sẽ mãi khoe hương sắc đến mai sau.
Hồng Lam
Từ khóa » Toé Lửa
-
TOÉ LỬA: Giật Mình Với Tai Nạn “tóe Lửa” Của Mô Tô Phân Khối Lớn
-
Da Cá Trứng Muối Singapore - Cay Toé Lửa - Thực Phẩm ăn Liền
-
Snack Da Cá Trứng Muối VỊ CAY TOÉ LỬA Siêu Ngon độc Quyền Bếp ...
-
Mì Bò Cay Tóe Lửa - Món Mới được Lòng Tín đồ Chăm ăn Lười đi - Zing
-
Khi Các Nguyên Tố Lửa, Nước, Không Khí, Đất Mang Bầu - YouTube
-
Hoảng Hồn Bị Sét đánh Toé Lửa Dưới Mưa - Báo Lao động
-
Lò Vi Sóng Bị đánh Lửa, Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục - MediaMart
-
Da Cá Trứng Muối Singapore - Cay Toé Lửa - Đồ Tráng Miệng
-
Ôtô Mất Lốp Vẫn Cố Cày Toé Lửa Trên đường - VnExpress
-
5 Lý Do Lò Vi Sóng Bị Xẹt Tia Lửa điện
-
Tại Sao Lò Vi Sóng Bị đánh Lửa Trong Lò? - Điện Máy XANH
-
Video: Ô Tô Mất Bánh, Cày Toé Lửa Trên đường Phố - Tuổi Trẻ Online
-
Horrible Science - Điện Học Cuốn Hút Đến Toé Lửa