Đám Cưới Của Chú Lùn - TuArts.Net

Đám cưới chú lùn – Đã 37 năm, anh luôn phải mang trong mình nổi đau về thể xác khi nhiễm chất độc màu da cam. Thân người nah chỉ cao vỏn vẹn 90cm, với cân nặng khoảng 12kg và dôi chân co quắp không đi lại được. Nhưng tưởng cuộc đời anh sẽ là những tháng ngày bất hạnh, đau buồn. Thế nhưng, thật bất ngờ, hạnh phúc đã mỉm cười với người đàn ông tật nguyền này, khi chỉ qua một cuộc điện thoại nhầm của một cô gái trẻ kém anh đến một con giáp.

Đám cưới lạ kỳ

Sau những ngày tết vừa qua của năm Quý Tỵ, người dân xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đang bất ngờ về một đám cưới đặc biệt vừa được tổ chức vào trưa ngày 17/2 (tức là ngày mồng 8 Tết) trên địa bàn xóm Long Hải. Đó như là một câu chuyện cổ tích được viết lên bởi hai trái tim có cùng chung nhịp đập, họ tìm đến nhau bằng tất cả tình yêu và nghị lực, vượt qua những trắc trở về địa lí cũng như sự ngăn cấm của gia đình để đến với nhau.

Quá bất ngờ, đến xóm Long Hải, xã Thạch Kim (Lộc Hà) và tìm đến nhà chú rể Đặng Hoàng Giáo (SN 1976) để tận mắt chứng kiến đôi vợ chồng son đang cùng tận hưởng hạnh phúc sau ngày cưới của mình. Tiếp chúng tôi trong gian nhà cấp bốn đơn sơ, thấp bé, anh mở lòng với chúng tôi bằng cách nói chuyện hóm hỉnh. Tình cờ quen nhau, như duyên trời đã định sẵn họ thuộc về nhau. “Chúng tôi mới cưới được 3 ngày thôi, bạt che để tổ chức đám cũng còn để nguyên đấy. Tôi thấy mình thật sự may mắn và hạnh phúc khi có một người yêu thương mình thật lòng”. Rồi anh vội vàng cất tiếng gọi vợ lên nhà để tiếp chuyện với chúng tôi. Nghe anh giới thiệu, chúng tôi biết chị là Mai Thị Hiệp (SN 1991), một cô gái xinh xắn, dễ thương đến từ xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An).

dam-cuoi-cua-chu-lun

Hai người tự tin nở những nụ cười hạnh phúc trong ngày cưới.

Ngay từ nhỏ Giáo đã chịu nhiều thiệt thòi, bởi lẽ, khi sinh ra ông Tỷ đã phải gửi Giáo cho người hàng xóm để tiếp tục đi bộ đội vào giải phóng miền Nam. Bố Giáo không ngờ được con trai của mình đã bị nhiễm chất độc da cam chết người, “Tôi cũng thật không ngờ, ở tuổi 36, với thân hình tật nguyền, đứa con trai yêu quý lại tìm được hạnh phúc cho mình. Lúc đầu tôi cũng suy nghĩ nhiều lắm, cũng tội cho con Hiệp một người bình thường xinh xắn mà chịu thiệt thòi lấy Giáo, nó sẽ khổ suốt đời. Nhưng tình yêu chân thật của hai đứa đã thuyết phục được tôi đứng ra tổ chức hôn lễ cho hai đứa”, ông Tỷ nói.

Vào lúc 11h trưa ngày 17/2 (tức ngày mồng 8 Tết), khi đoàn xe rước dâu đưa chú rể và cô dâu từ huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An về đến con đường đất chạy dọc ra bờ biển Thạch Kim, hàng trăm người dân đứng hai bên chật cả lối đi và rất nhiều người cảm thấy xúc độngkhi chứng kiến một tình yêu đẹp và đáng khâm phục. Những ai chứng kiến đám cưới cổ tích này đều không cầm được nước mắt, mừng cho chàng trai tật nguyền lấy được vợ hiền, cảm phục cô gái trẻ mà dũng cảm đến với tình yêu của mình. Cô dâu xinh xắn, rạng ngời, khuôn mặt luôn nở nụ cười tươi đầy hạnh phúc. Quãng đường nhỏ để đi vào nhà chú rể, xe ôtô không thể đi đến nơi nên cô nhẹ nhàng bế chú rể lên chiếc xe lăn đã được kết hoa tân hôn rồi nhẹ bước đẩy xe lăn cho chú rể vượt qua con đường đông kín người dân làng xóm đến chúc phúc. Nhìn vẻ bề ngoài không được tương xứng nhưng họ đang thực sự hạnh phúc, nở những nụ cười mãn nguyện cùng nhau đi đến giáo đường để làm lễ thành hôn.

Trắc trở để có được ngày chung đôi

Vui sướng, hạnh phúc khi có được tình yêu và một đám cưới như trong câu chuyện cổ tích với một cô gái với tuổi đời còn rất trẻ, anh Giáo với khuôn mặt rạng rỡ và luôn nở nụ cười mãn nguyện khi nhắc đến người vợ ngoan hiền. Anh tâm sự: “Tôi và vợ có cái duyên trời định rồi, cho nên khó khăn, trắc trở như thế nào đi chăng nữa, hai chúng tôi đều tự bảo nhau phải cố gắng vượt qua để có ngày chung đôi là của nhau mãi mãi”. Chị Hiệp nghe chồng nói chỉ cúi đầu cười e thẹn, lộ rõ vẻ ngượng ngùng của cô dâu mới về nhà chồng. Hai vợ chồng cùng hồi nhớ lại quãng thời gian đầu mới quen nhau, khi ấy chị đang làm giúp việc cho một gia đình ở ngoài Hà Nội. Chị bảo: “Tôi và anh quen nhau rất tình cờ, chỉ qua một cuộc điện thoại cho người bạn nhưng lại nhầm sang số điện thoại của anh”.

Đôi bạn trẻ trong cuộc sống đời thường.

Sau cú điện thoại nhầm ấy, cảm mến người con gái có chất giọng xứ Nghệ nhẹ nhàng nên anh quyết định liên lạc lại cho cô. Qua vài lời hỏi han xã giao, Hiệp rất ấn tượng bởi cách nói chuyện hóm hỉnh nhưng đầy lôi cuốn của anh. Và rồi, hai anh chị vẫn giữ liên lạc với nhau bằng điện thoại, mới đầu chỉ là ở mức tình cảm anh em chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Một thời gian sau, khi cả hai đều xác định được tình cảm của mình dành cho người kia thực sự sâu đậm, cũng là lúc hai anh chị nhận lời yêu nhau.

Ngay khi chị gật đầu đồng ý yêu anh, anh Giáo đã quyết định lên đường một chuyến ra Hà Nội để gặp mặt người yêu và nguyện trao lời hẹn ước. Anh lên kế hoạch tỉ mỉ, rồi xin phép người mẹ già để ra thăm chị. Bước xuống bến xe trong một buổi chiều mưa, lòng anh đầy bồi hồi, lo lắng. Anh kể: “Lúc đó, thực sự tôi rất lo bởi tôi còn nhớ lúc tôi hẹn cô ấy vào khoảng 20h sẽ gặp nhau tại vườn hoa Paster. Thế nhưng, chiều hôm đó lại mưa to. Lòng tôi lúc đó ngổn ngang tâm sự, phần vì nghĩ cô ấy trời mưa sẽ không đến, phần nữa lại lo sợ cô ấy gặp tôi ở hình hài như thế này thì có chấp nhận không.

Mặc dù trước đó tôi cũng đã kể cho Hiệp nghe về cuộc đời và số phận của bản thân, nhưng liệu rằng gặp rồi cô ấy sẽ thay đổi ý định”. Thế mà, trái với những ngổn ngang suy nghĩ của anh, chị vẫn đến như đã hẹn dù trời mưa tầm tã, hơi bất ngờ khi thấy anh với dáng vẻ thấp và bé xíu như đứa trẻ 5-6 tuổi nhưng chị đã bình tâm lại, nói chuyện và tâm sự hết sức cởi mở với anh, rồi cùng nhau thề non hẹn biển.

Trở về nhà trong niềm vui sướng khi có một người con gái đã cảm thông cho hoàn cảnh của bản thân và chấp nhận đến với mình, lòng anh lâng lâng trong hơi men tình yêu vừa thấm môi. Còn chị, nhận thấy ở anh là sự chân thành và tình yêu mãnh liệt dành cho chị khi vượt qua gần 400km để ra thăm mình, chị quyết định sẽ tiến đến hôn nhân với người đàn ông này.

Sau 20 ngày kể từ ngày anh chị gặp nhau, anh Đặng Hoàng Giáo đã có thêm một chuyến đi lên vùng đất Nghĩa Đàn để thăm bố mẹ người yêu. Gia đình chị Hiệp rất bất ngờ trước cuộc viếng thăm của một người khách lạ. Ngay khi giới thiệu là bạn trai của Hiệp, cả gia đình đã kịch liệt phản đối. Là một cô con gái bình thường, lành lặn như bao người, thế mà bây giờ lại lấy một người thân người chỉ bằng đứa con nít. Người bình thường làm ăn còn chưa đủ, huống hồ anh lại là người bị tật nguyền, lấy nhau rồi sẽ làm gì, lấy gì mà sống. Lo sợ cho cuộc sống của con gái về sau sẽ khổ khi hàng ngày phải chăm sóc cho chồng nên bố mẹ và họ hàng đã không chấp nhận cho chuyện tình yêu của hai người. Đã có lúc Hiệp tính đến chuyện sẽ không còn lấy ai nữa nếu không lấy được anh Giáo.

Nhưng sức mạnh của tình yêu đã vượt qua mọi định kiến của xã hội lẫn gia đình, Hiệp đã trốn bố mẹ về Hà Tĩnh làm việc để được gần với người yêu hơn. Đồng thời, trong thời gian đó, chị cũng gấp rút đi học Đạo để một ngày không xa sẽ được cùng anh sống chung một mái nhà. Không để cho ai biết cả, Hiệp đã tình nguyện về nhà anh để học giáo lí. Không quản khó khăn, chị chăm chỉ học hành, tin yêu chúa để rồi cùng anh Giáo đứng lên thánh đường cầu nguyện cho tình yêu của mình.

Sau khi hoàn thành khóa học, chị quyết định nói với gia đình, mình sẽ chung sống cùng anh. Bố mẹ Hiệp đã khóc hết nước mắt lo cho tương lai của con gái mình. Nhưng trước số phận và tình yêu chân thành của hai người. Một thời gian ra sức thuyết phục, gia đình, bố mẹ Hiệp cũng dần nhận ra tình yêu thực sự của hai người nên đã đồng ý cho phép đi lại và ấn định đầu năm Quý Tỵ sẽ nên duyên vợ chồng.

Và ước mơ về một mái ấm đã trở thành hiện thực, khi vừa ra tết, anh chị đã được hai bên gia đình, cùng với họ hàng làng xóm đứng ra tổ chức một lễ cưới với đầy đủ các lễ nghi. Bức ảnh cưới to đẹp của anh chị được bố trí ở một vị trí trang trọng. Đây có lẽ là đám cưới duy nhất ở Hà Tĩnh từ trước tới nay được nhiều “người dưng” tới chúc phúc và chia sẻ hạnh phúc đến như vậy.

Hạnh phúc và nỗi lo của người mẹ

Bà Trần Thị Hiển mẹ nuôi của Giáo rơi nước mắt tâm sự: “Tôi rất vui vì Giáo đã tìm được hạnh phúc cho riêng mình. Ngày cưới của nó có hàng trăm người tới dự, là người làm mẹ tôi cảm thấy hạnh phúc lắm. Nhưng tương lai của hai đứa đang còn mù mịt. Tôi cũng đã già không thể lo cho Giáo mãi được. Ngày xưa nó còn làm nghề sửa điện tử, cũng đang có đồng ra đồng vào. Giờ lấy vợ về không biết làm gì để nuôi gia đình nữa. Mặc dù, mọi sinh hoạt cá nhân Giáo đều tự lo cho mình được, nhưng những lúc trái gió trở trời những cơn đau lại hành hạ nó, tội lắm. Cháu Hiệp cũng là một đứa con dâu siêng năng cần cù, nhưng sức khỏe cũng yếu. Không biết rồi đây Hiệp và Giáo sẽ xoay xở như thế nào nữa”.

Từ khóa » Chú Lùn Lấy Vợ