Đầm Hà đánh Thức Tiềm Năng Du Lịch - Tỉnh Quảng Ninh

Với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa độc đáo đậm đà bản sắc dân tộc, cảnh quan thiên nhiên phong phú, Đầm Hà có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch. Tuy nhiên làm thế nào để khai thác, phát huy được giá trị của những tiềm năng, thế mạnh đó đang là bài toán được các cấp ủy, chính quyền huyện quan tâm triển khai thực hiện.

Núi Hứa – xã Đại Bình là di tích khảo cổ, nơi phát hiện nhiều công cụ đá của người Việt cổ thuộc sơ kỳ thời đại đá mới cách đây khoảng 6.000 năm. Với đặc điểm tự nhiên thuận lợi, trong thời kỳ chống Pháp, hang Hố Đen của núi Hứa được chọn là căn cứ cách mạng, nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của Đầm Hà. Ngoài giá trị về khảo cổ, lịch sử, núi Hứa còn có giá trị về danh lam thắng cảnh. Nơi đây có vườn cò, với diện tích cò tập trung khoảng hơn 1 ha, số lượng đàn cò lúc đông lên tới hàng chục nghìn con cò, vạc với các loài cò ruồi, cò lùn xám, cò ngàng nhỏ…tạo nên một cảnh quan rất thơ mộng, thanh bình. Cùng với thảm thực vật và hệ động vật phong phú, núi Hứa được coi là điểm đến độc đáo của Đầm Hà nói riêng và Quảng Ninh nói chung. Năm 2012, Rừng cò – núi Hứa được xếp hạng di tích khảo cổ, lịch sử, danh thắng cấp tỉnh.

Cột cờ núi Hứa nơi ghi dấu ấn lịch sử của mảnh đất anh hùng

Không chỉ cỏ núi Hứa, Đầm Hà còn sở hữu không ít những giá trị lịch sử, cảnh đẹp tự nhiên, văn hóa độc đáo như: thác Bạch Vân, đảo Đá Dựng, cụm di tích Đình – chùa – miếu Đầm Hà .v.v. Tuy nhiên, hoạt động du lịch trên địa bàn huyện còn hạn chế. Hiện toàn huyện mới chỉ có 2 di tích được xếp cấp tỉnh là Đình Đầm Hà và rừng cò núi Hứa, 3 di tích nằm trong danh mục kiểm kê di tích của tỉnh là đình Tràng Y, đồn Đen và chủa Sâu; là địa phương chưa công bố tuyến điểm du lịch. Nhằm thúc đẩy du lịch phát triển, Đầm Hà đã ban hành, triển khai Nghị quyết 22 về phát triển du lịch huyện Đầm Hà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó xác định mục tiêu: Phát triển du lịch Đầm Hà hiệu quả, bền vững, mang đậm nét đặc trưng bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện; từng bước mở rộng kết nối với các trung tâm dịch vụ lớn trong và ngoài tỉnh; phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế, quan trọng, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện; có tính chuyên nghiệp, thân thiện với môi trường; cơ sở vât chất phục vụ du lịch được đầu tư đồng bộ, sản phẩm du lịch đa dạng, có thương hiệu, mang tính đặc thù, có sức cạnh tranh, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch, là một trong những điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài tỉnh.

Đảo Đá dựng

Đập Đầm Hà động

Để đạt được mục tiêu này, huyện đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; ưu tiên các nguồn lực phục vụ phát triển du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng, phục dựng lại các điểm di tích, danh thắng tạo điểm nhấn của huyện. Đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch; nâng cao chất lượng phục vụ, chất lượng các nhà hàng, nhà nghỉ, khu vui chơi giải trí; thực hiện niêm yết công khai giá cả các mặt hàng, sản phẩm du lịch tại các cơ sở kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường pháp lý thuận lợi thu hút đầu tư; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác quản lý du lịch. Song song với đó, huyện cũng đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa con người Đầm Hà với mục tiêu “Đoàn kết, sáng tạo, tự tin, thân thiện”, phát huy bản sắc dân tộc, lấy lối sống, nếp sống đẹp, ứng xử văn hóa, văn minh để phát triển du lịch; xây dựng logo, bộ nhận diện thương hiệu tạo dấu ấn riêng của huyện; đặc biệt là tăng cường tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng du lịch và hợp tác với các công ty lữ hành, các doanh nghiệp làm du lịch để kết nối với các trung tâm du lịch lớn trong và ngoài tỉnh.

Khu nông nghiệp công nghệ cao một trong những địa điểm thu hút khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm

Thác Bạch Vân là điểm đến thu hút rất đông khách du lịch

Đến nay, trên địa bàn huyện đã dần định hình được các tuyến, điểm du lịch với các loại hình: du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch dịch vụ, du lịch sinh thái kết hợp du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm, cụm di tích lịch sử đình, chùa miếu.v.v. Trong đó, với tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, huyện đã phê duyệt dự án đầu tư khu du lịch sinh thái bản Tầm Làng, xã Quảng An. Khi đi vào hoạt động, cùng với du lịch, khám phá thác Bạch Vân, sẽ kết hợp sản xuất nông nghiệp và xây dựng làng văn hóa dân tộc nhằm tạo thêm cảnh quan cho khu vực, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; giới thiệu, quảng bá các sản vật đặc trưng, khác biệt của địa phương và văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số, giới thiệu sản phẩm truyền thống làng nghề đan nón Đại Hiệp, thêu tay áo, gấu quần của người Dao. Mặc dù đang trong quá trình nghiên cứu, đầu tư, nhưng với cảnh sắc thiên nhiên đẹp, phong phú đã có rất đông du khách tìm đến tham quan, thưởng ngoạn. Trong 9 tháng đầu năm đã có trên 20 nghìn lượt du khách đến với Đầm Hà. Tổng doanh thu du lịch ước đạt trên 7 tỷ đồng. Đặc biệt, cùng với việc phát triển các sản phẩm OCOP, huyện cũng đã thu hút đầu tư phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch trải nghiệm. Trong đó có mô hình nông nghiệp sạch của Công ty Cổ phần thương mại và xây dựng Đầm Hà, đã góp phần tạo ra những sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu của Đầm Hà. Cùng với đó, cụm di tích lịch sử Đình, chùa Miếu Đầm Hà cũng đang được gìn giữ và phát huy hiệu quả. Hàng năm, lễ hội đình Đầm Hà, đình Tràng Y được tổ chức gắn với các hoạt động của tuần lễ thể thao và du lịch, trưng bày sản phẩm OCOP của địa phương thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch. Ngoài ra, dự án chùa Sâu sẽ được đầu tư với nguồn vốn huy động xã hội hóa khoảng 90 tỷ đồng đang trong giai đoạn hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng.

Thêu truyền thống, nét đẹp mang bản sắc văn hóa dân tộc Dao

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà – Bí thư Huyện ủy cho biết: “Giải pháp tiếp theo trong thời gian tới của huyện đó là cung cấp được nguồn nhân lực không chỉ cho du lịch của huyện mà còn cả các địa phương khác để thu hút những nhà đầu tư về huyện. Đồng thời tiếp tục giữ vững môi trường trong lành, tạo sức hút, điểm nhất riêng. Tập trung vào xây dựng các trung tâm, điểm đến, làng dân tộc, trung tâm OCOP, trung tâm phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển nuôi trồng thủy sản và trải nghiệm các hoạt động sản xuất của người dân. Đối với Đầm Hà là địa phương phát triển du lịch trong điều kiện chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp và các đơn vị lữ hành thì chính mỗi người dân Đầm Hà là những hướng dẫn viên du lịch và là những người trực tiếp giới thiệu, quảng bá về du lịch của huyện”.

Đồn đen

Hy vọng rằng, với tiềm năng du lịch phong phú, Đầm Hà sẽ thu hút được những nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực du lịch. Trong tương lai gần, Đầm Hà sẽ xây dựng được những điểm du lịch hấp dẫn, không thể thiếu trong hành trình du khách đến với Quảng Ninh.

Thanh Nga  (Trung tâm TT&VH)

Từ khóa » đầm Hà Có Gì Chơi