Đạm Trúc Diệp

Đạm trúc diệp

Tổng hợp kiến thức về vị thuốc Đạm trúc diệp 1. Các tên gọi của Đạm trúc diệp 2. Đạm trúc diệp (hình ảnh, thu hái, chế biến, bộ phận dùng làm thuốc ...) 3. Tác dụng của Đạm trúc diệp (Công dụng, Tính vị và liều dùng) 4. Vị thuốc Đạm trúc diệp chữa bệnh gì? - Bài thuốc Trị sốt nóng âm ỉ, mắt mờ, mặt đỏ nhức đầu Trị viêm đường tiết niệu, tiểu tiện đau rát, miệng lưỡi nứt nẻ, các dạng bệnh thuộc tâm nhiệt Trị tiểu ít, nước tiểu đỏ đậm: 5. Nơi mua bán vị thuốc Đạm trúc diệp ở đâu?

Tên khác

Còn gọi là trúc diệp, rễ gọi là toái cốt tử, trúc diệp mạch đông, mễ thân thảo, sơn kê mễ.

Tên khoa học: Lophatherum gracile Br.

Họ khoa học: Poaceae.

Cây Đạm trúc diệp

( Mô tả, hình ảnh, thu hái, chế biến, thành phần hoá học, tác dụng dược lý ....)

Mô tả:

Cỏ sống dai lâu năm, thân dài 0,3-0,6m, thẳng đứng hay hơi bò. Rễ phình thành củ, hình chùm. Lá mềm, xếp cách nhau, hình bầu dục dài, nhọn đầu, tròn hay hình nêm ở gốc, trông giống như lá tre, nhẵn ở mặt dưới, có lông trên gân ở mặt trên, mép nhẵn, bẹ lá nhẵn, dài, mềm nhẵn hay có lông ở mép, lưỡi bẹ ngắn. Cụm hoa hình bông (chùy) thưa dài 10-30cm. Bông nhỏ hình mũi mác, cuống dài mảnh mang trên hoa lưỡng tính 8-9 mày nhỏ rỗng và cuộn lại. Nhị 2-3, bao phấn hình thoi cây ra hoa từ tháng 3-11.

Phân biệt:

1- Có nơi người ta thay thế cây Đạm trúc diệp bằng cỏ Thài lài trắng (Commelina communis L.,) họ Commelinaceae

2- Đạm trúc diệp đôi khi còn dùng để chỉ một loại lá cây của Trúc cần câu (Phyllotachys puberula Mak), có ở Cao Bằng, Bắc Thái, Hà Giang, Hà Bắc, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Vĩnh Phú, Quảng Ninh. Dùng để chữa sốt, chống khát nước Thổ huyết, Cảm cúm.

Phân bố:

Cây mọc trên các bờ tường, ven đồi, chân núi đá. Cây ưa ẩm ưa sáng. Gặp nhiều ở Lạng Sơn, Bắc Thái, Vĩnh Phú, Ninh Bình...

Thu hái, sơ chế:

Thu hái khoảng tháng 5-6, hái toàn cây, cắt bỏ rễ con, phơi hay sấy khô, bó thành từng bó nhỏ, khi dùng cắt ngắn khoảng 2-3cm. Có thể dùng tươi.

Phần dùng làm thuốc:

Toàn cây hoặc lá, thân.

Vị thuốc Đạm trúc diệp

( Công dụng, Tính vị, quy kinh, liều dùng .... )

Tính vị, qui kinh:

Hình ảnh vị thuốc đạm trúc diệp

Có vị ngọt, nhạt, tính hàn, vào hai kinh tâm và tiểu trường.

Công dụng:

Lợi tiểu tiện, thanh tâm hoả, trừ phiền nhiệt. Dùng chữa tâm phiến, tiểu tiện đỏ, tiểu tiện khó khăn.

Liều dùng:

Liều hàng ngày là 8-10g dưới dạng thuốc sắc, thường phối hợp với nhiều vị thuốc khác.

Kiêng kỵ:

Đàn bà có thai kỵ dùng.

Bảo quản:

Để nơi khô ráo, thoáng gió.

Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc Đạm trúc diệp

Trị sốt nóng âm ỉ, mắt mờ, mặt đỏ nhức đầu

Đạm trúc diệp 12g, Thanh hao 9g sắc uống (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

Trị viêm đường tiết niệu, tiểu tiện đau rát, miệng lưỡi nứt nẻ, các dạng bệnh thuộc tâm nhiệt

Đạm trúc diệp 12g Mộc thông 3g rưỡi, Cam thảo 5 phân, Qua lâu căn 3g 5, Hoàng bá 3g 5. sắc với 3 chén nước còn 8 phân, ngày uống 3 lần (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

Trị tiểu ít, nước tiểu đỏ đậm:

Đạm trúc diệp 12g, Mộc thông 6g, Sinh điạ 9g, Cam thảo mút 3g 5 sắc uống (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

Tham khảo

Tài liệu khác

Củ rễ của cây Đạm trúc diệp gọi là Toái cốt tử, có tác dụng trục thai thúc đẻ (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

Dựa vào sách ‘Bản Thảo Cương Mục’ của Lý Thời Trân thì Đạm trúc diệp không phải là lá tre mà là một trong loại lá như lá Tre, lá Đạm trúc diệp nó gần giống như lá tre tươi có công năng thanh Tâm hỏa, thông Tiểu trường, là thuốc có tác dụng thanh nhiệt lợi tiểu. Bài ‘Đạo Xích Tán’ lấy nó kết hợp với Sinh địa, Mộc thông, Cam thảo (mút) dùng để trị tiểu tiện không thông, đau rít, miệng lưỡi lở loét, cũng có thể dùng nó trị chứng trẻ con khóc dạ đề do tâm nhiệt (Trung Dược Học Giảng Nghĩa).

*************************

Từ khóa » đạm Trúc Diệp