Đàn Bà Khi đẻ Có đau Không - VnExpress

Có lần, vợ chồng tôi về quê chơi. Thấy vợ tôi đang bầu, cảm thấy lo lắng cho việc sinh đẻ sắp đến gần, người dì nói: "Các con cứ lo xa, đàn bà đẻ có gì mà đau, ngày xưa mỗi lần dì đẻ là cứ cầm vài miếng giẻ, đi ra ngoài vườn chặt mấy tàu lá chuối, lót nằm, đẻ xong mới ôm con vào nhà. 12 đứa cứ lần lượt như vậy, đẻ khỏe re". Nghe dì nói vậy tôi mới nhớ đến câu nói của người xưa: "Đàn ông đi biển có đôi. Đàn bà vượt cạn mồ côi một mình". Thời đó đã xa rồi, thời nay đã đổi khác, đàn bà vượt cạn sẽ không mồ côi một mình nữa mà sẽ được sánh đôi cùng chồng. Không có người chồng nào để vợ đi đẻ một mình cả, ngoại trừ có lý do đặc biệt. Người đàn ông nào cũng cảm thấy thiệt thòi nếu không được sánh đôi cùng vợ đi đẻ. Tôi nghĩ thế.

Đúng ngày dự sinh, vợ chồng tôi dắt nhau đến bệnh viện khám vì có hẹn trước với bác sĩ. Vị bác sĩ trưởng khoa sản nói: "Chuyển dạ rồi, nhập viện luôn". Tuy nhiên, vợ chẳng kêu đau hay mệt mỏi gì, chúng tôi cứ chậm rãi về nhà, tắm táp sạch sẽ rồi cùng nhau đi ăn uống, sau đó mới thu gom đồ đạc để vào viện. Hành lang khoa sản thật nhộn nhịp, hai bên dãy ghế ngồi bà bầu đi đẻ thì ít mà người nhà đi theo hộ tống thì nhiều. Giữa hành lang, một số cặp vợ chồng tay trong tay, đi đi lại lại. Các mẹ bầu nhăn nhó, kêu đau; người nhà lo lắng sốt ruột, chờ chuyển dạ để vào phòng sinh hoặc chờ đến lượt vào phòng mổ. Chốc chốc, mọi người cứ hỏi nhau, bên này hỏi bên kia, bên kia hỏi bên nọ "mở mấy phân rồi"...

Khi vợ chồng tôi đến, cả hành lang bệnh viện ai nấy ngơ ngác nhìn, sau này tôi mới biết họ nhìn và cười mình vì thấy chúng tôi tay xách nách mang bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh, như người du mục di cư. Mặc dù đã biết khi đưa vợ đi đẻ chỉ cần chuẩn bị những gì nhưng trong thời kỳ mang thai, mỗi lần đi siêu thị là lại mua sắm, thấy cái gì cũng cần thiết, nghĩ cứ mang nhiều như thế, thừa còn hơn thiếu. Bác sĩ gọi vào khám lại rồi bảo: "Mở 4 phân rồi nhé, gần đẻ rồi", vậy mà vợ chẳng kêu đau, mặt vẫn tươi vui, rồi vợ chồng dắt nhau ra ngoài cổng bệnh viện ăn khuya. Khi vào, bác sĩ bảo: "Tại sao gần đẻ rồi mà còn đi xa thế, không sợ đẻ rơi à". Sau đó, vợ bảo muốn đi toilet, tôi dắt vợ đi được vài lần rồi vào giường nằm, vợ chồng vẫn tíu tít, tôi vẫn kể chuyện vui cho vợ nghe. Lát sau, bác sĩ vào thăm khám, nói: "Sang phòng sinh, mở 8 phân rồi". Vợ vào phòng sinh được khoảng 15 phút, bác sĩ mở cửa ra bảo: "Con gái 3,5 kg. Làm hơn 10 năm rồi nhưng chưa thấy ai đẻ mà không đau như chị nhà anh, mai mốt con bé lớn lên chắc gan lì lắm đây". Khi quay ngược ra, một số bà mẹ đang đau đẻ lần lượt tới giường vợ nằm lấy hên để đẻ cho nhanh.

Từng có bài nghiên cứu khoa học khẳng định, mức độ của cơn đau đẻ ngang với việc cùng lúc bị gẫy 20 chiếc xương sườn. Do vậy, sau khi vợ sinh xong, tôi nhiều lần hỏi: "Có phải em cũng đau như mọi người nhưng sợ anh lo lắng nên cố gắng nói không đau phải không". Vợ bảo: "Thật ra không đau nhiều như em tưởng, chỉ cảm thấy thốn nhẹ thôi". Từ đây, tôi nghĩ có lẽ vợ ít đau đẻ hơn so với các bà mẹ khác là do vợ chồng đã có kế hoạch cũng như tập dượt trước các hành động để ăn khớp với nhau vào thời khắc vợ bắt đầu chuyển dạ. Quan trọng nhất là người chồng phải giữ bình tĩnh để biết, hiểu trong thời khắc ấy mình cần làm những gì cho phù hợp nhất. Tuyệt đối đừng bồn chồn, lo lắng, nôn nao, chạy lăng xăng như con rối dẫn đến vợ cũng lo lắng theo.

Khi vợ sắp sinh, hãy dìu đỡ nhẹ nhàng, an ủi, động viên, tươi cười. Hãy mạnh mạnh dẫn vợ vào toilet, bởi lúc chuyển dạ, thai nhi sẽ ép vào bàng quang làm cho thai phụ cảm thấy muốn đi tiểu nhiều hơn bao giờ hết. Đừng cảm thấy xấu hổ để vợ đi toilet một mình, bởi trong lúc ấy những hành động đứng, ngồi, kéo áo, quần cần phải có sự giúp đỡ của người khác, đặc biệt từ người chồng.

Hoàng

Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.

Từ khóa » đẻ Có đau Ko