Nhạc dân gian Việt Nam, một quốc gia đa dân tộc với một nền văn minh lâu đời, có một nền âm nhạc dân gian phong phú. Những âm điệu, tiết tấu đặc trưng của dân ca, dân vũ là ngọn nguồn vô tận cho những tác phẩm của nhiều nhạc sĩ qua các thời kỳ. Dân ca Việt Nam bắt nguồn từ ca dao và thơ mà trong đó chiếm phần nhiều là thơ lục bát, qua thời gian của lịch sử dân tộc, được chắt lọc, bổ sung trở thành những thể loại ca hát dân gian khác nhau của từng địa phương, vùng miền, từng dân tộc. Gần với thơ nhất là thể ngâm. Ru cũng vậy, là một lối phổ nhạc cho những bài ca dao lục bát. Hò là thể loại phổ biến cả nước, đặc biệt là miền Trung và miền Nam. Hò có thể kết hợp chặt chẽ với các động tác lao động như hò kéo gỗ, hò giã gạo... mang tính chất tập thể, một người xướng rồi có những người cùng làm việc hò theo, nhưng cũng có những thể Hò mang tính chất giao duyên và hò hội với các hình thức đối đáp. Vùng Trị Thiên có đầy đủ các hình thức khác nhau của Hò. Người ta chia thành Hò trên cạn và Hò dưới nước. Các điệu hò của miền Nam là Hò trên nước có tính chất trữ tình, thanh nhàn. Vùng Nghệ Tĩnh còn có hát giặm, là loại hát có thể dùng lúc làm việc, nghỉ ngơi hay hội họp. Lý là những bài hát giao duyên phổ biến ở miền Trung và miền Nam như Lý chuồn chuồn, Lý ngựa ô, Lý con sáo... Miền nam thì có rất nhiều điệu Lý. Những câu ca dao không được dùng trong Hò thì được đưa và Lý. Có thể nói, miền Nam là kho tàng vô tận của các điệu lý như Lý bông lựu, Lý cây chanh, Lý xăm xăm, Lý cây bông... Hát Ví: phổ biến ở Trung du Bắc bộ và vùng Nghệ Tĩnh. Đây là một hình thức hát giao duyên. Hát Quan họ: có nguồn gốc ở Bắc Ninh, là lối hát rất phong phú về âm nhạc. Hát Chầu văn: là hình thức hát nhà thờ, có tính chất tôn thờ thần linh. Hình thức này có ở cả 3 miền. MiềnTrung và miền Nam gọi là hát bóng, phục vụ cho việc lên đồng. Hát Chầu văn gồm một cung văn là thầy cúng chuyên nghiệp đánh đàn nguyệt giỏi, có giọng hát hay, thuộc nhiều điệu hát. Ngoài ra còn có trống, thanh là phụ hoạ. Hát Ả đào: là hình thức đặc biệt của miền Bắc, thịnh hành khoảng thế kỷ XIV. Hát Ả đào gồm có một người hát (đào nương) hai tay gõ phách, một nhạc công đàn đáy, một trống chầu dùng để người nghe (quan viên) khen thưởng những âm, những giọng hay. Đây là lối hát những bài thơ nên cách hát rất khó và có giai điệu phát triển mạnh. Ca Huế: là một thể loại ca nhạc thính phòng dân gian. Ca Huế được phát triển vào miền Trung và miền Nam, gọi là ca Quảng và nhạc tài tử miền Nam. Nghệ thuật ca Huế là sự sáng tạo những ngón đàn hay. Các nhạc công đánh đàn mang tính ngẫu hứng là chính, miễn sau cuối bài hát họ gặp nhau ở chủ âm. Dàn nhạc ca Huế gồm: đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn nguyệt, đàn nhị, đàn tam, đàn bầu và sáo. Người hát sử dụng bộ phách để gõ nhịp. Ngoài những hình thức trên, chúng ta còn có những thể loại Chèo, Tuồng, Cải lương. Tất cả những hình thức của âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam đều đang được bào tồn và phát triển. Đó là nguồn vô tận cho các tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc của nhiều nhà soạn nhạc Việt Nam. Đã có rất nhiều ca khúc lấy cả một làn điệu dân ca rồi đạt lời mới như:Trông cây lại nhớ đến Người, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Những cô gái quan họ, Nổi trống lên núi rừng ơi... Nghệ thuật âm nhạc dân gian, cổ truyền là kho tàng vô giá cho nhiều nhạc sĩ nghiên cứu, sáng tác. Theo sách Giảng nhạc - Tác giả: Nguyễn Thị Nhung - Nhạc viện Hà Nội 1988. |