Dân Ca Dân Nhạc VN – Dân Ca Bahnar/Ba Na | Đọt Chuối Non
Có thể bạn quan tâm
Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.
Chào các bạn,
Việt Nam chúng ta có một diện tích trải dài trên ngàn cây số dọc theo biển Đông với 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc lại có những âm điệu, lời ca đặc thù riêng biệt. Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn nền dân ca dân nhạc của 54 dân tộc anh em chúng ta. Trước tiên mình giới thiệu đến các bạn Dân ca Bahnar/Ba Na của Dân tộc Bahnar/Ba Na.
Tộc Bahnar/Ba Na (các tên gọi khác: Ba Na Trên Núi, Ba Na Dưới Núi, Ba Na Đông, Ba Na Tây, Tơ Lộ, Bơ Nâm, Glơ Lâng, Rơ Ngao, Krem, Roh, Con Kde, A la công, Krăng, Bơ Môn, Kpăng Công, Y Lăng) có dân số khoảng 227.716 người. Họ có nhiều tên gọi khác nhau như thế bởi theo nơi cư trú hay phong tục tập quán của mỗi vùng.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, Dân tộc Bahnar/Ba Na cư trú tại 51 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các tỉnh:
Gia Lai (150.416 người, chiếm 11,8% dân số toàn tỉnh và 66,1% tổng số người Ba Na tại Việt Nam) Kon Tum (53.997 người, chiếm 12,5% dân số toàn tỉnh và 23,7% tổng số người Ba Na tại Việt Nam) Phú Yên (4.145 người, chiếm 12,5% dân số toàn tỉnh và 23,7% tổng số người Ba Na tại Việt Nam) Bình Định (18.175 người, chiếm 8,0% tổng số người Ba Na tại Việt Nam) Đắk Lắk (301 người) Bình Thuận (133 người)
Người Bahnar/Ba Na thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer.
Người Bahnar/Ba Na sinh sống nhờ nông nghiệp, chủ yếu là trồng rẫy. Cùng với trồng trọt, từng gia đình thường có nuôi gia cầm, gia súc như trâu, bò, dê, lợn, gà. Chócũng được nuôi nhưng không bị giết thịt. Hầu như mỗi làng đều có lò rèn. Một số nơi biết làm đồ gốm đơn giản, phụ nữ dệt vải tự túc đồ mặc trong gia đình. Đàn ông đan chiếu, lưới, các loại gùi, giỏ, mủng… Việc mua bán theo nguyên tắc hàng đổi hàng, xác định giá trị bằng gà, rìu, gùi thóc, lợn hay nồi đồng, ché, chiêng,cồng, trâu v.v.
Ở mỗi làng có một nhà công cộng là nhà Rông to, đẹp ở giữa làng. Nhà rông cao lớn và đẹp đứng nổi bật giữa làng, đó là trụ sở của làng, nơi các già làng họp bàn việc công, nơi dân làng hội họp, nơi trai chưa vợ và góa vợ ngủ đêm, nơi tiến hành các nghi lễ phong tục của cộng đồng và cũng là nơi tiếp khách lạ vào làng.
Nhà ở của người Bahnar/Ba Na thuộc loại hình nhà sàn. Trước đây khi chế độ gia đình lớn còn thịnh hành, ở vùng người Ba Na sinh sống thường có những căn nhà dài hàng trăm mét, tuy nhiên hiện nay chế độ gia đình lớn không còn nữa, mô hình các gia đình nhỏ với những căn nhà sàn gọn gàng xuất hiện ngày càng nhiều. Nhà sàn ngắn của các gia đình nhỏ là phổ biến. Nhà sàn thường dài từ 7m đến 15m, rộng từ 3m-4m, cao từ 4m-5m, sàn cách mặt đất khoảng 1m đến 1,5m.
Mặc dù có nhiều thay đổi, nhưng vẫn tìm được ở nhiều địa phương khác nhau những ngôi nhà Ba Na với những đặc điểm đặc trưng của nhà cổ truyền Ba Na là nhà nóc hình mai rùa hoặc chỉ còn là hai mái chính với hai mái phụ hình khum – dấu vết của nóc hình mai rùa. Chỏm đầu dốc có “sừng” trang trí (với các kiểu khác nhau tùy theo địa phương). Vách che nghiêng theo thế “thượng thu hạ thách”. Có nhà, cột xung quanh nhà cũng chôn nghiêng như thế vách. Thang đặt vào một sàn lộ thiên trước cửa nhà. Trên sàn này người ta đặt cối giã gạo (cối chày tay). Điểm đáng chú ý là dưới đáy cối có một cái “ngõng”. Khi giã gạo người ta cắm cái ngõng ấy vào một cái lỗ đục trên một thanh gỗ đặt trên sàn. Nhà tre vách nhưng có thêm lớp đố, bên ngoài buộc rất cầu kỳ như là một lớp trang trí. Bộ khung nhà kết cấu đơn giản. Có làm vì kèo nhưng vẫn trên cơ sở của vì cột. Tổ chức mặt bằng đơn giản.
Người Bahnar/Ba Na cho phép tự do tìm hiểu và lựa chọn bạn đời, việc cưới xin đều theo nếp cổ truyền. Vợ chồng trẻ ở luân phiên mỗi bên một thời gian, theo thỏa thuận giữa hai gia đình hai bên, sau khi sinh con đầu lòng mới làm nhà riêng. Trẻ em luôn được yêu quý. Dân làng không đặt trùng tên nhau. Trong trường hợp những người trùng tên gặp nhau, họ làm lễ kết nghĩa, tùy tuổi tác mà xác lập quan hệ anh-em, cha-con, mẹ-con. Các con được thừa kế gia tài như nhau. Trong gia đình, mọi người sống hòa thuận bình đẳng. Người Ba Na thờ cúng nhiều thần linh.
Trước đây, trai gái Bahnar/Ba Na khi đến tuổi trưởng thành (20 tuổi đối với nam; 18 tuổi đối với nữ), được tự do yêu thương, tìm hiểu lẫn nhau, nhưng quyền quyết định đi đến hôn nhân không phải không có ảnh hưởng của cha mẹ. Trong thực tế, nhiều khi cha mẹ can thiệp rất nhiều vào chuyện hôn nhân của con cái. Thậm chí, trong một số trưởng hợp, quyết định gả cưới của cha mẹ hoàn toàn đi ngược lại mong muốn của các con. Chính vì vậy, trong ngôn ngữ của người dân ở đây tồn tại hai thuật ngữ hôn nhân. Trong tường hợp trai gái tự do yêu đương và tìm người bạn đời tiến tới hôn nhân, người dân gọi là chărơihkơ ding (hôn nhân tự chọn); trường hợp cha mẹ quyết định gả bán con theo ý kiến riềng của mình, người dân gọi là mẽ bă pơ giao ăn (cha mẹ gả bán).
Nam giới Bahnar/Ba Na mặc áo chui đầu, cổ xẻ. Đây là loại áo cộc tay, thân áo có đường trang trí sọc đỏ chạy ngang, gấu áo màu trắng. Nam mang khố hình chữ T theo lối quấn ngang dưới bụng, luồn qua háng rồi che một phần mông. Ngày rét, họ mang theo tấm choàng. Ngày trước nam giới búi tóc giữa đỉnh đầu hoặc để xõa. Nếu có mang khăn thì thường chít theo kiểu đầu rìu. Trong dịp lễ bỏ mả, họ thường búi tóc sau gáy và cắm một lông chim công. Nam cũng thường mang vòng tay bằng đồng.
Phụ nữ Bahnar/Ba Na ưa để tóc ngang vai, có khi búi và cài lược hoặc lông chim, hoặc trâm bằng đồng, thiếc. Có nhóm không chít khăn mà chỉ quấn bằng chiếc dây vải hay vòng cườm. Có nhóm như ở An Khê, Mang Giang hoặc một số nơi khác họ chít khăn trùm kín đầu, khăn chàm quấn gọn trên đầu. Trước đây, họ đội nón hình vuông hoặc tròn trên có thoa sáp ong để khỏi ngấm nước, đôi khi có áo tơi vừa mặc vừa che đầu. Họ thường đeo chuỗi hạt cườm ở cổ và vòng tay bằng đồng xoắn ốc dài từ cổ đến khủy tay (theo kiểu hình nón cụt). Nhẫn được dùng phổ biến và thường được đeo ở hai, ba ngón tay. Tục xả tai phổ biến vừa mang ý nghĩa trang sức vừa mang ý nghĩa tín ngưỡng của cộng đồng. Hoa tai có thể là kim loại, có thể là tre, gỗ. Tục cà răng mang theo quan niệm của cộng đồng hơn là trang sức. Phụ nữ Bahnar/Ba Na mặc áo chủ yếu là loại chui đầu, ngắn thân và váy. Áo có thể cộc tay hay dài tay. Váy là loại váy hở, thường là ngắn hơn váy của người Ê Đê, ngày nay thì dài như nhau. Quanh bụng còn đeo những vòng đồng và cài tẩu hút thọc vào đó.
Về tạo hình áo váy, người Bahnar/Ba Na không có gì khác biệt mấy so với dân tộc Gia-rai hoặc Ê-đê. Tuy nhiên, nó khác nhau ở phong cách mỹ thuật trang trí hoa văn, bố cục trên áo váy của người Ba Na. Theo nguyên tắc bố cục dải băng theo chiều ngang thân người, dân tộc Bahnar/Ba Na dành phần chính ở giữa thân áo và váy với diện tích hơn một nửa áo, váy cũng như hai ống tay để trang trí hoa văn (chủ yếu là hoa văn với các màu trắng đỏ), nền chàm còn lại của áo váy không đáng kể so với diện tích hoa văn. Thắt lưng váy được dệt thêu hoa văn và tua vải hai đầu, được thắt và buông thõng dài hai đầu sang hai bên hông.
Trong kho tàng văn nghệ dân gian, dân tộc Bahnar/Ba Na có các làn điệu dân ca, các điệu múa trong những ngày hội hay các nghi lễ tôn giáo. Nhạc cụ của họ đa dạng với:
Bộ gõ: cồng, chiêng, kết cấu đa dạng. Đàn: t’rưng, brọ, khinh khung, gôông, klông pút, kơni Kèn: tơ nốt, arơng, tơ tiếp…
Về Sử thi, dân tộc Bahnar/Ba Na có 30 bài:
1. Ghiông, Giơ mồ côi từ nhỏ 2. Ghiông làm nhà mồ 3. Anh em Giang Nam 4. Chàng Kơ Tam Gring Mah 5. Dăm Noi 6. Ghiông cứu đói dân làng mọi nơi 7. Ghiông cứu nàng Rang Hu 8. Ghiông đánh quỷ Bung Lung 9. Ghiông đạp đổ núi đá cao ngất 10. Ghiông đi tìm vợ 11. Ghiông, Giơ đi săn chém cọp của Dăm Hơ Dang 12. Ghiông lấy khiên đao bok Kei Dei 13. Ghiông lấy nàng Bia Phu 14. Ghiông leo mía thần 15. Ghiông Trong Yuăn 16. Giơ hao jrang 17. Atâu So Hle, Kơne Gơseng 18. Bia Phu bỏ Ghiông 19. Cọp bắt cóc Ghiông thuở bé 20. Ghiông bọc trứng gà 21. Ghiông cưới nàng Khỉ 22. Ghiông dẫn các cô gái đi xúc cá 23. Ghiông đánh hạ nguồn cứu dân làng 24. Ghiông đi đòi nợ 25. Ghiông giết sư tử cứu làng Set 26. Ghiông kết bạn với Glaih Phang 27. Ghiông ngủ ở nhà rông của làng bỏ hoang 28. Ghiông nhờ ơn thần núi làm cho giàu có 29. Ghiông sắn trâu rừng 30. Set xuống đồng bằng thăm bạn
Dân ca Bahnar/Ba Na:
CHIỀU VỀ
Ơ đồi ơi Nắng chiều đã xuống rồi Ơ đồi ơi! Chiều xuống dần núi đồi Ơ đồi ơi! Đàn chim về tổ rồi.
BẠN ƠI LẮNG NGHE
Hỡi bạn ơi cùng nhau lắng nghe Tiếng dòng suối ngoài xa thì thào Tiếng đàn cá vui đùa đáy cát Tiếng làn sóng trôi, suối ào ào.
Dưới đây mình có các bài:
– Hoa trong thơ ca dân gian của người Bahnar Kriêm – Vẻ đẹp của sử thi Bahnar – “Nghệ nhân đa tài” của đại ngàn Tây Nguyên – Hơmon – Sử thi Kon Tum đã thành Di sản văn hóa quốc gia – Dân ca Bana – Tìm hiểu một số giai điệu đặc trưng của dân ca Tây Nguyên – Tết Dúi của người Ba Na Jơ Lưng ở Kon Tum – Lễ Hội Đâm Trâu của người Bana – Ấm cúng Tết Nguyên đán của người Ba Na, Kon Tum – Lễ hội Sơmă Kơcham của người Ba Na, Gia Lai – Lễ hội ăn cốm mới của người Bana ở Bình Định – Lễ tạ ơn cha mẹ của người Ba Na ở Kon Tum – Trang phục Ba Na – Hơi thở đại ngàn – “Nhà dài” – Kiến trúc độc đáo của người Ba na – Nhà thờ gỗ – kiến trúc độc đáo, đậm chất dân tộc Ba Na
Cùng với 8 clips tổng thể văn hóa dân tộc Bahnar/Ba Na để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.
Mời các bạn.
Túy Phượng
(Theo Wikipedia)
Hoa trong thơ ca dân gian của người Banar Kriêm
(Zang Danh)
Ở mãi tận xã vùng cao Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định), rừng cây ngút ngàn, bốn màu lộng gío mát và hao thơm đã đi vào thưo ca nhưu dòng suối mát không bao giờ cạn đối với mỗi con người Banar ở đây. Thơ ca dân gian chủ yếu là tự sáng tác, khi có cảm hứng hay bằng trái tim rung động và truyêng miệng cho nhau. Những lời ca mộc mạc có vần có điệu roc ràng, mang nội dung cụ thể, ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thuộc. Từ bao đời nay thơ ca vốn là tiếng nói gần gũi, say mê trong mọi sinh hoạt của mỗi con người Banar. Trong cuộc sống hàng ngày, tróng các lễ hội đồng bào ở đây có thể thiếu áo, váy mặc đẹp, cơm thịt thơm ngon nhưng không thể thiếu được lời ca, tiếng hát. Từ những đứa bé mới chào đời, người mẹ Banar đã có bài Pơ nhông kon, Ưm Kom… để ru ngủ, cho đến tiễn người già ra đi cũng có bài: Hmon tiễn biệt.
Khi tiềm hiểu thơ ca dân gian của người Banar (thơ gọi là Tơ mro, hoặc là Nâr pơđớk và ca gọi là Joi hoặc Hơ Ri). Ta thấy thơ của người Banar cũng có vần điệu, thường thơ bốn chữ và sáu chữ. Trong thực tế cuộc sống thơ của người Banar vùng này ít “sống” một mình như thơ của anh em người Kinh. Thơ ra đời là chất liệu để cấu thành lời ca (trước đây người Banar không có nhạc lý). chuyển tải ngay những nội dung mà lời thơ muốn nói. Qua thực tế chúng tôi thấy những nghệ nhân, ở đây vừa là người sáng tác thơ, vừa là người trình diễn nội dung đó qua làn điệu dân ca. Bài hát mà mình sáng tác được mới đầu chỉ hát một mình, sau dần dần mới truyền miệng để mọi người cùng hát
Thơ dân gian của người Banar Kriêm mang nhiều nội dung phong phú, đa dạng, đi sâu vào nhiều lĩnh vực hằm ca ngợi cái đẹp trong lao động sản xuất, trong tình yêu nam, nữ, tình yêu quê hương đất nước, thiên nhiên hùng vĩ. Trên rừng có nhiều loài hoa đẹp là nỗi niềm cảm hứng của những nghệ nhân làm thơ, ca. Hoa tượng trung cho cái đẹp, là niềm kiêu hãnh, là ước nguyện của bao con ngwoif muốn vươn tới cái đẹp. Đồng bào người Banar phần lớn sống trên các vùng rừng núi cao, gắn liền với rừng cây, chim thú, sông suối và hoa thơm, quả ngọt. Mỗi con người ở đây họ rất yêu hoa như một thứ của quý mà ông Yàng (Trời) đã ban cho họ. Ở nhà mọi người nhìn hoa qua cánh cửa, lên rừng nhìn hoa qua các cành cây, sông suối, nhìn hoa lung linh qua ánh nước…hoa mọc xung quanh con người…cho nên đời hoa và đời người đã đi vào thơ ca của người Banar là thường tình, cụ thể và cũng rất mộc mạc.
Cheng reh, oh liêm dang pơ kao chen reh Wưeng long, oh liêm dang pơ kao veng long Ơ drong đum, oh liêm dang pơ kao drong đum Jur hum, oh liêm dang xem jong jur hum…
Tạm dịch:
Cheng reh, em đẹp như hoa Cheng reh Trên cao, em đẹp như hoa trên cành cây cao. A dong, em đẹp như hoa A dong đỏ giữa rừng. Em đẹp như con chim xem jong xuống tắm sông trong…
(Dân ca Banar)
Tôi đã có dịp gặp anh Đinh Y Chương người Banar ở làng Kon Blo, có thể nói anh là một trong những nghệ nhân sáng tác về múa dân gian, anh còn giỏi về sáng tác thơ ca. Thơ của Anh ngắn gọn, môck mạc, dễ hiểu, dễ nhớ. Có lần hai anh em chúng tôi xuống làng uống rượu cần suốt đêm. Sáng hôm sau trên đường về, anh sáng tác và hát luôn cho tôi nghe bài: Hoa sim (Pơ kao lơ ngữm):
Lơ ngữm brưt pơ kao hluôi rang Bũng lang brưt pơ kao hluôi keh Pơ kao kơ đeh in ya liêm hech Pơ kao Wech in ya liêm loi, Wa phe, inh kli pơ kao…yôp jăm
Tạm dịch:
Tim tím mùa hoa sim Tim tím cánh hoa mùa Hoa nào thấy cũng đẹp Đọng mãi trong ánh mắt Muốn hái nhưng sợ hoa… cười
Vỏ cây A dong làm lá phướn treo trên rẫy. Hoa A dong kết thành từng chùm, màu đỏ, cánh giống như cánh hoa Blang trông rất đẹp. Cây a dong chỉ có ở những khu rừng già.
Đã bao đời nay hoa A dong đã đi vào cuộc sống tâm hồn thơ ca của người Banar. Chị em phụ nữ yêu hoa thường hay ví von:
Nhong liêm dang pơ kao A dong Brông gôh tơ pắt weng dơng Chơng năm chơ in wă ngo Do năngchơ in kang lô Wă gô, lu krao ăn thong Khong liêm dang pơ kao A dong…
Tạm dịch:
Anh đẹp như hoa A dong Ven rừng đâu đây, hoa rực đỏ Hoa đẹp càng muốn ngó, muốn trông Càng ngó, càng trông, càng thấy tiếc Muốn cõng hoa đẹp-cùng sang sông Nhưng hoa chỉ chín ở trong lòng Anh đẹp như hoa A dong…
(Dân ca Banar Kriêm)
Hoa cũng thường gắn liền với thiên nhiên đẹp, là rừng cây xanh, con nước trong, con chim rừng và những con người ở đây. Trong bài thơ: “Kúk ku pơ ra tốk Bre mai” đây là một bài thơ hay, đồng thời cũng chính là một bài hát hay, vui, rôn, mang đầy tình cảm, quyện vào nhau giữa thiên nhiên đẹp và con người mà nhiều người banar ai cũng biết tới. Bài hát: Kúk ku pơ ra tốk Bre mai (Con chim pơ ra tốk Chị em ơi) chính là một bài thơ chuyển thành. Bài thơ nảy từ trong thực tế cuộc sống, người Banar truyền miệng cho nhau hát từ trước đến nay.
Kuk ku pơ ra tôk bre mai Brih brah hla kông Kuk ku pơ ra tôk bre mai Brông brang hla đum Kuk ku pơ ra tôk bre mai Jur hum weng krong… Oaih lah keh hyôk dang ei.
Tạm dịch:
Con chim pơ ra tốk – Chị em ơi! Núi rừng mình đẹp lắm Con chim pơ ra tốk – Chị em ơi! Rừng đầy hoa, sắc hương thơm Con chim pơ ra tốk – Chị em ơi! Sông, nước, rừng trong xanh… Vui sướng quá cuộc đời ơi.
(Dân ca Banar)
Đã bao đời nay người Banar Kriêm yêu rừng, gắn bó máu thịt với rừng không chỉ vì đất rừng đã cho cái rẫy mà còn cho cả hoa thơm quả ngọt. Trước đây người Banar phát rừng làm rẫy, rừng không chỉ chi nhiều lúa, nhiều bắp, nhiều mì… mà còn rất thủy chung với con người ở đây. Các tên núi rừng như: Kông Bók Bang, Kông Kring, Kông Kơ pah, Kông Xrút… vẫn mênh mông một màu xanh. Rừng cây hoa lá là nguồn sống ngọt ngào như dòng sữa mẹ không bao giờ cạn trong thơ ca dân gian của người Banar Kriêm.
Vẻ đẹp của sử thi Bahnar
(Thái Bình-GLO)
Ra đời và tồn tại như một mắt xích quan trọng trong cuộc sống, Hơmon-sử thi của người Bahnar gắn liền với tên tuổi những anh hùng thần thoại, những anh hùng của buôn làng Tây Nguyên nói chung, người Bahnar nói riêng, từng được bao thế hệ ngưỡng vọng như Diông, Dư, Dăm Noi… Mang trong mình những giá trị lịch sử, giá trị văn hóa về một giai đoạn lịch sử nhất định, Hơmon là một phần bản sắc của dân tộc Bahnar, phản ánh lịch sử, xã hội cũng như tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng, đẹp như một khúc tráng ca.
Vừa mới đây thôi, loại hình diễn xướng bằng hình thức hát kể có sức sống vượt thời gian ấy đã được Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây không chỉ là niềm vui của cộng đồng dân tộc Bahnar các huyện phía Đông (gồm Đak Đoa, Đak Pơ, Kbang và Kông Chro) chủ thể của di sản văn hóa mà còn là niềm tự hào của mỗi chúng ta.
1. Cầm trong tay cuốn Sử thi Giông Trong Yuăn, tôi lại bị những lời hát đầy chất thơ mê hoặc: “Ê…/Một cái làng đông vui/Hơn ba trăm nóc nhà to cao, rộng dài/Nhà nào cũng có buồng ngủ ấm áp bên trong/Nhà rông hơn ba trăm sải sừng sững/Đụng trời xanh mái cao ngất ngưởng/Rì rầm sông trôi dưới gầm sàn/Nước bạc nước vàng/Mặt trời lấp loáng…”. Được hát kể bởi già làng tên Păh, người làng Krong Ktu (xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ), theo Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Nghiệp vụ (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch); người sưu tầm sử thi này, Giông Trong Yuăn là một “sử thi cổ sơ của người Bahnar Tơlô”, là “câu chuyện được hát kể theo trật tự tuyến tính, toàn bộ nội dung xoay quanh việc tranh chấp giữa các làng Bahnar xưa với nhau, qua đó phản ánh cuộc sống và ước mơ chinh phục tự nhiên của con người và phản ánh những cuộc chiến tranh của những người anh hùng”, mà cụ thể ở đây là một bên do Giông Trong Yuăn-một người tài giỏi, oai phong là đại diện với phe còn lại là Giông Ayôr Pôr Kuan; để rồi bên thua trận phải chấp nhận bồi thường nhiều của cải để được sự tự do. Chuyện kết thúc với bữa rượu lớn kéo dài trong sự hoan hỉ của tất cả mọi người; và khi mà hận thù đã hết, các làng lại trở nên thân thiện, gần gũi.
Nhắc lại chuyện đi sưu tầm Giông Trong Yuăn, anh Nguyễn Quang Tuệ kể: “Là người Bahnar Tơlô, tháng 9-2003, khi diễn xướng sử thi này, bok Păh đã ngoài 65 tuổi. Có thể xem Păh là một trong những người có giọng hát kể sử thi vào loại hay nhất Gia Lai đến thời điểm đó. Vừa đảm nhiệm mọi công việc liên quan đến cúng bái, xử phạt… của làng một cách uy tín, Păh vừa là một người đàn ông thạo nghề đan lát, chặt cây, đẽo gỗ. Giông Trong Yuăn đến và nhập vào bok Păh một cách đặc biệt, khác với nhiều nghệ nhân khác. Câu chuyện Giông Trong Yuăn được bok Păh hát kể liên tục vào các buổi tối, trong gần một tuần với hơn 10 băng cassette HF 90. Những buổi tối diễn xướng ấy đã kéo dân làng đến chật nhà rông, ngồi tràn cả xuống sân cỏ…”.
2. Nội dung cơ bản xuyên suốt trong mỗi tác phẩm sử thi bao gồm 3 nhiệm vụ của người anh hùng là lấy vợ, lao động và đánh giặc, trong đó đánh giặc là nhiệm vụ trung tâm. Giông Trong Yuăn cũng vậy. Lấy vợ là việc làm của hầu hết các anh hùng trong sử thi của các dân tộc đều phải trải qua; nhưng đó không phải là những cuộc hôn nhân bình thường mà là các cuộc hôn nhân của xã hội sau thời đại anh hùng. Nếu trong Diông Trong Yuăn là cướp phụ nữ về làm vợ, trong Diông Dư là giành lại vợ của mình bị cướp thì hành động cứu phụ nữ bị cướp rồi lấy làm vợ lại được đặc tả trong Hơmon Đăm Noi, Kon Kra-Kon Krung. Sự hình thành và thực hành Hơmon trải qua một quá trình lâu dài, mà trong đó công đầu tiên và lớn nhất phải kể đến hoạt động sáng tạo của các nghệ nhân hát-kể Hơmon. Họ là người am hiểu sâu sắc về cộng đồng, văn hóa của dân tộc mình và có trí nhớ tuyệt vời để hát kể những câu chuyện sử thi kéo dài nhiều đêm. Trong quá trình hát kể sử thi, họ đã vận dụng và sáng tạo nên những câu chuyện về người anh hùng, về văn hóa, đời sống xã hội của cộng đồng, dân tộc. Hơmon thường được chia thành nhiều đoạn, mỗi khúc đoạn mô tả về một sự kiện, thậm chí một nhân vật, một hiện tượng văn hóa.
Kể cùng tôi quá trình đi điền dã, tìm đến với đồng bào Bahnar ở Glar, Adơk, Ia Pết (huyện Đak Đoa); Lơ Ku, Tơ Tung, Kông Lơng Khơng, thị trấn Kbang (huyện Kbang); Ya Hội, Yang Bắc (huyện Đak Pơ); Chơ Long, Chư Krey, Sró, Ya Ma, Đak Sông, Đak Pling (huyện Kông Chro)-những chủ thể văn hóa của di sản Hơmon; những cán bộ của Phòng Di sản Văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) như anh Ksor Phúc, Bùi Vũ Linh giọng ăm ắp niềm vui. Anh Phúc cho hay, Hơmon thường được hát-kể vào đêm không trăng. Nghệ nhân hát-kể nằm trên đầu hồi nhà rông phía Tây và chìm trong bóng tối, chỉ có giọng hát-kể vang lên trên nền đêm đen. Người nghe ngồi thành từng nhóm quanh những đống lửa chăm chú lắng nghe diễn biến của sử thi từ sự kiện này sang sự kiện khác, khiến cho mọi người hòa nhập với mạch kể của sử thi. Số lượng đông đảo người nghe tạo thêm niềm hưng phấn cho tâm lý và giọng điệu, diễn tấu của người kể, khiến cho câu chuyện về người anh hùng càng thêm hấp dẫn, lôi cuốn. Trong không gian im ắng ấy, tiếng nghệ nhân ngân nga vang lên, như vọng lại từ một không gian xa xôi thần bí. Cả người kể lẫn người nghe đều bị nghệ thuật và không gian diễn xướng mê hoặc, dẫn dắt theo, như sống trong diễn biến của câu chuyện. Đây cũng chính là điều làm nên sức sống và sự truyền cảm của nghệ thuật diễn xướng hát kể của Hơmon tồn tại qua bao thế hệ người Bahnar.
3. Ông Phan Xuân Vũ – Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch khẳng định: “Di sản Hơmon của người Bahnar ở tỉnh Gia Lai là vô giá về mặt vật chất cũng như tinh thần. Ở tỉnh Gia Lai, sử thi được phát hiện và công bố đầu tiên vào năm 1982, là sử thi Đăm Noi của dân tộc Bahnar do nhóm tác giả Đinh Văn Mơl, Tô Ngọc Thanh, Phạm Thị Hà sưu tầm và biên dịch. Đến nay, Gia Lai đã công bố gần 20 sử thi. Những tác phẩm này không những có giá trị thuộc phạm trù văn học dân gian, mở ra nhiều vấn đề nghiên cứu mới về lịch trình phát triển xã hội, đất nước, con người của cư dân nơi đây, mà còn đóng góp rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…”.
Cũng theo ông Vũ, sử thi của người Bahnar có giá trị khoa học trong nhiều lĩnh vực khác nhau như sử học, dân tộc học, văn hóa, địa lý, phong tục tập quán và nhiều tri thức dân gian khác nhau của cộng đồng. Mỗi tác phẩm luôn chứa đựng nội dung phong phú, đa dạng và phản ánh khát vọng, ước mơ vươn tới một cuộc sống hạnh phúc, ấm no, thịnh vượng, thanh bình của cộng đồng; được tạo dựng nên từ hàng ngàn câu văn có vần điệu, một thể loại ngôn từ truyền miệng với những câu chuyện mang đậm nét thần thoại về các hiện tượng tự nhiên, nhân vật lịch sử tiêu biểu của dân tộc. Cũng bởi thế, sử thi Tây Nguyên nói chung, của người Bahnar ở tỉnh Gia Lai nói riêng được các nhà khoa học trong và ngoài nước hết sức quan tâm sưu tầm, nghiên cứu để từ đó đưa ra những giá trị khoa học, nhằm bảo tồn và phát huy di sản sử thi. Qua các tác phẩm Hơmon, các nhà khoa học có thể tìm hiểu về lịch sử, cuộc sống, con người, phong tục, tập quán của dân tộc Bahnar về những thời đại đã qua. Có thể nói, những tác phẩm Homon đã được sưu tầm, in ấn và sự tồn tại của các dị bản của sử thi trong trí nhớ của các nghệ nhân Bahnar đóng góp một phần không nhỏ về mặt khoa học trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam.
“Nghệ nhân đa tài” của đại ngàn Tây Nguyên
(Đào Loan)
Ấn tượng đầu tiên khi gặp ông A Thút là tình yêu với văn hoá truyền thống của dân tộc Ba Na đã cho ông sức khoẻ để sống trọn với đam mê bảo tồn, phát huy bản sắc của dân tộc mình. Và người ta gọi ông với cái tên trìu mến – “nghệ nhân đa tài”. Ông đã từng qua châu Âu, đến Châu Mỹ để giới thiệu với cả thế giới bản sắc văn hóa của người Ba Na.
Mạch nguồn truyền thống
Sinh năm 1957 tại làng Đăk Wơk, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, trong gia đình mà các thế hệ nối tiếp nhau giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Ba Na. Cha ông, già A Bek là một nghệ nhân, “báu vật sống” về diễn tấu cồng chiêng, đẽo thuyền độc mộc và hát kể sử thi. Con trai và con gái A Thút đều yêu thích và có thể biểu diễn rất nhiều nhạc cụ truyền thống dân tộc Ba Na. Đặc biệt, trong lễ hội Smithsonian – 2007 tại Mỹ, cả gia đình 3 thế hệ – cha ông, ông A Thút và con trai A Thảo đều tham gia.
Từ nhỏ, A Thút theo cha đi khắp các buôn làng Ba Na hát kể sử thi, diễn tấu và chỉnh cồng chiêng. Vì thế, những giai điệu truyền thống dân gian này cũng như tình yêu với quê hương đã thấm dần vào trái tim, tâm hồn A Thút.
Ông học từ cha và bác ruột là A Thim những bài dân ca cổ, diễn tấu và chỉnh cồng chiêng trong những ngày không phải lên rẫy hay vào rừng. Cũng từ những ngày ấu thơ, A Thút đã làm quen với diễn tấu cồng chiêng. Bộ chiêng cổ của bà ngoại đã giúp cậu bé A Thút bắt những nhịp đầu tiên. Bất cứ khi nào trong buôn làng mình có lễ hội, A Thút đều háo hức tham gia, lân la bên những bộ cồng chiêng hay cùng với cha mẹ và bà con trong buôn chuẩn bị lễ hội.
Lúc khó khăn, cái ăn trở thành nỗi lo cận kề hàng ngày, các buôn làng Tây Nguyên phải bán những bộ cồng chiêng quý để có lương thực đảm bảo đời sống. A Thút nhớ lại: Năm 1983, gia đình rơi vào tình cảnh túng bấn bởi năm đó cả làng bị mất mùa, những người trong gia tộc đòi đem bộ chiêng ra bán. A Thút đã phản đối quyết liệt và quyết định đem tài sản lớn duy nhất của gia đình lúc bấy giờ bán là 3 con bò, bán đi mua lương thực, giữ lại bộ chiêng quý.
Nghệ sỹ đa tài của Tây Nguyên
Là nghệ nhân được truyền dạy và tự học, A Thút có vốn có năng khiếu và niềm đam mê với những giai điệu truyền thống dân gian Ba Na nên nhờ kiên nhẫn luyện tập, ông có thể diễn tấu được tất cả các loại nhạc cụ, diễn xướng hầu hết các loại hình truyền thống dân gian của người Ba Na. Không những thế, A Thút còn thạo việc chỉnh chiêng, một công việc đòi hỏi kỹ năng thẩm âm tốt, phải thuộc những bản cồng chiêng cổ và đôi bàn tay khéo léo.
A Thút trăn trở hơn với sự mai một các giá trị văn hóa, càng sót xa khi thế hệ trẻ thì thờ ơ, người già thì dần khuất núi. Năm 1998, ông đã tham gia vào dự án và dịch lại toàn bộ Sử thi Tây Nguyên của cha mình. Năm 2009 ông bắt đầu mở lớp truyền dạy miễn phí cồng chiêng và múa xoang cho lớp thanh niên trong làng, xã. Năm 2007, ông vinh dự cùng cha mình, con trai A Thảo và 15 người con của làng Đăk Wơk tham gia lễ hội Smithsonian 2007 với chủ đề “Mê Kông – Dòng sông kết nối các nền văn hóa” (từ ngày 22/6 – 8/7/2007) và sau đó cùng đoàn cồng chiêng đi biểu diễn trên 140 quốc gia khác. Mới đây, tháng 7/2014, ông cùng 9 thành viên trong đội cồng chiêng của làng tham gia Liên hoan Gannat lần thứ 41 tại Pháp (2 – 29/7/2014); Đội cồng chiêng và xoang của làng ông cũng đã ra Hà Nội, tham gia các hoạt động văn hóa tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam để giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc mình với du khách Việt Nam và Quốc tế.
Có lẽ trong mắt nhiều người Ba Na, A Thút là người con ưu tú của đồng bào, của đại ngàn Tây Nguyên
Hơmon – Sử thi Kon Tum đã thành Di sản văn hóa quốc gia
(Trần Vĩnh)
Ngày 4 tháng 1 năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố và trao Quyết định công nhận Sử thi Tây Nguyên là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai và Kon Tum. Cùng với các hình thức sử thi khác ở Tây Nguyên như Khan của người Ê Đê ở Đăk Lăk, Ot N’drông của người Mơ Nông ở Đăk Nông, Hơmon của người Ba Na Rơ Ngao ở Kon Tum đã trở thành di sản quốc gia.
Nếu tính từ năm 1927 – mốc thời gian mà nhà nghiên cứu văn hóa người Pháp L. Sabatier công bố Khan Đăm xăn và sau đó được dịch ra tiếng Pháp khiến thế giới phương Tây biết tới kiệt tác văn học truyền miệng của các dân tộc thiểu số Đông Dương – đến năm 1955, nhà nghiên cứu Antomarchi tiếp tục công bố Khan Đăm Di. Năm 1963, Nhà xuất bản Văn học tại Hà Nội công bố sách Trường ca Tây Nguyên do Y Điêng, Y Yung, Kơxo Bêu, Ngọc Anh biên dịch, trong đó có năm tác phẩm sử thi là: Xinh Nhã, Đăm Di, Khinh Dú, Đăm Đơroan, Y Bơrao nâng số sử thi được biết đến những năm 1960 là bảy tác phẩm, chủ yếu là của dân tộc Ê Đê – đến nay đã là 88 năm, một quãng thời gian khá dài, hàng trăm bộ sử thi Tây Nguyên của nhiều dân tộc thiểu số tồn tại và lưu hành trong dân gian ở các cộng đồng dân cư các dân tộc thiểu số để bây giờ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đối với Kon Tum, có một chi tiết cũng cần phải được nhắc đến là: Ngay từ năm 1933-1934, dưới thời Pháp thuộc, khi được bổ lên làm việc ở Kon Tum, hai anh em học giả Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu sưu tầm tổng hợp về dân tộc Ba Na ở Kon Tum và viết thành cuốn sách nổi tiếng về người Ba Na ở Kon Tum xuất bản tại Huế vào năm 1937. Trong cuốn sách này, phần viết về “Phong tục – Chuyện đời xưa Bahnar”, các học giả đã ghi lại một câu chuyện của người Ba Na Kon Tum có tên là”Chuyện ông Bră Rơmu kén rể” có nội dung và nhân vật tương tự với một số tác phẩm sử thi-Hơmon của người Ba Na nhóm Rơ Ngao được phát hiện và thể hiện lại về sau này. Có lẽ, các học giả Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi đã phát hiện và tiếp cận trực tiếp với loại hình sử thi-Hơmon của người Ba Na nhóm Rơ Ngao ở Kon Tum ngay từ những năm ấy và viết lại trong cuốn sách của mình.
Sử thi Ba Na – Kon Tum (Hơmon của người Ba Na nhóm Rơ Ngao ở Kon Tum) đã được sưu tầm từ một dự án lớn cấp quốc gia do Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian (thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên tiến hành từ năm 2000-2001 điều tra sưu tầm về sử thi các dân tộc thiểu số. Từ đây, hệ thống sử thi liên hoàn quí hiếm của dân tộc Ba Na nhóm Rơ ngao ở Kon Tum đã được các nghệ nhân và các nhà nghiên cứu văn hóa tái hiện lại nguyên bản, tổ chức biên dịch một cách công phu, tỷ mỷ và xuất bản các tác phẩm sử thi này vào năm 2007 để phát hành. Đóng góp công sức vào kết quả to lớn này, ngoài các nhà nghiên cứu văn hóa của Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian trước đây (đặc biệt là Phó Giáo sư, Tiến sỹ Võ Quang Trọng) và cán bộ ngành văn hóa tỉnh Kon Tum khi ấy, phải kể đến vai trò của các nghệ nhân dân tộc Ba Na nhóm Rơ Ngao trong tỉnh và một số trí thức người dân tộc thiểu số – những người đã trực tiếp thể hiện Hơmon Ba Na Rơ ngao và dày công góp sức biên dịch bộ sử thi liên hoàn này một cách đầy trách nhiệm với cộng đồng.
Sử thi là thể loại văn học dân gian rất độc đáo của các dân tộc thiểu số, trước đây thường hay gọi là Trường ca, anh hùng ca – một loại hình ngữ văn tự sự dân gian truyền miệng xuất hiện sớm trong lịch sử, phản ánh những sự kiện quan trọng của cộng đồng buổi sơ khai, ca ngợi những người anh hùng trong các chiến trận để bảo vệ cộng đồng dân làng, chống lại các thế lực áp bức, ca ngợi những con người tiêu biểu giúp cộng đồng xây dựng buôn làng, khai phá đất đai, bày cho dân biết làm nương rẫy, chống đỡ sự tàn phá của thiên nhiên kỳ bí, của muông thú hung bạo… cho tới nay vẫn được lưu giữ trong trí nhớ của đồng bào và thường được diễn xướng trong các sinh hoạt tại cộng đồng.
Bằng thể loại văn vần xen lẫn văn xuôi dài hàng ngàn câu, với những tuyến nhân vật đan xen nhau thể hiện những giai đoạn lịch sử tiêu biểu của từng dân tộc thiểu số. Có vùng thì chỉ hát kể, có vùng thì vừa hát kể vừa kèm theo diễn xuất rất linh hoạt và thu hút. Cùng với diễn xướng và hát kể, còn có cả nghệ thuật thể hiện nhân vật, nghệ thuật miêu tả và kể chuyện, những chi tiết hào hùng, kỳ vĩ về đại ngàn Tây Nguyên, về thiên nhiên tươi đẹp và hoang dã của núi rừng. Thông qua đó, người nghe nhận biết được quan niệm về sự ra đời của đất, trời, của con người, tâm linh tín ngưỡng, mối quan hệ trong cộng đồng, phong tục tập quán, những hình thức sinh hoạt mang tính cộng đồng, cộng cảm, sự hình thành và phát triển đời sống xã hội…được trình diễn một cách rất hấp dẫn, kết cấu chặt chẽ, có chương có đoạn, có mở có kết rất tài tình. Là sự thể hiện về khát vọng của đồng bào về một xã hội tươi đẹp, một cuộc sống đủ đầy, bình đẳng, cái thiện thắng cái ác…
Hơmon của người Ba Na nhóm Rơ Ngao ở Kon Tum bao gồm một hệ thống các tác phẩm liên hoàn với nhau, tập trung kể về nhân vật trung tâm- người anh hùng có tên gọi là Giông. Đó là chàng trai dũng cảm, có sức mạnh và tài năng xuất chúng. Mỗi câu chuyện trong hệ thống sử thi liên hoàn này của người Ba Na Rơ Ngao kể về một chiến công nổi bật của người anh hùng Giông và bạn bè, anh em của chàng. Do đó, mỗi câu chuyện, mỗi tác phẩm có tính độc lập tương đối, có thể tồn tại như những tác phẩm hoàn chỉnh, trọn vẹn, chẳng hạn như các tác phẩm : Giông, Giỡ mồ côi từ nhỏ, Giông đánh hạ nguồn cứu xứ sở, Giông cứu nàng Rang Hu, Giông đi tìm vợ, Giông cưới nàng Khỉ, Giông làm nhà mồ, Giông cứu đói dân làng mọi nơi… đặt trong chuỗi sử thi-hơmon liên hoàn, mỗi câu chuyện, mỗi tác phẩm trở thành một mắt xích, một “hạt” trong toàn bộ hệ thống và có quan hệ với nhau về mặt trình tự cũng như nội dung ý nghĩa. Giá trị của Hơmon Ba Na Rơ Ngao nằm ở tính hệ thống, tính đồ sộ của nó – hệ thống sử thi liên hoàn, một thành tựu đầy ý nghĩa của dân tộc Ba Na trong quá trình xây dựng, phát triển, kế thừa và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của mình.
Hình thức hát kể Hơmon của người Ba Na nhóm Rơ Ngao được diễn xướng rất thoải mái, tự nhiên trong những sinh hoạt thường ngày. Các tác phẩm Hơmon được kể bằng văn xuôi xen lẫn những đoạn hát kể bằng văn vần với phong cách ngôn từ hồn nhiên, chất phác. Nghệ thuật hát kể Hơmon thu hút rất đông người nghe, đặc biệt trong dịp nông nhàn, lễ hội, mùa mưa… trong không gian nhà rông hoặc nhà sàn, bên cạnh bếp lửa lung linh, huyền ảo và kỳ bí, Hơmon được thể hiện một cách đầy sống động và lôi cuốn người nghe. Tuy nhiên, không phải ai cũng thể hiện được Hơmon, số người Hơmon được ở Kon Tum hiện nay cũng chỉ còn tính trên đầu ngón tay và cũng đang trông chờ chính sách mới của Nhà nước về xem xét công nhận Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú để các Nghệ nhân này có điều kiện tốt hơn và có thể trao truyền lại được loại hình văn hóa cổ truyền dân gian này cho lớp trẻ.
Tết đến, Xuân về lại càng thêm nồng đượm, khi mà Hơmon – Sử thi của người Ba Na nhóm Rơ Ngao ở Kon Tum nói riêng và Sử thi Tây Nguyên nói chung – những di sản văn hóa có giá trị tư tưởng to lớn được sáng tạo từ ngàn đời nay, niềm tự hào của các dân tộc thiểu số đã trở thành Di sản của quốc gia.
Dân ca Bana
(Lê H’đan)
Đồng bào Bana Vĩnh Thạnh còn có tên gọi Bana Kriêm sống trên địa bàn các huyện Hoài Ân, An Lão, Vân Canh. Riêng Vĩnh Thạnh có 7.647 người ở 26 làng dọc sông Kôn. Những làn điệu dân ca Bana còn lại ngày nay đều ở dạng truyền miệng qua trí nhớ của người già nên đã bị mất mát khá nhiều. Khối lượng dân ca Bana Kriêm ở Vĩnh Thịnh đã sưu tầm và bảo tồn cho đến nay khá phong phú và đặc sắc.
Dân ca Bana ngoài giá trị văn học, âm nhạc, còn có giá trị về lịch sử xã hội và dân tộc. Hiểu dân ca Bana là phải hiểu từ cái gốc, xuất xứ và đặc điểm riêng.
Tôi muốn xem hoa rung reng đẹp tôi muốn xem hoa còn ở trên cây nhưng còn sợ trên cây có kiến còn sợ con ong chưa bay đi.
Hay:
Lấy mật đừng đốt con ong Ăn quả đừng chặt mất gốc.
Chỉ có họ, người Bana mới có cảnh như vậy, ý nghĩ như vậy. Ngay cả quan niệm về cuộc sống vũ trụ và thần linh cũng thế.
Đi đâu họ cũng thấy núi, ở đâu họ cũng gặp rừng. Thần linh và cả con ma đều ở xung quanh họ, vừa xa vời lại vừa gần gũi. Cái thế giới bên kia và thế giới bên này là một. Họ có mê tín nhưng không ngu tín, cuộc sống buộc họ phải luôn tỉnh táo đề phòng. Chính từ đặc điểm này đã sản sinh ra một nền dân ca Bana đặc sắc.
Có thể tạm chia dân ca Bana làm 3 thể loại: Khan hơ mon (tạm dịch là sử thi), hát ru và bài cúng tế trong các lễ hội. Hát ru của người Bana có những nét riêng, trước hết là kiểu cách ru của họ. Đồng bào Bana không có nôi, không có võng, thậm chí giường nằm cũng không vì phải sống và lao động ở môi trường luôn có thú dữ rình rập nên đứa con phải ở luôn bên mình. Nhỏ thì cõng trên lưng, lớn thì dắt theo bên cạnh, đàn ông mang rựa ná đi trước, đàn bà mang gùi theo sau. Người mẹ vừa trỉa bắp, trỉa lúa vừa ru; vừa giã gạo, lấy nước vừa ru. Họ ru không chỉ bằng lời mà bằng cả hơi ấm và sự chuyển động của thân thể theo những tiết tấu nhịp điệu của lời ru, vừa êm ái lại vừa nhẹ nhàng. Lời ru bay ra từ miệng quyện lẫn vào gió, vào nắng, vào hương hoa rót vào lòng đứa trẻ âm thanh huyền diệu của bao la đất trời:
Ngủ đi con ơi đừng khóc Lớn mau chân tay như cây chò, cây trắc Ngủ đi con đừng khóc Cây lớn lên từ đất Có gốc rồi mới có ngọn Ngủ đi con ơi đừng khóc.
Hát ru của người Bana không chỉ ở người mẹ mà ở cả người bà, người chị. Trẻ con là tài sản của làng, ai cũng phải có trách nhiệm nâng niu. bảo vệ.
Người Bana có quan niệm rằng trẻ con vốn từ trời đất về với con người, có tai nhưng chưa biết nghe, sau lễ thổi tai người mẹ có nhiệm vụ phải “thông tai” cho con bằng những bài hát ngắn, mộc mạc dễ nhớ, dễ thuộc báo cho con biết con từ đâu đến, sẽ ở với ai và phải làm gì cho dân làng thương, làng quý. Lời hát như lời nhắn nhủ tâm tình chan chứa yêu thương.
Bài cúng trong các lễ hội được xếp vào dân ca bởi nó cũng có chất văn học và âm nhạc. Dân tộc nào cũng có nhiều lễ hội và có những bài cúng riêng cho từng lễ hội. Người Bana trong lao động sản xuất có những bài cúng các giai đoạn làm rẫy, từ chọn đất đến hội mừng ăn cơm mới có năm, sáu lễ cúng. Từ con người mới sinh ra đến khi nằm dưới đất, cũng lắm thứ lễ cúng. Và các lễ hội có lẽ bài cúng đâm trâu là lớn hơn cả, có bài cúng các vị thần linh, kể cả bài cúng tiễn biệt con trâu cũng khá độc đáo. Trong khi các già làng xướng lời cúng thì dàn cồng chiêng vẫn diễn tấu, làm cho buổi lễ hội thêm long trọng và thiêng liêng, đi sâu vào tiềm thức trong mỗi người.
Trong môi trường văn học dân gian, Khan hơ mon là một tác phẩm văn học tổng hợp, nó thu hút hầu hết các giá trị văn hóa vốn có của dân tộc: thơ ca, thần thoại, truyền thuyết, âm nhạc, diễn xướng, để thành một tác phẩm tự sự bằng văn vần hay những làn điệu dài hơi lấy các nhân vật anh hùng làm trung tâm để biểu đạt tư tưởng, ý nguyện, quan niệm sống của cộng đồng. Sử thi ra đời sau thần thoại vào buổi bình minh của loài người, thời kỳ có giai cấp và tổ chức xã hội. Khan hơ mon là một sinh hoạt văn hóa độc đáo được kể qua những ngữ điệu trầm bổng lôi cuốn của những nghệ nhân Bana. Không gian trong sử thi Bana rất rộng, không chỉ có núi cao, rừng rậm mà còn có cõi trời bao la, cõi âm huyền bí, có sông, có biển, lại còn có cả những làng dưới đáy biển.
…Mỗi bước đi váy hé da đùi lóe sáng làm da trời bớt xanh biển bớt sáng… (Nàng Bia Bông trong sử thi Dyông wi win)
Chắc chắn Khan hơ mon cổ xưa còn rất nhiều ở vùng đồng bào Bana cư trú. Riêng ở Vĩnh Thạnh, sơ bộ sưu tầm cũng đã có 30 truyện, điển hình là Dyông wi win, Dyông Knoa, Dyông Kman, Dăm Dyông, Bông Dyông, Dăm pen… Rất tiếc chủ nhân của những bộ sử thi đó lại là những nghệ nhân dân gian đã quá già, việc sống chết của họ chỉ còn tính từng ngày.
Hơ mon là những bài ca dài có tính chất tổng hợp, trong đó chuyển tải một khối lượng lớn những thông tin về đời sống, tư tưởng tình cảm của một cộng đồng người trong một thời gian dài. Xã hội Tây Nguyên khi các sử thi ra đời đang ở giai đoạn cuối Công xã nguyên thủy, ý thức cộng đồng chi phối mạnh mẽ số phận con người. Sử thi Bana ngoài chất anh hùng ca còn mang đậm chất trữ tình cao cả.
Hãy xem cách Dyông cư xử với người anh phản trắc Dăm Jong. Khi Dăm Jong bị giết chết, Dyông rất đau xót tự chặt vào chân tay mình và xin Jang (Trời):
…Xin đừng hóa đỉa hóa giòi hóa vắt bởi nó đối với tôi có ác cũng anh em một, xin hóa nhà rông cho dân làng có chỗ hội làng hai, xin hóa nhà sàn cho dân làng có chỗ ở ba, xin hóa kho lúa cho dân có chỗ chứa cái ăn…
Dân ca Bana là vốn văn hóa quý báu chúng ta cần giữ gìn và phát huy. Chúng ta yêu thích dân ca, biết tôn trọng tài sản quý báu đó là thể hiện lòng yêu người, yêu nước, lòng tự tôn dân tộc. Dân ca là con người, mà ai đã yêu con người thì tất sẽ yêu dân ca. Và dân ca Bana cũng nằm trong tâm thức ấy.
Tìm hiểu một số giai điệu đặc trưng của dân ca Tây Nguyên
(Huỳnh Ngọc La Sơn)
Dân ca Tây nguyên đã có từ lâu đời trên mãnh đất Tây nguyên bao la giàu đẹp. Về dân ca Tây nguyên, chúng ta thường được nghe những lời ca, tiếng đàn trong thang âm ngũ cung:
Rất nhiều bài hát viết về Tây nguyên của các nhạc sĩ trong và ngoài tỉnh như Tây nguyên bất khuất của Văn Ký, Hát mừng anh hùng Núp của Trần Quý, Em là Hoa Pơ lang của Đức Minh… đều dựa trên thang âm ngũ cung này. Thực ra, thang âm trên chỉ thuộc về dân ca của một số dân tộc thiểu số cư trú lâu đời ở Tây nguyên mà đông nhất là Ja rai và Ba na.
Mỗi dân tộc thiểu số ở Tây nguyên đều có những thang âm tiêu biểu cho dân nhạc của mình, chúng ta có thể điểm sơ qua một vài nét cơ bản của các dân tộc Ê đê, Ba na, Ja rai.
* Dân ca Ja rai
Giai điệu của dân ca Ja rai thường nồng nàn, mạnh mẽ, sâu đậm, thiết tha, vui buồn tột cùng, dễ đi sâu vào lòng người, thường được tiến hành theo quãng 5 đúng đi xuống liền bậc (Sol-Fa-Mi-Do) Sự tiến hành của các giai điệu có thể thay đổi nhưng tiết tấu thì ít khi thay đổi. Thí dụ bài Lên nương, dân ca Ja rai:
Hay như bài Bơ hơ chim:
Dân ca Ja rai có các thể loại:
Hát nói gọi là Knhă Hát có nhịp điệu gọi là Adoh Hát giáo duyên gọi là Nhik Hát kể trường ca gọi là Hri.
* Dân ca Ba na
Dân ca Ba na có tính chất thiết tha, nồng nàn nhưng không bước đến tột cùng của tình cảm do dùng nhiều quãng 4 ( Si-Mi hay Mi-Si). Giai điệu Ba na có tính bình ổn, ít có đột biến, thường là những khúc nhạc ngắn, nhịp điệu đơn giản.. Dân ca Ba na cũng đem cảm giác lắng dịu, êm đềm.
Thang âm dân ca Ba na Rơ ngao còn được gọi tên là đon, đen, ton, ten theo âm thanh phát ra của bộ chiêng.
Thí dụ bài Vui mùa mai vàng, dân ca Ba na:
* Dân ca Ê đê
Dân ca Ê đê thường được trình bày ở điệu trưởng với thang âm ngũ cung quen thuộc ( Re – Sol – La – Si – Re), những quãng nửa cung chỉ thỉnh thoảng mới xuất hiện tạo nên sự biến đổi giai điệu một cách nhẹ nhàng nhưng rất ấn tượng, kết hợp cả hai yếu tố trữ tình và mạnh mẽ, dàn trải và nhịp điệu. Dân ca Ê đê có 2 thể hát chính là hát nói (Kứt) và hát có giai điệu (Muynh), sau này có sự xuất hiện của điệu ei rei là sự biến dạng của lối hát có giai điệu (hát đối đáp).
Thí dụ bài Chi Ri Ria, dân ca Ê đê:
Khi nắm bắt được những nét khái lược về đặc trưng của dân ca Tây nguyên, việc lựa chọn và đưa vào phần dạy những bài hát địa phương tự chọn hay giới thiệu dân ca Tây nguyên trong những buổi ngoại khóa của giáo viên sẽ có sức thuyết phục hơn. Điều quan trọng là thông qua một bài dân ca cụ thể, giáo viên Âm nhạc sẽ giới thiệu được cái hay, cái đẹp của một nền văn hóa đặc trưng của một dân tộc.
Tết Dúi của người Ba Na Jơ Lưng ở Kon Tum
(Dúi VN)
Người Ba Na Jơ Lưng hay còn gọi là Ji Lâng là một nhánh của người Ba Na sống tập trung chủ yếu ở xã Tân Lập và xã Đăk T’Re, huyện Kon Rẫy tỉnh Kon Tum. Cũng như các dân tộc khác sống trên vùng Trường Sơn Tây Nguyên, với tín ngưỡng đa thần, “vạn vật hữu linh” họ có rất nhiều lễ hội liên quan đến vòng đời con người, cây trồng, vật nuôi. Et Đông (Tết Dúi) là một trong những lễ hội đặc sắc như vậy của họ.
Lễ Et Đông thường được tổ chức 02 ngày vào đầu tháng Mười dương lịch hàng năm, khi cây lúa bắt đầu trổ bông, ngậm hạt. Lễ hội là để cầu mong một năm thu hoạch mùa màng thuận lợi, mọi gia đình trong cộng đồng làng được ấm no, hạnh phúc, là ngày tổ tiên ông bà về thăm con cháu và là ngày gắn kết thêm tình cảm của cả cộng đồng làng. Đặc biệt là chỉ sau khi ăn Tết Dúi, người Ba Na Jơ Lưng mới được phép triển khai những việc lớn của gia đình, như làm nhà mới, sửa nhà cũ, cưới hỏi, mua trâu, bò.v.v.
Lễ vật: Sau khi ngày lễ Et Đông được ấn định bởi hội đồng già làng, mỗi gia đình khi đi rừng hay lên nương rẫy đều chú ý tìm cho được ít nhất là một con Dúi, mang về làm sạch ruột, ướp muối, luộc chín rồi treo lên giàn bếp để dành. Đồng thời họ cũng chuẩn bị một ghè rượu thật ngon. Đây là hai lễ vật bắt buộc, không thể thiếu để dâng lên Yàng trong ngày lễ.
Mặc dù lễ Et Đông chỉ diễn ra có hai ngày đêm nhưng mọi gia đình đều khẩn trương chuẩn bị từ nhiều ngày trước đó. Mọi thứ được chuẩn bị công phu và cẩn thận.Con Dúi sau khi luộc chín, được cắm vào một que tre nhọn, từ đầu đến đuôi được trang trí bằng những hạt cườm đủ màu sắc và bằng những vật liệu cách điệu, tượng trưng cho nền sản xuất nông nghiệp, nương rẫy: Trên đầu que được cột một ngọn đèn làm từ sáp ong, trên cây que còn có biểu tượng của cây cung “để xua đuổi những điều không may mắn”, một ít bông gòn “cầu mong sự phồn thịnh cho gia chủ” ngoài ra còn có những biểu tượng của bông lúa… Bên cạnh đó, họ cũng chuẩn bị một cây cỏ tranh bỏ vào ống tre, một ít lá chuối tươi và một ghè rượu ngon nhất, đựng trong chiếc ghè quý nhất.
Tiến trình lễ hội: Vừa sớm tinh mơ, người chủ nhà đã lấy lễ vật chuẩn bị sẵn, thắp đèn sáp ong có cột con dúi lên cùng một chén cơm quay vào góc bếp và cây cột giữa nhà – nơi thờ tổ tiên ông bà, khấn và mời về ăn Tết Dúi. Sau đó, họ chia đều bát cơm cúng cùng với thịt dúi đã chuẩn bị sẵn cho tất cả thành viên trong gia đình và mỗi thành viên cũng lấy một nắm cơm kèm một miếng thịt dúi bỏ vào bát cơm của người chủ gia đình với hy vọng mọi người sẽ được khỏe mạnh và gia đình được sung túc. Trước khi ăn, mỗi người lấy một hạt cơm để trên đầu vì “hạt lúa chính là Mẹ lúa đã nuôi sống họ hàng ngày…”
Mặt trời vừa nhô lên phía đằng Đông là lúc một hồi trống dài vang lên từ phía nhà rông báo hiệu chuẩn bị lễ hội Et Đông. Không ai bảo ai như một thông lệ từ xưa, người chủ gia đình chọn một trẻ nhỏ nhanh nhẹn cùng mình mang phẩm vật đã chuẩn bị tiến về nhà rông “theo quan niệm của người Jơ Lưng, trẻ em cái miệng không biết nói những lời tục tĩu, cái đầu chưa nghĩ tới những việc xằng bậy nên để trẻ mang vật thiêng dâng cúng các vị thần linh và ông bà tổ tiên là hợp lẽ hơn cả”. Ngoài ra, đây còn là dịp để cho lũ trẻ hiểu thêm, tiếp nhận những trao truyền của thế hệ đi trước về phong tục tập quán của dân tộc mình.
Già làng là người đến sớm nhất, Ông đã nhanh nhẹn buộc ghè rượu quý có cắm con Dúi của gia đình mình vào cây cột chính ở giữa nhà rông và những hộ trong làng cứ theo thứ tự đã quy định, buộc xen kẽ phần lễ của mình vào những cây cột được bố trí thành một hàng dài chính giữa nhà rông. Khi đặt ghè rượu đồng thời họ cũng đặt vào dưới đáy ghè số hạt gạo tương ứng với số người trong gia đình. Sau khi tan lễ, họ sẽ kiểm tra lại nếu thấy dư hoặc thiếu là báo hiệu điềm không tốt cho gia đình trong năm đó.
Sau khi mọi người đã tề tựu đông đủ, già làng lại đánh lên một hồi trống dài báo hiệu lễ hội bắt đầu. Mọi người đồng loạt mở nắp ghè rượu, đổ nước vào bình. Già làng ngồi tại vị trí trung tâm nhà rông tay cầm cuộn chỉ, Ông cột sợi chỉ từ ghè rượu của mình rồi từ đó mỗi nhà chuyền tay nhau kéo sợi chỉ đến từng ghè rượu cũng như cây cột được dành riêng cho gia đình mình rồi họ cẩn thận lấy lá chuối tươi bó sợi chỉ lại đề phòng lửa bén làm đứt chỉ. Điểm cuối của dây được buộc vào cây nêu lớn của làng. Nó vừa là một sợi dây thông linh chuyển thông điệp của chung dân làng tới các vị thần, tới ông bà tổ tiên, vừa là sợi dây đoàn kết tạo nên sự bền vững, sẻ chia, gắn bó giữa các gia đình trong cộng đồng làng.
Khi trang trí và chuẩn bị xong những lễ vật cần thiết, già làng sẽ tiến hành cúng Yàng và ông bà tổ tiên.“Mời Yàng, ông bà tổ tiên xuống xem thử rẫy nương có được tốt hay không, cầu mong tổ tiên phù hộ cho cây lúa trổ bông đều, chắc hạt, phát triển khỏe mạnh như cây cỏ tranh trong rừng cũng như xua đuổi các loài sâu bệnh phá hoại”.Tiếp đến, già làng làm một số nghi thức như: Lấy rượu trong từng ghè đổ vào một ống nứa, đồng thời lấy một miếng da trên đỉnh đầu của mỗi con dúi, đem xâu lại thành chuỗi rồi cột vào góc thiêng của của nhà rông để dâng lên Yàng; Sau đó ông tiếp tục lấy rượu trong từng ghè đổ vào một cái chén làm bằng lá chuối, mỗi người trong làng đều đến nhúng tay vào chén rượu ấy và mong sự may mắn cũng như sức khỏe đến với mình. Kế đến, mọi gia đình đồng loạt thắp sáng ngọn đèn sáp ong lên “để cho ông bà thấy đường mà về” rồi lại tiếp tục khấn vái, cầu cho mọi nhà khỏe mạnh, no đủ, mùa màng bội thu…
Muốn biết được làng có bao nhiều nóc nhà, sự thịnh vượng của làng này đến đâu và hoàn cảnh của từng gia đình như thế nào? Điều này căn cứ vào hai vật: Ghè rượu và con Dúi của gia chủ. Làng có bao nhiêu nóc nhà, chắc chắn sẽ có bấy nhiêu nghè rượu. Ghè rượu càng to, càng ngon, con Dúi càng lớn, được trang trí càng đẹp chứng tỏ gia chủ là những người giàu có và ngược lại.
Sau nghi lễ cúng Yàng là phần hội bắt đầu. Già làng uống cang rượu cần đầu tiên rồi đến các hộ gia đình, họ mời nhau nếm thử hết một lượt rượu của các gia đình xem ai ủ rượu ngon nhất, bắt được con Dúi lớn nhất, chuẩn bị món ăn đặc sắc nhất …ai nấy đều vui tươi, hồ hởi, họ vừa ăn uống vừa nói chuyện mùa màng, con cái, chia sẻ kinh nghiệm canh tác, sản xuất, săn bắn…rồi họ hát hò, đánh chiêng, diễn xướng những trò chơi dân gian, kể Khan, nhắc lại thời ông bà tổ tiên đã từng dựng làng, khai đất …cứ như thế cuộc vui kéo dài hết đêm bên ghè rượu cần ngây ngất hay bên bếp lửa bập bùng đến tận sáng hôm sau.
Tết Dúi dù thế nào cũng phải ăn được một miếng thịt Dúi. Điều khá lạ là trong Et Đông, người ta không thịt vật nuôi trong gia đình, như trâu, bò hay lợn gà.v.v. Hầu hết thực phẩm đều được lấy từ tự nhiên, như rau rừng, cá suối, thú rừng… Gần trưa ngày hôm sau, mọi nhà xẻ thịt dúi chia đều cho tất cả các thành viên trong cộng đồng và khách tham dự. Mọi người lại cùng ăn uống, trao đổi với nhau về việc chuẩn bị Nhà Đầm để chứa lúa, về sửa soạn nhà cửa sau khi thu hoạch vụ mùa và cùng bàn với nhau về dựng vợ gả chồng cho con cái.
Et Đông là thời khắc đánh dấu năm cũ đã hết. Năm mới với những hi vọng mới, niềm vui mới bắt đầu. Trong Et Đông, mỗi người đều tự rũ bỏ phiền não, mọi hiềm khích trong cuộc sống hàng ngày của năm cũ đều được hòa giải, xóa bỏ.
Lễ hội Et Đông là một lễ hội độc đáo, lôi cuốn hiếm thấy và mang tính triết lý nhân văn sâu sắc. Thông qua lễ hội hàng năm, người Ba Na Jơ Lưng muốn giáo dục con cháu mình phải biết giữ gìn truyền thống, nhớ ơn tổ tiên ông bà, đoàn kết thương yêu nhau và chăm chỉ làm ăn mới mong có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Lễ hội đâm trâu của người Bana
(Tô Tuấn)
Lễ hội đâm trâu được người Bana gọi là x’trǎng, là một lễ hội tế thần linh, ăn mừng chiến thắng, mừng mùa màng bội thu, mừng lễ hội mùa xuân hay mừng các sự kiện trọng đại trong năm. Tuỳ theo hoàn cảnh ở từng địa phương mà bà con tổ chức lễ đâm trâu.
Lễ đâm trâu thường được tổ chức vào khoảng thời gian từ tháng Chạp cho đến tháng 3 âm lịch. Đó là là khi mùa màng thu hoạch xong, thóc đã được đưa vào bồ, các gia đình được nghỉ ngơi. Người Bana tổ chức lễ đâm trâu là để tạ ơn thần linh, đón mừng năm mới, cầu mong sức khỏe cho mọi người và cầu chúc cho một năm mới mùa màng tươi tốt. Anh Đào Minh Ngọc, hướng dẫn viên Bảo tàng dân tộc tỉnh Đắc Lắc, cho biết: “Lễ hội đâm trâu là lễ hội lớn linh thiêng đối với người Bana. Lễ hội đâm trâu (còn gọi là lễ hiến sinh) phải trải qua nhiều nghi lễ nhỏ với nhiều hình thức như: lễ cúng thần linh, nghi lễ uống rượu cần, diễn tấu cồng chiêng và có bài khóc trâu. Lễ hội đâm trâu chỉ được dùng trong cúng thần linh”.
Lễ đâm trâu thường diễn ra trong 3 ngày đêm. Để chuẩn bị cho lễ đâm trâu, người Bana phải chuẩn bị hàng tháng trời. Những người đàn ông khoẻ mạnh trong buôn được cử vào rừng chọn những cây gỗ Pơlang thẳng, đẹp nhất để làm cột Gưn, chọn những cây mây vàng bóng để bện thành sợi dây vững chãi buộc trâu trong ngày lễ. Thường thì lễ đâm trâu tế Giàng (Thần linh) được tổ chức vào sáng sớm, lúc mặt trời vừa lên. Dân làng chọn một con trâu khỏe mạnh làm vật hiến sinh, con trâu này được coi như vị sứ giả chuyển lời cầu khấn, ý nguyện của bà con tới các vị thần. Vào ngày lễ, trâu được đưa đi tắm rửa sạch sẽ và cho ăn uống no nê rồi đem buộc bằng dây mây vào cột Gưn mà người Ba Na gọi cây cột này là gưng sakapô. Đây là một cây cột gỗ cao trên 5 mét, được trang trí hoa văn, hoa rừng và cờ rất đẹp. Trên đỉnh cột thường đặt một biểu trưng hình chim Phượng hoàng bằng gỗ. Khi con trâu được cột vào Gưng, làng cử đại diện gồm: già làng, thanh niên nam, nữ, trẻ nhỏ dắt trâu đi vòng quanh cột vừa đi vừa nói những điều tốt đẹp. Đây cũng là lúc bà con trong buôn tập trung lại và những nghi thức của buổi lễ bắt đầu.
Chủ lễ là già làng, người có uy tín nhất cộng đồng đọc lời khấn trời đất, cầu chúc mưa thuận gió hòa, dân làng khỏe mạnh, hoa trái mùa màng tốt tươi… Khấn Giàng xong, con trai, con gái nhảy múa vòng tròn theo nhịp cồng chiêng rộn rã, âm vang khắp núi rừng. Một người lớn tuổi được cử ra để mời bà con và khách uống rượu cần thể hiện lòng hiếu khách. Tâm điểm của lễ hội là các chàng trai trong buôn biểu diễn các màn võ truyền thống quanh cột Gưn buộc trâu, trong khi các cô gái nối thành vòng xoang nhảy múa theo nhịp cồng chiêng. Sau một đêm nhảy múa, ca hát, buôn cử 5 người đại diện gồm 3 thày cúng và 2 già làng làm lễ hiến sinh đọc thần chú, xin dâng cúng trâu cho thần linh và cầu nguyện những điều tốt đẹp còn mọi người ngồi nói chuyện, uống rượu cần.
Suốt đêm hôm ấy bà con dân làng thức với con trâu, khóc thương con trâu, bày tỏ tình cảm của mình với con trâu bằng bài hát “Khóc trâu”. Bài hát với lời : lâu nay trâu sống cùng với con người, giúp đỡ người trong công việc đồng áng nặng nhọc, nhưng vì làng có việc trọng đại, cần đến trâu để tạ ơn Giàng, mong trâu vui vẻ thực hiện nhiệm vụ của mình. Sau buổi lễ, thịt trâu được chia đều cho tất cả mọi người, từ già đến trẻ nhỏ trong buôn và cả khách mời, ai cũng có phần đem về nhà, mang may mắn cho mọi người. Già làng Bok Ny dân tộc Bana ở tỉnh Kon tum, cho biết: “Lễ hội để cầu mong mưa thuận gió hoà. Sau khi lễ hội xong cũng là là kêu gọi bà con phát huy tính tự lực tự cường, cùng nhau làm ăn cần cù để cuộc sống buôn làn ngày càng phát triển đi lên”.
Lễ đâm trâu của người Bana cũng là dịp để con cháu ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc, giúp lớp trẻ hình dung các bước thực hiện lễ đâm trâu để lưu giữ truyền thống tổ tiên. Lễ hội đâm trâu góp phần giữ gìn nét văn hóa dân gian của người Bana, làm phong phú thêm sắc thái văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Ấm cúng Tết Nguyên đán của người Ba Na, Kon Tum
(TH-Cinet-DTV)
Tết Nguyên đán của đồng bào Ba Na ở Kon Tum không cúng bái cầu kỳ như người Kinh, nhưng cũng có những nghi lễ và khá ấm cúng trong hương rượu cần…
Sinh sống trên mảnh đất Kon Tum nắng gió từ hàng trăm năm trước, người Ba Na ăn Tết theo từng dịp mang ý nghĩa tâm linh hoặc theo vòng thời gian, có các lễ hội chính như: Lễ hội mừng lúa mới, Lễ bỏ mả, Lễ nhà rông mới,… Tết Nguyên đán (Chruh-kâl) là một trong những lễ hội quan trọng, có ý nghĩa không chỉ với từng cá nhân mà còn với cả buôn làng, cộng đồng.
Hằng năm gần đến ngày Tết Nguyên đán, bà con lại tất bật dọn dẹp nhà cửa, lau chùi bàn ghế để chuẩn bị đón Tết. Trong đó, không thể thiếu công việc gói bánh tét, mua bánh ngọt, mua thịt heo… Món ăn đặc sắc được người Ba Na ưa thích nhất và thường được nhiều gia đình làm trong dịp Tết Nguyên đán là cá, ếch, nhái mổ bỏ ruột hay thịt gia súc, gia cầm sau thui, xẻ thịt, chặt từng khúc nhỏ, trộn với rau rừng, măng rừng, sả, tiêu (giã nhỏ) cho vào ống lô ô để lên lửa than hồng nướng chín. Các món ăn khi đã được nướng, nấu chín, người phụ nữ trải lá kbang (lá dầu) trên cái nia hay bàn ăn và đổ thức ăn từ ống lồ ô lên trên lá, sau đó cùng nhau ăn, uống vui vẻ.
Chiều ngày 30 dân làng tập trung tại nhà rông uống rượu cần và xem thanh niên trong làng tổ chức đánh bóng chuyền. Tối đến, dân làng tổ chức văn nghệ, nối vòng xoang trong tiếng cồng chiêng ngân vang cho đến giao thừa. Sáng mồng một Tết, sau khi thắp đèn, cắm hoa lên bàn thờ Chúa, hoa quả lên bàn thờ gia tiên, dân làng kéo nhau đi lễ nhà thờ cầu xin mọi người trong gia đình mạnh khỏe, đất nước thanh bình; mồng hai Tết cầu cho linh hồn người thân trong gia đình siêu thoát; mồng ba Tết cầu mùa màng bội thu, gia đình có của ăn của để.
Ngày đầu năm mới, những người trong nhà dậy sớm để cùng nhau sửa soạn mâm cỗ cúng Giàng. Mâm cỗ cúng khá đơn giản thường chỉ có con gà trống luộc và ghe rượu cần, người cao tuổi trong nhà trang trọng thắp nén nhang tạ ơn trời đất đã phù hộ cho gia đình một năm yên bình và cầu mong Giàng phù hộ một năm mới nhiều may mắn. Sau đó, tập trung cả gia đình lại, cùng ăn bữa cơm đầu năm rồi lần lượt đi thăm từng gia đình trong làng. Cũng như người Kinh, Tết Nguyên đán của người Ba Na là thời gian để lũ trẻ vui chơi thỏa thích, người già thăm hỏi nhau, còn các chàng trai cô gái thì có thời gian tìm hiểu, bộc lộ tình cảm.
Sau khi đọc kinh và cầu nguyện, bà con về nhà hoặc đi thăm nhau, chúc cho nhau mạnh khỏe. Bên ghè rượu cần, người già kể về những kỉ niệm xa xưa, trai gái dần trở nên mạnh dạn, gần gũi nhau, chia sẻ tâm tình. Càng về đêm, men say núi rừng càng thấm đẫm vào mỗi người, cả chủ và khách đều không còn khoảng cách, trò chuyện rôm rả liên tục.
Mặc dù, đã có nhiều đổi thay nhưng người Ba Na vẫn lưu giữ những nét truyền thống của dân tộc mình trong dịp Tết Nguyên đán: vẫn là hương vị nồng say của rượu cần, vẫn là vị ngọt của thịt rừng, vị đậm đà của những món ngon dân dã, và vẫn tiếng cồng chiêng vang vọng bản làng, báo hiệu một năm mới với nhiều hi vọng, mừng vui…
Lễ hội Sơmă Kơcham của người Ba Na, Gia Lai
(TH-Cinet-DTV)
Sơmă Kơcham là lễ hội lớn nhất trong năm – mở đầu cho một năm sản xuất và các lễ hội khác trong năm của người Ba Na ở Mơ H’ra, xã Kông Lơng Khơng, huyện KBang (Gia Lai).
Theo quan niệm của người Ba Na, con người từ khi sinh ra đến khi xuống mồ phải trải qua nhiều quá trình của mối quan hệ ứng xử; mối quan hệ Người – Người (cá nhân với cá nhân), mối quan hệ cá nhân với cộng đồng; mối quan hệ cá nhân, cộng đồng với đấng siêu nhiên – Yàng. Trong khi điều kiện sinh tồn của các dận tộc còn gặp rất nhiều khó khăn phải chống chọi với thiên nhiên, thú dữ, bệnh tật, đói nghèo, chết chóc… mà trình độ nhận thức khoa học của con người hạn chế. Do đó, vòng đời người cũng gắn liền với hệ thống Lễ – Hội tương ứng trong mỗi thời kỳ, tình huống cụ thể. Có Lễ Bỏ Mả (Pơ Thi), Lễ Ăn Trâu, Lễ hội mừng Nhà rông mới, Lễ cúng Sơmă Kơcham.
Vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 âm lịch, khi hoa pơ lang thắp lên muôn vàn đốm lửa giữa bầu trời ngập tràn ánh nắng cũng là tháng đồng bào dân tộc Ba Na tiến hành lễ hội Sơmă Kơcham… Sơmă – tiếng Ba Na nghĩa là cúng; kơcham là cái sân.
Để chuẩn bị cho lễ hội Sơmă Kơcham. Bà con phải dựng đàn tế lễ. Đàn lễ thoạt trông đơn giản nhưng lại vô cùng cầu kỳ ở các chi tiết trang trí. Theo quan niệm của người Ba Na, những người dựng đàn phải là những người “có con mắt, cái tay của Yang cho” mới làm được việc này.
Cúng sân, hiểu theo nghĩa rộng là cúng đất làng. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của người Ba Na mở đầu cho một năm sản xuất – đồng nghĩa với một lễ hội đón mừng năm mới.
Lễ hội kéo dài suốt một ngày một đêm với mục đích thông báo cho các vị thần linh biết các công việc sẽ làm trong năm, khấn cầu các vị phù hộ cho mọi việc như sửa chữa nhà cũ, đốn cây làm rẫy… diễn ra suôn sẻ.
Đặc biệt là xin các vị “cho mưa xuống đúng lúc, nắng lên đúng thời”; cây lúa “ban ngày bằng bụi sả, ban đêm bằng cây đa”; con người khỏe mạnh, sinh sôi “như cây môn mọc”…
Lễ hội Sơmă Kơcham được người Ba Na tổ chức rất long trọng. Vật hiến tế các vị thần linh là trâu, bò, rượu cần, cơm lam được chuẩn bị rất cẩn thận. Sau phần lễ, tiệc ăn uống sẽ kéo dài suốt đêm.
Không gian làng như vỡ ra bởi điệu chiêng tơnơl và những vòng xoang rậm rịch. Xưa kia khi gặp phải các việc bất trắc như ốm đau, dịch bệnh, mất mùa… phải chuyển làng đi nơi khác, người Ba Na cũng phải tiến hành Sơmă Kơcham. Bây giờ các làng Ba Na đều đã định cư. Nhưng lễ hội Sơmă Kơcham, mọi làng vẫn giữ gần như nguyên vẹn.
Lễ hội ăn cốm mới của người Bana ở Bình Định
(TH-Cinet-DTV)
Lễ hội ăn cốm mới vừa mang tính chất gia đình – gia tộc – dòng tộc lại vừa thể hiện tính cộng đồng cao, đậm nét, đó là một nét văn hóa đặc trưng của người Bana (Bình Định).
Lễ hội ăn cốm lúa mới của người Ba na là một trong những lễ hội lớn trong năm, mang ý nghĩa thiêng liêng giống như Tết Nguyên đán của người Kinh.
Vào tháng 11 dương lịch, khi cây rừng trút lá, chuẩn bị khoác lên mình chiếc áo màu xanh của chồi non, lộc biếc, khi tiếng chim tel báo hiệu lúa trên rẫy đã chín vàng, đó cũng là lúc các làng người Bana tất bật chuẩn bị lễ hội ăn cốm mới.
Khi những bông lúa vừa ngả vàng trên cánh đồng, người Ba na đã chọn những bông lúa chắc hạt, đem về rang nóng lên và giã thật kỹ. Thế là được mẻ cốm nóng giòn, thơm mùi lúa mới. Cốm này được cất kĩ, để dành cho lễ ăn cốm lúa mới.
Trước ăn tết chính một hai ngày không khí trong các làng kẻ vào người ra, kẻ về người đi thật nhộn nhịp, tiếng chào hỏi, tiếng cười nói râm ran. Nhà nào nhà nấy chuẩn bị cho ngày ăn tết thật kỹ càng và chu đáo. Con gà, con heo sẵn trong chuồng, thịt chim thú các loại phơi bày trên giàn bếp; các loại ghè rượu ngon sắp đặt ngay ngắn quanh cột rượu gia đình… tất cả sẵn sàng phục vụ cho ngày tết. Chị em mang những trái bầu to nhất ra đầu nguồn nước, múc nước về dùng. Các món ăn truyền thống được nấu lên, thơm lừng. Lúc này, cốm mới được mang ra, bày lên mâm cúng tổ tiên. Những ngày này, trong gia đình có người ở xa thì cũng phải về, tề tựu đông đủ trong bữa cơm cuối năm này.
Ngày ăn cốm mới, người Ba na khoác vào bộ quần áo tươm tất nhất. Trước khi tới nhà rông, từng gia đình cúng ở nhà mình. Lễ bắt buộc phải có con gà, rượu, cơm mới, và cốm. Nhà nào khá thì mổ heo. Ông chủ nhà khấn khứa xong, lấy móc (cốm) bỏ vào mâm, cả nhà cùng ăn. Hôm sau mới là ngày mời bà con. Xong bữa cơm gia đình, cả nhà ra nhà rông. Nếu hôm đó nhà có khách, khách cũng được mời ra nhà rông.
Trời vừa chạng vạng, trên nhà rông, già làng đánh hồi một trống pơnưng, giục các gia đình cõng rượu ra tập hợp tại nhà rông. Nhà nào cũng chọn ghè rượu ngon nhất, mang ra buộc ngay ngắn tại cột rượu của gia đình tại nhà rông. Già làng đánh hồi trống thứ 2, khách được mời lên nhà rông. Già làng cúng Giàng, cầu xin cho dân làng một năm mới bình an, khỏe mạnh, thóc lúa đầy chòi, nhiều gà, nhiều heo. Chủ và khách cùng vít cong cần rượu trong tiếng trống chiêng rộn ràng, qua nửa đêm đến gà gáy, tới tận khi cả chủ và khách đã ngà ngà say. Chuỗi ngày vui tưng bừng khắp làng trên, xóm dưới bắt đầu.
Sáng hôm sau, đoàn người gồm già làng dẫn đầu, theo sau là những cô gái xinh đẹp được chọn lựa cõng gùi đến từng nhà chúc tết. Đội cồng, đội chiêng cùng đi. Trẻ con nô nức theo sau.
Đến mỗi nhà, gia chủ sẽ bỏ vào gùi của các cô gái những đồ ăn đã chuẩn bị trước, góp để tổ chức ăn tết chung tại nhà rông. Nhà có trứng gà thì cho trứng gà, có thịt heo thì cho thịt heo, thịt khô, con chuột…
Nhà già làng là điểm dừng chân đầu tiên. Đến nhà nào già làng cũng phải cúng làm phép, chúc gia đình mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Thời gian đoàn người dừng lại ở mỗi nhà từ 15-20 phút, có khi tiếng, để chủ nhà chuốc rượu. Người này vốc cả nắm cốm bỏ vào miệng người kia, trong tiếng reo hò của mọi người xung quanh. Cốm càng rơi vãi, tiếng reo hò càng lớn. Người Ba na cho rằng, dù cốm có vung vãi ra đầy nhà thì cũng không được quét dọn, quét là mất lộc: Ăn cốm là phải ăn phung phí. Cứ bốc ăn. Nếu có thịt kho nữa càng ngon. Thế mới là lễ lúa mới. Vung vãi ra nhà càng nhiều thì càng làm ăn được, để một ngày sau mới quét. Ăn vãi, hy vọng mọi năm thức ăn cũng dư thừa như thế.
Đi hết một vòng các nhà trong làng, đoàn người mang đồ ăn về tập trung tại nhà rông, làm cơm cúng Giàng. Nhà nào cũng muốn đoàn lưu lạ nhà mình lâu một chút, nên có năm, 3 ngày mà đoàn người vẫn chưa đi hết lượt nhà.
Từ nhà Rông về bây giờ cả chủ lẫn khách đã ngà ngà say. Một ghè rượu to và ngon nhất được gia đình đem ra buộc vào cột rượu gia đình, gọi là: Chơ mrưng sơ drô cúng mừng năm mới. Ông chủ nhà mời khách và chủ nhà đến cầm cần rượu. Bây giờ gia đình mới đổ rượu mừng lễ hội, ông chủ làm thủ tục cúng, chúc mừng năm mới, chúc mừng mọi người làm ăn no đủ, mạnh khỏe và hạnh phúc. Mọi người ngồi quanh ghè rượu thay phiên uống, lần lượt từ người này đến người khác, từ già cho đến người trẻ, ai không biết uống cũng phải uống phép vài ngụm; trẻ con đang bú, người mẹ nhỏ một giọt nước rượu vào đầu ngón tay rồi xoa vào trán bé, như vậy cũng gọi đã có uống rồi. Mọi người say sưa uống rượu, vừa uống vừa hát hò, nói chuyện vui vẻ. Uống càng nhiều, men rượu càng thấm rồi say. Người nào còn uống được thì uống, không uống được nữa thì ngủ. Uống nhạt ghè rượu này, gia đình tiếp tục lấy ghè rượu khác. Uống rượu gia đình này chưa xong họ lại được mời đến uống rượu tại gia đình khác, cứ như thế họ uống suốt ngày
Lễ hội ăn cốm lúa mới hay ăn Tết Nguyên đán là một trong những lễ hội văn hóa truyền thống mang đậm nét đặt trưng của dân tộc Việt Nam nói chung, cộng đồng người Bana nói riêng
Lễ tạ ơn cha mẹ của người Ba Na ở Kon Tum
(TH-Cinet-DTV)
Khi người con đã trưởng thành, có đủ điều kiện kinh tế sẽ tổ chức “Lễ tạ ơn” để cảm ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Đây là một nét đẹp trong đời sống văn hóa ứng xử của người Ba Na ở Kon Tum.
Lễ cúng tạ ơn cha mẹ, người Ba Na gọi là Khop bơnê kơ me pa. Thường được tổ chức vào tiết nông nhàn (Ning nơng), sau lễ mừng lúa mới. Đây là lễ của người con ruột đã có gia đình, có nhà riêng và làm ăn khấm khá. Sẽ tự nguyện thông báo với dòng tộc, bố mẹ về việc muốn tổ chức ngày lễ để tạ ơn cha mẹ đã sinh và nuôi dạy mình nên người.
Tùy vào điều kiện kinh tế của người con quyết định vật cúng, nếu giàu có thì mổ bò còn nếu không thì một con heo lớn, một con gà và một ghè rượu ngon. Mặc dù lễ Cúng tạ ơn cha mẹ chỉ gói gọn trong từng gia đình, dòng tộc nhưng Lễ được tổ chức khá long trọng trong hai ngày.
Ngày đầu tiên là dành cho phần lễ trong gia đình thân thuộc, còn ngày hôm sau mới mời bà con, anh em ở làng xa đến ăn uống chung vui. Vào ngày đã được sự đồng ý của cha mẹ. Gia đình người con sẽ mang lễ vật đến, một ghè rượu ngon đặt giữa nhà và bắt đầu mổ gà và heo (bò). Lấy tiết con vật cúng bôi lên ghè rượu, lấy một phần gan sống của các con vật đem xâu vào cây tre rồi cột trên miệng ghè để cúng ông bà tổ tiên và một phần đem ra ngoài sân cúng thần linh. Gà, thịt heo được nướng, xâu vào cây tre rồi cùng cột vào cây nơi buộc ghè rượu. Họ sẽ lấy một nhánh lá rừng nhúng vào trong ghè rượu cúng rồi phẩy rượu lên cha mẹ và con.
Tiếp theo cha mẹ và con sẽ lần lượt khấn vái thần linh, ông bà tổ tiên, mời họ về cùng hưởng và chứng kiến sự hiếu thuận của con cháu. Cảm ơn họ đã ban cho sự giàu có, no đủ, gia đình bình yên, hạnh phúc… Sau đó chính tay người con sẽ làm các món ăn ngon dâng lên cha mẹ mình, theo khẩu vị mà cha mẹ mình thích ăn nhất. Gà sẽ được lóc xương nấu cháo; heo sẽ lấy phần thịt thăn đem nướng. Sau khi đã chuẩn bị xong, người con mang đến dâng cho mẹ mình ăn trước và mời mẹ uống cang rượu cần đầu tiên rồi mới đến cha, đồng thời cũng nhắc lại thời thơ ấu đã được mẹ nuôi nấng, nhờ có dòng sữa mẹ nên mới lớn khôn và nhờ cha đã dạy dỗ, chở che nên được như hôm nay. Người mẹ, cha nhận lời và cũng cảm ơn con đã biết hiếu thuận, nhớ ơn sinh thành, cầu mong con sẽ không bị đau ốm và làm ăn ngày càng tốt hơn nữa.
Khi người mẹ nếm cang rượu cần, xem như đã nhận phần đền đáp của con mình. Rượu được chuyền tiếp tục cho cha rồi đến người con, thông thường con ruột sẽ uống trước rồi sau đó mới đến dâu hoặc rể. Sau đó là bà con thân thuộc và sau cùng mới bà con làng xóm.
Cuộc vui kéo dài đến hết ngày hôm sau. Cứ mỗi khách đến họ mang theo ít gạo, vài quả trứng gà đã luộc sẵn, một ít tiền để biếu gia chủ, cầu mong mọi sự điều tốt đẹp, gia đình ngày càng sung túc hơn. Để góp vui với chủ nhà, đàn ông mang theo lít rượu, phụ nữ chai nước ngọt hay đồ ăn mà nhà mình có sẵn. Khi đến họ rót rượu hoặc nước ngọt ra mời chủ nhà và khách đến tham dự. Gia chủ lại bày thức ăn ra và họ cùng ăn uống, hát hò, chúc tụng vui vẻ.
Đặc biệt, người Ba Na tổ chức lễ tạ ơn cha mẹ như nhau cho hai bên nội, ngoại. Nếu bên nào ở gần con hơn thì sẽ được tổ chức trước và bên kia cũng được chọn ngày để con cháu tạ ơn giống như vậy. Đều này nói lên sự công bằng trong văn hóa ứng xử của người Ba Na trong mối quan hệ của gia đình hai bên.
Lễ tạ ơn cha mẹ chính là một nét đẹp mang đậm tính truyền thống và giá trị nhân văn sâu sắc. Lễ đã để lại dấu ấn tốt đẹp cho mỗi người tham dự và có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng các dân tộc./.
Trang phục Ba Na – Hơi thở đại ngàn
(TH-TQ-DTV)
Sống giữa núi rừng bạt ngàn, những đường nét trong trang phục của người Ba na đều như hòa quyện cùng với thiên nhiên, mang hơi thở đại ngàn.
Khác với trang phục của nhiều dân tộc khác, trang phục của người Ba na rất giản dị với những đường nét khỏe khoắn nhưng không kém phần duyên dáng.
Đàn ông mặc áo chui đầu, cổ xẻ, hở ngực, cộc tay, đóng khố hình chữ T. Phụ nữ mặc áo chui đầu, không xẻ cổ kết hợp với váy. Váy của phụ nữa Ba Na không được may lại mà nó chỉ là một tấm vải đen được quấn quanh thân dưới. Trong các ngày lễ, trang phục của người Ba na có phần sặc sỡ hơn.
Ngay từ thời xa xưa, người Ba na đã biết trồng bông, dệt vải để tạo ra những tấm vải thổ cẩm bền đẹp. Không chỉ vậy, người Ba na còn biết tạo ra mùi hương đặc biệt cho trang phục của mình. Sau khi quay tơi những sợi bông ra, những người phụ nữ Ba Na lấy mật ong để làm mềm vải và tạo ra hương thơm nhẹ nhàng không lẫn vào trang phục các dân tộc khác.
Trong trang phục, chính các họa tiết làm nên sự độc đáo. Với lối tư duy đơn giản, các họa tiết trong trang phục của người Ba na là những hình khối đối xứng mang tính biểu tượng cao. Họa tiết đối xứng phản ánh quan niệm về vũ trụ, trời – đất, âm – dương lấy thiên nhiên làm hình mẫu. Mỗi tấm thổ cẩm được làm ra là một bức tranh thiên nhiên thu nhỏ từ những nét cách điệu hình học.
Để làm nên sự độc đáo, tươi mới cho trang phục của mình, người Ba Na luôn tỉ mẩn, khéo léo trong cách chọn và phối hợp màu sắc.
Họ nhuộm vải bằng màu mực của các loại cây rừng. Mỗi màu sắc đều mang một ý nghĩa riêng, một tiếng nói riêng . Màu đen được nhuộm bằng lá cây chàm, cây mô, thường là màu nền của mỗi tấm vải, biểu hiện cho đất đai, cho sự nảy mầm từ mặt đất, độ che phủ của cây rừng mà suốt cả cuộc đời con người phải gắn chặt với nó kể cả khi họ đã trút hơi thở cuối cùng.
Theo quan niệm của người Ba Na, màu đen là màu chủ đạo, gây ấn tượng mạnh mẽ về phong cách. Đây chính là những hoa văn phản ánh đường nét văn hóa truyền thống và đời sống sinh hoạt hàng ngày của người họ. Màu đỏ biểu hiện cho màu của lửa, của máu, tượng trưng cho sức sống, sự vươn lên, niềm đam mê, tình yêu và khát vọng, được nhuộm bằng nhựa cây Kxang, Kơ bai. Màu vàng biểu hiện cho ánh sáng mặt trời, sự kết hợp hài hòa giữa con người và tự nhiên, được nhuộm bằng củ nghệ hay màu của cây Kmếch. Màu xanh biểu hiện cho màu da trời, màu của cây lá được nhuộm bằng nhựa cây truông nhây, cây Kpai…
Hoa văn trên thổ cẩm Ba na chủ yếu chạy dọc theo tấm vải. Điểm nhấn cho các bộ trang phục chính là các đường kẻ sọc. Những đường sọc ngang đỏ, trắng ở gấu áo của nam giới thể hiện sự mạnh mẽ của những người đàn ông quanh năm sống với núi rừng. Trên áo của nữ giới có sọc ở chỗ khuỷa tay, ở cổ, ngang ngực và gấu áo, váy có sọc thân và gấu thể hiện được sự đơn giản trong con người và sự duyên dáng của họ.
Bên cạnh đó, với người Ba na, các phụ kiện là một phần không thể thiếu để tô điểm cho các bộ trang phục và có vai trò trừ tà ma. Các phụ kiện như: hoa tai, lược cài tóc, nhẫn ở 2- 3 ngón tay… Tục lệ đeo nhẫn bắt nguồn từ quan niệm: mỗi ngón tay đều mang một sức mạnh. Ví như ngón cái tượng trưng cho cha, ngón giữa tượng trưng cho sức mạnh, quyền lực, ngón nhẫn tượng trưng cho sức mạnh của tình yêu. Và, đeo nhiều nhẫn ở các ngón tay là thể hiện sức mạnh tối cao.
Đặc biệt, các thiếu nữ Ba Na còn có khăn đội đầu để làm duyên. Chiếc khăn có những hàng cúc trắng, chuỗi cườm tua tủa, cúc bạc lung linh thể hiện được tình yêu thủy chung và niềm ước mơ hạnh phúc.
Trải qua hàng trăm năm tồn tại và phát triển, người Ba na vẫn giữ nguyên được những nét văn hóa trên trang phục của mình. Để sau này, mỗi làn nhắc đến dan tộc Ba na, người ta sẽ không quên những bộ trang phục độc đáo về họa tiết, ấn tượng về màu sắc và ngạc nhiên với ý nghĩa của từng đường nét.
“Nhà dài” – Kiến trúc độc đáo của người Ba na
(TQ-DTV)
Nhà sàn của người Ba na luôn được gọi bằng một tên gọi rất độc đáo: nhà dài. Đó là những ngôi nhà không chỉ dài về mặt đo lường (độ dài trung bình 10m) mà ở đó còn chứa đựng độ dài truyền thống của nhiều thế hệ sống chung trong ngôi nhà.
Người Ba na sống chủ yếu trên các vùng đồi núi, chính vì thế, những nét kiến trúc, chất liệu làm nhà cuat họ luôn gắn liền với thiên nhiên, tiện lợi với cuộc sống hàng ngày. Nhà sàn của người Ba na dựng cao, thẳng, cách mặt đất 1 đến 2 m. Toàn bộ nhà sàn được làm bằng gỗ, tre, nứa hoặc lô ô.
Nhà sàn của đồng bào Ba na có hình chữ nhật với chiều dài trung bình khoảng 10m. Mỗi căn nhà gồm 12 cây cột được chia đều mỗi bên 6 cây để tạo nên sự vững chãi, cân bằng cho ngôi nhà. Để làm cột, người Ba na thường chọn cây cà chít – một loại gỗ có vị đắng và cứng chắc, ít mối ăn để đảm bảo độ bền cho khung nhà.
Cột nhà được đẽo tròn, gốc có đường kính độ 30cm và ngọn khoảng 20cm được đục một lỗ hình vuông để kết nối giữa cột và cây trính thượng. Cách trính thượng khoảng 2m là trính hạ. Trính thượng và trính hạ được đẽo thành khối hình chữ nhật. Hai cây đà được gác lên hai hàng trên đầu cây cột. Ở chính giữa trính thượng có một trụ lỏng để chống đỡ đòn giông. Các rui gác lên, đòn giông xưa kia người ta dùng các loại cây tròn thẳng, dài và cứng chắc. Ngày nay, người ta dùng cây xẻ vuông hoặc hình chữ nhật với kích thước 5cm x 5cm hoặc 4cm x 6cm. Cây mè chọn từ cây tre hoặc lồ ô chẻ ra. Với cách làm khéo léo, cẩn thận cộng với nguyên liệu tốt đã làm nên sự bền, chắc của những ngôi nhà sàn Ba na.
Một ngôi nhà sàn bao giờ cũng có hai mái chính với hai mái phụ ở hai đầu gọi là chái. Vách nhà chính thường đan bằng nứa hoặc lồ ô. Có khi vách lại được trét bằng đất trộn với rơm. Nhà có 6 gian, nhưng chỉ một gian đầu cùng hoặc gian cuối có vách ngăn phòng dành cho cha mẹ. Người Ba Na có tập quán xây nhà theo hướng nam, cửa chính ngay ở gian giữa.
Ở vùng người Bana còn có một loại phên dùng để lót sàn nhà rất đặc biệt. Đó là những thỏi gỗ hoặc mảnh nứa dày nhỏ như đầu ngón chân cái được nối với nhau thành tấm theo cách khớp từng mảnh lại, gác lên các thanh dầm gỗ sàn nhà. Trên sàn có trải chiếu ở chỗ mời khách ngồi, hoặc chỗ nghỉ ngơi của chủ nhà…
Người Ba na rất mến khách. Chính vì vậy, họ luôn dành gian giữa – một vị trí trang trọng cho nhũng người khách ghé thắm nhà mình. Đối với khách quý, chủ nhà trải chiếc chiếu mới, mời khách ngồi và mang một bầu nước đầy, mời khách uống. Bên cạnh đó, một bếp lửa để cho khách sưởi ấm khi gặp những ngày giá lạnh.
Một phần quan trọng không thể thiếu trong ngôi nhà dài của người Ba na chính là nhà chồ hnam pra. Nhà chồhnam pra có hai mái lợp bằng tranh hoặc ngói. Để bước lên nhà chồ người ta bắc một chiếc cầu thang bằng gỗ hương, trắc cao to từ đất lên. Sàn nhà chồ làm bằng gỗ ván to, dày. Đó là nơi dành cho phụ nữ giã gạo vào những buổi sáng sớm hoặc buổi chiều tối đi làm về. Nhà chồ cũng là nơi gia đình ra ngồi chơi hóng mát trong những đêm hè nóng nực.
Bên cạnh những nét độc đáo về cách dưng nhà, các họa tiết trang trí ngôi nhà của người Ba na cũng rất đặc biệt. Ở các bức vách, cửa, cầu thang… Đều có những nét chạm khắc của những người thợ bản địa. Họa tiết thường là các hình khối mang tính tượng hình thể hiện cuộc sống của họ hàng ngày và tính cách của gia chủ. Trong những ngôi nhà dài, có ba đến bốn đời người Ba na sinh sống với nhau. Đó là sự gắn kết cộng đồng dân tộc.
Đến thăm các ngôi nhà sàn của người Ba na, chúng ta không chỉ thấy được nét đặc trưng của nó mà còn khâm phục tài năng của những bàn tay tài hoa dựng nên ngôi nhà ấy. Đó là những đường nét tinh tế, khéo léo mang đậm nét văn hóa dân tộc Ba na.
Có thể nói, nhà dài không chỉ là niềm tự hào của người Ba na về những nét kiến trúc ấn tượng mà cong là niềm từ hào về một dân tộc luôn mang đậm giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng.
Nhà thờ gỗ – kiến trúc độc đáo, đậm chất dân tộc Ba Na
(TH-Cinet-DTV)
Nhà thờ gỗ ở thành phố Kon Tum, tỉnh Gia Lai là một công trình kiến trúc độc đáo, đậm chất của dân tộc Ba Na Tây Nguyên.
Tọa lạc ngay trung tâm thành phố, Nhà thờ gỗ Kon Tum do một linh mục người Pháp khởi công xây dựng năm 1913, hoàn thành năm 1918. Công trình được những bàn tay tài hoa của nghệ nhân Bình Định, Quảng Nam xây theo phương pháp thủ công, kết hợp giữa phong cách Roman và kiểu nhà sàn của người Bana. Kiểu kiến trúc này thể hiện sự giao thoa giữa văn hóa Tây Nguyên và văn hóa châu Âu.
Nhà thờ bao gồm nhiều công trình liên hoàn khép kín: nhà thờ – nhà tiếp khách – nhà trưng bày các sản phẩm dân tộc và tôn giáo – nhà rông. Hiện diện trên mọi chi tiết kiến trúc của nhà thờ là màu gỗ nâu đen. Với tháp chuông cao vút, mái nhọn, khung cửa hình vòm và hàng cột to tròn, ngôi giáo đường mang đặc trưng kiến trúc Roman.
Nhà thờ được xây dựng trên cao nguyên đất đỏ, nhưng kiến trúc Roman phương Tây trở nên hài hòa với phương Đông bởi hoa văn trang trí, điêu khắc trên gỗ mang dáng dấp của văn hóa bản địa.
Khi xây dựng nhà thờ, các vị linh mục thời đó đã khéo léo đưa kiến trúc Roman hòa vào kiến trúc nhà sàn Ba Na để tạo một không gian thân thiện, gần gũi với người dân bản địa. Ngày nay nhà thờ gỗ trở thành điểm đến của du khách khắp nơi khi lên miền đất cao nguyên Kon Tum.
Nhìn từ xa, du khách đã thấy rõ nhà thờ gỗ màu nâu đen. Đứng trước cổng, khách không khỏi ngạc nhiên với vẻ đẹp dung dị mà sang trọng của nhà thờ. Từ cột kèo đến nóc nhọn của giáo đường và tháp chuông cao vút đều bằng gỗ. Điểm xuyết trên đó là những hoa văn mang sắc màu Tây Nguyên, tạo điểm nhấn.
Bên trong nhà thờ là mái vòm cong vút cao lồng lộng. Dọc hai bên là những hàng cột làm từ gỗ cà chit đen tròn, thẳng tắp. Liên kết với các cột là những vòm gỗ. Lồng vào giữa những khối gỗ là những tấm kính màu, mô tả hình ảnh trong Kinh Thánh và cũng là chỗ lấy ánh sáng cho phía trong. Nắng soi qua kính tạo những màu sắc đẹp như bức tranh được đóng khung gỗ quý treo trên trần nhà.
Nếu như nhiều chi tiết làm bằng gỗ thì tường và mái nhà thờ lại là đất sét và rơm đắp nên. Đất trộn rơm bện lại thành khối và đắp lên nhau tạo nên bức tường vững chắc, gắn kết với cột kèo gỗ tạo thành mô-típ kiến trúc độc đáo.
Mặc dù đã gần 100 năm tuổi, ngôi nhà thờ cổ kính vẫn chưa có dấu hiệu của sự xuống cấp và đang trở thành điểm tham quan du lịch nổi tiếng của Việt Nam.
oOo
Xem con gái Ba Na thay chồng đánh cồng chiêng nháp https://www.youtube.com/watch?v=MMJfbUpgJnk
Dân Tộc Ba Na Tại tỉnh Bình Định (Lưu ý các bạn là phần “Nghệ thuật tranh trứng chim Đà Điểu” ở phần sau của clip này là một phần khác với phần Dân Tộc Ba Na):
Lễ Hội Đâm Trâu Của Người Ba Na: https://www.youtube.com/watch?v=URX5GbGnEUo
Thổ cẩm của người Bana – Bình Định: https://www.youtube.com/watch?v=6917-LGbhf0
Dân ca bana:
Hát sử thi:
Bài múa Đón Khách Dân tộc Ba na – Bảo tàng VHCDT VN 00740:
Bài múa Cầu Mưa Dân tộc Ba na – Bảo tàng VHCDT VN 00741:
Bạn Ơi Hãy Lắng Nghe – Dân ca Dân tộc Ba-na (Tây Nguyên): https://www.youtube.com/watch?v=UQhDnU6F3Tw
Thánh Lễ người Dân Tộc Bana Dakdoa Gialai 1:
Share this:
- More
Related
Từ khóa » Nhạc Cụ Dân Tộc Bana
-
Một Số Nhạc Cụ Tiêu Biểu Của Người Bana - VOV World
-
Các Nhạc Cụ Dân Tộc Người Thiểu Số
-
Nhạc Cụ Dân Tộc Ba Na (Mộng Vân) - Vanhoavietnam
-
NHẠC CỤ Dân Tộc TING NING - K'NI - JRAI -BANA - Rchăm Tih
-
Nhạc Cụ Dân Tộc Bana - YouTube
-
BUỔI DỢT TẬP CÁC LOẠI NHẠC CỤ DÂN TỘC CỦA NGƯỜI BANA ...
-
Nhạc Cụ Dân Tộc Bana Chính Hãng, Giá Hạt Dẻ, Tiết Kiệm Chi Phí
-
Nhạc Cụ Truyền Thống Các Dân Tộc Việt Nam Hội Tụ Trên đất Tây Đô
-
Nhạc Cụ Người Dân Tộc Thiểu Số Việt Nam - Wikipedia
-
Người “đánh Thức” âm Nhạc Ba Na - Tuổi Trẻ Online
-
Nghệ Nhân ưu Tú A Biu - "bảo Tàng Sống" Văn Hóa Truyền Thống Ba Na
-
Ðam Mê Nhạc Cụ Dân Tộc Bana K'riêm - Báo điện Tử Bình Định
-
Đa Dạng Nhạc Cụ Của đồng Bào Thiểu Số Vùng Tây Nguyên | VOV4