Dân Ca Dân Nhạc VN – Vè Ba Miền | Đọt Chuối Non

Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.

Chào các bạn,

Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn bộ môn “Vè 3 Miền” (Nam, Trung, Bắc) của Việt Nam chúng ta.

là một trong những thể loại văn học dân gian Việt Nam. Theo Đại Nam quốc âm tự vị, vè là chuyện khen chê có ca vần và việc sáng tác vè là việc đặt chuyện khen chê có ca vần. Định nghĩa này còn đơn giản, nhưng đã nêu được những đặc trưng cơ bản của vè.

Vấn đề vè có từ bao giờ chưa thể khẳng định dứt khoát. Đại thể, vè đã nảy sinh chủ yếu trong thời kỳ phong kiến, phát triển nhất trong các thế kỷ 18-20 sự xuất hiện của vè là một bước tiến mới của văn tự sự dân gian.

Vè Nói Ngược bắt nguồn vùng nông thôn miền Bắc, phản ánh những quan sát trong cuộc sống của người nông dân (nhưng tất nhiên được nói ngược lại), ý tứ hóm hỉnh nhẹ nhàng, đọc lên nghe rất vui tai.

Không có bản nào là bản original, có lẽ đầu tiên chỉ là vài câu, rồi người này người kia, làng này xã kia, quê này vùng kia, qua thời gian, mỗi nơi thêm một ít, không giống nhau, không thống nhất.

vee1

Hình thức

Vè được sáng tác bằng văn vần, sử dụng nhiều hình thức khác nhau: câu bốn chữ, năm chữ, lục bát, hát giặm, nói lối. Có Vè đồng dao, là những bài hát của trẻ em. Có Vè thế sự, về người thật việc thật, phản ánh, bình luận những câu chuyện thời sự địa phương, những truyện đồi phong bại tục, những chuyện áp bức bóc lột và đời sống khổ cực của dân nghèo trong làng xóm. Những người đặt vè, bẻ vè, nói vè phần nhiều thuộc tầng lớp dưới trong xã hội.

Nội dung

Đa số bài vè phản ánh hiện thực ở từng địa phương nhất định, bộc lộ rõ thái độ của người dân trước những sự việc, sự kiện đó. Ngoài ra có những bài vè có thể phổ biến rộng rãi ở nhiều địa phương, đôi khi toàn quốc như:

Vè Cầu Ngói Chợ Liễu Vè anh Nghị lấy o Hương Vè Năm Chơi Vè Quản Hớn…

Vè mang tính thời sự, các sự kiện trong quá khứ ít được vè quan tâm. Vè xuất hiện tức thời, nắm bắt nhạy bén sự việc, sự kiện, ghi nhanh, rồi truyền đi để gây dư luận:

Vè thách cưới Vè bão năm Tỵ Vè sai đạo Vè thầy Thông Chánh…

vee3

Phân loại

Theo tiêu chí thể thơ, có thể chia vè thành các loại: vè lục bát, vè nói lối… Theo tiêu chí đề tài, nội dung phản ánh, có thể phân vè thành các tiểu loại:

Vè loài vật, cây trái, sự vật:

Vè chim chóc Vè trái cây Vè cá Vè rau Vè các thứ lúa Vè rắn U Minh Vè nói ngược Vè nói láo…

Ví dụ bài “Vè Con Ve”:

Lại truyền ra khắp hết bốn phương, Đem bảng dán chư châu thiên hạ. Gái nào đành dạ, Mà giết đặng chồng. Chém lấy đầu đem nạp bệ rồng, Vua phong chức Hoàng Tôn quận chúa. Có một nàng Nữ Tố Thật là gái vô song Nghe lệnh truyền như hoả ngộ phong Thấy bảng dán, dường như đắc thuỷ… Vè thế sự/Vè sinh hoạt xã hội: (loại vè này, bên cạnh tính thời sự, tính địa phương rất nổi bật với xu hướng chung là trào phúng)

Vè thách cưới Vè chửa hoang Vè uống rượu Vè nói dóc Vè đánh bạc Vè đi bối…

Vè ghi nhận thực trạng đời sống dân gian:

Vè bão năm Tỵ Vè Cầu Ngói, chợ Liễu Vè thầy cai Vè đi phu Cửa Rào Vè Cải dịch y phục Vè chăn trâu Vè đi ở Vè chồng chung Vè vạn cấy Vè đi phu…

vee4

Vè lịch sử: thường hòa quyện sự chân thật lịch sử và sự hư cấu thần kỳ. Vè lịch sử là lịch sử không thành văn của dân chúng, gồm 2 mảng lớn.

Nông dân khởi nghĩa: tiêu biểu là “Vè chàng Lía”, về phong trào khởi nghĩa Tây Sơn có bài “Vè Bà Thiếu Phó”, về phong trào nông dân khởi nghĩa thế kỷ 19, ở miền Bắc phổ biến nhất là “Vè vợ ba Cai Vàng”…

Đấu tranh chống ngoại xâm: “Vè thất thủ kinh đô” dài 1850 câu, kể những sự việc xảy ra từ thất thủ Thuận An (1885) đến khi vua Thành Thái bị giặc đày sang đảo Réunion (1907); “Vè Ba Đình” kể về cuộc khởi nghĩa ở Ba Đình; “Vè Quan Đình” kể về Phan Đình Phùng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Hương Khê; Hà Tĩnh (1877); “Vè Tán Thuật” kể về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật ở Hải Dương hoặc Hưng Yên (1885); “Vè Trương Định” kể về người anh hùng đất Gò Công, Nam Bộ; “Vè Khâm Sai” xuất hiện ở Quảng Nam khoảng năm 1886…

Phương pháp biểu hiện của vè gắn với mục đích và đặc điểm thể loại. Vè xuất hiện nhằm đáp ứng sự phản ánh tức thời một sự việc, sự kiện, ngôn ngữ vè mộc mạc, đơn giản, không trau chuốt, gọt dũa, phần lớn các bài vè lại có vận mệnh ngắn ngủi.

Tính đích danh xác thực thể hiện ở tên bài vè, nội dung được phản ảnh trong vè.

vee5

Vè có thể là thơ thể vãn với 3, 4, 5 tiếng một câu nhanh gọn, sắc bén thích hợp yêu cầu tự sự. Thể lục bát dàn trải thích hợp yêu cầu trữ tình. Có bài vè kết hợp cả hai thể thơ như:

Vè giữ trâu

Lẳng lặng mà nghe Nghe vè giữ trâu Ra đứng đầu cầu Khóc mẹ van cha Hai hàng nước mắt rõ xa Cách sông cách núi biết nhà chú đâu Nhà chú có một con trâu Líp nãy nỏ có lấy đầu che mưa Thân tôi đi sớm về trưa Vác cày vác bừa đã mỏi hai vai Chú thuê quan một tôi nài quan hai Tôi ở với ngài đã chẵn hai năm Chú thím ăn rồi dắt nhau đi nằm Bắt tôi xay lúa tối tăm trong nhà…

Mình có thêm 14 bài Vè, 4 video clips, và 1 audio clip dưới đây để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.

Mời các bạn.

Túy Phượng

(Theo Wikipedia)

oOo

vetet18

Vè Tết (miền Nam):

Nghe vẻ nghe ve Nghe vè Tết đến Bạn bè thân mến Cùng nhau sum vầy Sức khỏe tràn đầy Gia đình hạnh phúc Nhà nhà sung túc Mừng đón xuân sang Một nhành mai vàng Bên mâm ngũ quả Tiếng cười rộn rã Vang khắp mọi nhà Đây đó gần xa Tiếng cười trẻ nhỏ Rộn rang ngoài ngỏ Mừng tuổi ông bà Kính chúc mẹ cha Sống lâu hạnh phúc Cháu con xin chúc Làm ăn phát tài An khang thịnh vượng

vee6

Vè Trái Cây (miền Nam)

Nghe vẻ nghe ve nghe vè trái cây Đậu ở trên mây là trái đậu rồng Có vợ có chồng là trái đu đủ Chặt ra nhiều mủ là trái mít ướt Hình tựa gà xước vốn thiệt trái thơm Cái đầu chơm bơm là trái bấp nấu Hình thù xâu xấu là trái cà dái dê Ngứa gãi tê tê là trái mắc mèo Khoanh tay lo nghèo là trái bần ổi Sông sâu chẳng lội là trái mãng cầu Chẳng thấy nàng dâu thật là trái cách Cái bụng óc ách là trái dừa xiêm Hễ chín thâm kim chuối già chuối xứ Tam tung tự tứ là trái dưa gan Vốn ở miền Nam là trái bí rợ Mẹ sai đi chợ vốn thiệt trái dâu Ở những ao sâu là trái bông súng Chẳng nên lễ cúng vốn thiệt trái sung Nhỏ mà cay hung thiệt là ớt hiểm Đánh túc cầu liễm vốn thiệt trái me Nắng mà chẳng che là trái rau mát Rủ nhau chà xát vốn thiệt trái chanh Nhỏ mà làm anh trái đào lộn hột Ăn mà chẳng lột vốn thiệt trái tiêu Thổi nghe ú lên là trái cóc kèn Rủ nhau đi rèn là trái đậu rựa Đua nhau chọn lựa là trái dành dành Cam ngọt cam sành chuối già chuối xứ Những chị lịch sự là táo với hồng Những gái chưa chồng muốn ăn mua lấy

ve3mien1

Vè Cá (miền Nam):

(1)

Con cá nhà giàu là con cá Nục Chặt ra nhiều khúc là con cá Chình Trai gái gập ghình là con cá Ve Chồng nói vợ nghe là con cá Mát

Hết tiền hết bạc là con cá Cờ Tối ngủ hay rờ là con cá Ngứa Ăn ngày ba bữa là con cá Cơm Ăn chưa kịp đơm là con cá Hóc

Dắt nhau lên dốc là con cá Leo Bụng thở phèo phèo là con cá Nóc Có ai trên óc là con cá Ngạnh Đủ vi đủ cánh là con cá Chuồn

Dắt nhau vô buồng là con cá Ngộ Ăn cây lót ổ là con cá Chim Dắt nhau đi tìm là con cá Lạc Đi theo bạn hát là cá Nòng Đầu

Ăn sụp phênh sau là con cá Mối Bỏ vô trong cối là con cá Chày Dở tay chẳng nổi là con cá Liệt Đi theo đoàn xiếc là con cá Cãn

Già đã rụng răng là con cá Móm Con gái cua trai là con cá Ngựa Ngủ còn mơ mộng là con cá Linh Không thấy thân hình là con cá Bóng

Nước cần phải lóng là con cá Phèn Tính em hay ghen là con cá Đổng Sắp sửa làm ông, con cá Bạc Đầu Nói dóc không lâu là con cá Xạo

Cờ nhỏ nhất nhà là con cá Chốt Tính tình quá dốt, con cá Lù Đù Ăn uống như tu là con cá Chay Chữa bệnh rất hay là con cá Dược

vee7

Vè Cá (miền Nam)

(2)

nghe vẻ nghe ve nghe vè loài cá. no lòng phỉ dạ, là con cá cơm. không ướp mà thơm, là con cá ngát. liệng bay thoăn thoắt, là con cá chim. hụt cẳng chết chìm, là con cá đuối. lớn năm nhiều tuổi, là cá bạc đầu. đủ chữ xứng câu, là con cá đối. nở mai tàn tối, là cá vá hai. trắng muốt béo dai, là cá úc thịt. dài lưng hẹp kích, là cá lòng tong. ốm yếu hình dong, là con cá nhái. thiệt như lời vái là con cá linh. cá kình, cá ngạc cá lác, cá dưa. cá voi, cá ngựa, cá rựa, cá dao. úc sào, bánh lái, lăn hải, cá sơn. lờn bơn, thác lác, cá ngác, dày tho. cá rô, cá sặt, cá sát, cá tra. mề gà, dải áo, cá cháo, cá cơm, cá mờn, cá mớn, sặc bướm, chốt hoa. cá xà, cá mập, cát tấp, cá sòng. cá hồng, chim diệp, cá ép, cá hoa. bống dừa, bống xệ, cá be học trò. cá vồ, cá đục, cá nục, lù đù. cá thu trên lá, bạc má bạc đầu. lưỡi trâu hồng chó, là cá lành canh. chim sành cá biếc, cá giếc, cá mè. cá trê, cá lóc, cá nóc, thòi lòi. chìa vôi, cơm lạt, bống cát, bống kèo. chim heo, cá chét, cá éc, cá chuồng. cá duồng, cá chẽm, vồ đém, sặc rằn. mòi đường, bống mú, trà mú, trà vinh. cá hình, cá gộc, cá cốc, cá chày cá dày, cá đuối, cá đối, cá kìm, cá chim, cá vược, cá nược, cá ngừ. cá bui, cá cúi, cá nhái, bã trầu cá nàu, cá dảnh, hủng hỉnh tơi bời. cá khoai, ốc mít, cá tích nàng hai. cá cầy, cá cháy, cá chạch, cá mòi.

vee8

Vè Tôm (miền Nam)

Đầu tóc chôm bôm là đầu con tôm tích Bắt người ăn thịt là ông tôm hùm Danh tiếng lẫy lừng là cô nàng tôm thẻ Chạy theo cùng lũ trẻ là con tép mòng Đắp đập ngăn sông là vợ chồng tôm đất Vô chùa lễ Phật là thím tôm tu Sanh đẻ lu bù là chị tôm trứng Nói năng tùy hứng là chú tôm he Có của hay khoe là thằng tôm bạc Phải trái gì cũng gạt là bác tôm càng Tánh ưa làm tàng là chàng tôm sắt Hay châm hay ngắt là lứa tôm chong Hay núp hay rình là nàng tôm lóng.

chim26

Vè Chim Chóc (miền Nam)

Nghe vẻ nghe ve, Nghe vè chim chóc. Hay moi hay móc, Là con thằng chài. Lông lá thật dài, Là con chim phướn. Rành cả bốn hướng, Là con bồ câu. Giống lặn thật sâu, Là con cồng cộc …

vee9

Vè Rau (miền Nam):

Nghe vẻ nghe ve Nghe vè các rau. Thứ ở hỗn hào, Là rau ngành ngạnh. Trong lòng không chánh, Vốn thiệt rau lang. Đất ruộng bò ngang, Là rau muống biển. Quan đòi thầy kiện Bình bát nấu canh. Ăn hơi tanh tanh, Là rau dấp cá. Có cha có mẹ, Rau má mọc bờ. Thò tay sợ dơ, Nó là rau nhớt. Rau cay như ớt, Vốn thiệt rau răm. Sống trước ngàn năm, Là rau vạn thọ. Tánh hay sợ nợ, Vốn thiệt rau co. Làng hiếp chẳng cho, Nó là rau húng. Lên chùa mà cúng, Vốn thiệt hành hương. Giục ngựa buông cương, Là rau mã đề…

Vè Nói Dóc (miền Nam)

Nhà tôi có một trái lê Con nít cả xóm… nhai ê cả hàm

Nhà tôi có một cái bàn Gỗ bàn làm giấy cho ngàn học sinh

Nhà tôi có một vũng sình Rộng năm trăm mét có hình con trâu

Nhà tôi có một trái bầu Cắt ra ngàn khúc họ thầu mua ngay

Nhà tôi có bàn máy may Một ngày may được triệu hai bộ đồ

Nhà tôi có chiếc đồng hồ Mấy ngàn năm vẫn đúng giờ không sai

Nhà tôi có một cái chai Nước không đậy nắp, đổ hoài không vơi…ơi…ơi…ơi…

Vè Nói Ngược (miền Nam)

Nghe vẻ nghe ve Nghe vè nói ngược Ngựa đua dưới nước Tàu chạy trên bờ Lên núi đặt lờ Xuống sông đốn củi Gà cồ hay ủi Heo nái hay bươi Nước kém ba mươi Mồng mười nước nhảy Ghe nổi thì đẩy Ghe cạn thì chèo Mấy chú nhà nghèo Cho vay bạc nợ Nhà giàu rực rỡ Thiếu trước hụt sau Đòn xóc bổ cau Dao bầu cắt lúa May đồ bằng búa Bửa củi bằng kim Xỏ kim bằng lác Nhà lành dột nát Nhà rách không dột Ăn trầu bằng bột Ăn cháo bằng vôi Giã gạo bằng nồi Nấu cơm bằng cối Ngày rằm trời tối Mùng một sáng trăng.

vee10

Vè Cải dịch y phục (miền Trung):

Bước sang năm mới bình yên, Chiếu vua hạ truyền: Cải dịch y phục, Quan huyện đã giục, Lý trưởng, mục, tiên. Lệnh vua đã truyền. Bắt dân mặc cả.

… Mai phiên chợ Trai, Phải mượn quần chồng. Ðã cực trong lòng, Lại thêm xấu hổ. Không đòi mô chộ, Ăn mặc ra ri. Anh bước chân ra đi, Không quần mà có áo Bắt từ ông lão, Cho đến gái thanh tân, Thân lại lập thân Một người hai bộ.

vee12

Vè Nói Ngược (miền Bắc):

(1)

Nghe vẻ nghe ve Nghe vè nói ngược Non cao đầy nước Đáy biển đầy cây Dưới đất lắm mây Trên trời lắm cỏ Người thì có mỏ Chim thì có mồm Thẳng như lưng tôm Cong như cán cuốc Thơm nhất là ruốc Hôi nhất là hương Đặc như ống bương Rỗng như ruột gỗ Chó thì hay mổ Gà hay liếm la Xù xì quả cà Trơn như quả mít Meo meo là vịt Quạc quạc là mèo Trâu thì hay trèo Sóc thì lội nước Rắn thì hay bước Voi thì hay bò Ngắn như cổ cò Dài như cổ vịt Đỏ như quả quýt Vàng như quả hồng (2)

Bước sang tháng sáu giá chân Tháng chạp nằm trần bức đổ mồ hôi Con Chuột kéo cày lôi thôi Con Trâu bốc gạo vào ngồi trong cong Vườn rộng thì thả rau rong Ao sâu vãi cải lấy ngồng làm dưa Một đàn Bò tắm đến trưa Một đàn con Vịt đi bừa ruộng nương Voi kia nằm ở gầm giường Cóc đi đánh giặc bốn phương nhọc nhằn Chuồn chuồn thấy cám liền ăn Lợn kia thấy cám nhọc nhằn bay qua

Bao giờ cho đến tháng ba Ếch cắn cổ Rắn tha ra ngoài đồng Hùm nằm cho Lợn liếm lông Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi Nắm xôi nuốt trẻ lên mười Con gà ngậm rượu nuốt người lao đao Lươn nằm cho Trúm bò vào Một đàn Cào Cào đuổi bắt Cá Rô Thóc giống cắn Chuột trong bồ Một trăm lá mạ đuổi vồ con Trâu Chim Chích cắn cổ Diều Hâu Gà con tha Quạ biết đâu mà tìm

vee13

Vè Thách Cưới (miền Bắc):

(1)

Em là con gái nhà giàu Mẹ cha thách cưới ra màu sinh sao Cưới em trăm tấm gấm đào Một trăm hòn ngọc, hai mươi tám ông sao trên trời Tráp tròn dẫn đủ trăm đôi Ống thuốc bằng bạc, ống vôi bằng vàng Sắm xe tứ mã đem sang Để quan viên họ nhà nàng đưa dâu Ba trăm nón Nghệ đội đầu Một người một cái quạt Tàu thật xinh Anh về sắm nhiễu Nghi Ðình May chăn cho rộng ta mình đắp chung Cưới em chín chĩnh mật ong Mười cót xôi trắng, mười nong xôi vò Cưới em tám vạn trâu bò Bảy vạn dê lợn, chín vò rượu tăm Lá đa mặt nguyệt hôm rằm Răng nanh thằng Cuội, râu hàm Thiên Lôi Gan ruồi mỡ muỗi cho tươi Xin chàng chín chục con dơi góa chồng Thách thế mới thỏa trong lòng Chàng mà lo được thiếp cùng theo chân

(2)

Trên trời có đám mây xanh Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng Ước gì ta lấy được nàng Hà Nội, Nam Ðịnh dọn đàng đưa dâu Tỉnh Thanh cung đốn trầu cau Nghệ An thì phải thui trâu mổ bò Hưng Yên quạt nước hỏa lò Thái bình thì phải giã giò gói nem Ninh Bình trải chiếu bưng mâm Hải Dương vót đũa, Phủ Ðông đúc nồi Sơn tây gánh đá nung vôi Bắc Cạn thời phải thổi xôi nấu chè Gia Ðịnh hầu điếu hàng xe Phủ Ðình thời phải chém tre bắc cầu Anh mời mười tám nước chư hầu Nước Tây, nước Tàu anh gởi tận nơi

oOo

Vè Tết:

Vè Ông Táo xưa: https://www.youtube.com/watch?v=uI6vlCYhRSo

Vè Rau Quả:

Vè Chợ – Quốc Hoà, Bích Phượng:

Vè Huế – NGƯỜI HÀNG XÓM (Thơ Nguyễn Bính) – Nghệ sĩ Lài Tâm (audio): Click vào đây để nghe

Share this:

  • Facebook
  • Email
  • More
  • Print
  • Twitter
  • Reddit
Like Loading...

Related

Từ khóa » Bài Vè Nam Bộ