Đàn Chapi Của Người Raglai - VnExpress

Sau một ngày lao động vất vả trên nương rẫy, ông Bubu Viết, 66 tuổi, ở thôn Ma Nai, xã Phước Thành, ôm cây đàn Chapi lên nhà sàn. Mắt nhìn về dãy núi phía trước xa xăm, ông ngân nga bài ca bằng tiếng Raglai mà ông học thuộc được từ thời thơ ấu. Âm thanh từ ống đàn Chapi phát ra nhịp nhàng, lúc trầm lúc bổng, văng vẳng âm điệu núi rừng.

Ông Viết cho biết, Chapi là cây đàn gắn liền với ông từ bé. Năm lên 10 tuổi, ông đã được cha truyền dạy cách gảy đàn và những điệu nhạc đầy cảm xúc của người Raglai. Những bạn đồng trang lứa với ông cũng vậy, ai cũng biết chơi đàn Chapi.

Ông Bubu Viết, người Raglai ở Bác Ái đang chơi đàn Chapi trên nhà sàn. Ảnh: Việt Quốc.

Ông Bubu Viết, người Raglai ở Bác Ái đang chơi đàn Chapi trên nhà sàn. Ảnh: Việt Quốc.

Ông kể, hồi đó trong làng, gần như nhà nào cũng sở hữu một cây đàn Chapi để hát ca trong lễ hội ở làng hoặc mang lên núi, lên rẫy giải sầu. Đối với thanh niên, những đêm trăng sáng, trai gái trong làng qua nhà nhau chơi, ngỏ ý cùng nhau cũng thông qua tiếng đàn Chapi dìu dặt.

Theo ông Viết, đàn Chapi ban đầu được người xưa chế tác phỏng theo tiếngmã la, một loại chiêng không có núm, còn gọi là chiêng bằng, được dùng phổ biến trong các lễ hội của người Raglai, phổ biến nhất là 3 lễ hội: bỏ mả, báo hiếu và ăn lúa mới. Nhưng thời đó, mã la không dễ có được, vì quá đắt. Mỗi bộ mã la có giá trị hơn cả đàn trâu chục con.

Người nghèo không thể nào sở hữu được mã la, nhưng vì mê âm nhạc, họ đã tự mày mò chế tác bộ đàn bằng tre gọn gàng phỏng âm thanh của dàn mã la. Với mười ngón tay, người đàn có thể điều khiển cả một đội "mã la" 4-6 người thông qua cây đàn tre độc đáo này. Âm thanh không kêu to, nhưng cũng đủ nghe trong không gian một căn nhà.

Nó tiện lợi vì dễ mang đi. "Những lúc lên rừng, lên rẫy ngủ lại một mình, chúng tôi cũng thường mang theo để hát giải sầu", ông Viết nói.

Ông cho biết làm đàn Chapi không khó. Một ống tre to tròn được cưa chừa lại hai mắt, dài khoảng hai gang tay (40 cm). Hai màng mắt được đục thông lỗ để âm thanh phát ra. Trên thân ống có 6 cặp dây được vót nhẵn từ chính vỏ của ống tre đó.

Mỗi đầu dây có chêm một miếng đôn tre nhỏ xíu như đầu đũa di chuyển lên xuống để căng hạ dây đàn trầm bổng. Muốn kêu bổng thì đẩy lên căng, còn trầm thì kéo xuống. Chính giữa mỗi cặp đây có một miếng tre vuông vức cài chặt ở giữa để làm phím gảy. Tại mỗi vị trí này trên thân đàn, thợ trui lỗ để tiếng đàn đi vào trong khuếch đại ra hai đầu ống.

Ông Viết cho biết, tre lồ ô làm đàn Chapi phải là tre già lấy trên núi cao. Sau khi mang về nhà, ông phơi trên giàn bếp khoảng một tháng mới mang ra chế tác. "Tre già đủ độ dẻo dai mới có thể làm ra những chiếc đàn có độ bền và phát ra âm thanh hay", ông nói.

Đàn Chapi, khèn bầu, sáu bầu... là những loại nhạc cụ gắn liền với đời sống tinh thần của người Ralgai ở Bác Ái (Ninh Thuận). Ảnh: Việt Quốc.

Từ trái qua: khèn bầu, đàn Chapi, sáu bầu..., những loại nhạc cụ gắn liền với đời sống tinh thần của người Ralgai ở Bác Ái (Ninh Thuận). Ảnh: Việt Quốc.

Ở cách nhà ông Viết chưa tới một km, ông Chamalé Liếp, 79 tuổi, cũng là người thành thạo đàn Chapi, mã la và khèn bầu ở thôn Ma Nai này. Hàng ngày ông cũng ôm đàn Chapi mỗi khi thảnh thơi công việc. Có khi, ông cùng ông Viết rủ nhau chơi hòa tấu giữa Chapi với kèn bầu hoặc mã la.

Ông Liếp nói, âm nhạc của người Raglai thường phỏng theo tiếng nước chảy, tiếng chim hót, tiếng lá cây reo... Phỏng theo âm thanh thiên nhiên, nên chủ yếu được truyền miệng, không có phương pháp ký âm như âm nhạc của phương Tây và các dân tộc khác.

Ông cho rằng bây giờ do không gian lễ hội không còn như xưa cũng như ảnh hưởng của các trào lưu mới, việc chơi đàn Chapi đang bị mai một trong các buôn làng người Raglai. Do vậy, nếu không kiên trì truyền dạy, ông lo ngại rằng mai này thế hệ sau sẽ không còn nhớ về bản sắc văn hóa dân tộc.

Ông Liếp cùng ông Viết đang nỗ lực để truyền dạy Chapi và một số loại nhạc cụ truyền thống khác của dân tộc cho thế hệ trẻ. Vào ngày cuối tuần, nhà sàn ông Liếp thường đón nhận hơn chục thanh niên và học sinh đến học đàn Chapi, mã la và kèn bầu...

"Bài hát Giấc mơ Chapi của nhạc sĩ Trần Tiến nổi tiếng khắp cả nước, nhưng thật buồn nếu lớp trẻ người Ralgai không còn mặn mà với chính cây đàn Chapi của dân tộc", ông Liếp nói.

Đàn Chapi của người Raglai Đàn Chapi của người Raglai

Ông Bubu Viết cùng ông Chamalé Liếp hòa tấu Chapi và khèn bầu. Video: Việt Quốc.

Mới đây, thông qua đề án Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025, UBND huyện Bác Ái đã hỗ trợ thêm kinh phí cho các xã thuần đồng bào Ralgai mở các lớp học nhạc cụ dân tộc cho lứa tuổi thanh niên và học sinh địa phương.

Ông Trần Văn Toàn, Trưởng phòng Văn hóa huyện Bác Ái cho biết đề án bước đầu đã phát huy hiệu quả, nhưng yếu tố quyết định vẫn chính là con người. "Các nghệ nhân như cụ Liếp, cụ Viết hăng say truyền thụ. Hy vọng những năm tới, sẽ có nhiều bạn trẻ Raglai biết sử dụng nhạc cụ dân tộc của mình", ông Toàn nói.

Việt Quốc

Từ khóa » Cây đàn Chapi ở đâu