Đàn Heo Càng Nhiều, Thua Lỗ Càng Lớn - Tuổi Trẻ Online

Đàn heo càng nhiều, thua lỗ càng lớn - Ảnh 1.

Nhiều người chăn nuôi thua lỗ nặng do giá heo xuống thấp hơn giá thành từ 1,5 - 2 triệu đồng/con/100kg - Ảnh: A LỘC

Heo quá lứa lên đến 130 - 140kg/con vẫn không bán được, dù giá đã xuống mức khoảng 30.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá thành.

Với giá heo hơi xuất chuồng thấp hơn giá thành chăn nuôi 1,5 - 2 triệu đồng/con/100kg, nhiều người chăn nuôi heo đang thua lỗ nặng, phải treo chuồng. Theo Cục Chăn nuôi VN, nếu không nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ khâu tiêu thụ, nguy cơ thiếu thịt heo cục bộ trong quý 4-2021 và Tết Nguyên đán năm nay rất cao.

Bán dưới giá thành vẫn khó tiêu thụ

Vừa bán xong lứa heo hơn 80 con với giá 43.000 đồng/kg vào tuần trước, ông Nguyễn Văn Tấn (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) cho biết sẽ không nuôi tiếp mà chỉ tập trung chăm sóc hơn 100 con heo choai trong chuồng với hy vọng 2 tháng tới giá sẽ tăng lên để gỡ vốn. "Lứa heo này lỗ nặng, mỗi con heo bán ra tôi lỗ tiền triệu chứ không ít" - ông Tấn than thở.

Cách đây gần 4 tháng, thấy giá heo hơi vẫn ở mức khoảng 60.000 đồng/kg, ông Tấn đã mua heo con với giá 3,2 triệu/con về nuôi với hy vọng kiếm được vài đồng lời. Nhưng mọi chuyện không như kỳ vọng. Giá giống cộng với tiền thức ăn chăn nuôi và công chăm sóc, giá thành nuôi lứa vừa rồi lên tới xấp xỉ 50.000 đồng/kg, trong khi giá heo xuất chuồng ngày một giảm.

Giám đốc một công ty chăn nuôi tại Đồng Nai cho hay tình hình chăn nuôi từ nay đến cuối năm rất xấu. Ngày 14-10, heo hơi loại đẹp đang được bán với giá 38.000 - 39.000 đồng/kg, giảm khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg so với tuần trước. Nhưng rất nhiều heo quá lứa (trên 130kg/con) chỉ có giá 31.000 - 32.000 đồng/kg, cá biệt có trang trại phải bán giá 25.000 - 27.000 đồng/kg.

t"Tiêu thụ chính thịt heo, thịt gà là công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp tại các khu công nghiệp nhưng nhiều nhà máy vẫn đóng cửa, hàng trăm ngàn công nhân đã bỏ về quê nên tiêu thụ thịt cũng giảm sút. Nguồn cung dư thừa, giá heo và giá gà thời gian tới sẽ còn giảm nữa" - vị giám đốc này cho biết.

Ông Nguyễn Kim Đoán, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho biết lượng heo hơi mới chỉ tiêu thụ được khoảng 20 - 30%. Thời điểm trước tháng 6-2021, TP.HCM tiêu thụ bình quân khoảng 6.000 - 7.000 con heo/ngày. Nhưng những tháng giãn cách, con số tiêu thụ chỉ còn khoảng 1.200 con/ngày. Trong ba tháng qua, lượng heo tồn trong trại rất nhiều với hơn 300.000 con.

Nông dân bỏ đàn, công ty giảm công suất

Ông Lê Xuân Huy, phó tổng giám đốc Công ty chăn nuôi CP Việt Nam, thừa nhận lượng heo tồn trong chuồng trại đến ngày xuất bán còn rất lớn nhưng chưa tiêu thụ được. Ngay cả với việc các địa phương hết giãn cách và nhu cầu tăng lên bằng khoảng 80% so với trước khi giãn cách thì cũng phải ít nhất 2 tháng nữa mới tiêu thụ hết lượng heo còn tồn trong các chuồng trại.

"Đó là chưa kể trong thời gian đó, heo con và heo choai trong chuồng cũng lớn lên đủ trọng lượng cung cấp ra thị trường, chưa kể dịch bệnh phức tạp thì nguy cơ ế ẩm rất lớn" - ông Huy nhận định. Do giá heo xuống quá thấp, nhiều nông dân và doanh nghiệp đã giảm đàn để cắt lỗ. Giá heo giống từ mức cao điểm 3,1 - 3,2 triệu đồng/con xuống chỉ còn 1 - 1,1 triệu đồng/con nhưng rất ít người mua.

Ông Đinh Văn Đức, người nuôi heo tại Trảng Bom (Đồng Nai), nói: "Theo kế hoạch năm nay, tôi sẽ đưa tổng đàn về mức gần 1.000 con như hồi trước dịch tả heo châu Phi. Nhưng với tình hình hiện tại, tôi chỉ duy trì tổng đàn gần 400 con cả heo nái và heo con vì dự báo sắp tới giá sẽ còn xuống nữa".

Theo ông Nguyễn Văn Trọng - phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), nhiều hộ chăn nuôi và trang trại nhỏ vẫn đang phải nuôi cầm cự heo quá lứa, trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi thời gian qua tăng phi mã với hơn 40%. Điều này khiến các hộ chăn nuôi rơi vào tình trạng cạn vốn. "Nếu không nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ khâu tiêu thụ, nguy cơ thiếu thịt heo cục bộ trong quý 4-2021 và Tết Nguyên đán năm nay rất cao" - ông Trọng khuyến cáo.

Đàn heo càng nhiều, thua lỗ càng lớn - Ảnh 2.

Dù giá heo xuất chuồng giảm mạnh, giá thịt heo tại các điểm bán lẻ chưa giảm tương ứng, gây ảnh hưởng đến việc tiêu thụ heo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Phải hỗ trợ người chăn nuôi

Theo ông Lê Thanh Phương - giám đốc Công ty TNHH Emivest VN, số liệu được Bộ NN&PTNT công bố cho biết tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm cả nước tương đương khoảng 20 triệu tấn mỗi năm.

Nếu chia theo cơ cấu các sản phẩm chăn nuôi và với giá bán như thời gian qua, nông dân và các công ty chăn nuôi VN đã bị thua lỗ không dưới 80.000 tỉ đồng trong năm 2021. "Ngành chăn nuôi thua lỗ chủ yếu là do lưu thông hàng hóa bị gián đoạn, chuỗi cung ứng bị đứt gãy... khi các địa phương áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch" - ông Phương nói.

Theo GS.TS Lã Văn Kính - nguyên phó viện trưởng Viện Chăn nuôi VN (Bộ NN&PTNT), khi nguồn cung bị giảm mạnh và giá thịt heo tăng cao vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công thương đã có nhiều biện pháp để hạ nhiệt giá heo, kể cả biện pháp phi thị trường như "yêu cầu" các công ty chăn nuôi lớn phải giảm giá heo hơi.

Đặc biệt, lần đầu tiên VN cho nhập khẩu heo sống (từ Thái Lan) về giết thịt, chưa kể mở toang cửa cho thịt heo đông lạnh tràn vào VN nhằm kéo giá heo xuống.

Như vậy, khi giá heo tăng nóng, chủ yếu là do nguồn cung sụt giảm mạnh bởi dịch bệnh, người nông dân không được hưởng trọn vẹn lợi nhuận lẽ ra được hưởng khi đã chấp nhận rủi ro (dịch tả heo châu Phi) để đầu tư nuôi heo.

Thế nhưng khi giá heo xuống thấp và người chăn nuôi đang lỗ 1,5 - 2 triệu đồng/con như hiện nay, thậm chí trắng tay chỉ sau 3 tháng vừa qua và khó có khả năng tái đàn, người chăn nuôi hầu như không nhận được chính sách hỗ trợ nào.

Theo ông Lã Văn Kính, VN có khoảng 2 triệu hộ dân còn chăn nuôi, tương đương với 8 triệu người gắn với chăn nuôi heo, đang bị ảnh hưởng nặng vì giá heo giảm quá sâu. Do đó, Nhà nước cần có những chính sách để hỗ trợ người chăn nuôi như một hình thức hỗ trợ tác động bởi COVID-19.

"Giá heo xuống quá thấp hiện nay không phải lỗi của người chăn nuôi mà là do dịch bệnh COVID-19, cùng với đó là những biện pháp phòng chống dịch cực đoan, không thống nhất dẫn đến lưu thông đứt gãy, nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm" - ông Kính nói.

GS.TS Lã Văn Kính (nguyên phó viện trưởng Viện Chăn nuôi VN):

Cần hàng rào kỹ thuật, thuế quan để bảo vệ chăn nuôi

Ngoài việc sử dụng hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu thịt heo đông lạnh, qua đó hỗ trợ cho ngành chăn nuôi trong nước, tôi cho rằng Bộ Công thương cũng cần vào cuộc để giúp kéo giảm giá thịt heo đến tay người tiêu dùng vì giá heo tại trại bán ra giảm sâu nhưng giá thịt heo bán tại chợ giảm chưa tương xứng.

Cùng với thu nhập của người dân giảm sút vì dịch bệnh, chỉ có giảm giá thịt heo bán lẻ mới tăng nhu cầu tiêu dùng, giúp giá heo hơi hồi phục. Việc cần có hệ thống kho trữ lạnh để thu gom trữ heo giá rẻ cũng cần xúc tiến ngay, sau nhiều lần được đưa ra bàn bạc mà chưa thấy triển khai.

Phải tăng thuế nhập khẩu thịt heo, thịt gia cầm

Trong văn bản vừa được gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Hội Chăn nuôi VN kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công thương kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là sản phẩm giá rẻ và vật nuôi sống thương phẩm.

Chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh tăng hoặc giữ mức thuế nhập khẩu với mặt hàng thịt heo, thịt gia cầm; giảm thuế nhập khẩu với ngô, đậu tương và điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu một số nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, cần có gói chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất ngành chăn nuôi, đặc biệt là hỗ trợ lãi suất cho người chăn nuôi vay vốn tái đàn.

Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm soát chặt nhập khẩu thịt để Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm soát chặt nhập khẩu thịt để 'cứu' giá thịt heo, gà

TTO - Giá heo xuất chuồng tại nhiều nơi đã xuống dưới 40.000 đồng/kg, giá gia cầm cũng đang ở mức thấp khiến nông dân thua lỗ.

Từ khóa » Hình ảnh đàn Heo đang ăn