Đàn ông Nên Nghe Lời Mẹ Hay Vợ? - VnExpress

Mối quan hệ giữa mẹ chồng - nàng dâu luôn là mối quan hệ khó dung hòa. Có một số người đàn ông không đủ thông minh, khéo léo và bản lĩnh trong cư xử giữa một bên là mẹ, một bên là vợ, đã khiến cho mẹ hoặc vợ bị tổn thương khi không được lựa chọn.

Đây cũng là một nguyên nhân khiến cho tình cảm vợ chồng bị rạn nứt, mối quan hệ gia đình bất hòa. Thậm chí có nhiều cặp đôi vì mâu thuẫn xuất phát từ mẹ chồng - nàng dâu mà dẫn đến ly thân, ly hôn...

Có người bạn học cấp ba của tôi sau khi sinh con gái được hai tuổi, giữa cô ấy và chồng phát sinh mâu thuẫn. Nguyên nhân không phải do anh chồng ngoại tình, cũng không phải do chồng cờ bạc, rượu chè, đánh vợ, đánh con... mà là do chồng nhu nhược nhất nhất nghe theo lời mẹ đẻ.

Tất cả mọi việc, chồng đều chỉ nghe lời của mẹ, quay ra cãi nhau với vợ. Mẹ không những không khuyên giải cho hai vợ chồng hàn gắn mà lại "đổ thêm dầu vào lửa" khi nói thêm nhiều điều không tốt về con dâu với con trai mình, làm cho mối quan hệ giữa hai vợ chồng càng thêm căng thẳng, không dung hòa nổi.

Vốn là người thẳng tính nên những lời cô bạn tôi nói khiến chồng, mẹ chồng không hài lòng. Mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu ngày càng trầm trọng, cô bạn tôi ấm ức bởi chồng không bảo vệ mình, chỉ nghe lời mẹ. Khi không chịu đựng được, hai vợ chồng bạn tôi đã lựa chọn sống ly thân, chồng dọn ra ngoài thuê nhà trọ ở, mẹ con bạn tôi sống với nhau.

>> Vợ chồng con trai lạnh nhạt sau khi tôi sang tên nhà

Trường hợp của cô bạn khác của tôi cũng tương tự. Chồng vì quá tin và nghe theo lời mẹ nên đã khiến người vợ tuyệt vời của mình chịu nhiều tổn thương, khiến cho cuộc hôn nhân đang bên bờ vực thẳm của sự tan vỡ. Bất cứ chuyện gì, chồng bạn cũng hỏi ý kiến mẹ và nghe mẹ chỉ bảo từng chút.

Mẹ chồng bạn nói gì thì chồng bạn cũng làm theo mà không hề có chính kiến của bản thân từ công việc đến cả đối với vợ con, gia đình nhà vợ. Nếu hai vợ chồng có muốn làm gì thì chồng bạn cũng đều hỏi mẹ cho dù đó là tiền của vợ chồng bạn. Dường như, chồng bạn không hề có chính kiến hoặc quyền làm chủ trong bất cứ chuyện gì.

Hay một người bạn khác của tôi rất hay cãi nhau chỉ vì vợ chồng không ai nhịn ai. Và vấn đề liên quan đến mẹ chồng. Cô ấy không hợp với mẹ chồng. Có vấn đề gì, mẹ chồng không nói trực tiếp. Nhưng lại có cách nói bóng gió khiến cô ấy khó chịu.

Chính sự khác nhau trong cách sống khiến bất đồng dễ xảy ra. Hay việc con dâu thì ra ngoài làm việc, mặc váy áo thời trang. Nhưng mẹ chồng lại không muốn như vậy, bà yêu cầu giản dị, không mua sắm tốn kém.

Hoặc con dâu thuê giúp việc đến dọn nhà theo giờ, mẹ chồng cũng không hài lòng vì cho rằng con dâu lười, được nghỉ làm cuối tuần nhưng không chịu dọn nhà mà lại thuê giúp việc đến làm, tốn tiền mặc dù đó là tiền của con dâu trả chứ không phải tiền của mẹ chồng trả.

Chồng cô ấy không có lập trường, cái gì cũng nghe theo mẹ và bênh mẹ ra mặt. Cứ mỗi lần cãi nhau là chồng toàn đòi ly hôn và đuổi vợ con ra khỏi nhà.

Thậm chí, có trường hợp mẹ chồng và con dâu mâu thuẫn là do khác nhau trong cách nuôi dạy trẻ. Những người mẹ chồng ở thế hệ trước luôn nuôi con theo kinh nghiệm dân gian, áp dụng cách nuôi con ngày xưa lên cháu mình và thường xót cháu khi thấy cháu phải học nhiều.

Theo quan điểm của mẹ chồng thì ngày xưa bà nuôi bố nó cũng chỉ học trường làng mà vẫn thi đỗ đại học, vẫn đi làm, kiếm tiền giỏi. Cần gì phải bắt cháu bà học lắm thứ thế. Ban ngày thì học cả ngày ở trường, tối hay cuối tuần lại đi học thêm văn hóa, học đàn, học hát, học kỹ năng sống... không có thời gian để chơi, không có thời gian trò chuyện hay về quê thăm ông bà. Như thế là không tốt.

Còn các nàng dâu trẻ bây giờ họ nuôi dạy con theo phương pháp khoa học. Trẻ em sống ở thành phố có điều kiện sống và học tập tốt hơn trẻ em ở nông thôn nhưng cũng phải chịu nhiều áp lực, cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Muốn con vào học trường điểm thì ngay từ lớp 1 đã phải cho con đi học ôn và thi tuyển đầu vào trong khi trẻ em ở nông thôn cứ đến tuổi là đi học.

>> Chồng phải là người giải quyết mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu

Thi đại học, học sinh ở miền núi và nông thôn được cộng điểm ưu tiên còn học sinh ở thành phố thì không được. Cùng một kết quả thi nhưng nếu là học sinh ở miền núi thì sẽ thi đỗ đại học nhưng học sinh ở thành phố thì sẽ trượt đại học. Với tốc độ phát triển nhanh như bây giờ, nếu không đầu tư, không cố gắng trang bị nhiều kiến thức, nhiều kỹ năng thì sẽ bị xã hội đào thải không thương tiếc.

Trẻ em nếu chỉ học mỗi văn hóa ở trường là không đủ, cần học rất nhiều kỹ năng và môn khác bổ trợ. Nhất là với những em học sinh có mơ ước thi đỗ học bổng đi du học nước ngoài, lại càng cần phải nỗ lực hơn rất nhiều để đạt được các tiêu chuẩn thi tuyển đầu vào vô cùng khắt khe.

Nếu muốn học nhàn, có nhiều thời gian chơi thì sẽ không bao giờ đạt được mơ ước thi đỗ các trường đại học tốp đầu trong nước hay thi đỗ học bổng đi du học. Bởi vì, muốn đạt được thành công gì đó dẫu nhỏ đều cần phải trải qua muôn vàn vất vả, khó khăn. Dẫu biết rằng mẹ chồng vẫn luôn dành tình yêu thương cho cháu. Nhưng khi con dâu làm không theo cách của mẹ chồng. Thì đa phần sẽ có bất đồng xảy ra.

Nói về tâm lý chung, tất cả những bà mẹ có con trai, mất bao công sức khó nhọc để nuôi dạy con mình nên người, đến ngày con khôn lớn, lại yêu và cưới một người xa lạ, tình cảm bị chia sẻ, sẽ cảm thấy không vui khi con trai nghe lời vợ hơn nghe lời mình.

Còn tâm lý của những người phụ nữ trẻ khi lấy chồng đều có mong muốn là chồng yêu thương, che chở, đồng hành, làm chỗ dựa. Thế nhưng, đôi khi lại gặp người chồng nhu nhược, ỷ lại vào mẹ, luôn nghe lời mẹ dẫn đến làm tổn thương vợ.

Mâu thuẫn giữa mẹ chồng - nàng dâu đa phần thường xuất hiện khi tất cả cùng sống chung trong một ngôi nhà. Có muôn vàn lý do để hai bên mâu thuẫn. Cùng là một vấn đề nhưng nếu là xảy ra giữa mẹ đẻ và con gái thì không có vấn đề gì, nhưng khi xảy ra giữa mẹ chồng và nàng dâu thì lại trở thành vấn đề lớn, mâu thuẫn không thể dung hòa.

>> 'Con dâu có giáo dục sẽ không cãi mẹ chồng'

Đây là một bài toán vô cùng khó giải cho người chồng, người con trai trong gia đình. Vậy làm thế nào để cân bằng mối quan hệ đó trong gia đình? Làm thế nào để mẹ chồng không còn là căn nguyên dẫn đến hai vợ chồng sống ly thân hay ly hôn? Làm thế nào để người đàn ông không làm mẹ hay vợ bị tổn thương khi không lựa chọn họ? Vấn đề này thực sự không dễ dàng, nhưng cũng không phải là không thể giải quyết. Nó phụ thuộc vào người đàn ông đó có đủ thông minh, đủ khéo léo và đủ bản lĩnh hay không.

Đúng là phận làm con thì cần phải nghe lời cha mẹ nhưng khi đã trưởng thành thì cũng cần phải có sự độc lập, quyết đoán của riêng bản thân mình. Sự hiếu thảo với cha mẹ không nhất thiết là chuyện gì cũng phải nhất mực nghe lời cha mẹ. Không nên nghĩ rằng làm con có hiếu là phải nhắm mắt nghe những lời của mẹ mình mà ruồng bỏ vợ con. Như vậy là tự mình đạp đổ đi hạnh phúc của mình.

Người đàn ông khéo léo dung hòa được mối quan hệ giữa mẹ và vợ cần phải học rất nhiều kỹ năng:

Kỹ năng lắng nghe. Hãy nói chuyện và lắng nghe mẹ và vợ của bạn. Mọi người đều mong muốn được lắng nghe. Mẹ là người đã sinh thành và nuôi bạn đến khi bạn trưởng thành.

Vợ là người phụ nữ quan trọng thứ hai trong cuộc đời của bạn. Nàng kết hôn với bạn, đến chung sống với bạn và cùng bạn vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc đời. Cả hai người phụ nữ ấy đều xứng đáng để bạn yêu thương và tôn trọng.

Luôn giữ thái độ trung lập, khách quan, không nghiêng về phía ai. Khi đứng trước mâu thuẫn giữa mẹ và vợ, không nên hùa theo một phía và buộc tội người còn lại, chẳng hạn như nghe theo mẹ mà phàn nàn, chê trách, chửi mắng, hắt hủi vợ hay ngược lại.

Bạn không nên nói xấu, chê bai người này với người kia. Bạn phải đóng vai trò trung gian làm cầu nối để mẹ và vợ thấu hiểu nhau hơn, bạn cũng tuyệt đối không đứng về phía ai, bạn phải luôn giữ vai trò của mình, bạn cũng tuyệt đối không nên chỉ ra lỗi sai của ai trước mặt hai người vợ và mẹ bạn.

Bạn không được bỏ mặc mẹ và vợ muốn tranh cãi gì thì tranh cãi, những gì bạn để ý thấy đó sẽ là nguy cơ cho một cuộc chiến về sau thì bạn cần góp ý ngay.

Kỹ năng chia sẻ, giải quyết mâu thuẫn một cách khéo léo giữa mẹ và vợ. Bạn hãy trò chuyện với vợ, phải có sự thấu hiểu, hiểu cho vợ tại sao vợ lại có hành động như vậy, sau đó hãy hỏi vợ mình xem cảm xúc của vợ như thế nào?

Từ đó, bạn có thể chia sẻ với vợ điều gì khiến mẹ trở nên khó chịu với vợ, giải thích cho vợ để vợ hiểu mẹ hơn. Bạn cần có lời lẽ khéo léo, không nên để vợ hiểu lầm là bạn đang đứng về phía mẹ và chỉ trích cô ấy.

>> Tôi tìm hiểu và cưới vợ như thế nào

Bạn hãy trò chuyện với mẹ nhằm để bạn thấu hiểu cho mẹ vì sao mẹ thường có mâu thuẫn với vợ. Bạn cũng cần giải thích cho mẹ về tính cách của vợ bạn, rồi bạn đề nghị cả ba người bạn, mẹ và vợ cùng nói chuyện để cùng hoá giải mâu thuẫn.

Người đàn ông càng trưởng thành, họ sẽ càng biết ơn người sinh thành ra mình. Họ không thể vì tình yêu của mình mà làm mẹ tổn thương. Ngược lại, người vợ sẽ đồng hành cùng họ trong suốt quãng đời còn lại, họ lại rất mực tôn trọng và thương yêu. Một người chồng, người con trai tâm lý sẽ cố gắng tìm cách để cả hai cùng hạnh phúc.

Tóm lại, mẹ là người sinh bạn đã có công nuôi dưỡng bạn, bạn cần tôn trọng mẹ; vợ cũng là ở bên cạnh bạn, đồng hành với bạn trong cuộc đời. Cả hai người đều rất quan trọng, mâu thuẫn giữa hai người có được hóa giải hay không phụ thuộc rất nhiều vào bạn.

Người chồng đứng giữa mẹ và vợ phải hẳn phải có sức chịu đựng rất cao, là người rất tâm lý, thông minh, bản lĩnh và có cách ứng xử vô cùng khôn khéo mới có thể hòa giải và khiến cho mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trở nên tốt đẹp.

Tùy vào nguồn gốc của vấn đề, người đàn ông không nên chỉ nghe theo mẹ hay chỉ nghe theo vợ, mà cần phải có cách nhìn nhận khách quan, cư xử khéo léo, tinh tế để hóa giải mẫu thuẫn, tránh để mâu thuẫn lên cao trào dẫn đến nhiều tình huống đáng tiếc.

Vũ Thị Minh Huyền

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

  • Bố mẹ chồng không cho đứng tên sổ đỏ
  • Cốt lõi giải quyết mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu
  • 'Nguyên nhân của bi kịch mẹ chồng - nàng dâu là do phụ nữ xem thường lẫn nhau'
  • Đấu tranh Tết ngoại

Từ khóa » đàn ông Không Bênh Vợ