Dân Số Thế Giới Sắp Chạm Ngưỡng 8 Tỷ Người

Kể từ năm 1990, Ngày Dân số thế giới là sự kiện thường niên diễn ra vào ngày 11/7 hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến gia tăng dân số trên toàn thế giới.

Mọi người đổ xô đến bãi biển Juhu trên bờ biển Ả Rập trong một ngày thời tiết nóng ẩm ở Mumbai, Ấn Độ, ngày 8/5/2022. (Ảnh: Rafiq Maqbool/AP)

Trong một tuyên bố đưa ra vào dịp này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh con số trên là lời nhắc nhở về trách nhiệm chung trong việc quan tâm đến hành tinh cũng như để suy nghĩ về việc thế giới vẫn còn thiếu các cam kết. Người đứng đầu Liên hợp quốc khẳng định, Ngày Dân số thế giới là dịp tôn vinh sự đa dạng cũng như những tiến bộ đạt được trong y tế, qua đó giúp kéo dài tuổi thọ và giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em.

Thông điệp nhân ngày Dân số thế giới năm nay của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres là hãy tập trung vào từng con người, đảm bảo thế giới của chúng ta có thể hỗ trợ nhu cầu của chúng ta và nhu cầu của các thế hệ tương lai. Người đứng đầu Liên hợp quốc cũng kêu gọi bảo vệ quyền con người và khả năng của tất cả các cá nhân để đưa ra lựa chọn sáng suốt về việc sinh con và thời điểm thực hiện điều này.

Theo báo cáo Triển vọng dân số thế giới năm 2022 của Liên hợp quốc, tốc độ dân số thế giới đã ở mức thấp nhất kể từ năm 1950 và giảm xuống dưới 1% vào năm 2020. Dân số thế giới có thể tăng lên khoảng 8,5 tỷ người vào năm 2030, đạt mốc 9,7 tỷ người vào năm 2050 và đạt đỉnh khoảng 10,4 tỷ người trong những năm 2080. Trong đó, các nước châu Phi cận Sahara dự kiến đóng góp hơn một nửa mức tăng dự kiến cho đến năm 2050.

Báo cáo cho biết, hơn một nửa mức tăng dự kiến đến năm 2050 sẽ tập trung ở 8 quốc gia gồm: Cộng hòa Dân chủ Congo, Ai Cập, Ethiopia, Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Philippines và Tanzania.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề kinh tế, xã hội Lưu Chấn Dân lưu ý, dân số tăng nhanh khiến cho những nỗ lực xóa đói giảm nghèo, chống nghèo đói, suy dinh dưỡng và tăng độ bao phủ của hệ thống y tế, giáo dục trở nên khó khăn hơn. Ở chiều ngược lại, việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là các mục tiêu liên quan đến y tế, giáo dục và bình đẳng giới, lại góp phần giảm mức sinh và làm chậm tốc độ tăng dân số toàn cầu.

Báo cáo Triển vọng dân số thế giới năm 2022 của Liên hợp quốc dự báo, do mức sinh thấp được duy trì và trong một số trường hợp kết hợp với tỷ lệ di cư tăng cao, dân số của 61 quốc gia hoặc khu vực trên thế giới sẽ giảm 1% trở lên trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2050.

Tỷ lệ dân số toàn cầu ở độ tuổi 65 trở lên dự kiến sẽ tăng từ 10% vào năm 2022 lên 16% vào năm 2050.

Từ những lập luận nêu trên, Liên hợp quốc khuyến nghị các quốc gia có cơ cấu dân số già cần điều chỉnh các chương trình cho phù hợp với tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng, thông qua việc cải thiện tính bền vững của hệ thống an sinh xã hội và lương hưu cũng như thiết lập hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân và chăm sóc dài hạn.

Theo dự báo của Liên hợp quốc, tuổi thọ trung bình của dân số thế giới được dự báo là khoảng 77,2 năm vào năm 2050 với tỷ lệ tử vong tiếp tục giảm xuống mức thấp. Điển hình như vào năm 2019, tuổi thọ trung bình của con người là 72,8 tuổi, tăng gần 9 năm kể từ năm 1990.

Tuy nhiên, vào năm 2021, tuổi thọ trung bình của dân số thế giới giảm xuống còn 71 tuổi, với nguyên nhân chính là do tác động của đại dịch COVID-19, trong khi tuổi thọ của người dân ở các nước kém phát triển nhất lại thấp hơn 7 năm so với mức trung bình toàn cầu./.

Từ khóa » Dân Số Cả Thế Giới Năm 2020