Dân Số - UBND Thành Phố Đà Nẵng

1. Quy mô

Đà Nẵng hiện là địa phương có tỷ lệ dân cư sống trong khu vực thành thị cao nhất nước đạt 87,7% năm 2018 (dân số thành thị cả nước là 34,7%, TP Hồ Chí Minh là 79,25%, Hà Nội là 55%) nhưng thực chất là kết quả của quá trình xác lập địa giới hành chính, không phải là của luồng di cư nông thôn.

Dân số của Đà Nẵng theo Tổng điều tra năm 2019 là khoảng 1.134.310 người, trong đó dân số nam là 576.000 người (chiếm 50,7%) và dân số nữ là hơn 558.000 người (chiếm 49,3%). Sau 10 năm, quy mô dân số tăng thêm hơn 250.000 người, tốc độ tăng trưởng bình quân 2,45%;

Dân số thành phố Đà Nẵng trong 9 năm qua tăng bình quân 2,54%/năm; từ 937.217 người năm 2010 lên 1.134.310 người năm 2019. Trong đó, dân số thành thị tăng nhanh hơn: 2,25%/năm, nông thôn tăng 1,98%/năm. Dân số từ 15 tuổi trở lên cũng tăng tương ứng (2,15%/năm) từ 715.748 người năm 2010 lên 866.531 người.

Với tốc độ phát triển kinh tế của thành phố Đà Nẵng tăng bình quân 7,89% GRDP giai đoạn 2010 – 2019 làm cho tốc độ tăng dân số cơ học của thành phố Đà Nẵng tăng bình quân từ 1,0%-1,2%/năm. Đặc biệt những năm gần đây tốc độ một số ngành kinh tế phát triển nhanh như du lịch, công nghệ thông tin... nên tốc độ tăng dân số, lao động cũng tăng nhanh (năm 2019 tăng 2,4%).

Dân số thành phố Đà Nẵng

2. Mật độ dân số

- Mật độ dân số của Đà Nẵng khoảng 883 người/km2 với dân số thành thị là gần 990.000 người, nhân khẩu thực tế thường trú là 3,6 người/hộ.

- Dân số đô thị thường tập trung trong trung tâm thành phố, trong khi mật độ dân số càng xa trung tâm càng thấp. Sự chênh lệch lớn về phân bố dân cư dao động từ mật độ thấp nhất 180 người/ km2 ở Hòa Vang đến cao nhất là 8,746 người/ km2 ở Hải Châu và 19,712 người/ km2 ở Thanh Khê.

- Bên ngoài trung tâm thành phố, mật độ dân số thấp hơn nhiều ở các khu đô thị mới Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, khoảng 2000 đến 3000 người/km2

Mật độ dân số hiện trạng

3. Lao động

Lực lượng lao động thành phố Đà Nẵng

Lực lượng lao động của thành phố Đà Nẵng tăng với tốc độ nhanh hơn dân số. Trong giai đoạn 2010 – 2019 tăng bình quân 2,46%; từ 467.090 người năm 2010 lên 581.400 người năm 2019.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo của Đà Nẵng cao hàng đầu cả nước. Số lượng lao động có trình độ có sự chuyển biến lớn, cụ thể năm 2016 lao động công nhân kỹ thuật là 8,21%, trung học 6,1%, cao đẳng - đại học 27,4% và trình độ khác 58,29%. Năng suất lao động hiện tại của Đà Nẵng chỉ cao gần 1,5 lần so với năng suất lao động bình quân chung của cả nước (126 triệu đồng/năm so với 84,5 triệu đồng/năm).

Cơ cấu lao động đang làm việc theo loại hình kinh tế có sự thay đổi mạnh mẽ và chuyển dịch theo hướng tăng số lượng lao động trong các ngành dịch vụ, giảm lao động trong ngành nông nghiệp theo sự chuyển dịch của cơ cấu kinh tế thành phố. Trong đó, ngành dịch vụ có cơ cấu lao động nhiều nhất với 68,20%; ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 28,48% cơ cấu lao động; ngành nông lâm thuỷ sản chỉ chiếm 3,32% cơ cấu lao động của thành phố. Cụ thể như sau:

CƠ CẤU GRDP

2013

2016

2019

- Dịch vụ

%

62,94

64,15

64,35

- Công nghiệp, xây dựng

%

24,13

22,95

22,41

- Thủy sản - nông - lâm

%

2,28

2,08

1,88

- Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm

%

10,65

10,82

11,36

CƠ CẤU LAO ĐỘNG

+ Dịch vụ

%

66,45

67,42

68,20

+ Công nghiệp – Xây dựng

%

29,61

29,09

28,48

+ Nông lâm thuỷ sản

%

3,94

3,49

3,32

Cơ cấu GRDP và Cơ cấu lao động trong giai đoạn 2013-2016-2019

CỔNG TTĐTTP TỔNG HỢP

(THAM KHẢO TỪ BẢN THUYẾT MINH ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045; NIÊN GIÁM THỐNG KÊ: 2018 - 2019)

Từ khóa » Dân Số đà Nẵng Mới Nhất