Dân Tộc Dao - Cổng Thông Tin điện Tử Tỉnh Yên Bái

Đồng bào dân tộc Dao Yên Bái phát triển mạnh 2 loại cây công nghiệp đó là cây quế và cây chè

Người Dao có nhiều tên gọi khác nhau như: người Động, người Xá, người Mán, người Dao... nhưng Dao là tên gọi chính thức. Chính người Dao tự gọi mình là “Kiềm miền” (tức là người ở rừng).

Người Dao hiện sinh sống ở tỉnh Yên Bái có 4 nhóm chính là: Dao Đỏ (còn gọi là Dao Sừng, Dao Đại Bản), Dao Quần Chẹt (còn gọi là Dao Nga Hoàng, Dao Sơn Đầu), Dao Quần Trắng và Dao Làn Tuyển (còn gọi là Dao Tuyển). Để phân biệt các nhóm Dao, chủ yếu dựa vào sự khác nhau trong bộ trang phục của phụ nữ. Phụ nữ Dao đỏ có đặc điểm dễ nhận thấy là dùng rất nhiều màu đỏ, nhiều tua và núm bông đỏ. Trong đám cưới hay trong lễ cúng Bàn Vương, phụ nữ Dao đỏ đội mũ rất to có khung gỗ hay nan tre nứa bẻ thành hai góc nhọn nhô ra phía trước mặt. Bên ngoài phủ vải đỏ hay khăn thêu. Phụ nữ Dao Quần Chẹt mặc quần ống hẹp bó sát vào chân. Trước đây phụ nữ nhóm Dao này còn có tục chải tóc bằng sáp ong nên gọi là Dao Sơn Đầu. Trang phục nữ Dao Quần Trắng có đặc điểm nổi bật là yếm rất to che kín cả ngực và bụng. Tên gọi Dao Quần Trắng bắt nguồn từ phong tục trong lễ cưới phải mặc quần trắng. Người Dao Làn Tuyển mặc áo dài, đội mũ nhỏ như cái đấu gỗ.

Các nhóm Dao cũng có sự khác nhau ít nhiều về tiếng nói song đều thuộc nhóm ngôn ngữ Mông - Dao (dòng ngôn ngữ Nam Á). Mặc dù có tên gọi, trang phục, tiếng nói có một số điểm khác nhau nhưng tất cả các nhóm Dao đều có chung một nguồn gốc và cùng thờ ông tổ Bàn Vương. Cho đến nay trong cộng đồng người Dao vẫn lưu truyền câu chuyện Bàn Hồ, được ghi lại rất rõ ràng trong một số cuốn Quả sơn bảng. Người Dao di cư vào Việt Nam sớm nhất từ thế kỷ XIII, các nhóm Dao ở tỉnh Yên Bái chủ yếu di cư từ các tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang và Cao Bằng.

Hình thái kinh tế chủ yếu của người Dao ở Yên Bái là sản xuất nông nghiệp với hai loại hình: lúa nương và lúa nước. Trong đó lúa nước chiếm tỷ lệ ít hơn. Ngoài ra, đồng bào còn trồng một số loại cây hoa màu như ngô, sắn... Rau của người Dao có các loại bầu, bí, mướp đắng, các cây họ đậu, khoai, củ từ, dưa gang... Đặc biệt ở người Dao Yên Bái phát triển mạnh 2 loại cây công nghiệp đó là cây quế và cây chè. Cây quế là cây trồng truyền thống của đồng bào Dao ở huyện Văn Yên, khi sinh con gái bố mẹ lại trồng thêm quế dành làm của hồi môn, khi sinh con trai cũng trồng thêm quế làm của để dành cho con. Ngoài cây lúa, hoa màu và quế, chè, người Dao Yên Bái còn có thu nhập thêm từ chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà...

Nghề thủ công truyền thống là làm giấy, dệt vải, nhuộm chăn, in và thêu hoa văn trên vải. Đan lát các đồ đựng bằng tre, nứa, giang, mây song. Nghề rèn của đồng bào Dao cũng phát triển, chủ yếu là các nông cụ như: dao, cuốc, cào cỏ, lưỡi cày. Nghề làm đồ trang sức bằng bạc, bằng đồng làm thành vòng cổ, vòng tay, khuyên tai, nhẫn, xà tích.

Đồng bào dựng nhà gần các con suối và ở tập trung thành từng bản riêng biệt hoặc xen cư với các dân tộc anh em khác. Ở người Dao Yên Bái hội tụ đầy đủ 3 loại hình nhà ở đó là: nhà sàn của người Dao quần trắng, nhà đất của người Dao đỏ và nhà nửa sàn nửa đất của người Dao Quần Chẹt và Dao Tuyển. Hiện nay, những gia đình người Dao có cuộc sống khá giả đã xây nhà theo kiểu mới.

Trang phục truyền thống của người Dao Yên Bái đặc sắc và nổi bật ở nghệ thuật trang trí trên quần áo với mô típ hoa văn cây cỏ, động vật, hình người, hình chim, kết chữ Hán được cách điệu rất sinh động. Trang phục đàn ông thường có hai loại: áo ngắn mặc hàng ngày và áo dài mặc trong lễ hội, lễ cấp sắc hay đám cưới.

Văn hóa ẩm thực của người Dao đơn giản hơn so với các tộc người khác thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái, thức ăn chính của người Dao là cơm tẻ và gạo nương, thực phẩm hàng ngày chủ yếu là các loại rau hái trong rừng, măng, mộc nhĩ và các loại thảo mộc khác. Ngày nay, đồng bào đã trồng nhiều loại rau khác nhau ngay tại vườn nhà để phục vụ nhu cầu hàng ngày khi không vào rừng hái rau. Các loại gia súc gia cầm được nuôi chủ yếu để phục vụ các nhu cầu tín ngưỡng dân gian của đồng bào. Thịt lợn là loại thực phẩm không thể thiếu trong tết nhảy, lễ cấp sắc, lễ chay, lễ cưới và tang ma… mỗi nghi lễ của người Dao thường mổ từ 5 - 7 con lợn. Các món ăn chủ yếu của người Dao trong ngày thường được chế biến theo kiểu luộc và xào, thỉnh thoảng cũng nướng và lam.

Các nhóm Dao đều thờ cúng tổ tiên và thờ Bàn Vương. Thờ cúng tổ tiên là việc thờ cúng chủ yếu trong gia đình. Bàn Vương được coi như thủy tổ của các dòng họ nên cũng cúng bái chung với tổ tiên.Trong sinh hoạt xã hội - gia đình của người Dao ở Yên Bái, “ Cấp sắc” là một tục lệ phổ biến và bắt buộc tất cả đàn ông Dao đều phải qua lễ này, thậm chí lúc còn sống chưa được cấp sắc sau khi chết con cháu phải làm lễ cho, đây là một nghi thức của tàn dư lễ thành đinh. Đồng bào Dao quan niệm: Người nào được cấp sắc được nhận là con cháu của Bàn Vương; người được cấp sắc mới được xã hội coi là người lớn, được cấp sắc thì làm ăn mới may mắn, dòng họ mới được phát triển và đặc biệt, nếu muốn làm được nghề thầy cúng thì bắt buộc phải qua lễ cấp sắc, sau lễ cấp sắc, người được cấp sắc sẽ có một tên mới gọi là tên âm, cho tới khi chết các thầy cúng sẽ gọi tên cấp sắc mà không sử dụng tên như khi còn sống thường ngày.

Người Dao Yên Bái còn có một nghi lễ rất quan trọng, gọi là “Tết nhảy” (Nhiàng chầm đao). Nghi lễ này nhằm mục đích cúng Bàn Vương và luyện binh tướng (âm binh) để bảo vệ cuộc sống và sinh hoạt gia đình. Tết nhảy thường được tổ chức vào tháng chạp (từ 15-25 tháng chạp). Nội dung chính của nghi lễ này là múa “Tam nguyên an ham”, múa bắt ba ba, múa sản xuất diễn tả quá trình lao động của người Dao. Nghi lễ “Nhiàng chầm đao” chủ yếu phục vụ cho sinh hoạt tôn giáo - tín ngưỡng nhưng nó không tồn tại như ngày hội, ít nhiều mang màu sắc văn nghệ, vui khỏe. Ngày nay một số động tác múa đã được cải biến và phục vụ cho sinh hoạt văn hóa dân tộc.

Các nghi lễ trong cưới xin và tang ma của người Dao bao gồm nhiều bước, khá phức tạp và phải trải qua nhiều bước như: nhà trai đến nhà gái xin so tuổi đôi nam nữ; nhà trai báo cho nhà gái biết kết quả so tuổi của đôi nam nữ; định ngày cưới và dâng lễ; lễ cưới và lại mặt. Thông thường người Dao có tục ở rể 3 năm, sau đó mới được ở riêng hoặc về nhà trai ở hẳn.

Trong tang ma, người Dao thường tiến hành các lễ sau: Lễ khâm niệm, lễ xôi gà và lập bàn thờ (lễ cấp thủy và dâng rượu, gia súc); lễ làm chay, lễ nhập quan yểm bùa, lễ đưa đám, lễ hạ huyệt và lễ cúng cơm. Hầu hết các nhóm người Dao ở Yên Bái không có tục cải táng người chết. Nếu là người đã qua lễ cấp sắc đều được gọi hồn về nhà lớn để thường xuyên thờ cúng, người Dao có tục lệ ăn sinh nhật, cúng sinh nhật cho cha mẹ khi còn sống, không tổ chức cúng giỗ khi đã chất. Đồng bào rất kiêng kỵ việc dựng vợ gả chồng cho con hay làm nhà mới, trồng cấy, gieo hạt giống trùng với ngày mất của người thân.

Các nhóm người Dao ở Yên Bái đều có vốn thơ ca dân gian rất phong phú, đồng bào hát (Pả dung) ca ngợi tình yêu lứa đôi, yêu thiên nhiên, thế giới động vật dưới nhiều hình thức sinh hoạt phong phú và còn gắn vào những bài hát giáo lý, xã hội, gia đình. Người Dao có rất nhiều chuyện cổ tích kể về mọi hiện tượng xảy ra trong xã hội, thiên nhiên. Các câu chuyện đều mang tính giáo dục sâu sắc, anh em phải sống hòa thuận - yêu thương nhau.

Trải qua bao cuộc biến thiên của lịch sử, bao cuộc thiên di kéo dài qua nhiều thế kỷ, đồng bào Dao đã anh dũng và bền bỉ chống lại trở lực của tự nhiên và xã hội. Với truyền thống đấu tranh anh dũng, đồng bào Dao đã tham gia phong trào Cần Vương do Nguyễn Quang Bích lãnh đạo. Những năm 1888 - 1889, đồng bào Dao đã cùng đồng bào Mông đánh Pháp dưới sự chỉ huy của Đặng Phúc Thành và Đào Chính Lục. Sang đầu thế kỷ XIX, cuộc khởi nghĩa của người Dao do Triệu Tiến Kiên và Triệu Tài Lộc lãnh đạo (1913) đã thu hút được đông đảo đồng bào Dao và các dân tộc anh em khác tham gia.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dân tộc Dao đã có công đóng góp rất lớn. Người Dao có gần 200 liệt sỹ, hơn 80 thương binh và được Chính phủ tặng thưởng gần 1.500 huân huy chương các loại. Ở xã Châu Quế Hạ (Văn Yên) có mẹ Triệu Mùi Sính và ở xã Tân Hợp (Văn Yên) có mẹ Đặng Thị Nhầu được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

(Tài liệu được tham khảo từ cuốn “Một số đặc trưng các đồng bào dân tộc tỉnh Yên Bái", do Ban Dân vận Tỉnh ủy xuất bản)

21207 lượt xem Ban Biên tập

Từ khóa » Dân Tộc Dao đỏ ở Việt Nam