Dân Tộc Nùng

I. NGUỒN GỐC LỊCH SỬ, SỐ LƯỢNG VÀ ĐỊA BÀN CƯ TRÚ

Người Nùng phần lớn từ Quảng Tây (Trung Quốc) di cư sang Việt Nam cách đây khoảng 200-300 năm.

Dân tộc Nùng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều nhóm, có nguồn gốc từ các tỉnh lân cận như Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang. Họ đến đây do nhiều nguyên nhân và vào nhiều thời điểm khác nhau. Có những nhóm Nùng do bị áp bức bóc lột của các thế lực phong kiến Hán, họ bỏ quê hương đến các tỉnh biên giới phía Bắc, dần dần đi sâu vào nội địa, đến Thái Nguyên; có nhưng nhóm do bị cướp bóc, giặc giã, dịch bệnh mà di cư đến vùng này; có những nhóm Nùng mới đến đây cư trú sau chiến tranh biên giới (năm 1979).

Thái Nguyên hiện tại có 5 nhóm Nùng (nhóm địa phương): Nùng Phàn Slình, Nùng Cháo, Nùng Inh, Nùng An và Nùng Giang. Nhóm Nùng Cháo cư trú lâu đời nhất, phân bố chủ yếu ở các huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai, Đại Từ. Nhóm Nùng Phàn Slình di cư từ Bình Gia, Văn Quan, Cao Lộc của Lạng Sơn cư trú ở Võ Nhai, Đồng Hỷ, Đại Từ. Nhóm Nùng Inh, Nùng An, Nùng Giang có nguồn gốc từ Cao Bằng cư trú ở Phú Lương, Võ Nhai, Phú Bình.

- Dân số của dân tộc Nùng tỉnh Thái Nguyên tính đến đầu năm 2009 là: 63.816 người. Tập trung đông nhất ở huyện Đồng Hỷ là 15.134 người, chiếm 23,7%. Huyện Võ Nhai là 12.997 người, chiếm 20,4%. Huyện Đại Từ là 12.604 người, chiếm 19,8%. Thành phố Thái Nguyên là 8.603 người, chiếm 13,5%...

- Nhóm ngôn ngữ: Tày - Thái, tiếng Nùng có văn tự là nôm Nùng xuất hiện từ thế kỷ XVII.

II. VĂN HOÁ VẬT CHẤT

1. Nhà ở

Xưa kia người Nùng chủ yếu ở nhà sàn, người ở trên, trâu, bò lợn gà ở dưới. Nhà sàn ở đây là loại nhà cột kê, 2 mái chính và hai chái hình thang cân, rất giống nhà của người Tày. Nhà có hai mái, có từ 3 đến 5 gian vách thưng bằng vầu, tre, nứa hoặc ván xẻ, lợp lá cọ, cỏ gianh hoặc ngói máng và có 2 cầu thang lên xuống. Sàn nhà phổ biến giát bằng cây vầu, cây mai, song những gia đình khá giả lát bằng ván xẻ. Sàn thường làm cách mặt đất khoảng 1,6 mét.

Về kết cấu bộ sườn, được hình thành trên cơ sở các vì kèo và mái. Một ngôi nhà 3 gian có 4 vì kèo (không kể hai vì kèo chái), mỗi vì kèo thường có 6 cột: hai cột cái, hai cột con và hai cột hiên. Thông thường người ta làm 2 vì kèo ở đầu hồi đủ số cột, còn các vì kèo ở giữa thường trốn cột bằng cách đặt 2 trụ cột cái lên quá giang (trụ qua), chống lên hai lỉa kèo xuôi theo hai mái. Cách kết cấu này làm cho lòng nhà thoáng và rộng rãi (kiểu nhà trốn cột). Các vì kèo được liên kết với nhau qua hệ thống dầm xà ngang, xà dọc, tạo cho ngôi nhà có độ vững chãi. Mái nhà kết cấu theo kiểu đòn tay, rui, mè hoặc xà gồ, cầu phong, ly tô để lợp ngói như hiện nay. Kiểu kết cấu nhà ở đây đã có sự vay mượn kiểu nhà của người Tày.

Về bố trí mặt bằng sinh hoạt trong ngôi nhà sàn của người Nùng là theo kiểu trên dưới, trong ngoài. Phần trên bên ngoài dành cho khách, nam giới; phần dưới phía trong dành cho nữ. Gian giữa có bàn thờ tổ tiên, trong buồng vợ chồng chủ nhà có bàn thờ bà mụ, trước cửa chính có bàn thờ ma cửa, ngoài sàn có thờ ma sàn. Nhà sàn bố trí 2 bếp hình vuông (120cm x 120cm): bếp trong dùng để nấu ăn thường xuyên, còn bếp ngoài để đun nước, cho khách sưởi ấm về mùa đông.

Nhà sàn của người Nùng – Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Theo các cụ già người Nùng Phàn Slình, Nùng An, Nùng Inh ở một số bản thuộc Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ thì họ chuyển xuống ở nhà đất mới hai, ba đời nay, nhưng hiện lại phổ biến. Chẳng hạn ở Tràng Xá, Cúc Đường (Võ Nhai) người Nùng chủ yếu ở nhà đất, là nhà gỗ, hoặc nhà xây gạch theo kiểu của người Kinh. Về mặt cấu trúc của ngôi nhà có hai phần: phần dưới bốn mặt là tường trình đất và phần trên là kết cấu khung gỗ sườn mái nhà. Muốn dựng được tường đất dày, cao, nện chặt thì trước hết, phải ghép khung bằng gỗ xẻ, đặc biệt phải ghép khung gỗ ở những chỗ tường giao nhau (góc nhà) theo hình góc vuông, người ta đổ đất vào khung và nện chặt cho đến khi đất không xuống được thì tháo khung gỗ ra, sau đó lại ghép khung gỗ này lên trên mặt lớp tường vừa hoàn thành và tiếp tục cho đất vào, nện thật kỹ và cứ làm như thế đến khi nào tường đạt độ cao như dự định mới thôi.

Khung sườn mái nhà làm bằng gỗ đặt lên trên tường đất. Kết cấu bộ khung sườn này đơn giản, bao gồm: quá giang, kèo, cột chống từ đỉnh nóc xuống quá giang và hai chống chéo từ quá giang lên kèo. Những khung gỗ này được giữ chặt vào nhau bởi xà dọc. Đây là một kiểu nhà mang tính chất phòng thủ rõ rệt, vì bên ngoài có vách đất, bên trong còn có tường đất dày và chắc; các cửa ra vào đều được đóng bằng những tấm ván dày với những loại gỗ tốt nhất.

Đặc điểm nổi bật đối với ngôi nhà đất của người Nùng hiện nay là chỉ còn giữ lại được đôi nét cách bố trí bàn thờ tổ tiên, thờ ma cửa ở bên cạnh cửa ra vào, bàn thờ bà mụ tại buồng vợ chồng trẻ còn sinh con. Ngoài kiểu nhà đất như đã trình bày ở trên, người Nùng còn có kiểu nhà đất làm hoàn toàn theo kiểu nhà người Việt, mái lợp bằng ngói âm dương (cứ một hàng ngói úp lại một hàng ngói ngửa). Loại ngói này dễ làm và đồng bào thường tự làm lấy. Nhà ở và nhà bếp nay đã cách biệt nhau. Nhà chính có cửa ra vào thường là hẹp, ít cửa sổ. Nét phổ biến trong ngôi nhà chính là nhà nào cũng có gác xép (trừ gian chính giữa) để đựng thóc lúa, ngô và các đồ dùng sinh hoạt khác như chăn màn, quần áo chưa dùng đến.

Tóm lại, tuỳ theo từng địa phương mà nhà cửa của ngời Nùng cũng có những biến đổi nhất định. Sự biến đổi về nhà cửa của họ được thể hiện ở chỗ vẫn là nhà sàn, nhưng kỹ thuật lắp ghép, xây dựng ngày càng được cải tiến, đẹp và chắc chắn hơn, to rộng hơn. Bên cạnh đó cũng thể hiện khuynh hướng phát triển dần sang ở nhà đất, sự bố trí mặt bằng ngôi nhà cũng đang có sự biến đổi dần so với những ngôi nhà truyền thống.

2. Trang phục

Trước đây phụ nữ Nùng đầu quấn khăn vấn tóc, trùm khăn vuông ra bên ngoài, đội nón nan hoặc ô, mặc áo 5 thân dài quá mông, mặc váy hoặc quần chân què, thắt lưng, đeo tạp dề, đệm vai, chân quấn xà cạp, đi giày vải hoặc guốc; đeo các đồ trang sức như: hoa tai, dây chuyền, vòng cổ, vòng tay, vòng chân, nhẫn. Ngoài ra, vài chục năm trước phụ nữ Nùng nào cũng thích bịt một cái răng vàng ở hàm trên bên trái và đi đâu cũng mang túi vải bên hông. Áo 5 thân của phụ nữ Nùng có đặc điểm là hai đầu ống tay áo và nẹp ngực may vải khác màu với vải nền, và áo ngắn khi mặc chỉ quá mông một ít. Riêng nhóm Nùng Phàn Slình ở huyện Võ Nhai áo dài đến đầu gối; nhóm Nùng An huyện Phú Lương hai đầu ống tay là miếng vải sọc trắng, sọc xanh; nhóm Nùng Giang ở Tràng Xá (Võ Nhai) lá sen cổ áo may 3 vòng nẹp bên ngoài trông giống như 3 vòng cổ. Nhìn chung áo phụ nữ Nùng ở Thái Nguyên không thêu hoa văn, mới nhìn giống như áo phụ nữ Tày trong vùng.

Cô gái Nùng

Phụ nữ đại đa số các nhóm Nùng mặc quần, chỉ riêng nhóm Nùng Inh mặc váy. Quần của họ là loại quần chân què đũng rộng, ống rộng, cạp may kiểu lá tọa, khi mặc vắt chéo 2 đầu cạp dắt sang hai bên rồi dùng dây vải buộc lại. Phụ nữ Nùng Inh mặc váy hình cái ống, may từ 4 khổ vải tự dệt. Váy có 3 phần đầu váy, thân váy và gấu váy, khi mặc giống như mặc quần.

Khăn của phụ nữ có hai loại: khăn vấn tóc và khăn vuông trùm đầu. Khăn vấn tóc chỉ rộng khoảng 10cm và dài từ 1 mét đến 1,2 mét. Khi quấn khăn người ta cho tóc vào giữa cuộn tròn rồi vấn quanh đầu, giắt đuôi khăn vào phía trong. Khăn vuông trùm đầu có mỗi cạnh 40 cm màu chàm đen, buộc khăn theo hình mỏ quạ như người Việt trước đây. Riêng nhóm Nùng Phàn Slình ở Võ Nhai có nguồn gốc từ Bình Gia (Lạng Sơn) cách buộc khăn hơi khác một chút. Khi buộc khăn không theo kiểu mỏ quạ mà lấy hai mảnh tre chống thành 2 góc nhọn ở trước trán. Chính kiểu buộc khăn đó mà người Nùng phàn Slình này còn có tên gọi khác là “Nùng Sừng”.

Trang phục của dân tộc Nùng An

Y phục nữ không có sự phân biệt giữa ngày thường và ngày lễ tết, hội hè, cưới xin, mà chỉ có một kiểu duy nhất. Khi lao động mặc những bộ quần áo cũ, khi đi chợ, đi hội, ngày tết, cưới xin thì mặc những bộ quần áo mới.

Hiện nay, đa số phụ nữ Nùng đã chuyển sang ăn mặc áo cánh quần đen hoặc mặc giống như người Việt, nhất là các vùng gần thành phố, thị xã và thị trấn. Kể cả nhóm Nùng Inh hiện nay phụ nữ không mặc váy. Ở tất cả các địa phương có người Nùng cư trú không còn gia đình nào trồng bông dệt vải. Họ thường mua vải mộc của nhà nước về nhuộm rồi cắt may y phục. Nhưng cũng có nhiều gia đình mua các bộ y phục Nùng truyền thống hoặc đã cải biên, thường họ mua ở các thị trấn hoặc chợ huyện.

Nam giới Nùng trớc đây chủ yếu mặc áo cánh 4 thân với hàng cúc vải 7 chiếc trước ngực, may 4 túi ngoài; kiểu quần chân què, lá tọa; đội mũ lưỡi trai hoặc quấn khăn dài quanh đầu; chân đi giày vải tự khâu. Riêng người Nùng An ở Phú Lương, nam giới mặc áo 5 thân, cắt, may giống áo 5 thân của nữ, nhưng không cài cúc hẳn sang nách mà cài cúc chéo ở ngực phải; áo rất ngắn chỉ chấm hông hay vừa che kín cạp quần. Những gia đình khá giả, hoặc những người có chức sắc trong làng trước đây thường mặc áo dài đen 5 thân, quần chân què trắng, đội khăn xếp đen theo kiểu trang phục của các ông đồ người Việt. Ngày nay, hầu như đàn ông Nùng ở tất cả các vùng đều ăn mặc giống như nam giới người Việt, nếu có cụ già nào ở vùng sâu vùng xa còn ăn mặc theo lối cổ truyền thì chỉ có kiểu áo cánh, quần chân què luồn dải rút với màu chàm đen truyền thống. Chiếc áo ngắn 5 thân trước kia của người Nùng An ở xã Động Đạt (Phú Lương) cho đến nay không ai còn sử dụng.

Thầy cúng người Nùng mặc áo 4 thân, áo xẻ ngực thẳng từ trên xuống dưới, không có cúc. Để may loại áo này người ta lấy 2 miếng vải vắt qua vai dài xuống đến mắt cá chân. Sau đó khoét cổ rộng theo kiểu trái tim, rồi cắt may như áo thường ngày. Mép vải 2 bên nách được khâu liền với nhau, chỉ để một đoạn rộng làm ống tay. Riêng nhóm Nùng Phàn Slình ở huyện Võ Nhai, người ta khâu đủ hai ống tay, nhưng có điều ống tay rộng hơn. Khi có tang người Nùng mặc quần áo xô trắng, khăn trắng, nhưng không may gấu và khi mặc lộn phía trong ra ngoài.

3. Văn hoá ẩm thực

Ăn cơm tẻ là chính, lúc giáp hạt, mất mùa thì ăn độn ngô, khoai, sắn. Ngày ăn ba bữa, thích ăn món xào, rán, nhiều mỡ, đặc biệt thích món cháo đặc. Khi có khách, phụ nữ ăn mâm riêng.

Bánh chưng của người Nùng

Lương thực: Lúa, ngô, khoai, sắn, đỗ. Mặc dù chăn nuôi khá phát triển nhưng người Nùng chỉ dùng thịt gà, lợn, cá trong khi có khách.

Trong các dịp lễ, tết ngoài xôi đỗ, xôi gấc, xôi nhuộm màu họ còn làm các loại bánh: bánh tét, bánh giầy, bánh trôi, bỏng, bánh gai, bánh khảo, bánh chưng,... Bún và bánh cuốn là những thứ họ ưa thích.

Bánh tro (gio)

Trong các bữa ăn hàng ngày của ngời Nùng, cơm tẻ là món ăn quan trọng nhất, đối khi có cơm nếp hoặc các món ăn chế biến từ ngô, sắn và các chất bột khác. Thức ăn chủ yếu là các món rau xào, nấu canh, luộc... Xa kia, những năm đói kém, thời kỳ giáp hạt họ còn dùng củ mài, củ nâu, các loại hạt trong rừng... để ăn thay cơm. Thịt hươu, hoẵng, nai, lợn cỏ, các loại cầy, chim khi săn bắt được họ chế biến thành nhiều món: ninh, xào, nấu, nướng và có khi còn đem sấy khô để ăn dần.

Xôi trám

4. Làng bản (quan hệ)

Người Nùng cư trú theo lối mật tập, điểm tụ cư của họ tương đối đông gia đình, có bản đến hàng trăm nóc nhà. Hiện tượng này giống như làng của người Kinh hay bản của người Tày. Mỗi bản thường có một miếu thờ thần thổ địa, thường dựng ở một gốc cây to. Nơi đâu có bản nơi đó có miếu thờ thần thổ công. Một số bản của người Nùng ở Đồng Nghè (xã Động Đạt, Phú Lương), Đồng Mỏ (Tràng Xá, Võ Nhai) có đình, nhưng có lẽ đây là do ảnh hưởng của văn hoá người Kinh, có khi do người Kinh hoặc Tày dựng lên, nay họ bỏ đi nơi khác, người Nùng đến sau, tiếp tục thờ cúng. Tình trạng này cũng có thể thấy ở một số bản của người Nùng huyện Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ, ở đó hiện còn có các miếu thờ thần và đình làng, hàng năm họ vẫn cúng bái.

Một góc bản của người Nùng

Bản của ngời Nùng có lãnh thổ rõ ràng. Thông thường phạm vi của mỗi một bản được giới hạn bởi những khúc sông, dòng suối, những cánh rừng, những mỏm đồi, những eo núi, những đèo, những khe, đường đi...

Ở người Nùng, quan niệm tài nguyên đất đai là tài sản chung; song ai có công khai phá, khai thác, thu hoạch thì thuộc quyền sở hữu cử người đó. Những ruộng rẫy có được bằng con đường mua bán hoặc bằng sức lao động của mình tự khai khẩn được đều thuộc quyền sở hữu tư nhân. Ruộng đất là tài sản cố định của các gia đình. Những gia đìnhđến sớm hơn, chiếm được những đám đất tốt, gần nhà và cũng thuận tiện về nhiều mặt hơn. Những gia đình đến sau thì khai thác những chỗ còn lại. Ruộng đất là cái vốn làm ăn của gia đình, là của thừa kế và cứ thế truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Lâm thổ sản và các nguồn lợi tự nhiên trong rừng, mọi người đều có quyền khai thác. Khi săn cá nhân, thú bắn được hoàn toàn thuộc quyền sử dụng của người bắn được. Tuy nhiên, theo tục lệ, họ thường mời cả bản đến ăn một bữa, nếu thú săn được thuộc loại thú to như: hươu, nai, lợn cỏ v.v... Người bắn được có thể đem thịt thú biếu cho những hào lý, chức dịch, khán thủ hoặc có thể đem biếu bà con và những người láng giềng.

5. Tập quán hôn nhân

Hôn nhân của người Nùng thuộc loại hình tiểu gia đình phụ quyền. Mỗi gia đình chủ yếu gồm hai thế hệ. Trong gia đình việc tổ chức các sinh hoạt thường ngày đều có sự phân công rõ ràng theo giới và theo tuổi. Nam giới lo việc nặng nhọc, nữ giới lo việc nhà cửa, bếp núc. Gia đình người Nùng có sự phân biệt giữa con trai và con gái, có sự phân biệt nặng nề giữa bố chồng và anh chồng với con dâu và em dâu như người Tày. Ở người Nùng con chú, con bác, con dì, con già dù là con anh hay con em nếu ai sinh ra trước là anh, là chị sinh ra sau là em.

Hôn nhân người Nùng mang nặng tính buôn bán, thể hiện trong thách cưới, các khoản phí tổn trong hôn lễ khá nặng. Mặc dù cư trú bên chồng nhưng ở nhiều vùng người Nùng sau ngày cưới cô dâu vẫn ở nhà mẹ đẻ cho đến khi có con. Người Nùng có tục ở rể tạm và rể đời, nếu ở rể đời nhà gái chủ động trong hôn nhân và chịu những phí tổn cho hôn lễ. Tuy không phải đổi họ nhưng chàng rể không được trực tiếp kế thừa tài sản mà người thừa kế là vợ và các con anh ta. Các con mang họ của mẹ, không mang họ của bố.

+ Hình thức kết hôn và nghi lễ đám cưới:

Bước thứ nhất: Chọn ngày tốt nhà trai nhờ một người trong họ hay bà con thân thích đến dò ý kiến của nhà cô gái về ý định muốn tìm hiểu con dâu tương lai.

Bước thứ hai: Nhà trai lại nhờ người lần trước mang theo hai đồng xu đến nhà người con gái. Trước khi đến nhà người con gái cũng phải chú ý tránh những điềm báo không tốt. Trước khi ngỏ lời với bố mẹ đẻ cô gái, ông mối này chỉ nói những chuyện xa xôi, thân mật đến lúc ra về mới lấy hai đồng xu cho vào cái đĩa đặt giữa nhà, nếu bố mẹ người con gái đồng ý thì sẽ lấy cái đĩa đó đặt lên bàn thờ tổ tiên và lấy lá số có ghi năm, tháng, ngày, giờ sinh của cô gái đưa cho ông mối mang về nhà người con trai.

Bước thứ ba: Sau khi so tuổi người con trai và con gái nếu thấy hợp thì so tuổi bố mẹ người con trai, con gái nếu cũng thấy tốt thì nhà trai sẽ thông báo cho nhà gái biết. Người đến báo tin là người đã đi hai lần trước. Lần này mang theo tiền và trầu, hỏi ý kiến của cô gái, nếu cô gái không đồng ý sau 7 ngày sẽ mang trầu đến trả, còn người con gái nhận có nghĩa là đồng ý. Nếu bố mẹ thuận gả mà khuyên giải hết lời mà người con gái vẫn không đồng ý thì bố mẹ cũng không ép buộc.

Bước thứ tư (định ngày): Sau 7 ngày nếu nhà gái không mang trả tiền, trầu thì nhà trai cử người đến nhà gái bàn bạc ngày ăn hỏi.

Bước thứ năm (lễ ăn hỏi): Nhà trai phải làm hai gánh bánh trưng, mỗi gánh 48 chiếc, không kể 4 cái bánh dài bằng miệng cái giành để trên cái giành, bốn con gà thiến, bốn chai rượu.

Lễ ăn hỏi của người Nùng

Bước thứ sáu: Sau lễ ăn hỏi đôi trai gái cơ bản đã thành hôn, công việc còn lại là chuẩn bị lễ vật. Khoảng thời gian này có thể kéo dài khoảng 3 đến 5 năm khi công việc chuẩn bị đã tương đối ổn định,nhà trai cử người báo với nhà gái ngày cưới để nhà gái chuẩn bị mời bà con họ hàng.

Bước thứ bảy (ngày cưới): Đám cưới diễn ra cả ở nhà trai và nhà gái, nhà gái ăn hôm trước nhà trai ăn hôm sau. Nhất thiết ngày cưới bên trai phải là ngày tốt còn ngày hôm trước không kể tốt xấu.

Đoàn đón dâu gồm có 8 người: ông mối, người dọn đường, cô gái đón dâu, chàng rể, phù rể và ba người gánh lễ vật (một số lễ vật đã được gánh đến trước rồi) cùng đến nhà gái. Đêm trước khi cô dâu về nhà chồng, tại nhà gái có tổ chức hát vả sli, trai làng hát với cô gái đến đón dâu còn các cô gái làng hát với phù rể. Sáng hôm sau, đoàn đón dâu dậy sớm chuẩn bị đưa dâu về. Nhà gái chọn hai phù dâu đi theo đoàn đón dâu của nhà trai để đưa cô dâu về nhà chồng. Khi cô dâu ra khỏi cửa phải chú ý: thứ nhất phải bỏ lại hai miếng trầu hay hai hào chỉ, tránh vấp vào khuôn cửa và không cười, khi đã ra đến sân cô dâu bước lùi lại vài bước rồi mới tiếp tục đi. Ở một số nhóm (Nùng An ở Động Đạt - Phú Lương...) khi đoàn đưa dâu ra khỏi nhà một quãng thì rể và phù rể lại quay lại nhà gái uống một chén nước làm lễ với ý nghĩa là lại mặt.

Cô dâu người Nùng không được đi giầy trong ngày cưới vì theo quan niệm của họ thì đi giầy hôm đó sau này sẽ đẻ đôi, để ba, khó đẻ hoặc làm ăn chật vật vất vả, gò bó như đi giầy.

Trang điểm cô dâu Nùng

Đến nhà chồng, trước khi cô dâu vào nhà người ta bưng đến một chậu nước để cô dâu rửa chân, khi cô dâu bước vào nhà người ta lấy chiếc cót che kín bếp lửa để cô dâu đi qua không nhìn thấy lửa vì theo quan niệm như vậy cô dâu sau này làm ăn thuận lợi, tính tình hiền lành, không gây chuyện với bố mẹ chồng.

Làm lễ tơ hồng: cô dâu chú rể được tặng nhẫn cưới để trong hai chiếc chén. Bước thứ tám (lễ lại mặt): ngay hôm sau ngày cưới cô dâu đã về nhà bố mẹ đẻ, nhưng được 3 hôm thì chàng rể và em gái của anh ta đem một số lễ vật đến nhà gái tổ chức một bữa ăn. Trong trường hợp người con trai phải ở rể thì ngày hôm sau đó nhà gái sẽ cử người đến đón chú rể về nhà gái.

Nhà trai mang lễ sang nhà gái

Sau lễ lại mặt chú rể và cô dâu mang một số lễ vật đến nhà ông mối, bà mối cũng với ý nghĩa lễ lại mặt. Tại đây cô dâu chú rể cũng được tặng vòng tay, nhẫn cùng với khăn áo. Từ đây cô dâu chú rể phải coi ông bà mối như bố mẹ đẻ của mình, điều đặc biệt là ông bà mối coi cô dâu như con gái, chú rể như con rể của mình.

Theo tục lệ sau khi cưới, cô dâu vẫn ở nhà bố mẹ đẻ, thỉnh thoảng mới về thăm và giúp bố mẹ chồng khi nhà chồng có việc hay ngày mùa. Một điều đặc biệt là những lần sau đó không phải nhà chồng đến đón dâu về mà bố mẹ đẻ của người con gái trong ba lần đầu đều phải chọn ngày tốt để đưa con mình về nhà chồng. Sau ba lần như vậy cô dâu mới tự về nhà chồng. Nhiều cô dâu, sau khi cưới 3 đến 5 năm, thậm chí 8 đến 10 năm mới về hẳn nhà chồng. Cô dâu chỉ về ở hẳn nhà chồng khi có thai lần đầu.

6. Sinh đẻ

Khi phụ nữ người Nùng có chửa nhất là ở tháng cuối cùng được chăm sóc cẩn thận, chu đáo. Người chửa được giảm bớt các công việc nặng nhọc, dành nhiều thời gian cho nghỉ ngơi, đồng thời cũng phải kiêng kỵ nhiều điều. Sự kiêng kỵ này không chỉ đối với người có chửa mà cả người chồng và những người khác trong gia đình. Đối với người phụ nữ khi có chửa, đầu năm mới không được vào nhà người khác, không về thăm bố mẹ đẻ vào những ngày từ mùng 1 đến mùng 3 tết, nếu có đi thì phải sau ngày 4 tết. Trong quan hệ với bà con trong bản, người phụ nữ có chửa kiêng đứng, ngồi ở đầu ngõ, vì người ta cho rằng ra ngõ mà gặp người có chửa là điềm xấu. Người chửa phải kiêng ăn tiết canh, thịt trâu, thịt bò, trèo cây ăn quả vì sợ quả bị rụng, bị thối v.v...; không được ăn các loại ếch, nhái, tôm, cua vì sợ đẻ con ra sẽ thành quái thai; đồng thời cũng không được đi lấy gừng vì sợ sau này đẻ con ra sẽ có hình thù như củ gừng. Người phụ nữ có thai, cũng như các thành viên trong gia đình còn phải kiêng buộc lạt trong khu vực buồng người có thai, không chôn cột sợ rằng sau này khó đẻ hoặc không đẻ được; không được gây tiếng động mạnh trong buồng, không được phá giường, hay di chuyển giường cũng như đồ đạc trong buồng của thai phụ, … vì sợ sẩy thai. Người phụ nữ có thai kiêng không đến gần chỗ để thóc và các loại hạt giống, không đến gần nơi thờ cúng, nơi hôi thối.

Trong khi vợ chửa, người chồng không được giết lợn, gà, vịt,… vì sợ sau này con sẽ bị hen, thở khò khè như lợn lúc bị chọc tiết; không được đắp bếp lò sợ đứa trẻ bị sứt môi; khi đi xa về, nhất là đi đa ma về phải lấy kim nín thở gài vào áo mũ của mình nhằm mục đích để yểm không cho hồn vía người chết theo về nhà... Trong bản có lễ cúng chung, gia đình có người chửa thường phải góp gạo và các thức ăn để thổi nấu riêng, vì cơm và thức ăn của họ đóng góp không thể đem cúng thần vì sợ uế tạp.

Khi trong gia đình có người ở cữ, người ta kiêng người lạ vào nhà, dấu hiệu là đặt một cành lá xanh, hoặc một cái túi sợi gai trong có vài hòn than và con dao cùn (nếu là con gái để ở bên trái và con trai để ở bên phải) ở cửa ra vào. Nhìn vào đó người ta có thể biết được nhà ấy có người đẻ và đẻ con trai hay con gái.

Trong những ngày đầu, nhất là đẻ con so, sản phụ thường phải nằm nghỉ, ít được đi lại và kiêng ra suối. Nếu đẻ vào mùa thu đông, thì chỗ nằm của sản phụ thường được lót bằng lá ngải, lá bí khô. Họ cho rằng những thứ lá ấy ngoài làm cho ấm, còn có tác dụng như là thứ thuốc phòng bệnh. Sau ba ngày sản phụ có thể ra ngồi sưởi ở bếp chính, và nếu có thể người ta làm một bếp phụ ở ngay sát buồng ngủ của sản phụ. Bếp này không những để sưởi mà còn là chỗ hơ tã lót của trẻ nhỏ.

Đứa trẻ được 3 ngày tuổi, họ tổ chức lễ mẹ hoa, cúng các thần trong nhà, cúng tổ tiên cùng vị nữ thần coi sóc việc sinh đẻ, và đặt tên cho đứa trẻ. Theo tập quán, bà ngoại đặt tên cho trẻ, nhưng lại do một người đàn ông công bố. Người được nhờ công bố tên cho đứa trẻ phải là người có đông con, phúc hậu, hoạt bát, làm ăn có phần khá giả.

Theo tục lệ của người Nùng thì người phụ nữ ở cữ phải kiêng được 42 ngày. Khi hết cữ họ làm một lễ cúng to hơn lễ mẹ hoa. Lễ này có mổ gà, lợn để cúng chỗ nằm của sản phụ, tổ tiên và mẹ hoa. Trong buổi lễ, thầy cúng viết tờ lộc mệnh cho đứa bé. Tờ lộc mệnh sau đó được đem gói cùng với lá số của mọi người trong gia đình và cất ở nơi thờ cúng. Khi viết xong tờ lộc mệnh thầy cúng đem áo, mũ, khăn tặng cho đứa bé, ngược lại gia đình tặng ông ta vài cân thịt và một ít tiền.

Nếu đứa trẻ hay ốm đau, người ta phải bói và làm tục bán khoán, gửi con cho thánh tướng, tức cúng khấn để nhờ một ông thánh nào đó phù hộ, hoặc người ta nhờ một thần bảo lãnh, hoặc gửi vào thần đá, trong trường hợp đó, tên đứa trẻ sẽ được gọi là Thạch, Phú, Quý, v. v. Cũng có trường hợp bói toán biết được đứa trẻ cần xin nương họ nào thì đặt tên theo họ ấy. Sau khi cúng, thầy cúng viết những câu phù chú lên áo của đứa trẻ để cầu mong sự phù hộ, đồng thời khâu ở đằng sau áo một cái túi con trong đựng vài đồng tiền kẽm hoặc vuốt móng hổ, gấu. Khi lớn lên đứa bé xin nương họ nào thì người ta phải sửa một lễ cúng xin một bát gạo của họ đó để thổi cho đứa bé ăn, từ đó đứa bé được gọi theo tên họ ấy như: Lực, Thơng, La, Trân, Ninh, Hoàng. Trẻ con được đeo vòng cổ hoặc vòng tay vòng chân để mong tránh được tà ma.

7. Nghi lễ tang ma

Khi có người chết, theo tục lệ, người Nùng không được khóc ngay mà phải tắm rửa cho người quá cố, đặt lên giường mặc quần áo mới và tiếp theo người ta lấy một đồng bạc trắng (hoặc tiền kẽm, đồng xu) cho vào miệng người chết. Thay quần áo mới cho người chết là những bộ quần áo đẹp nhất cắt hết khuy hay dây buộc và lấy kéo cắt gấu áo, quần hay váy một nhát gọi là để làm dấu cho ma. Khi khâm liệm, tất cả con trai, con gái đều phải tự tay buộc một miếng vải trắng vào người của bố hoặc mẹ đã quá cố.

Nghi lễ tang ma của người Nùng Phàn slình

Người ta đặt thi hài ở ngay giữa nhà, làm thịt một con gà nhỏ bằng nắm tay luộc chín và đơm một bát cơm đặt dưới chân người chết với ý nghĩa hồn người chết đi đến đâu sẽ dùng con gà này bới ăn đến đó. Làm xong các những nghi lễ trên, các thành viên trong gia đình phải xoã tóc, mặc áo trái, trưởng nam làm lễ cúng khấn báo cho tổ tiên trong gia đình biết việc tang ma, lúc bấy giờ cả nhà mới được khóc.

Xưa kia đám tang người Nùng thường kéo dài 7 đến 8 ngày, phải làm nhiều công việc như: làm quan tài, lập đàn cúng, viết sớ, làm nhà táng, dựng cây phướn, làm lễ phá ngục, làm lễ chôn cất,...

Sau khi đã chôn cất, những người trong gia đình vẫn phải mặc quần áo trái và xoã tóc cho tới hôm thứ ba là ngày người ta ra thăm mộ và làm nhà mồ. Đám ma đến đây mới kết thúc. Tuy nhiên tại nhà, hàng ngày người ta vẫn cúng cơm, ở bàn thờ riêng thờ người vừa quá cố, thường thường người ta cúng cơm canh (hàng ngày, gia đình ăn cái gì thì đem cúng loại ấy) cho đến hết tang. Cũng trong thời gian đó vợ (hoặc chồng), con phải để tang, (chồng không để tang vợ). Trong thời kỳ để tang người ta cấm lấy vợ, lấy chồng. Người vợ nếu còn trẻ cần đi bước nữa cũng phải sau khi mãn tang chồng.

8. Quan niệm tín ngưỡng, thờ cúng

Tục cấp sắc cho người trưởng thành:

Ở người Nùng có tục cấp sắc cho người trưởng thành nhưng không bắt buộc, không phải người thanh niên nào cũng được cấp sắc. Ở bản Đồng Nghè (Động Đạt - Phú Lương), cấp sắc ở người Nùng có hai bậc: tiểu tao và đại tao, cấp sắc vừa mang ý nghĩa trưởng thành vừa mang ý nghĩa tín ngưỡng (được phép làm thầy cúng); người đi làm lễ cấp sắc là do cha truyền con nối và nhà phải có đủ một bộ chiêng ba cái: nhỏ, trung bình và lớn nhất. Lễ tiểu tao làm một đêm, lễ vật gồm có: một thủ lợn, một đến hai chai rượu, khách mời chỉ là anh em trong họ, người được cấp sắc phải ngồi trong màn đọc sách 49 ngày, kiêng đến chỗ bẩn thỉu. Lễ đại tao làm một ngày một đêm, lễ vật gồm: 1 con lợn, 10 con gà, 10 chai rượu; thầy cúng có 3 người: 3 thầy cả và 3 người giúp việc. Người được cấp sắc mặc áo cà sa mới. Về mặt xã hội những người đã được cấp sắc thì được tôn trọng hơn và dễ lấy vợ. Theo quan niệm của họ, làm cấp sắc làm “danh giá cửa nhà”, cốt để được cúng bái, thờ phụng, mong sự phù hộ của thánh thần và tổ tiên.

+ Thờ cúng

Đồng bào Nùng thờ tổ tiên là chính. Bàn thờ để một buồng trong nhà, trên bàn thờ tổ tiên là bàn thờ các vị tiên, thánh, thần, Khổng Tử, và Quan âm Bồ tát. Những gia đình có người làm Tào, Pụt, Then... thì có thêm một bàn thờ “thánh tướng và âm binh”. Cũng vào các ngày lễ tết, mùng một và ngày rằm phải thắp hương đèn nến, cúng và cấp vàng mã.

Bàn thờ của người Nùng

Thờ táo quân thì phải giữ bếp sạch sẽ như không được nhổ, bỏ giấy đã viết vào bếp, không xàp nấu những món ăn gọi là “món ăn tạp” như thịt trâu, bò, chó...Bàn thờ bà mụ thường đặt ngay ở đầu giường của phụ nữ đã có con. Cúng vào các dịp lễ tết.

Khác người Tày, người Nùng Phàn Sình thờ “thờ ma ở ngoài sân”. Theo thần tích, vị thần này cũng là thần thổ địa. Nhưng đối với một số họ người Nùng, phi thang slàn là vị thần An Phủ Đại Vương, tức Nùng Trí Cao. Đồng bào cho rằng vị thần này rất thiêng.

Đồng bào Nùng còn thờ các thần thổ địa, thổ công, thành hoàng là những thần công cộng của cả thôn bản. Thờ thành hoàng thì hầu như địa phương nào cũng có nhưng không nhất thiết bản nào cũng phải có miếu thờ.

9. Văn hoá dân gian Văn hóa của người Nùng cũng có nét tương đồng như của người Tày (pụt, hát then, phong slư) nhưng người Nùng có hát sli là nét văn hóa độc đáo riêng.

+ Hát Sli là hát giao duyên của nam nữ thanh niên dưới hình thức diễn xướng tập thể, thường là đôi nam, đôi nữ hát đối đáp với nhau theo hai bè. Tổ chức vào dịp lễ hội hay hát cả trên tàu, xe.

Học hát Sli của người Nùng

Hát Sli

+ Trò chơi: Trong các dịp lễ tết thường tổ chức các trò chơi như: tung còn, đánh cầu lông, đánh quay, kéo co…

+ Các lễ tết trong năm

Tết Nguyên đán: cách tổ chức gần giống như tết của người Tày, song ở một số địa phương thuộc vùng thấp người Nùng chỉ cúng bánh, thịt đến hết ngày mồng 1 tết, các ngày sau chỉ thắp hương.

Lễ hội Lồng Tồng.

Một số nghi lễ trong lễ hội Lồng Tồng của người Nùng

Tết 3-3 (tết Thanh minh): ở người Nùng trong ngày này, các gia đình cúng gia tiên bằng các loại xôi như xôi đỏ, xôi vàng (nhuộm nghệ), xôi đen (gạo ngâm với lá xau xau). Mỗi bát hương trên bàn thờ được cắm một cái lá xanh. Trong ngày tết này người ta đi tảo mộ và cắm cây tiền cho ông bà tổ tiên. Đối với người Nùng người ta chỉ cắm 4 cây tiền cho những mộ của người chết đã có vợ, có chồng và có con; còn già chết không có con chỉ cắm 3 cây.

Lễ Tết Thanh minh của người Nùng

Tết 5 - 5: người Nùng ăn tết này giống như người Tày, chỉ có khác một điểm là họ làm bánh gio để cúng gia tiên.

Tết 6 - 6 (tết cấy mùa): cúng xôi, gà hoặc vịt để cầu mong tổ tiên phù hộ cho một năm cấy lúa bội thu.

Tết Rằm tháng 7: gọi là ăn tết rằm tháng bảy nhưng thực tế họ ăn vào ngày 14 tháng 7. Đây là lễ cúng nhân dịp kết thúc cấy vụ mùa; đồ ăn chủ yếu là bún, thịt vịt, song cũng có gia đình làm bánh chưng, bánh nếp, đồ xôi.

Tết Cơm mới (10 - 10): tổ chức khi lúa vừa chín đến hoặc khi kết thúc vụ gặt. Lễ vật cúng là xôi, bánh chưng, thịt gà, thịt vịt hoặc thịt lợn.

Tết Bà Táo hay Mẹ Táo: các gia đình cúng ở bếp và bàn thờ gia tiên. Lễ vật cúng nhất thiết phải có vịt luộc cả con (để vịt lên trời báo với Ngọc Hoàng các công việc trong năm của gia đình).

10. Nghi lễ Hét Khoăn (sinh nhật) của người Nùng

Theo tập quán của người Nùng, những người từ 50 tuổi trở lên, đã dựng vợ gả chồng hết cho con, có đủ con cháu (thường những người còn bố mẹ già sẽ tập trung tổ chức Hét Khoăn cho bố mẹ) sẽ được tổ chức nghi lễ Hét Khoăn (mừng sinh nhật). Họ tin rằng, người chết không thể ăn được nên thay vì nhớ ngày mất để cúng giỗ bố mẹ, ông bà, tổ tiên, con cháu sẽ tổ chức nghi lễ này khi họ còn sống, bởi đây là những người đem lại phúc lớn cho gia đình.

Nghi lễ Hét Khoăn thường diễn ra từ chiều hôm trước, qua đêm, đến hết ngày hôm sau, tại gian thờ tổ tiên người được mừng sinh nhật. Để thực hiện nghi lễ, chủ nhà phải mời thầy cúng về cầu an, cầu bản mệnh, sức khoẻ cho người được mừng sinh nhật, sau đó cho cả gia đình. Lễ vật cúng gồm có: lợn quay, gà luộc, bánh dày đặt trong các mâm: đón mừng hồn, vía; cầu mong sức khỏe; cúng trên ban thờ tổ tiên, mâm tiền và gạo dùng cho người âm.

Khi thực hiện nghi lễ, thầy cúng không sử dụng sách mà phải học thuộc lòng các bài cúng và thực hiện các nghi thức chính, bao gồm: Nghi thức cúng xin phép tổ tiên: mời tổ tiên chủ nhà về chứng kiến buổi lễ và phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, bình an; Nghi thức cầu sức khỏe, cầu bình an: cầu mong cho hồn yên tâm, vui vẻ mà gắn bó lâu dài với thể xác; Nghi thức đổ thêm nước sinh mệnh: với ý nghĩa bổ sung sinh khí, tinh thần cho ông bà sống thọ, có nhiều phúc lộc; Nghi thức trồng cây mệnh: tượng trưng cho số mệnh của ông bà, mong ông bà mạnh khỏe, tươi tốt như cây rừng; Nghi thức bổ sung lương thực vào bịch gạo mệnh: để gia hạn với Nam Tào, kéo dài tuổi thọ người được mừng sinh nhật.

Sau đó, thầy cúng thực hiện nghi thức cúng cầu mong sức khỏe, bình an cho chủ nhà, đồng thời báo cáo với tổ tiên đã tìm thấy hồn vía bị lạc về đúng với chủ, đã đổ đầy giếng nước, trồng được cây tươi tốt, khỏe mạnh, đã đổ đầy bịch gạo mệnh và làm lễ cấp tiền mã cho thiên binh, thiên tướng, cảm ơn họ vì đã giúp thầy cùng gia đình hoàn thành các nghi lễ mừng sinh nhật.

Kết thúc nghi lễ, thầy cúng chúc mừng mọi vía đã quy tụ đầy đủ và nhờ ông bà, tổ tiên để mắt trông nom cũng như dặn dò vía không được mải mê đi chơi quên đường về. Đến ngày hôm sau, con cháu, họ hàng, người thân làm cỗ mời làng xóm đến ăn mừng sinh nhật ông bà.

Những đồ dùng khi hành lễ như: chiếc đèn, thúng gạo, cầu... sẽ được thầy cúng đưa lên bàn thờ tổ tiên và dặn dò tổ tiên trông nom, cai quản. Sau 7 hoặc 9 ngày, con cháu sẽ lấy gạo và trứng, nấu cháo cho ông bà ăn để có thêm sức khỏe, sống lâu với con cháu và nấu cơm cho con cháu ăn với mong muốn được khỏe mạnh để chăm sóc ông bà, cha mẹ.

Nghi lễ Hét Khoăn là tập quán lâu đời của người Nùng, không chỉ mang lại niềm vui cho người cao tuổi, mà còn là bài học đạo đức cho thế hệ trẻ về lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ. Đối với người Nùng, đây chính là món quà quý giá nhất của con cháu dành cho ông bà, cha mẹ mình, thể hiện sự kính trọng, hiếu nghĩa của họ với các bậc sinh thành. Cùng với thời gian, nhiều nghi thức trong nghi lễ Hét Khoăn được giản lược cho phù hợp với đời sống hiện đại, song nghi lễ này vẫn được các thế hệ trong gia đình của người Nùng tổ chức thường xuyên và trao truyền cho nhau. Chính quyền địa phương cũng triển khai những biện pháp như tư liệu hóa và xuất bản những tài liệu giới thiệu về nghi lễ Hét Khoăn, tạo điều kiện về không gian trình diễn để cộng đồng người có cơ hội thực hành và truyền dạy các nghi thức của nghi lễ Hét Khoăn trong nhiều sinh hoạt văn hóa của cộng đồng.

Nghi lễ Hét Khoăn của người Nùng ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 3465/QĐ – BVHTTDL ngày 13/10/2015./.

Tư liệu sưu tầm: - Dư địa chí Thái Nguyên; - Hồ sơ tư liệu của Cục Di sản văn hóa.

Từ khóa » Người Nùng ở Việt Nam