Đàn Tranh – Cây đàn Họa Lại Hồn Quê Hương. - ADAM Muzic

Ngày nay, việc kết hợp các yếu tố trong âm nhạc dân tộc cổ truyền cùng với các yếu tố âm nhạc hiện đại đang là xu hướng được nhiều nghệ sĩ lựa chọn để cho ra đời những sản phẩm âm nhạc độc đáo. Điều này cũng thúc đẩy việc xóa mờ ranh giới giữa các nền âm nhạc trên khắp thế giới. Không chỉ dừng lại ở việc kết hợp các ca khúc với nhau, mà ngày nay các ngôn ngữ, nhạc cụ cũng được đan xen với nhau trong cùng một ca khúc. Và một trong những nhạc cụ cổ truyền dễ mang lại sự ấn tượng sâu sắc cho người nghe khi được kết hợp cùng âm nhạc hiện đại là đàn Tranh, hay còn gọi với cái tên đàn Thập Lục.

I/ Xuất xứ

Đàn Tranh thuộc họ dây, chi gảy có xuất xứ từ cây đàn Sắt của người Trung Hoa. Có thể đàn Tranh được du nhập sang đất Việt từ thời nhà Trần. Qua gần 80 thập kỷ, người Việt Nam đã Việt hóa để cây đàn mang nhiều điểm nhấn phù hợp với văn hóa âm nhạc dân tộc mình.

Nói qua một chút về đàn Sắt (tiền thân đàn Tranh). Đàn Sắt là một loại đàn cổ của người Trung Hoa. Đầu tiên đàn Sắt có 50 dây, sau được làm gọn lại còn 25 dây. Đàn Sắt thường được tấu chung với đàn Cầm (7 dây), một trong những loại nhạc cụ họ dây cổ xưa nhất Trung Hoa. Bạn nghe tên 2 loại đàn này có thấy quen thuộc không nào. Hai chữ Sắt Cầm chính là nằm trong câu hát của bài cổ nhạc Dạ Cổ Hoài Lang mà ADAM Muzic đã từng có bài viết trước đây. Duyên Sắt Cầm ý chỉ sự gắn bó son sắt của vợ chồng.

“Bao thuở đó đây sum vầy

Duyên sắt cầm đừng lạt phai í a”

Đàn sắt cổ Trung Hoa

Đàn cổ cầm Trung Hoa

II/ Cấu tạo

Thùng đàn:

Đàn tranh có hình hộp dài, thùng đàn/thân đàn dài khoảng 100cm với một đầu lớn và một đầu nhỏ dần. Đầu lớn có chiều ngang 17cm đến 20cm và đầu nhỏ có chiều ngang từ 12cm đến 15cm. Chính cấu tạo này cùng với cách tạo hình chi tiết khác tạo nên sự thanh thoát cho đàn Tranh. Thân đàn Tranh thường được làm bằng gỗ mun, gỗ trắc

Mặt đàn:

Là mặt gỗ cong vòm lên và không liền một khối với thân đàn. Mặt đàn thường làm bằng gỗ cây ngô đồng hoặc gỗ thông. Có quan niệm cho rằng, mặt đàn vòm cong lên là biểu trưng cho bầu trời. Mặt đàn dày khoảng 5mm

Đáy đàn:

Đáy đàn là một mặt phẳng để dễ để trên đùi khi ngồi đất hoặc để trên mặt phẳng khác khi ngồi ghế, đồng thời tạo sự ổn định khi chơi đàn. Đáy đàn thường sẽ được khoét 3 lỗ. Một lỗ ổ đầu to của đàn để thoát âm, và mắc dây đàn. Ở đầu nhỏ có một lỗ nhỏ để treo đàn lên khi không sử dụng và 1 lỗ ở giữa đáy đàn để tiện việc di chuyển. Lỗ giữa này có hình chữ nhật

Đàn tranh Việt Nam

Cầu đàn:

Ở đầu to của hộp đàn, chúng ta sẽ thấy một miếng gỗ nhô cao lên, cong ôm sát theo độ vòm của mặt đàn. Đây là cầu đàn. Cầu đàn được đục 16 lỗ nhỏ thẳng hàng để luồn dây đàn qua và giúp cố định dây đàn không bị xô lệch quá nhiều khi được khẩy.

Ngựa đàn:

Các bạn nhìn thấy trên mặt đàn có 32 vật thể nhọn hình chữa A. Đó chính là ngựa đàn hay còn gọi là nhạn đàn vì hình dáng như đôi cánh ngạn. 32 ngựa đàn này dùng để gác dây và có thể di chuyển dọc theo mặt đàn để căng chỉnh cao độ của mỗi dây đàn ngay cả trong lúc đàn một cách dễ dàng. Ngựa đàn thường làm bằng gỗ, nhựa hoặc xương, ngà,…

Dây đàn:

Dây đàn ngày xưa được tra là loại dây làm bằng tơ. Tra là tiếng gọi xưa của hành động luồn dây, mắc dây vào thân đàn. Ngày nay thi đa số làm bằng dây kim lại như đồng, sắt, inox

Trục đàn:

Ở phía đầu nhỏ của đàn tranh, có 1 trục đàn. Trục đàn dùng để căng dây hoặc làm trùng dây/thả dây để tạo các âm sắc khác nhau. Kết hợp cùng sự di chuyển của ngựa đàn/nhạn đàn tạo nên khả năng thiên biến vạn hóa cho đàn Tranh.

Móng gảy đàn:

Móng chơi đàn Tranh

Tuy không là một bộ phận nằm trong cấu tạo của đàn Tranh nhưng nếu thiếu những móng gảy này thì người chơi đàn Tranh khó có được sự uyển chuyển trong việc tạo ra âm thanh và cũng sẽ rất dễ tổn thương ngón tay vì dây đàn rất mỏng, mỏng như cước mà lại được căng cứng.

Móng gảy đàn được đeo ở các ngón tay 1, 2 và 3 bàn tay.

III/ Âm thanh của đàn Tranh

Do các dây được căng rất chắc, đồng thời dây đàn được tạo ra với độ dày rất nhỏ dù là dây dày nhất nên âm thanh của đàn Tranh rất mảnh mai và trong sáng. Ở những nốt cao nhất mà đàn Tranh có thể tạo ra, âm thanh nghe vô cùng réo rắt như tiếng nước chảy và bay bổng như lạc vào chốn thần tiên.

Đàn tranh có một âm vực rất rộng lên đến 3 quãng 8. Điều này là một lợi thế cho Đàn tranh vì âm vực quá rộng nên có thể diễn đạt nhiều cung bật cảm xúc cũng như kiêm nhiều “chức vụ” khi hòa tấu cùng các nhạc cụ khác.

Đàn tranh là một nhạc cụ thể hiện rõ ràng nhất ngũ cung Việt Nam. Đàn Tranh được lên dây theo kiểu cổ nhạc:

  • Dây  1 là dây Hò tương ứng với nốt Sol 3 (G3) trong nhạc phương Tây. Có khi thấp hơn là Fa 3
  • Dây 2 là dây Xự tương ứng với La 3 (A3)
  • Dây 3 là Xang tương ứng với nốt Đô 4 (C4)
  • Dây 4 là Xê tương ứng với nốt Rê 4 (D4)
  • Dây 5 là dây Công tương ứng với nốt Mi 4 (E4)

Và cứ theo công thức này mà tăng lên tương ứng với 20 dây còn lại.

Đàn tranh có một đặt điểm là 32 con nhạn đàn xếp thành 2 hàng, chia đàn tranh ra làm 3 phần. Phần gần đầu to của đàn (Dùng tay phải để khẩy), phần giữa và phần gần đầu nhỏ của đàn (dùng tay trái để điều khiển). Và âm thanh 3 phần của đàn này tạo ra không hề giống nhau.

Điển hình lấy ví dụ như mở đầu cho bài Lưu Thủy Trường trong các bản nhạc Bắc thì các bạn sẽ nghe người chơi đàn lướt ngón tay qua một loạt dây đàn tạo nên một chuỗi âm thanh như quyện vào nhau rất mềm mại như một dòng nước chảy. Đó là lý do vì sao gọi là Lưu Thủy Trường. Xin lưu ý là chữ bài và bản ở đây được dùng theo nghĩa một cái khung sườn và người chơi tùy biến trong đó chứ không phải là một bài nhạc cụ thể như cách đặt tên các ca khúc hiện đại.

Khi chơi bài Lưu Thủy Trường thì người chơi sử dụng phần dây đàn nằm gần đầu to của đàn Tranh chứ không dùng 2 phần còn lại. Khi dùng 2 phần còn lại tạo ra âm thanh sẽ nghe rất khó chịu và mất đi sự trong trẻo vốn có của tiếng đàn Tranh. Để dể hình dung các bạn xem video sau nhé.

https://www.youtube.com/watch?v=mjcmvUTAjyQ

Sau khi xem xong video thì chắc các bạn đã hình dung ra Lưu Thủy Trường là gì và đặc điểm trong cách chơi của đàn Tranh như thế nào. Lưu Thủy Trường chỉ là 1 trong 6 bài của bản Bắc, ngoài ra còn có các bài của bản Nam, bản Vọng Cổ, v…v… và trong mỗi bản lại chia ra nhiều bài khác nhau. Từ đó có cách lên dây khác nhau. Sau đây là một vài cách lên dây của các bản căn bản:

Dây Bắc, Quảng: Sol – La – Do – Re – Mi – Sol

Dây Đảo: Sol – La – Do – Re – Fa- Sol

Dây Nam Ai, Xuân: Sol – Si – Do – Re – Fa- Sol

Dây Vọng cổ: Sol – Si – Do – Re – Mi – Sol

Sa Mạc: Sol – Si – Do – Re – Fa- Sol

Tây Nguyên: Sol – Si – Do – Re – Fa# – Sol

IV/ Kỹ thuật chơi đàn Tranh

Nói như ở phần trên thì không có nghĩa là tay trái, gần khu vực đầu nhỏ của đàn là vô tác dụng. Nếu như tay phải dùng để tạo ra các âm thanh chính thì tay trái dùng để tạo ra các kỹ thuật nhằm tăng sự phong phú cho tiếng đàn khi phát ra.

Chặn:

Tay trái có thể chặn trên đầu các con nhạn làm cho dây đàn hơi khựng lại, tạo ra âm thanh khá giống đàn bầu.

Móc:

Vì mỗi nốt nhạc chia ra 1 dây nhất định tương tự như các phím đàn piano, nên đàn tranh có thể hoàn toàn tạo ra các hợp âm và đồng thời vẫn chơi được các nốt riêng lẻ. Lúc này tay phải vẫn chơi các nốt theo giai điệu còn tay trái có thể dùng các ngón tay móc các dây đàn gần như cùng lúc để tạo ra các hợp âm.

Nhấn:

Nếu đã có thể tạo ra hợp âm thì hoàn toàn có thể chơi được tân nhạc. Nhưng theo ngũ cung Việt Nam thì lại không có nốt Si. Lúc này dùng ngón tay ở tay trái nhân xuống dây nốt La và tay phải khẩy vào dây La này thì chúng ta có nốt Si. Và có nốt Mi nhưng không có nốt Fa thì chúng ta “xài ké” dây Mi và nhấn xuống bằng tay trái, chúng ta có nốt Fa.

V/ Các loại đàn tương tự như đàn Tranh

Đàn Kayakum của Hàn Quốc

Đàn Gayageum Hàn Quốc

Đàn Koto của Nhật Bản

Đàn Koto Nhật Bản

Và để kết bài, mời các bạn thưởng thức các sản phẩm âm nhạc có sự hiện diện của âm thanh kỳ diệu của đàn Tranh nhé.

Đầu tiên là một ca khúc của một nhạc sĩ trẻ với chất nhạc rất riêng. Anh đã kết hợp tiếng đàn Tranh vào ca khúc nhạc hiện đại của mình một cách tuyệt vời. Ca khúc Quá Lâu của nhạc sĩ Vinh Khuat

Khi nghe đến đoạn nhạc sử dụng tiếng đàn tranh, bạn sẽ cảm thấy Tết đang tới rất gần rồi. Một minh chứng hùng hồn cho tính dân tộc đậm sâu của đàn Tranh. Các bạn để ý xem đoạn nhạc sử dụng tiếng đàn Tranh trong cá khúc, mở đầu chính là cách đánh bài Lưu Thủy Trường mà mình đã đề cập đấy.

https://www.facebook.com/vinhkhuatmusic/videos/10216952629038923/

Ca khúc Tình Yêu Màu Nắng được thể hiện qua tiếng đàn Tranh:

Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè

https://www.youtube.com/watch?v=J2Eed85VcZM

VI/ Tạm kết

Các bạn thấy đấy, thực sự đàn tranh với số dây là 16, số nhạn là 32 và rất nhiều kỹ thuật chơi đàn đã biến đàn Tranh trở thành cây đàn có sức ảnh hưởng rất lớn trong dòng chảy âm nhạc. Từ các buổi đờn ca tài tử dân dã đến các buổi nhạc lễ long trọng. Đàn Tranh đều có một vị thế riêng không lẫn được với loại đàn nào từ âm thanh đến dáng hình đầy hoài niệm của nó.

Và sự kết hợp đàn Tranh vào dòng chảy âm nhạc hiện đại đã xóa nhòa ranh giới âm nhạc của các nền văn hóa đồng thơi nâng niu nhau cho ra đời những sản phẩm âm nhạc đột phá.

Nếu có dịp, các bạn hãy đếm tham gia các buổi hòa nhạc với dàn nhạc dân tộc có đàn tranh để thưởng thức hết cái hay, cái kỳ ảo của đàn Tranh nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm bài viết.

Tác giả: Quân Nguyễn

Phát hành: ADAM Muzic

Dẫn nguồn:

Móng đàn tranh, hocdantranh.vn, [Oct 6th, 2018], http://hocdantranh.vn/, [Oct 6th, 2018]

Koto: The National Instrument of Japan, Hikikyo78, [Jul 28th, 2013], https://americanhikikomorifilm.wordpress.com/2013/07/28/koto-the-national-instrument-of-japan/, [Oct 6th, 2018]

Gayageum, thinglink.com, https://www.thinglink.com/scene/374936980074528768, [Oct 6th, 2018]

Đàn Tranh, hocdanbinhduong.net,http://hocdanbinhduong.net/san-pham/dan-tranh-mot-nhac-cu-doc-dao.htm, [Oct 6th, 2018]

Từ khóa » đàn Tranh Loại Nhỏ