Dân Trí Là Gì Và Làm Sao để Nâng Cao Dân Trí? - CVD

Chào các bạn,

Câu mà rất nhiều người, nhiều lãnh đạo, nhiều quan chức, nhiều trí thức Việt Nam thường nói là “dân trí Việt Nam thấp”. Nhưng dân trí là gì? Làm sao để đo lường dân trí? Và làm sao để nâng cao dân trí?

Nếu bạn google tìm đề tài dân trí thì lời giải thường là các nhà bán sách và các quán cà phê sách nói rằng đọc sách để nâng cao dân trí. Còn hầu hết, hình như người ta chỉ nói dân trí ta thấp, mà chẳng có chứng minh tại sao thấp, thấp đến độ nào, và làm sao để nâng cao dân trí.

Có tai nạn và dân tình hôi của – dân trí thấp. Xả rác – dân trí thấp. Quấy nhiễu khách du lịch – dân trí thấp. Xem đá bóng đánh nhau – dân trí thấp. Không tuân luật đi đường – dân trí thấp. Chuyển tờ rơi trên mạng – dân trí thấp. Chay theo tin đồn nhảm – dân trí thấp. …

Nói chung là bất kì điều gì quý vị không thích thì cho là dân trí thấp, nhưng chẳng quý vị nào nói tại sao dân trí thấp thế và làm sao để nâng dân trí thêm.

Các bạn, chúng ta học sử thường được dạy Tàu đô hộ ta cả nghìn năm với chính sách ngu dân. Tây đô hộ ta cả trăm năm với chính sách ngu dân. Vây họ làm sao để ngu dân hóa người Việt? Cũng chẳng ai có câu trả lời.

Các bạn, rất dễ để ngu dân hóa một quốc gia bị đô hộ: không cho chúng nó đi học. Không có nhiều trường, nhiều thầy, nhiều trò. Chỉ có một số ít trường, tạo ra một số ít người học văn hóa và ngôn ngữ đô hộ – tức là tiếng Hán hay tiếng Pháp – để làm tay sai cho thực dân để cai trị dân bản xứ. Đi học, do đó, là một đặc quyền cho một số tay sai cực nhỏ để ngồi dưới mông kẻ đô hộ và trên đầu người bị trị. Đi học là một đặc quyền đặc lợi tối cao trong quốc gia bị đô hộ.

Chính vì vậy mà ngay khi cuộc kháng chiến chống Pháp còn chưa xong, trong những vùng được Việt Minh giải phóng, cụ Hồ đã có chính sách nâng cao dân trí tức thì bằng cách dạy và yêu cầu mọi người dân phải biết đọc biết viết. Làm cho mọi người biết đọc biết viết, đó là nâng cao dân trí.

Đất nước độc lập, tiểu học là mức học bắt buộc (mandatory education), đó là mức dân trí tối thiểu.

Vài mươi năm sau đó, khoảng cuối thập niên 1970s thì phổ cập giáo dục (universal education) có nghĩa là mọi người học xong trung học. Và mức dân trí tối thiểu là mức xong lớp 12.

Ngày nay thế giới tiến bộ chớp nhoáng với vận tốc tin học, mức giáo dục phổ cập là cử nhân đại học. Đó là mức tối thiểu của dân trí đòi hỏi cho thế giới hôm nay.

Dân trí là trí tuệ dân có thể đo được như thế. Không phải chỉ là một từ trừu tượng để quý vị dùng để than vãn hay mắng mỏ, mà chẳng hiểu nó là gì hay làm sao để nâng nó lên.

Dân trí tối thiểu ngày nay phải là tốt nghiệp đại học. Có nghĩa là mọi người trong nước đều cần phải có giáo dục đại học nếu họ muốn đi học. Đó là lý do chính mà chúng ta phải có trường và có thầy đủ cho cả nước đi học đại học, nếu chúng ta muốn chạy kịp thế giới.

Dân trí không có nghĩa là bạn không thất nghiệp, hay không tìm được việc làm vừa ý.

Học đại học trước hết và duy nhất là để bạn có tư duy đại học – người tốt nghiệp đại học nói chung là có tư duy cao hơn người chưa tốt nghiệp đại học. Và đó là mức tư duy cần thiết cho dân trí trong thế giới hôm nay.

Những câu nói thế này là không hiểu đại học và dân trí:

– Nhiều trường làm bằng cấp mất giá trị. Đây là tư duy thời xưa khi chúng ta là nô lệ – rất ít trường, và học xong thì làm gia nô lớn; và quý vị đã được đi học thì cũng chỉ muốn giữ độc quyền học hành, chẳng muốn cho ai đi học.

– Tốt nghiệp đại học vẫn thất nghiệp. Bạn tốt nghiệp thứ gì ở trường nào cũng có thể bị thất nghiệp vì tình hình kinh tế trong nước. Nhưng người thất nghiệp có đại học cũng giúp cho dân trí cao. Nếu vợ bạn ở nhà làm nội trợ và lo cho con cái, nhưng vợ bạn có thạc sĩ, bạn đừng nói: “Vậy cũng vô ích, chẳng hơn người nội trợ chỉ có tiểu học.” Nội trợ có thạc sĩ thì đó là dân trí cao.

– Học đại học làm gì, thiếu gì nghề kiếm nhiều tiền mà không cần học đại học. Đương nhiên là như thế, bạn chỉ cần học tới lớp Ba và đi hốt rác, cũng có thể trở thành đại gia rác một ngày nào đó nếu bạn biết kinh doanh. Nhưng cả nước có đại học thì dân trí cao ít nhất là bằng 10 lần dân trí của một nước chỉ có người lớp Ba.

– Có nhiều trường thì chất lượng các trường đi xuống. Đây là một sai lầm cực lớn. Không ai nói có nhiều tiệm phở, có nhiều nhà hàng, hay có nhiều nhà may thì chất lượng đi xuống. Cạnh tranh luôn tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao và giá cả thấp.

Nhưng cạnh tranh cũng tạo ra nhiều thị phần khác nhau cho cùng một loại sản phẩm trong thị trường– quán phở 5 sao, 4 sao, 3 sao, 1 sao. Mỗi loại quán tốt cho một loại người tiêu dùng, giá cả khác nhau và chất lượng khác nhau, có cao có thấp, có tốt có xấu, tùy theo túi tiền của bạn. Nhưng nguyên lý kinh tế luôn luôn là cạnh tranh nâng cao chất lượng đồng thời giảm giá. Hãy nhớ thời bao cấp, cái gì cũng rất ít và đương nhiên là rất tồi, vì chẳng có cạnh tranh. Thị trường giáo dục cũng vậy. Có nhiều trường thì sẽ có nhiều CƠ HỘI cho nhiều túi tiền khác nhau, nhưng ai cũng có cơ hội đi học.

– Đại học Việt Nam học rất chán, thầy cô rất yếu, giáo trình thì tồi. Học làm gì? Trả lời: Nếu có nhiều trường, các trường sẽ cạnh tranh và cạnh tranh sẽ giúp các trường tự khá.

– Mở nhiều trường, ví dụ Y khoa, thì trường xuống cấp và bác sĩ sẽ xuống cấp, thế thì làm sao chữa bệnh cho mọi người được. Trả lời: Khả năng hành nghề y tế hay luật sư hay nghề gì đó là do nhà nước yêu cầu, đạt chuẩn, và cấp giấy phép hành nghề. Các trường đương nhiên là phải đào tạo sinh viên đủ sức thi để lấy bằng hành nghề, không thể vì nhiều trường mà bác sĩ hay luật sư bị xuống cấp được.

– Đào tạo nhiều người quá mà không có việc làm. Đây là vấn đề kinh tế, không phải vấn đề đại học.

Nhiệm vụ đai học là đào tạo dân trí trình độ đại học. Chấm hết.

Nhiệm vụ tạo công ăn việc làm cho mọi người là nhiệm vụ của chính sách phát triển kinh tế, không phải chính sách đại học. Nếu kinh tế phát triển đủ thì mọi người đều có việc làm, dù một số người sẽ làm công việc mà họ không học ở đại học. Chẳng sao cả. Có cái đầu đại hoc là chính, làm việc gì là phụ. Người có trình độ đại học cũng rất dễ học nghề mới tại các công ty.

Xin các quý vị thất bại trong chính sách kinh tế đừng đổ lỗi cho thất bại của mình lên đầu các trường đại học.

Tóm tại, dân trí ngày nay là trình độ đại học. Đại học phổ cập là để nâng cao dân trí để đuổi kịp thế giới trong nền kinh tế chính trị cạnh tranh toàn cầu.

Mục đích chính của đại học không phải là tìm nghề cho bạn mà là chuẩn bị cho bạn một trình độ để khi vào công ty nào dạy bạn nghề gì mới bạn cũng học được rất nhanh. Đại học dạy bạn tư duy là chính, học nghề là phụ. Tư duy đại học nhằm giúp bạn sẵn sàng để học bất kỳ một nghề gì trong bất kỳ loại công ty nào trong nền kinh tế, mà người không có đại học thì chẳng thể học như thế được. Và trình độ tư duy đó của bạn gọi là dân trí.

Chúng ta có vấn đề dân trí rất lớn, và chúng ta cần nâng cao dân trí, cần cho MỌI người dân cơ hội học xong đại học nếu họ muốn học. Và mong rằng sau đó thì chẳng có quý vị nào dám mở miệng than vãn là “dân trí ta thấp”, vì lúc đó ta sẽ trả lời: “Nếu dân trí ta thấp thì dân trí nước nào cao hơn?”

Please!

Chúc các bạn giúp thúc đẩy dân trí Việt Nam đi lên.

Mến,

Hoành

© copyright 2021 Trần Đình Hoành Permitted for non-commercial use www.dotchuoinon.com

Bài cùng chuỗi:

  1. Giáo dục đại học cho tất cả mọi người
  2. Dân trí là gì và làm sao để nâng cao dân trí?

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
Thích Đang tải...

Liên quan

Từ khóa » độ Dân Trí Là Gì