Dân Trí Trong Phát Triển Xã Hội - Tuổi Trẻ Online

0Zv7e9oP.jpgPhóng to
Ảnh minh họa

Dân trí theo định nghĩa truyền thống là trình độ văn hóa chung của xã hội, hoặc đơn giản hơn là trình độ học vấn trung bình của người dân - bao nhiêu phần trăm biết đọc biết viết, bao nhiêu phần trăm có trình độ học vấn cao. Các nước nghèo, có GDP thấp thường bị quy về nguyên nhân dân trí thấp. Vì dân trí thấp cho nên xã hội không thể phát triển tốt.

Vì dân trí thấp nên xã hội không thể đoàn kết, hợp lực để tạo nên những thành công lớn. Dân trí thấp thường dễ được xem là nguyên nhân của nhiều vấn đề, từ xã hội đến chính trị, kinh tế của các nước kém phát triển. Trong con mắt của nhiều người, Việt Nam cũng có trình độ dân trí còn thấp nên mới phải trăn trở với những vấn đề bức xúc xã hội như ngày hôm nay. Có phải vậy không?

Dân trí là biết cái gì mình cần biết và biết cái gì cần làm trong hoạt động xã hội - là ý thức về quyền và trách nhiệm của người dân và từ đó là lợi ích có thể mong đợi được khi thực thi quyền và trách nhiệm đó. Ngay cả trong khái niệm hạn hẹp này, dân trí của nước ta không hề thấp. Dân ta có đủ phương tiện để biết và đang biết rất nhiều.

Nhưng giá trị cuối cùng của dân trí không phải chỉ giới hạn ở trình độ học vấn hay lượng thông tin người dân nhận được, mà còn ở mức độ quan tâm của người dân trước các vấn đề xã hội, mức độ dấn thân (muốn làm, dám làm) và khả năng hành xử trách nhiệm dân chủ của mình một cách có hiệu quả (có đủ lực để làm được hay không). Đó chính là trọng tâm của vấn đề dân trí trong xã hội ta. Biết được nhiều nhưng không làm được vì có nhiều lý do, từ những lý do chung của xã hội (từ di sản kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị) đến những lý do nội tại từ bản chất cá nhân của mỗi con người.

Quan có quyền nên có lực, một lực áp đảo tự nhiên từ cơ cấu tổ chức chính trị cơ bản. Còn dân thì phải có thực lực mới có quyền. Lực của dân là cái tổng lực của từng cá nhân trong xã hội. Dân có giàu thì nước mới mạnh. Dân có giàu thì dân mới có được tính độc lập và có cái thế để tạo nên lực, từ đó mới thể hiện được quyền dân chủ của mình. Lực của quan và dân có tương đối cân bằng thì Nhà nước với nhân dân mới có thể cùng phấn đấu cho mục tiêu phát triển chung của đất nước.

Không có dân chủ thì không thể phát huy được tiềm năng của xã hội để phát triển, đặc biệt là trong nền kinh tế thị trường. Như vậy, vấn đề dân trí ở đây không phải là chỉ biết, mà còn phải có lực, có tâm để làm, vì chỉ có dân mới tạo ra được tài sản thực, chứ không phải Nhà nước. Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện cho dân làm giàu và dân có giàu được thì nước mới mạnh. Nước còn nghèo là vì một phần Nhà nước chưa làm tốt chức năng của mình, giới hạn tiềm năng phát triển của xã hội.

Đó là thứ dễ thấy nhất, là những điều mà các nhà nghiên cứu chính sách, các kinh tế gia có thể phân tích được, thấy được và đưa ra giải pháp cụ thể. Nhưng một vấn đề khác quyết định khả năng làm đúng là bản chất xã hội. Một nước phát triển tốt là nhờ đại đa số người trong xã hội ý thức rằng để có được lợi riêng thì cá nhân và tập thể phải tạo được cái lợi chung. Đó là tinh thần lợi ích xã hội. Bản chất xã hội là cái hồn quyết định hành vi ứng xử và hiệu suất kinh tế.

Xã hội Việt Nam vốn nghèo đói trong một thời gian dài. “Cái nghèo dẫn đến hai cách ứng xử giữa người với người, hoặc là nhường cơm sẻ áo, hoặc tranh giành” là ý kiến của luật sư Nguyễn Ngọc Bích trong buổi tọa đàm về văn minh đô thị do báo DNSGCT tổ chức mới đây. Có thể hiểu tâm lý tranh giành, là di chứng của kinh nghiệm sống và cách tổ chức xã hội của chúng ta trong quá khứ bao cấp.

Ngày nay, trong giai đoạn chuyển đổi sang kinh tế thị trường, con người xã hội lại đang phải đi qua một giai đoạn thử thách mới từ sự ngộ nhận giữa cái “tôi” khi lấy con người làm chủ thể của mọi lợi ích kinh tế của kinh tế thị trường với cái “chúng ta” để toàn xã hội có thể cùng tồn tại, cùng làm giàu dựa trên chữ tín giữa người với người và giữa người với hệ thống. Cái “tôi” chỉ được thỏa mãn khi mỗi cá nhân làm được lợi ích cho người khác. Kinh tế thị trường sẽ đối xử khắc nghiệt và đào thải những thành phần kinh tế nhận nhiều hơn cho.

Một người lao động nhận được đồng lương vì đóng góp được một giá trị cao hơn số tiền lương thực nhận do doanh nghiệp trả. Doanh nghiệp thành đạt là nhờ có khả năng thực sự làm lợi cho khách hàng, từ bán giá rẻ hơn với chất lượng tốt hơn đến phục vụ tốt hơn, tạo được niềm tin từ khách hàng, có được thương hiệu tốt. Không doanh nghiệp nào có thể tồn tại nếu không tạo được một giá trị cụ thể cho xã hội.

Để bớt tranh giành và chỉ nghĩ đến cái lợi riêng thì con người ở đâu cũng phải cần hai điều kiện tối thiểu: đời sống kinh tế ổn định cho cá nhân và gia đình và trật tự xã hội. Như vậy phát triển kinh tế một cách công bằng phải đi kèm với một trật tự xã hội nhất định, vì đây là hai mặt của một vấn đề.

Có đủ ăn đủ mặc rồi, con người mới tỉnh táo hơn để tính toán sự được mất mỗi khi “có cơ hội làm bậy”, vì họ đang có điều để mất. Sung túc rồi thì cái “thiện”, tinh thần xã hội của con người mới có cơ hội phát huy. Trật tự xã hội cho người ta khả năng tiên liệu được tương lai của họ, tạo nên cảm giác ổn định, bớt vị kỷ, có ý thức cộng đồng cao hơn. Đó là ý thức để cùng thắng (win-win) vốn phổ biến trong văn hóa kinh doanh phương Tây. Đó là vế thứ hai của ý thức dân trí, phải vị tha thì “kỷ” mới được.

Khi mọi người đều tích cực đóng góp những gì mình có thừa (cả công và của) thì ngoài lợi ích tinh thần, còn có lợi ích rất cụ thể. Đó là “tích đức” mà ông bà ta xưa kia đã nhắn nhủ “Có đức thì mặc sức mà ăn”. “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng” đã là văn hóa tiềm ẩn trong mỗi chúng ta, luôn có giá trị xã hội lẫn kinh tế.

Ta biết lo cho người thì cái họa của người sẽ không lây cho ta và ta cũng sẽ được người chăm lại vì người cũng sẽ cần ta. Đây là nét văn hóa chí lý, chí nghĩa, chí tình cần thiết để phát triển lợi thế tiềm ẩn trong sức mạnh dân tộc và để xây dựng một xã hội thân thiện, hài hòa mà mô hình phát triển bền vững nào cũng rất cần.

Từ khóa » Dân Trí Nghĩa Là Gì