Dàn ý, Bài Thuyết Minh Về Cây Hoa Mai Ngày Tết

Thuyết minh về một loài hoa là đề tài quen thuộc đối với các bạn học sinh, các bạn thích loài hoa nào thì làm loài hoa đó, còn kienthucviet thích hoa mai nên hôm nay sẽ cho ra bài viết thuyết minh về Hoa Mai, nếu bạn nào cũng có cùng sở thích thì xem nhé.

Thuyết minh về cây hoa mai ngày tết
Hoa Mai

Dàn ý thuyết minh về Hoa Mai

Mở bài: Giới thiệu hoa mai

Thân bài – Nguồn gốc cây hoa mai, các laọi hoa mai

– Hoa mai có nhiều loại:

  • Mai vàng
  • Mai tứ quý
  • Mai trắng
  • Mai chiếu thủy
  • Mai ghép

– Cách chăm sóc cây mai

– Hoa mai trong ngày tết nguyên đán

Kết bài: Nêu ý nghĩa và cảm nghĩ về hoa mai

Bài viết tham khảo 1

Trong dịp Tết Nguyên Đán cổ truyền của dân tộc ta, nếu hoa đào là đặc trưng của mùa xuân phương Bắc thì hoa mai lại là đặc trưng của mùa xuân phương Nam .

Trong khu vườn hay trước sân mỗi nhà,thường không thể thiếu bóng dáng của cây mai. Cây hoa mai có nguồn gốc là một loại cây dại mọc trong rừng. Cây cao trên hai mét, thân gỗ,chia thành nhiều nhánh, lá nhỏ cỡ hai ngón tay, màu xanh lục. Tán tròn xoè rộng.

Cây hoa mai có nhiều loại, phổ biến nhất là mai vàng, sau đó là mai tứ quý, rồi đến mai trắng và mai chiếu thuỷ. Cây mai vàng dễ sống, ưa đất gò pha cát hoặc đất bãi ven sông.

Có thể trồng đại trà thành vườn ruộng hàng vài mẫu mà cũng có thể trồng dăm cây trong vườn, hoặc trong chậu sứ. Đất trồng mai có độ ẩm vừa phải và không úng nước. Phân bón cho mai thường là phân bò khô trộn với tro bếp, khô dầu và một ít u-rê, ka-li….

Vào khoảng rằm tháng Chạp (tức 15 tháng 12 Âm lịch) thì người trồng phải tuốt lá cho cây mai. Sau đó giảm tưới nước và bón thúc cho cây nảy nụ. Chỉ sau một tuần là từ các cành, nụ trổ ra chi chít, kết thành từng chùm có cuống rất dài. Bên cạnh mỗi chùm là một túm lá non màu tím nhạt.

Trước tết vài ngày, hoa mai lác đác nở. Sáng Mùng Một Tết, cả cây mai bừng lên một sắc vàng tươi, trông đẹp vô cùng! Mai tứ quý nở quanh năm. Cánh hoa vàng thẫm nở giữa năm đài hoa tựa như năm cánh sen nhỏ xíu màu đỏ sậm. Khi cánh hoa đã rụng hết, nhuỵ hoa khô đi thì giữa mỗi bông xuất hiện mấy hạt nhỏ xinh xinh như những hạt cườm, lúc non màu xanh, lúc già chuyển thành màu tím đen lóng lánh.

Xem thêm: Thuyết minh về thung lũng tình yêu ở Đà Lạt

Đứng ngắm vườn mai, ta thầm cảm phục sự mầu nhiệm và hào phóng của Tạo hoá : đã có mai vàng rực rỡ góp sắc, góp hương với muôn hoa ngày Tết, lại có mai tứ quý cần mẫn, thịnh vượng quanh năm. Mai trắng còn có tên gọi là Bạch Mai. Lúc hoa mới nở có màu hồng phớt, sau chuyển sang trắng, mùi thơm nhè nhàng, phảng phất.

Mai trắng hơi hiếm bởi khó trồng và được coi là loài hoa quý. Mai chiếu thuỷ cây thấp, lá nhỏ lăn tăn, hoa li ti mọc thành chùm màu trắng và thơm ngát ,thường được trồng vào chậu hoặc trồng vào hòn non bộ làm cảnh trước sân nhà. Xuân về trên đất phương Nam với màu nắng vàng rực rỡ hoà quyện với không khí tưng bừng náo nức của ngày Tết cổ truyền dân tộc.

Nhà ai cũng muốn có một cây mai, hoặc một bình hoa mai tươi nở đúng sáng Mồng Một đầu năm để lấy may. Trong ba ngày tết, hoa mai chưa khoe sắc vàng rực rỡ thì gia chủ khó mà cảm thấy niềm vui trọn vẹn.

Cây mai được xếp vào hàng “tứ quý” trong bộ tranh “tứ bình” đại diện cho bốn mùa trong năm: mai, lan, cúc, trúc và hoa mai là biểu tượng của mùa xuân. Về mặt ý nghĩa, cây hoa mai tượng trưng cho phẩm giá thanh cao, tốt đẹp của con người.

Trong những năm gần đây, nhân dân miền bắc đón xuân bằng cả sắc hồng thắm của hoa đào và sắc vàng rực rỡ của hoa mai. Hoa mai, hoa đào hiện diện bên nhau, tô điểm thêm cho mùa xuân tràn đầy sức sống của non nước Việt Nam yêu dấu.

Để kết luận cho bài giới thiệu và thuyết minh về hoa mai, thật thiếu sót nếu không nhắc đến một bài thơ nổi tiếng về hoa mai của một nhà sư Việt Nam thời xưa, Mãn giác thiền sư (1052-1096) – trong bài thơ “Cáo tật thị chúng” (Có bệnh bảo mọi người):

Âm Hán Việt: Xuân khứ bách hoa lạc Xuân đáo bách hoa khai Sự trục nhãn tiền quá Lão tòng đầu thượng lai Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Dịch thơ: Xuân đi trăm hoa rụng Xuân đến trăm hoa cười Trước mắt việc đi mãi Trên đầu, già đến rồi Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết Đêm qua – sân trước – một cành mai.

Cuộc đời là một dòng sinh diệt, vô thường, biến chuyển theo thời gian và không gian. Xuân đến rồi Xuân đi, hoa cười rồi hoa rụng…là lẽ đương nhiên của vũ trụ, hễ có sinh thì có diệt. Nhưng trong sự sinh diệt của vũ trụ vẫn còn có một cái không sinh diệt đó là Phật tánh

Xem thêm: Dàn ý và bài văn thuyết minh về Cái Kéo lớp 9 hay nhất sử dụng BPNT

Từ xưa, thú chơi hoa, thưởng thức hoa đã là một phong tục tao nhã là một nét đẹp văn hóa, thể hiện tâm hồn phong phú, và nhu cầu thẩm mỹ của con người.

Trồng hoa là để được vun vén, chờ đón cái đẹp của hoa và cũng là để gửi gắm tâm sự, tình cảm của lòng người trồng hoa, vậy nên mới có: Nguyễn Trãi “Hái cúc, hương lan, hương bén áo/Tìm mai, đạp nguyệt, tuyết xâm khăn” hay Cao Bá Quát “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”.

Trong thiên nhiên, hoa nào cũng đẹp, nhưng mỗi loài hoa có một sắc thái riêng, dáng vẻ riêng, gợi lên những cảm xúc thẩm mỹ khác nhau, trong đó Hoa Mai vàng là loài hoa thân thiết nhất với người dân Nam Bộ.

Hoa Mai là một trong bốn loài cây được xếp vào hàng tứ quý, gồm Tùng, Cúc, Trúc, Mai. Người Việt xưa cho rằng Tùng, Cúc, Trúc, Mai có những tính chất đặc biệt nổi bật, tượng trưng cho những phẩm chất tốt đẹp của con người. Tùng vững chãi, chịu đựng được sự khắc nghiệt của thời tiết.

Trúc thanh mảnh, nhưng dẻo dai bền chắc. Hoa Cúc đẹp bình dị, hương thơm nhẹ nhàng, thanh tao. Cúc tượng trưng cho nếp sống khiêm tốn, điềm đạm (Phú quý lòng hơn phú quý danh – Nguyễn Trãi).

Mai tươi đẹp rực rỡ, hương hoa tinh khiết, Mai tượng trưng cho phẩm tiết cao quý, khí phách của người quân tử, là niềm cảm hứng trong thơ ca.. Màu vàng còn tượng trưng cho Vua (thời phong kiến) và màu vàng cũng tượng trưng cho nòi giống Việt.

Nhắc đến Mai, người ta lại nhớ ngay đến Tết miền Nam. Nếu hoa Đào là sắc xuân của Hà Nội thì hoa Mai lại tượng trưng cho mùa xuân phương Nam. Mai có thể nói là một vật không thể thiếu trong mỗi gia đình bên mâm ngũ quả.

Dù nghèo hay giàu, dù ở thành thị hay nông thôn người ta đều kiếm cho bằng được một nhành Mai chưng ba ngày Tết. Tết với hoa như duyên tao ngộ, không hoa Tết sẽ trở thành nhạt nhẽo, mà thiếu mai lại càng thêm trống vắng.

Kẻ ly hương mỗi lần thấy Mai nở rộ là mỗi lần bâng khuâng nhớ nước, nhớ nhà, nhớ về quê cha đất tổ. Nhiều người chưng Mai ngày tết cũng vì mong muốn gia đình sẽ gặp nhiều điều may mắn trong năm mới. Với ý nghĩa đó, cây Mai được ưu ái chăm sóc suốt năm để dành sức ra hoa vào ngày đầu năm.

Xem thêm: Biểu cảm về cây chuối bài văn lớp 7

Có rất nhiều loại Mai, dân gian thì chia thành các loại với những cái tên rất mĩ miều như: Hà Hoa Mai (cánh hoa ôm vào nhụy), Ban Khấu Mai (cánh hoa cong cong), Đàn Hương Mai (màu vàng đậm, có hương thơm), Cẩu Đăng Mai (hoa mai nhỏ, không có hương thơm)…

Không biết từ lịch sử nào mà dân gian có những phân chia như vậy về Mai. Tuy nhiên, theo thông tục bình thường, người chơi Mai, mua Mai chỉ quan tâm đến 2 loạị: Mai Tứ Quý, nở bốn mùa, có năm cánh, bông to, và một loại Mai có mười cánh, bông nhỏ, có hương thơm.

Chọn mua một cành Mai về chưng trong ba ngày Tết, người mua thường chú ý các điểm như: những cành Mai có dáng đẹp, với các hình dáng một gốc to, da sần sùi, mọc rong rêu càng tốt, nhánh khẳng khiu và có thể có những hình thể như: chân quỳ, hạc bay, phụng hoàng…

Ngoài những tiêu chí trên, người mua Mai còn chú trọng đến sự phân chia các nhánh trên một gốc Mai: Nhánh to, nhánh nhỏ, sự sắp xếp các nhánh. Ngày nay, rất nhiều người thích những cây Mai, cành Mai có hoa to, rực rỡ, nhiều cánh, nở lâu tàn và coi đó là cành Mai ngũ phúc với hy vọng năm mới sẽ phát tài, gia đình đại cát, đại lộc. Mai nhiều cánh tượng trưng cho cát tường, cho vạn hạnh.

Đối với những người chơi Mai chuyên nghiệp, họ còn phân biệt thêm nhiều yếu tố phụ khác nữa mà chỉ có họ mới biết. Ví dụ như Nhụy Âm Dương, Cành Tứ Quý.

Nhụy âm dương là chỉ đạo vợ chồng phu phụ, cành tứ quý chỉ bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông… Đặc biệt là các nhà nho học chơi Mai rất công phu. Một cành mai nở không đúng vào dịp Tết, mai vừa nở đã rụng, hoặc các nhánh phân bố không hợp cách là xui xẻo cả năm (Người chơi mai tin như vậy).

Vào dịp Tết, hoa Mai cùng với bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành là những thứ không thể thiếu trong các gia đình ở miền Nam. Hầu như nhà nào cũng có hoa Mai, có thể chỉ là một cành nhỏ bày lên bàn thờ tổ tiên hay là cả một chậu Mai thật lớn đặt ở một nơi trang trọng nhất trong nhà, cũng có khi cây Mai được để ở ngoài sân, ngay trước lối vào nhà.

Ở miền quê, người ta thường trồng Mai ở sân trước, đến Tết cắt vài cành đẹp nhất đem cắm vào lọ trên bàn thờ, còn cây Mai vàng khoe sắc đứng ở giữa sân như một sứ giả của mùa Xuân, thông điệp của niềm vui, hạnh phúc đến cho mọi nhà nhân dịp năm mới. Những khi tiết trời lành lạnh, ngồi bên cạnh bếp lửa hồng và nồi bánh tét, hương Mai thoang thoảng, cảm giác ấm áp đến kỳ lạ.

Xem thêm: Hướng dẫn lập dàn ý thuyết minh về cây bút bi lớp 8, lớp 9

Thiên nhiên là nơi bắt nguồn của cái đẹp và là nơi nuôi dưỡng tình người. Mai vàng không những đẹp mà còn tượng trưng cho nếp sống văn hóa lâu đời của nhân dân ta.

Do đó Mai đối với miền Nam cũng như Đào đối với miền Bắc là những loài hoa gắn liền với văn hóa dân tộc. Nó thân thiết, gần gũi, gắn bó với con người đất Việt.

Thuyết minh về cây mai 2

Mỗi dịp tết đến xuân sang chính là lúc trong ngôi nhà của mọi người dân Việt rộn ràng nhất. Trong đó có một sắc màu không thể thiếu chính là sắc hoa. Các loài hoa với màu sắc rực rỡ như hoa đào, hoa mai, hoa cúc, hoa lan,… luôn được ưa chuộng nhiều. Và hoa mai là một trong những loài hoa không thể thiếu trong dịp tết cổ truyền của ta. 

Cây mai vốn là một loại cây rừng mọc ở trên những vùng đồi núi. Nhờ vào vẻ ngoài và màu sắc của nó mà người xưa đã mang nó về nhà trồng như một loại hoa trang trí. Với sắc hoa vàng tươi phù hợp với quan niệm Tết của nhân dân ta thì hoa mai đã trở thành một loài hoa tượng trưng cho ngày Tết.

Nhân dân miền Bắc luôn gắn bó với những cành hoa đào vào ngày Tết thì nhân dân miền Nam cũng gắn bó với những cành hoa mai rực rỡ. Có sự phân chia này là bởi vì sự phân hoá khí hậu trên nước ta, ngày Tết miền Bắc thường có khí hậu lạnh nên hoa mai không thể nở trong điều kiện khí hậu này. Vì thế nên đã có sự phân chia như thế. 

Cây mai là một loài cây thân gỗ chắc chắn, có chiều cao trung bình tầm 2m. Từ thân chính cây toả ra nhiều nhánh xung quanh trông rất đều và đẹp. Lá cây rất vừa vặn, chỉ nhỏ bằng hai ngón tay.

Độ dày của lá vừa phải và đường gân lá không quá rõ. Khi vừa trổ những phiến lá nhỏ ngả về màu nâu nhiều hơn. Sau đó dần dần chuyển sang màu xanh lá non rồi đến màu xanh lá cây đậm. Từ cành chính của gốc cây toả ra những tán cây mọc đều và xoè rộng rất đẹp.

Một đặc điểm khiến cây mai được nhiều người ưa thích hơn nữa chính là vỏ cây sần sùi với thế cây dễ dàng uốn nắn. Vì vậy cây mai thường được người trồng tạo hình uốn lượn ngay khi còn nhỏ để tạo dáng đẹp hơn. Không những thế với nhau cây mai có tuổi đời quý giá còn mang những bộ rễ nổi lên mặt đất tạo nên dáng cây bệ vệ phù hợp với mĩ quan của người Việt.

Xem thêm: Dàn ý Thuyết minh về Cây Lúa Việt Nam quê em có sử dụng nghệ thuật

Ngày nay khi nền nông nghiệp đang ngày càng phát triển với những kĩ thuật như ghép cành, chiết cành,… thì cây mai đã được lai tạo ra nhiều loại mai khác nhau. Bao gồm những loại mai như mai vàng, mai tứ quý, mai trắng, mai chiếu thuỷ, mai ghép,…

Mai vàng (hoàng mai) là loại mai phổ biến nhất với những đặc điểm là hoa mọc thành chùm, cuống hoa dài nên hoa sẽ treo lơ lửng trên cành. Hoa có mùi thơm rất kín đáo với cánh hoa màu vàng, mỏng.

Mai tứ quý (nhị độ mai) có cái tên đúng với đặc điểm của nó. Loại hoa này nở bốn mùa quanh năm chứ không đợi đến ngày xuân mới nở. Hoa có màu vàng điển hình và khi cánh hoa rụng đi ở giữa nhị hoa sẽ còn lại 2,3 hạt màu đen bóng và nhỏ.

Mai trắng (bạch mai) có mùi thơm nhẹ. Khi vừa nở hoa sẽ có màu hồng nhạt, sau đó dần phát triển sẽ chuyển sang màu trắng. Mai chiếu thuỷ thì lại khác. Mai chiếu thuỷ là loại mai được trang trí và trồng nhiều ở những hòn non bộ.

Với đặc điểm của cây là lá nhỏ, hoa nhỏ nên rất thích hợp để trang trí như hòn non bộ hoặc trồng trong chậu sứ. Loài hoa này sẽ toả mùi hương thơm ngát vào ban đêm.

Mai ghép đúng với tên gọi của nó chính là loại mai được các nghệ nhân ghép lại từ các loại mai. Đặc điểm của loại mai này là cánh hoa bự, hoa có nhiều cánh, nhiều lớp và nhiều loại mùi. Loại hoa mai này được trồng trong chậu sứ lớn thế nhưng có một nhược điểm là rất khó để chăm sóc. 

Cây mai vàng là loại cây ưa sáng. Bởi vậy khi trồng loại cây này người trồng cần chọn địa điểm có ánh sáng trực tiếp. Thời gian cây được chiếu sáng phải đảm bảo là ít nhất 6 tiếng một ngày.

Vì thế cây chỉ thích hợp khi được trồng trên sân thượng hoặc ngoài sân thoáng. Vì môi trường trồng cây thường là ở trong chậu cây nên người trồng cần thường xuyên tưới nước cho cây, bón phân và thay đất thường xuyên.

Muốn cây được đẹp người trồng phải thường xuyên cắt tỉa cành lá cho cây cũng như uốn nắn thân cây cho đẹp. Còn để cho mai nở vào đúng những ngày tết thì người chăm cây cũng phải tính toán và chọn ngày ngắt để cây kịp nở hoa. Thông thường cây mai sẽ được ngắt sạch lá vào khoảng nửa tháng trước Tết, thông thường là vào ngày 15 âm lịch. 

Xem thêm: Thuyết minh về núi Bà Đen Tây Ninh hay nhất

Cây mai không chỉ mang ý nghĩa đặc biệt trong ngày Tết mà nó còn là một thú chơi hoa của những người đam mê cây cảnh. Có những cây mai có giá tầm trung chỉ vài trăm nghìn nhưng cũng có những cây mai có giá trị lên tới hàng trăm triệu.

Giống như mâm ngũ quả hay những vật biểu trưng trong ngày Tết, cây mai cũng là một sắc màu không thể thiếu trong ngày tết của mỗi gia đình Việt Nam.

Cây mai mang màu sắc vàng rực rỡ tượng trưng cho sự may mắn, tiền tài cho mọi nhà. Không những vậy cây mai còn là nguồn cảm hứng của những nhà thi sĩ, nhà thơ văn. Với vẻ đẹp lộng lẫy của cây mai và dáng đứng bệ vệ của nó đã đi vào lòng biết bao người Việt Nam.

Hoa mai chính là sức sống, là biểu tượng của mùa xuân Việt Nam và đứng đầu trong bộ tứ bình. Không chỉ để trang trí trong mọi nhà mà cây mai còn là một món quà quý vô cùng ý nghĩa để làm quà tặng cho người thân, cho đối tác làm ăn nhân dịp đầu năm mới.

Vẻ đẹp thanh khiết và tao nhã của hoa mai từ lâu đã được Nguyễn Du làm thước đo sắc đẹp để ví von “Mai cốt cách tuyết tinh thần”. Từ thời xa xưa hoa mai đã được công nhận về sắc đẹp và từ đó xây dựng nên những hình ảnh đẹp đẽ trong lòng người Việt. 

Cây mai không chỉ là một loại cây để trang trí mà nó còn tượng trưng cho nét truyền thống lâu đời của đất nước ta. Cây mai đối với người miền Nam cũng quan trọng như cây đào đối với người miền Bắc trong những ngày lễ tết xuân sang.

Đối với những người xa quê hương thì khi nhìn thấy những cánh hoa mai, hoa đào thì liền nhớ đến hương vị tết của quê hương, truyền thống đẹp đẽ biết bao của dân tộc ta.

Vậy là bạn đã hoàn thành bài văn thuyết minh về cây hoa mai, có thể bạn yêu thích hoa sen thì xem: https://www.kienthucviet.vn/thuyet-minh-ve-hoa-sen/, ngoài ra đề tài thuyết minh về bánh chưng cũng có trong chương trình học của bạn, nếu là danh lam thắng cảnh thì không thể bỏ qua bài thuyết minh về Vịnh Hạ Long

Từ khóa » Thuyết Minh Về Một Loài Hoa Mai Lớp 8