Dàn ý Nghị Luận Về Tinh Thần đoàn Kết | Văn Mẫu Lớp 9

Dàn ý nghị luận về tinh thần đoàn kết - Tham khảo mẫu dàn ý chi tiết gồm hệ thống các luận điểm, luận cứ chính cần triển khai cho đề văn bàn về vai trò, ý nghĩa của tinh thần đoàn kết.

Dàn ý chi tiết bàn về tinh thần đoàn kết

I. Mở bài

- Đoàn kết là sức mạnh, tinh thần đoàn kết là truyền thống quý báu của ông cha ta để lại và được thế hệ sau tiếp nối, sự đoàn kết đã nhiều lần giúp đất nước vượt qua cảnh hiểm nghèo.

II. Thân bài

1. Giải thích

- Đoàn kết là tập hợp của nhiều lực lượng khác nhau tạo thành một khối vững chãi, từ đó thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ riêng để đi đến thành công. Sự đoàn kết chính là tập thể vững mạnh, khối thống nhất sẽ tạo nên sức mạnh to lớn.

Tinh thần đoàn kết là sự gắn kết, sự liên kết bền chặt giữa các cá nhân trong một tập thể để trải qua hoặc hoàn thành những giai đoạn khác nhau của cuộc sống.

2. Biểu hiện tình đoàn kết

* Khi có chiến tranh

- Đất nước và người dân cùng đồng lòng đồng sức đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ vững biên cương bờ cõi (nêu ra thêm các cuộc đấu tranh của dân tộc từ thời phong kiến và lịch sử hiện đại nhân dân chống Pháp, Mỹ).

* Khi hòa bình

- Khôi phục đất nước bị tàn phá sau chiến tranh, cả về mặt kinh tế lẫn xã hội.

- Chung tay xây dựng đất nước, kinh tế xã hội, văn hóa phát triển và hội nhập với quốc tế sâu rộng.

- Khi có thiên tai, dịch bệnh, lũ lụt người dân trong cả nước ủng hộ, quyên góp sức người sức của khôi phục cuộc sống người dân trong cả nước.

- Đảng và nhân dân cùng nhau xây dựng khối đại đoàn kết, ngăn chặn các thế lực thù địch chống phá, bảo vệ độc lập chủ quyền biển đảo quê hương.

3. Ý nghĩa, sức mạnh của tinh thần đoàn kết

– Đoàn kết không chỉ là tập hợp lực lượng thành một khối thống nhất mà phải thống nhất về tư tưởng, hành động, mục tiêu cụ thể.

– Đoàn kết là các thành viên phải tương trợ, giúp sức lẫn nhau cùng nhau giải quyết các khó khăn, thử thách để đi đến thành công.

– Đoàn kết là sức mạnh to lớn, chất keo gắn kết còn người tạo nên sức mạnh vượt trội.

- Tinh thần đoàn kết giúp cho con người cảm thấy bản thân mình không bị lạc lõng, luôn có động lực để phấn đấu tới những điều tốt đẹp hơn.

- Tinh thần đoàn kết giống như một tấm lá chắn lớn giúp con người vững bước vượt qua những khó khăn, thách thức trong cuộc sống.

4. Bài học nhận thức và hành động

- Làm sao có được sự đoàn kết ?

+ Mỗi cá nhân nên đặt lợi ích chung hàng đầu, phấn đấu cống hiến hết mình vì tổ chức.

+ Hiểu rõ sức mạnh đoàn kết và cố gắng phát huy tinh thần đó trong tổ chức, tập thể.

- Lên án người không có sự đoàn kết:

+ Phê phán các cá nhân sống ích kỉ, hẹp hòi, chỉ nghĩ cho bản thân mình, tự tách mình khỏi xã hội.

+ Phê phán những kẻ âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc với mục đích xấu, trục lợi cho cá nhân.

III. Kết bài

- Đoàn kết là giá trị tinh thần quý báu mà cha ông ta đã để lại cho thế hệ sau, mỗi chúng ta phải biết kế thừa và phát huy tinh thần đoàn kết sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, chông gai và đi đến thành công.

Tham khảo thêm: Top 5+ bài văn nghị luận hay bàn về tinh thần đoàn kết

Bài nghị luận hay bàn về tinh thần đoàn kết trong cuộc sống

Từ xưa đến nay, con người Việt Nam luôn có tinh thần đoàn kết trong mọi công việc. Đây là một phẩm chất tốt đẹp của dân tộc ta. Phẩm chất này đã được ông cha ta đúc kết thành câu ca dao: "Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” để dạy bảo con cháu về phẩm chất tốt đẹp này.

Quả thật vậy, “một cây” thì không thể làm nên núi non nhưng “ba cây” - tượng trưng cho nhiều cây thì có thể hình thành nên không chỉ là ngọn núi thấp mà còn là núi cao. Từ “một cây” đến “ba cây” số lượng đã thay đổi nên chất lượng cũng thay đổi “ba cây chụm lại” thể hiện tinh thần đoàn kết cùng chung sức cùng làm việc. Chính sự thay đổi ấy đã mượn chuyện về cây cối để nhắc nhở chúng ta phải biết đồng sức, đồng lòng, noi theo tinh thần đoàn kết quý báu của dân tộc đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử.

Tinh thần đoàn kết của dân tộc ta đã được chứng minh bằng sự phát triển của nó qua quá trình dựng và giữ nước của ông cha ta. Từ các đời vua Hùng Vương nhân dân ta đã biết đứng dậy cùng nhau đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Từ thời Bà Trưng, Bà Triệu… cho đến Nguyễn Huệ, Đinh Tiên Hoàng những vị anh hùng kiên cường bất khuất này có được chiến thắng không chỉ nhờ vào chiến lược hay mà chiến thắng của họ có được còn nhờ vào sự ủng hộ, tinh thần đoàn kết quyết tâm chống giặc của nhân dân ta. Đó cũng chính là động lực giúp nhân dân ta vượt qua mọi rào cản ngoại xâm và ngày càng khẳng định rõ hơn về quyền lãnh thổ của đất nước bằng sự chung sức, chung lòng. Tinh thần ấy ngày càng được nâng cao khi nước ta trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Bằng những vũ khí thô sơ nhưng một nước nhỏ bé lại có thể chiến thắng hai đế quốc hùng mạnh với những trang bị vũ khí hiện đại tất cả đều nhờ vào tinh thần đoàn kết của nhân dân ta. Những chiến thắng trong lịch sử đã một lần nữa khẳng định tính đúng đắn của câu ca dao: ”Một cây làm chẳng nên non - Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” của ông cha ta. Dù việc khó đến mấy thì khi có tinh thần đoàn kết ta cũng dễ dàng thực hiện được.

Tinh thần đoàn kết là rất cần có và trong một tập thể thì vai trò của tinh thần đoàn kết càng trở nên quan trọng hơn nữa vì nếu mọi người cùng nhau xây dựng một tập thể đoàn kết thì mối quan hệ giữa mọi người càng trở nên tốt đẹp hơn. Thể hiện tinh thần đoàn kết còn là biểu hiện của người có văn hóa, tri thức. Vậy mà trong tập thể vẫn còn có "Trống đánh xuôi kèn thổi ngược”. Họ luôn tìm cách chia bè phái gây mất đoàn kết, từ đó hình thành nên những mâu thuẫn, hiềm khích không đáng có. Thái độ và hành động đó cần được phê phán.

Đoàn kết là một đức tính cần thiết trong việc xây dựng và hình thành tính cách con người. Bản thân em để xây dựng tinh thần đoàn kết em sẽ cùng các bạn trong lớp, trường thắt chặt tình đoàn kết để tạo ra mối quan hệ tốt đẹp. Em sẽ vận động các bạn trong một lớp cùng chơi với nhau chứ không chia ra chơi theo nhóm để rồi người này nói không tốt về người kia gây ra hiểu lầm. Không chỉ thế, em còn tạo mối quan hệ tốt đẹp với bạn bè thế giới về con người Việt Nam thân thiện nhằm thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết.

Tinh thần đoàn kết luôn là một truyền thống quý báu của dân tộc được mọi người coi trọng và đề cao. Ngày nay, tinh thần đoàn kết cũng là một yếu tố quan trọng quyết định thành công của mỗi người. Thực hiện tốt tinh thần đoàn kết là ta còn làm tốt điều thứ ba trong năm điều Bác Hồ dạy.

-/-

Trên đây là phần hướng dẫn lập dàn ý chi tiết cho bài văn nghị luận về tinh thần đoàn kết. Hi vọng các bạn đã có những ý tưởng về nội dung luận điểm, luận cứ hay để bổ sung cho bài viết của mình thêm phong phú và hấp dẫn hơn.

Sưu tầm và tuyển chọn Văn mẫu lớp 9 hay nhất / Đọc Tài Liệu

Từ khóa » Dàn ý Nlxh Về Tinh Thần đoàn Kết