Dàn ý Tả Cảnh Hồ Gươm Lớp 6 | Tanggiap - TangGiap.Net

Văn mẫu lớp 6: Tả cảnh Hồ Gươm

Văn mẫu lớp 6: Tả cảnh Hồ Gươm được biên soạn để giúp các em HS học tập tốt môn Tập làm văn lớp 6 và đạt kết quả cao cho bài viết sắp tới, đồng thời trở thành tài liệu tham khảo cho quý thầy cô và phụ huynh.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

  • Viết đoạn văn 5 đến 7 câu nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Thạch Sanh
  • Bài viết số 2 lớp 6 Đề 3: Kể về một thầy giáo hay một cô giáo mà em quý mến
  • Bài viết số 2 lớp 6 Đề 1 Kể về một việc tốt em đã làm

Văn mẫu lớp 6: Tả cảnh Hồ Gươm gồm các bài văn mẫu hay, trình bày đa dạng cho đề văn Hãy tả cảnh Hồ Gươm.

1. Tả Hồ Gươm – Bài văn mẫu 1

Văn mẫu lớp 6: Tả cảnh Hồ Gươm

Hà Nội là thủ đô của nước ta – một nơi kinh tế phát triển, phồn hoa, nhộn nhịp. Thế như giữa chốn thủ đô xa hoa ấy, vẫn có những khoảng lặng khiến người ta phải ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp trầm lắng, xưa cu của mình. Trong đó, khó mà không kể đến Hồ Gươm.

Hồ Gươm là một cái tên vô cùng quen thuộc với tất cả mọi người. Dù đã từng đến nơi đây hay chưa, thì chẳng mấy ai mà chưa một lần nghe đến. Hồ Gươm có Tháp Rùa từ bao năm xưa cũ, phủ lên từng lớp rêu phong, đứng im lặng và cô đơn giữa hồ rộng lớn. Đâu ai biết người xưa nghĩ gì mà để tháp đơn côi đến thế. Hay đó chính là cái thú xa rời trần thế để đến với thế ngoại đào viên của các cụ ta xưa. Để đến giờ đây, Tháp Rùa cứ lầm lũi ở một mảng xa vời như thế. Những tấm hình chụp lại tháp rùa luôn từ một khoảng cách rất xa, khiến ngôi tháp trông lại càng xa cách đến lạ lùng. Tựa như cách một màn sương, giữ nó lại trong khoảng không lịch sử của riêng mình. Tháp Rùa cũ kĩ, cổ kính đến đâu, thì cầu Thê Húc lại tươi mới đến khác lạ. Cầu Thê Húc là cây cầu được sơn đỏ dẫn ra đền Ngọc Sơn. Cả cây cầu là thứ rực rỡ duy nhất trong cái hồ rộng lớn này. Thời gian trôi qua, mưa sa nắng ấm làm phai màu, làm sạm đi những kiến trúc ở hồ, duy chỉ cầu ta là vẫn tươi tắn, vẫn sáng rọi, hấp dẫn người qua kẻ lại.

Xung quanh bờ hồ, là những hàng liễu già, rủ xuống mặt nước. Là những hàng lộc vừng cao lớn, vào mùa hoa lại ngả nghiêng với những tấm màn hoa đỏ rực rỡ. Liễu và lộc vừng đan xen với nhau, tạo nên tấm rèm thưa che quanh hồ. Mỗi khi có gió thổi qua, lại lấp ló hé mở những cũ xưa ở trong hồ. Nó như vách ngăn giữa phố xá nhộn nhịp ngoài kia và Hồ Gươm cổ kính ở trong này.

Xã hội ngày càng hiện đại và phát triển mạnh mẽ. Đó là điều vô cùng tốt đẹp. Thế nhưng, em mong rằng dù vậy thì Hồ Gươm vẫn mãi giữ được vẻ đẹp xưa cũ như của bây giờ. Để giữa thủ đô xa hoa tráng lệ, người ta vẫn có những điểm dừng chân ở chốn tĩnh lặng mà thả hồn cho mây trời.

2. Tả Hồ Gươm – Bài văn mẫu 2

Kỳ nghỉ hè vừa rồi, em được bố mẹ dẫn ra Hà Nội chơi. Thành phố vô cùng rộng lớn, người xe tấp nập, thật xứng danh là thủ đô của nước Việt Nam. Ở Hà Nội, em được đi đến nhiều nơi như phố cổ, Văn Miếu, hồ Tây, chùa Một Cột, cầu Long Biên… Trong đó, em yêu thích nhất là phong cảnh ở Hồ Gươm.

Hồ Gươm thường được mọi người nhắc đến với cái tên là hồ Hoàn Kiếm, nằm giữa lòng thủ đô. Nơi đây như một khoảng lặng, với nhịp chảy thời gian và chuyển động riêng. Yên tĩnh, chậm rãi, không khí trong lành, dịu mát, khác hẳn với phố xá tấp nập, xô bồ ngoài kia.

Hồ Gươm mang một vẻ đẹp rất tĩnh lặng. Mặt hồ phẳng lặng như một mặt gương tráng lệ, khổng lồ màu. Chỉ khi có gió thổi qua, hay những chú cá nghịch ngợm ngoi lên, thì mặt hồ mới gợn sóng lăn tăn mà thôi. Dọc bờ hồ, là những nàng liễu yểu điệu, xõa mái tóc xanh dài, uốn mình soi bóng xuống mặt nước. Cùng với những chàng lộc vừng cao lớn, khỏe mạnh. Lộc vừng đẹp nhất là mùa ra hoa. Khắp thân cây, dưới mặt đất, vương cả xuống mặt nước vô vàn những lớp hoa đỏ rực, đỏ tươi như ánh mặt trời.

Giữa Hồ Gươm là Tháp Rùa, trông thật cũ kĩ, phủ đầy rêu xanh. Nó đứng im lìm, trầm tĩnh như là một bức tranh thủy mặc. Một bên hồ, có cây cầu gỗ đỏ – thứ duy nhất mang màu sắc rực rỡ đến lạ kì ở Hồ Gươm. Cây cầu ấy dẫn ra đền Ngọc Sơn. Mẹ em bảo là, ngôi đền này thờ vị thần cai quản văn chương và thi cử. Mọi cảnh vật ở Hồ Gươm đều mang trong mình câu chuyện riêng, hấp dẫn biết bao người đến tìm hiểu.

Dù nán lại ngắm cảnh ở Hồ Gươm rất lâu, nhưng em vẫn chẳng muốn rời đi chút nào. Mong rằng, vào thời gian sắp tới, em sẽ lại có cơ hội được trở lại thăm Hồ Gươm và cả thủ đô Hà Nội yêu quý nữa.

3. Tả Hồ Gươm – Bài văn mẫu 3

Hà Nội có Hồ GươmNước xanh như pha mựcBên hồ ngọn Tháp BútViết thơ lên trời cao.

Những câu thơ ấy của nhà thơ Trần Đăng Khoa đã vẽ nên trong em những ước mơ được đến thăm thú Hồ Gươm một lần. Và cuối tuần trước, em đã được thỏa ước mong, khi cùng cả lớp trải nghiệm tham quan Hồ Gươm.

Vừa đến nơi, em đã vô cùng ngạc nhiên trước sự rộng lớn của hồ. Vì trước đó, em nghĩ rằng hồ chỉ lớn như cái hồ sen trước cổng làng. Lại gần, em lại càng thêm thích thú trước vẻ đẹp của Hồ Gươm. Mặt hồ giống như một mặt kính, tĩnh lặng. Nước hồ trong xanh, đủ để mây trời, cây cối ven hồ soi bóng mình vào. Em cứ nhìn chăm chú mãi xuống mặt hồ, chờ được gặp cụ rùa già nhưng mãi chẳng thấy đâu. Một lát sau, dù rất tiếc nuối, nhưng em vẫn cùng các bạn di chuyển tiếp. Vừa đi, em vừa nhìn ngắm những cây liễu, cây lộc vừng cao lớn, tán lá rủ xuống cả mặt hồ.

Cô giáo dẫn chúng em đến cầu Thê Húc, cây cầu được sơn đỏ rực. Đứng trên cầu nhìn xuống nước, em thấy cả hình bóng của mình in lên trên nền trời xanh biếc. Cầu Thê Húc dẫn lối vào đền Ngọc Sơn. Nhìn gần, em lại càng thấy rõ hơn những lớp rêu xanh nhuốm đầy dấu vết của thời gian trên tường của đền. Đã mấy trăm năm trôi qua, mặc gió bão mưa sa, đền vẫn sừng sững giữa trời, thật đáng thán phục. Từ đền, nhìn ra giữa hồ, em nhìn thấy một mỏm đất nổi lên giữa hồ, cỏ mọc xanh um. Trên mỏm đất đó, là một kiến trúc trông rất trang nghiêm. Cô giáo bảo, đó chính là Tháp Rùa. Dù chỉ được nhìn từ xa, cũng đủ để em và các bạn trầm trồ bởi vẻ đẹp lạ lùng của nó. Giữa màn sương mịt mù, ngôi tháp trầm lặng, cô tịch mà đứng giữa hồ. Khiến người ta phải kính ngưỡng, phải tò mò, phải khát khao được khám phá.

Trong suốt buổi di chuyển, em được cô giáo kể rất nhiều những câu chuyện thú vị xoay quanh các kiến trúc ở Hồ Gươm. Từ những câu chuyện trong sách lịch sử, đến những câu chuyện dân gian được bà con truyền miệng. Câu chuyện nào cũng hay, cũng thú vị, khiến em và các bạn không thể bỏ qua. Càng nghe cô kể, em càng thêm yêu quý và tự hào về Hồ Gươm. Em mong rằng, dù thời gian bao lâu đi nữa, Hồ Gươm vẫn sẽ giữ mãi được vẻ đẹp cổ kính, tráng lệ riêng biệt như bây giờ giữa lòng thủ đô xa hoa, nhộn nhịp.

4. Tả Hồ Gươm – Bài văn mẫu 4

Mặt hồ như tấm gương trongSoi mình in bóng nước trong Tháp rùaTrăm hoa đua nở ven hồBức tranh thủy mặc bốn mùa lung linh.

Những câu thơ trên đã miêu tả vẻ đẹp tuyệt vời của Hồ Gươm – một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của nước ta. Nơi mà bất cứ ai khi đến với Hà Nội, cũng dành thời gian để ghé qua.

Hồ Gươm nằm giữa lòng thành phố Hà Nội xa hoa, nhộn nhịp. Nhưng bản thân nó lại rất trầm lắng, cổ kính, giống như một không gian tách biệt so với phố xá xung quanh. Mặt nước Hồ Gươm như đứng yên, chỉ có bóng mây phản chiếu trên đó là chuyển động. Nhưng thật ra, dưới lòng hồ, cả một thế giới sinh vật diệu kì đang ồn ã chuyển mình. Dọc bờ hồ, ta dễ dàng nhìn thấy những cây lộc vừng to lớn, tán lá xum xuê. Nếu may mắn được đến đây vào lúc màu hoa nở. Ta sẽ được ngắm những cành cây đội từng lớp khăn hoa đỏ rực. Những đoạn đường cũng rải đầy hoa thơm như chào đón khách đến chơi. Cùng với lộc vừng, ven Hồ Gươm còn được trồng rất nhiều cây liễu. Những thân cây uốn cong về phía mặt hồ, tán lá dài, xanh mướt rũ xuống như cung đàn lia của nữ thần nào đó đến chốn đây du ngoạn mà để quên.

Ngoài khung cảnh thiên nhiên, các kiến trúc ở Hồ Gươm cũng rất đẹp. Khác với các tòa nhà cao lớn, tiện nghi, lấp lánh ánh đèn ở ngoài kia. Các kiến trúc ở đây nhuốm đầy màu sắc của thời gian, nó mang vẻ cổ kính, trầm lắng và cô tịch. Dù khách du lịch ghé đến rất đông, nhưng em cảm giác như, những ồn ã ấy không thể làm vỡ đi sự cô đơn, tĩnh lặng của không gian Hồ Gươm. Bởi nó như đang nằm lặng im trong quá khứ vàng son của mình. Đôi khi em cố gắng tưởng tượng ra Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, Tháp Bút, Đài Nghiên của vài trăm năm trước. Không biết lúc ấy, nơi đây có nhộn nhịp, đông đúc không, hay cũng cô liêu giống như bây giờ.

Đối với em, Hồ Gươm không chỉ là một địa điểm để du lịch. Mà nó còn là một điểm dừng để nghỉ ngơi, thư giãn giữa lòng thủ đô xô bồ. Mong rằng, dù mười, một trăm, hay một nghìn năm nữa, Hồ Gươm vẫn sẽ mãi vững chãi, bình yên như thế này.

5. Tả Hồ Gươm – Bài văn mẫu 5

Văn mẫu lớp 6: Tả cảnh Hồ Gươm

Hồ Hoàn Kiếm, hồ Gươm, là một di tích lịch sử, một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của cả nước nhưng phải đến khi mười tuổi em mới được đến thăm hồ lần đầu tiên. Phong cảnh của hồ đã khiến em vô cùng ngỡ ngàng.

Trong những bài học về những địa danh của đất nước, cô giáo em nói rằng Hồ Gươm là viên – ngọc giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Được tận mắt nhìn thấy hồ Gươm em thấy quả đúng như vậy. Nước hồ trong xanh soi bóng những cây lộc vừng, những hàng liễu rủ trên bờ. Lộc vừng và liễu rủ thi chạy quanh hồ như một hàng mi cong vút, yểu điệu. Em thích nhất là hình ảnh những cây lộc vừng trổ hoa: Thân cây đổ nghiêng như muốn sà xuống nước, hoa lộc vừng màu đỏ, những bông hoa li ti chạy dài theo một dây, mỗi cây lại có hàng chục, hàng trăm dây hoa như thế thả lững lờ từ cành cây xuống nước. Hình ảnh ấy sao mà thi vị! Hàng liễu rủ cũng điệu đà không kém. Các nàng vốn được ban cho vẻ đẹp lơ thơ, mong manh nên chỉ chờ những làn gió lướt qua là khoe ra hết nét duyên dáng, dịu dàng. Những cành liễu lướt thướt khẽ nghiêng theo chiều gió. Bao nhiêu năm qua, mặt hồ Gươm vẫn lung linh in sắc mây trời và phản chiếu vẻ đẹp thơ mộng ấy của cây cối quanh bờ.

Đi một vòng quanh hồ ta sẽ nhanh chóng bắt gặp hình ảnh Đài Nghiên, Tháp Bút, cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn. Đó là những hình ảnh từng xuất hiện trong bài ca dao “Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ”:

“Rủ nhau xem cảnh Kiếm HồXem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc SơnĐài Nghiên, Tháp Bút chưa mònHỏi ai gây dựng nên non nước này?”

Cụm di tích này quả không hổ với sự ngợi ca và niềm tự hào của cha ông ta. Trên đường vào đền Ngọc Sơn, ta nhận ngay ra Tháp Bút và Đài Nghiên. Tháp Bút đứng sừng sững trên một mô đất lớn, dọc theo thân tháp có ba từ “Tả thiên thanh” được viết bằng chữ Hán. Dáng tháp đứng thẳng như muốn viết lên trời xanh những nét đẹp của văn hóa Hà Nội. Qua Tháp Bút, Đài Nghiên, ta đi vào đền bằng cầu Thê Húc. “Cầu Thê Húc cong cong như con tôm dẫn vào đền Ngọc Sơn”, nhà văn Ngô Quân Miện đã hình dung về cầu Thê Húc như vậy. Riêng em, em thấy đó như một chiếc cầu vồng mà sắc đỏ đã bừng lên át cả những màu sắc khác. Cầu khá rộng đủ cho nhiều người đi lại một lúc. cầu được làm bằng bê tông và sơn màu đỏ tươi. Qua cầu Thê Húc, ta bước vào đền Ngọc Sơn. Đền được xây trên một hòn đảo – đảo Ngọc – trên hồ. Hòn đảo nhỏ um tùm cây cối xanh tươi, đền Ngọc Sơn nằm yên ả dưới những vòm cây ấy. Trong nhà lưu niệm của đền còn có xác một cụ rùa rất lớn. Trước cửa đền là đình Trấn Ba – chắn sóng. Từ đình, ta có thể nhìn thấy Tháp Rùa bao đời nay vẫn soi bóng giữa lòng hồ.

Tháp Rùa là một hình ảnh đẹp gắn liền với hồ Gươm. Tháp có ba tầng, nhỏ nhắn rêu phong nằm giữa mênh mông sóng nước. Phần đất nhô lên làm nơi xây tháp cỏ đã mọc xanh rì. Nhiều lần người ta bắt gặp những cụ rùa Hồ Gươm lên đó nằm nghỉ ngơi.

Trước khi ra về, em còn cố gắng chạm tay vào nước Hồ Gươm. Làn nước mát dịu và trong xanh thăm thẳm. Hình ảnh Hồ Gươm, cảm giác bồi hồi khi bàn tay chạm nước em sẽ giữ mãi trong lòng để niềm tự hào về Thủ đô, về đất nước sống mãi trong em.

6. Tả Hồ Gươm – Bài văn mẫu 6

Hồ gươm nằm ở trung tâm Hà Nội. Vào mùa thu, Hồ Gươm hiện lên thật đẹp và thơ mộng. Phong cảnh của hồ đã khiến em vô cùng ngỡ ngàng

Từ trên cao nhìn xuống hồ Gươm như một lẵng hoa xinh xắn. Sáng sớm mặt nước hồ trong veo như chiếc gương khổng lồ. Xung quanh hồ những hàng liễu rủ xuống mặt hồ như những thiếu nữ hà thành đang trải tóc bên hồ. Những cây lộc vừng trổ hoa: Thân cây đổ nghiêng như muốn sà xuống nước, hoa lộc vừng màu đỏ, những bông hoa li ti chạy dài theo 1 dây. Mỗi cây lại có hàng chục, hàng trăm cây hoa như thế lững lờ từ cành cây xuống nước. Giữa hồ có bao cảnh đẹp, đây tháp rùa rêu phong, cổ kính. Mái tháp cong, uốn cong như cánh chim đang bay lượn trên nền trời xanh. Tháp Rùa có 4 tầng mỗi tầng đều có cửa được sơn màu vàng rực rỡ, trông như 1 lâu đài nhỏ nằm ở giữa hồ. Bên cạnh hồ là cầu Thê Húc màu đỏ, cong cong như con tôm khổng lồ. Qua bên kia cây cầu là đền Ngọc Sơn cổ kính lưu dấu “rùa thần” với sự̣ tích vua Lê trả kiếm. Cổng vào trong đền được xây bằng đá rất vững chắc, sơn màu ghi. Hai bên cổng đền có khắc chữ “Tả Thiên Thanh”. Tháp Bút suốt bao đời nay vẫn vươn cao như đang viết lên bầu trời xanh truyền thống hiếu học của ông cha xưa.Đối diện vs Hồ Gươm là tượng đài Lý Thái Tổ là nơi vui chơi cùng của mỗi du khánh đến đây. Trưa đã đến, mặt hồ cũng thay đổi theo sắc trời 1 màu vàng tươi được trải lên mặt hồ khiến mặt hồ lộng lẫy như đang được dát vàng. Khách tham quan cũng đông hơn làm khung cảnh Hồ Gươm lúc này thêm nhộn nhịp hơn. Chiều tà, trời tối dần, vắng dần. mọi vật xung quanh hồ cũng im ắng hơn chúng đang lim dim chuẩn bị quay về với giấc ngủ đêm. Khung cảnh quanh Hồ Gươm lúc này thật yên tĩnh vắng vẻ.

7. Tả Hồ Gươm – Bài văn mẫu 7

Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ TâyĐây lắng hồn núi sông ngàn năm…

Câu thơ trên cứ âm vang mãi trong lòng em. Nó gợi lên niềm tự hào, yêu thương da diết một vùng đất ngàn năm văn hiến: Thăng Long – Hà Nội. Mảnh đất có bao nhiêu di tích lịch sử, cảnh đẹp làm say đắm lòng người. Nhưng gần gũi, thân thương với em nhất chính là Hồ Gươm – viên ngọc xanh long lanh giữa lòng thành phố.

Hồ Gươm nằm ở chính giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội. Buổi sáng, ánh nắng mặt trời chiếu rọi xuống mặt hồ trông như dát vàng. Giữa hồ, trên thảm cỏ xanh rờn, Tháp Rùa nổi lên uy nghiêm cổ kính. Xa xa, cầu Thê Húc màu đỏ son, cong cong như con tôm dẫn vào đền Ngọc Sơn. Đền Ngọc Sơn linh thiêng, bên trong đền chứa những đồ cổ được lưu giữ từ hàng nghìn năm trước. Nhìn qua khung cửa kính bên trong đền là tượng của cụ Rùa hay được gọi là thần kim Quy – vị thần giúp vua Lê Lợi đánh tan quân Minh, cứu giúp nước nhà. Trong đó, trên các bàn thờ thả hương khói nghi ngút được đặt tượng của các vị thần thánh rất trang nghiêm. Mỗi lần đi qua cầu, em và chị em lại thả những hạt thức ăn xuống cho đàn cá vàng đang bơi lội tung tăng. Mỗi khi trời đổ mưa, mặt hồ lại lăn tăn gợn sóng gợi cho em nhớ cảnh cá đớp mồi. Ven hồ, những chị liễu rủ mái tóc dài thướt tha xuống mặt nước như đang chải chuốt. Xung quanh hồ đặt những bồn hoa tỏa hương thơm ngát khắp mọi phía. Trên những bồn hoa còn được khắc những hình ảnh rất bắt mắt, sinh động. Lan tỏa đâu đây, mùi hương dìu dịu của những bông hoa sữa đậu xuống vai áo người đi đường. Mỗi khi hè về, tiếng ve râm ran hòa lẫn tiếng chim trong các lùm cây tạo thành một bản hòa tấu kéo dài. Không chỉ như vậy, tiếng nói cười của người đi đường cùng tiếng ồn ào của dòng xe cộ cũng tạo nên một bản nhạc vô cùng sôi động, hào hứng. Ban đêm, Tháp Rùa cùng với những sợi dây đèn điện làm sáng rực cả một khoảng không giữa hồ. Vào những dịp lễ Tết, mọi người thường tập trung rất đông quanh Hồ Gươm để đón xem màn pháo hoa đầy màu sắc đêm giao thừa. Không chỉ vào những dịp lễ Tết Hồ Gươm lại đông mà vào những ngày thường mọi người cũng đều đi quanh hồ để hóng mát, ăn kem, tập thể dục,…

Em rất yêu quý Hồ Gươm. Hồ Gươm là một trong số những hồ đẹp nhất Hà Nội. Em sẽ cùng mọi người giữ gìn, không xả rác bừa bãi ra hồ để hồ luôn sạch đẹp, trong xanh hơn. Em mong rằng du khách nước ngoài khi đặt chân tới Thủ đô Hà Nội sẽ đến thăm Hồ Gươm và cảm nhận được nét đẹp thanh lịch, văn minh của nó.

8. Tả Hồ Gươm – Bài văn mẫu 8

Hồ Gươm – một địa danh lịch sử thân thương của Thủ đô Hà Nội. Ai chưa đến Hồ Gươm thì chưa thể biết vẻ đẹp nơi đây. Kia, những hàng liễu ngả về phía mặt hồ. Đây, những bồn hoa tươi thắm đua nhau khoe sắc. Đi vài bước nữa, ta lại nhìn thấy một cầu Thê Húc màu đỏ son cong cong như con tôm. Đền Ngọc Sơn linh thiêng bên gốc đa xum xuê rễ lá,… Buổi sớm, Hồ Gươm vẫn còn đắm chìm vào giấc ngủ của màn sương đêm trắng xóa. Trên những chiếc lá xanh xanh đọng lại những giọt sương như những viên pha lê lấp lánh quý giá. Mặt trời lóe sáng, chiếu rọi tia nắng vàng sưởi ấm giữa mùa đông giá lạnh. Hồ Gươm thức dậy với vẻ duyên dáng, đáng yêu như một thiếu nữ mới lớn. Làn gió nhẹ mơn man trên những gợn sóng lăn tăn của hồ. Người già, người trẻ đi bộ, tập thể dục, tập dưỡng sinh,… xung quanh hồ để có một sức khỏe trước khi bắt đầu một ngày làm việc mới thật hiệu quả.

Phía xa xa, mặt hồ trông như một chiếc gương khổng lồ màu ngọc bích. Mùa đông năm nay có vẻ ấm áp hơn mọi năm nên đến trưa, ánh nắng lọt qua khe lá chiếu xuống mặt hồ khiến Hồ Gươm càng thêm dát vàng, dát bạc. Giữa hồ là một Tháp Rùa uy nghi, cổ kính nằm oai phong trên thảm cỏ xanh mướt. Nhắc đến Hồ Gươm người ta gợi nhớ tới vua Lê Lợi trả kiếm cho Rùa Vàng nên hồ còn được gọi là Hồ Hoàn Kiếm. Chếch về phía đường Đinh Tiên Hoàng là Tháp Bút sừng sững, uy nghiêm. Trên tháp đề ba chữ Hán lớn màu đỏ: “Tả thanh thiên” có nghĩa là “Viết lên trời xanh” mang hình ảnh nghiên mực và ngòi bút lông tượng trưng cho tinh thần hiếu học của mảnh đất nghìn năm văn hiến. Cách vài mét là cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn in dấu tích lịch sử. Đền Ngọc Sơn là nơi thờ cụ Rùa và Đức Thánh Trần (tức vua Trần Hưng Đạo) – người đã có công ba lần đánh thắng quân Nguyên – Mông, đem lại chiến thắng vẻ vang cho dân tộc. Hàng ngày, có hàng dài người xếp hàng để vào đền thắp hương.Về chiều, cảm giác đông đúc được nhận thấy rõ hơn khi các dòng phương tiện nườm nượp đổ về để trở về với gia đình sau một ngày làm việc vất vả. Trời bắt đầu sẩm tối, những âm thanh inh ỏi từ xe cộ trộn đều với nhau tạo nên một khung cảnh nhộn nhịp đúng bản sắc riêng của Hồ Gươm. Giờ Hà Nội đã lên đèn, xung quanh hồ đèn lên sáng rực khiến nơi đây thật rực rỡ và lãng mạn. Hồ Gươm khoác lên mình một chiếc áo màu đen huyền bí tô điểm thêm là ánh đèn sặc sỡ trông thật đẹp làm sao! Ngước lên bầu trời ta sẽ thấy những vì sao sáng cùng với ông trăng như đang mỉm cười với mọi người. Các du khách nước ngoài rất thích đi bộ và chụp ảnh quanh hồ. Tôi cảm thấy tự hào biết bao!

Hồ Gươm là một di tích lịch sử quý báu và là một niềm tự hào của người dân Hà Nội. Chúng ta phải giữ gìn và bảo vệ di sản văn hóa của Thủ đô. Nếu ai đã đến Hà Nội thì hãy đến Hồ Gươm và trải nghiệm vẻ đẹp nơi đây:

“Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ. Xem cầu Thê Húc, xem đền Ngọc Sơn”

9. Tả Hồ Gươm – Bài văn mẫu 9

Nước Việt Nam ta tự hào có bao danh lam thắng cảnh, như Vịnh Hạ Long kỳ vĩ, rừng Cúc Phương bạt ngàn, hang Sơn Đoòng hoa lệ hay núi Yên Tử và ngôi chùa Đồng độc đáo. Một trong những thắng cảnh kì diệu đó chính là Hồ Gươm – “lẵng hoa” đẹp của Tổ quốc và cũng là niềm tự hào của Thủ đô, nơi em sinh sống.

Hồ Gươm nằm chính giữa Thủ đô Hà Nội, tại quận Hoàn Kiếm. Hồ Gươm nổi tiếng với làn nước trong veo và màu xanh trường cửu quanh năm bao phủ đất trời xanh biếc bầu trời, xanh lam làn nước, xanh rì hàng cây. Tất cả tạo nên một bức tranh thật đẹp, thật sinh động và hài hòa.

Vẻ đẹp của Hồ Gươm trước hết là đến từ phong cảnh hữu tình mà thiên nhiên ban tặng. Bầu trời xanh thăm thẳm, quang đãng. Mặt trời vàng rực, soi bóng xuống mặt hồ. Ánh nắng tinh nghịch, vui vẻ nhảy nhót trên mặt hồ. Mặt hồ trong xanh, trải dài, phẳng lặng, hệt như một “viên ngọc” lục thủy giữa Thủ đô, hay đúng hơn là một chiếc gương ngọc thạch khổng lồ, sáng lấp loáng Tháp Rùa nằm trên một gò đất cao giữa hồ, trông thật cổ kính, uy nghiêm. Cầu Thê Húc màu son, cong cong như con tôm, dẫn vào đền Ngọc sơn, in bóng xuống mặt hồ tạo thành một vệt đỏ chạy dài. Ven hồ, những hàng cây xanh rì dịu dàng soi bóng xuống mặt hồ.

Nét đẹp của Hồ Gươm còn đến từ những nét riêng biệt quyến rũ của từng thời điểm trong ngày. Sáng sáng, không khí tĩnh lặng, se lạnh, chỉ nghe đâu đây tiếng lá cây rì rào, xào xạc và tiếng chim hót vảng vất. Ấy nhưng mà khi trưa về, Hồ Gươm lại đổi mới khác hẳn ban sáng. Chim hót líu ríu trên cành. Người qua lại tấp nập, làm không khí vui tươi, nhộn nhịp hẳn lên. Tối đến, những chiếc đèn ven hồ rực sáng trưng, màn đêm trở nên lung linh, huyền ảo và bí ẩn.

Vẻ hấp dẫn của Hồ Gươm còn đến từ những sự kiện gắn liền với hồ. Truyền thuyết kể lại rằng, sau khi dẹp tan quân Minh xâm lược, vua Lê Lợi đã trả gươm cho Rùa Vàng tại đây. Có lẽ do đó mà hồ còn có tên gọi khác là Hồ Hoàn Kiếm.

Hồ Gươm còn thu hút khách du lịch bởi lẽ đây còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lớn về văn hóa và thể thao. Tiêu biểu là ngày 30 tháng 4 năm nay, nhằm mục đích kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước, hay ngày 2 tháng 9 năm nay kỷ niệm 70 năm quốc khánh, những màn bắn pháo hoa tưng bừng và hoành tráng đã diễn ra tại đây. Ngoài ra, Hồ Gươm còn là nơi tổ chức nhiều sự kiện về văn hóa và thể thao của Thủ đô.

Có lẽ vì vẻ đẹp đó mà Hồ Gươm đã đi vào thơ ca, ghi dấu ấn sâu trong lòng người. Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Gươm chiều thu hay Cảm xúc bên Hồ Gươm, là những bài thơ nổi tiếng của những cây bút trẻ. Ngoài ra, các bài hát nổi tiếng về Hồ Gươm phải nói đến Đêm Hồ Gươm, Hồ Gươm sáng sớm, Nhớ Hồ Gươm,… Nổi tiếng ca khúc tôi muốn mang Hồ Gươm đi là câu hát:

“Sao Hồ Gươm biết tôi ra đây?Mà trùm yêu thương lên bóng vai gầy,Mà lau mắt tôi bằng ngàn con sóng,Mà thả trời xanh xuống trên từng nhánh cây?”

Hồ Gươm chẳng những là danh lam thắng cảnh của quốc gia mà còn là di tích lịch sử quan trọng, là niềm tự hào của em nói riêng và của toàn dân tộc nói chung, góp phần xây dựng nước Việt Nam giàu đẹp nên chúng ta cần phải gìn giữ, bảo vệ nơi này.

10. Tả Hồ Gươm – Bài văn mẫu 10

Việt Nam là đất nước được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho biết bao danh lam, thắng cảnh, địa danh nổi tiếng với vẻ đẹp kỳ vĩ, tráng lệ làm say đắm biết bao người ghé thăm. Trong đó có Hồ Gươm, nằm ngay giữa trung tâm thủ đô Hà Nội, mang vẻ đẹp thơ mộng, cổ kính của vùng đất Đô thành nghìn năm văn hiến.

Hồ Gươm hay còn có tên gọi khác là Hồ Hoàn Kiếm – tên gọi bắt nguồn từ sự tích Lê Lợi sau khi đánh đuổi quân thù, tại nơi này đã trả lại thanh gươm thần cho cụ Rùa. Hồ Gươm, ngay từ tên gọi của nó cũng đã gắn với lịch sử dân tộc, mang trong mình vẻ đẹp tráng lệ, cổ kính khiến bao người sửng sốt. Nằm ngay giữa lòng thủ đô, hồ nước vừa rộng, lòng hồ sâu, khi có ánh sáng mặt trời rọi xuống mặt nước trong xanh ấy sáng bừng lên như một tấm gương ngọc khổng lồ phản chiếu khung cảnh hai bên bờ. Những hàng cây cổ thụ xanh tươi được trồng xung quanh hồ, những hàng tre, hàng trúc thẳng tắp, xen lẫn những ngọn liễu đỏ thắm đang rủ những tán lá soi bóng mình dưới Hồ Gươm thật thơ mộng. Hà Nội mùa này se lạnh, những cơn gió thổi qua mang theo những chiếc lá vàng rời cành, rơi xuống mặt hồ đang yên ả, những chiếc lá trôi chậm theo dòng nước như những con đò nhỏ xinh chở bao hoài niệm, ký ức về năm tháng thoi đưa. Dưới mặt nước trong xanh, phẳng lặng những chú cá đang tung tăng bơi lội, thỉnh thoảng lại có một vài cánh bướm, chuồn chuồn bay là đà trên mặt hồ như dạo chơi, nô đùa.

Dạo một vòng quanh hồ Gươm, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh gắn liền với nơi đây: Tháp Bút, Đài Nghiên, cầu Thê Húc, hay đền Ngọc Sơn. Những hình ảnh đặc sắc đã gắn liền với biết bao câu thơ, ca dao của người nghệ sĩ. Xa xa, là cầu Thê Húc uốn cong thân mình như một chiếc lược ngà đỏ chói, đền Ngọc Sơn sừng sững như một người lính oai nghiêm, hùng dũng. Đặc biệt nhất có lẽ là hình ảnh Tháp Rùa bốn tầng, nằm đơn độc giữa lòng hồ, xung quanh tháp phủ đầy những rêu xanh, cỏ dại, thỉnh thoảng ta lại bắt gặp hình ảnh những cụ Rùa lên đấy nằm nghỉ ngơi, phơi nắng. Thêm một kiểu kiến trúc độc đáo tương hỗ giữa tháp Bút với ngọn bút như đang vẽ nên nền trời xanh thẳm, bên cạnh là Đài Nghiên to lớn ba góc được kê bằng ba con cóc đá, mang đậm tinh thần hiếu học của dân tộc Việt Nam ta.

Sáng sớm tinh mơ hay những buổi chiều tắt nắng, không khí quanh hồ thật dễ chịu, hơi nước từ mặt hồ hòa chung với từng cơn gió mát lạnh đã tạo nên một không gian khoáng đạt, thật thơ mộng, trữ tình. Có lẽ nhờ vậy mà Hồ Gươm đã trở thành nơi để tập thể dục cho các cụ già, nơi học tập cho những nhóm bạn trẻ, cũng là nơi chứng kiến biết bao tình yêu lứa đôi tuyệt vời,… Trải qua hàng nghìn năm với biết bao đổi thay của đất nước, Hồ Gươm dường như đã trở thành một biểu tượng vĩnh cửu trong lòng người dân Hà thành, nó cũng như một chứng nhân lịch sử của dân tộc phảng phất vẻ đẹp hào hùng qua các thời đại.

Hồ Gươm là di tích lịch sử quý báu, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, mỗi trở lại đây ngắm nhìn hồ nước lòng em lại dâng trào niềm hạnh phúc của một người con xa quê, được trở về với vòng tay cội nguồn. Mỗi chúng ta hãy biết chung giữ gìn, bảo tồn vẻ đẹp hồ Gươm, để nó luôn giữ mãi được vẻ trang nhã, thanh cao của một nền văn hóa kinh kỳ.

Trên đây là bài Văn mẫu lớp 6: Tả cảnh Hồ Gươm. Mời các bạn tham khảo thêm đề thi học kì 1 lớp 6 từ tất cả các trường THCS trên toàn quốc của tất cả các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa, Sinh. Hy vọng rằng tài liệu lớp 6 này sẽ giúp ích trong việc ôn tập và rèn luyện thêm kiến thức ở nhà. Chúc các em đạt kết quả học tập tốt.

Tài liệu tham khảo:

  • Văn mẫu lớp 6: Kể chuyện Thạch Sanh bằng lời của em
  • Bài viết số 2 lớp 6: Kể về một tấm gương tốt trong học tập hay trong việc giúp đỡ bạn bè mà em biết
  • Kể về một người bạn tốt của em lớp 6

Từ khóa » Dàn ý Tả Hồ Gươm Lớp 6