Dàn ý Thuyết Minh, Giới Thiệu Về Chiếc áo Dài Hay Nhất | Ngữ Văn Lớp 8
Có thể bạn quan tâm
- Siêu sale sách Toán - Văn - Anh Vietjack 25-11 trên Shopee mall
Đề bài: Dàn ý Thuyết minh về chiếc áo dài
- Dàn ý Thuyết minh về chiếc áo dài
- Thuyết minh về chiếc áo dài - mẫu 1
- Thuyết minh về chiếc áo dài - mẫu 2
- Thuyết minh về chiếc áo dài - mẫu 3
- Thuyết minh về chiếc áo dài - mẫu 4
- Thuyết minh về chiếc áo dài - mẫu 5
5+ Dàn ý Thuyết minh về áo dài (hay, ngắn gọn)
Quảng cáoDàn ý Thuyết minh về chiếc áo dài
Dàn ý - mẫu 1
A. Mở bài: Giới thiệu khái quát về áo dài
B. Thân bài:
Luận điểm 1: Nguồn gốc, lịch sử
- Áo dài là trang phục truyền thống của Việt Nam
- Cách đây khoảng vài nghìn năm, theo như hoa văn trên trống đồng Ngọc Lũ, phụ nữ Việt đã mặc trang phục với 2 tà áo xẻ.
- Trải qua những thay đổi trong lối sống, nếp sống văn hóa Việt, áo dài từng có thời gian bị cấm song cho đến nay, áo dài đang ngày càng được yêu thích bởi sự duyên dáng, nhẹ nhàng, thanh thoát của nó.
Luận điểm 2:Chất liệu và Cấu tạo
- Chất liệu: Áo dài được may bằng vải mềm, rũ, thường là lụa tơ tằm.
- Áo dài truyền thống Việt Nam gồm 5 phần chính: cổ áo, thân áo, tay áo, tà áo và quần.
+ Cổ áo cổ điển cao từ 4-5 cm, ôm sát vào cổ. Ngày nay, cổ áo dài được cách tân hơn rất nhiều, có cổ trái tim, cổ tròn, cổ chữ U,… Ở cổ áo thường được đính ngọc, thể hiện sự sang trọng, quý phái.
+ Thân áo được tính từ phần cổ xuống đến eo, có đính cúc từ cổ chéo đến vai rồi xuống kéo xuống ngang hông
Quảng cáo+ Tà áo được xẻ từ eo xuống đến gót chân. Áo dài có 2 tà: tà trước và tà sau. Độ dài 2 tà tùy vào sở thích thiết kế, thường là tà sau dài hơn tà trước. Trên tà áo, người thợ thủ công thường thêu hoa văn hoặc bài thơ lên để tăng vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh thoát cho áo dài.
+ Tay áo được tính từ phần vai xuống đến cổ tay hoặc khuỷu tay (áo tay lỡ), hoặc cũng có thể làm tay cộc tùy sở thích, ôm sát lấy cánh tay khiến cho áo dài càng thon gọn.
+ Áo dài được mặc với quần lụa, ống rộng, chạm đến gót chân. Màu sắc của quần thường là màu đen hoặc trắng.
Luận điểm 3: Phân loại áo dài
- Áo dài được chia làm 2 loại chính: áo dài cổ điển và áo dài cách tân
+ Áo dài cách tân có sự thay đổi về thiết kế ở cổ và độ dài tà áo, đáp ứng nhu cầu và sở thích của người mặc. Ngày nay, áo dài cách tân rất được ưa chuộng, đặc biệt là trong các ngày lễ, tết bởi phần tà áo ngắn hơn khá nhiều, dễ hoạt động nhưng vẫn giữ được nét duyên dáng, dịu dàng của áo.
Luận điểm 4: Ý nghĩa của áo dài trong truyền thống văn hóa Việt Nam
- Áo dài là trang phục truyền thống Việt Nam, được chọn làm quốc phục và trở thành biểu tượng cho người phụ nữ Việt Nam. Chiếc áo dài làm tôn thêm vẻ đẹp quyến rũ, dịu dàng, đằm thắm mà lại không kém phần sang trọng, thanh lịch cho người phụ nữ Việt Nam.
- Tà áo dài đã đi vào đời sống văn hóa nghệ thuật, đi vào thơ ca nhạc họa và trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, thể hiện tình cảm yêu mến, say đắm cuẩ người con trai dành cho người con gái.
Quảng cáo+ Bài thơ “Áo trắng” của Huy Cận:
Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong
Hôm xưa em đến mắt như lòng
Nở bừng ánh sáng em đi đến
Gót ngọc dồn hương bước tỏa hồng
+ Bài “Áo lụa Hà Đông” của Nguyên Sa:
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông...
+ Hình ảnh chiếc áo dài cũng xuất hiện nhiều trong các tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ: Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Sỹ Luân, Nguyễn Đức Cường,…
+ Trong hội họa không thể không kể đến bức họa “Thiếu nữ bên hoa huệ” của họa sĩ Tô Ngọc Vân
+ Trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác, áo dài cũng được đưa vào như một tình cảm, một sự tự hào về văn hóa dân tộc Việt Nam.
C. Kết bài: Khát quát về ý nghĩa của chiếc áo dài trong đời sống.
Dàn ý - mẫu 2
I. Mở bài:
Giới thiệu chung về chiếc áo dài Việt Nam:
+Chiếc áo dài đã trở thành trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam.
+Chúng ta hãnh diện, trân trọng chiếc áo dài truyền thống này.
Quảng cáoII. Thân bài:
1. Nguồn gốc, xuất xứ:
+Căn cứ vào sử liệu, văn chương, điêu khắc, hội hoa, sân khấu dân gian… chúng ta đã thấy hình ảnh tà áo dài qua nhiều giai đoạn lịch sử. Nghĩa là áo dài đã có từ rất lâu.
+Tiền thân của áo dài hơi giống áo từ thân, sau đó qua lao động, sản xuất chiếc áo giao lãnh mới được chính sửa để phù hợp với thời trang của từng thời điểm.
2. Chất liệu vải: phong phú, đa dạng, nhưng đều có đặc điểm là mềm, nhẹ, thoáng mát.
3. Kiểu dáng:
- Cấu tạo:
+Áo dài từ cổ xuống đến chân.
+Cổ áo may theo kiểu cổ Tàu, cũng có khi là cổ thuyền, cổ tròn theo sở thích của người mặc. Khi mặc, cổ áo ôm khít lấy cổ, tạo vẻ kín đáo.
+Khuy áo thường dùng bằng khuy bấm, từ cổ chéo sang vai rồi kéo xuống ngang hông.
+Thân áo gồm 2 phần: Thân trước và thân sau, dài suốt từ trên xuống gần mắt cá chân.
+Khi mặc áo ôm sát vào vòng eo, làm nổi bật vóc dáng của người phụ nữ.
+Tà áo xẻ dài từ trên xuống, giúp người mặc đi lại dễ dàng, thướt tha, uyển chuyển.
- Khẳng định đó là nét đặc trưng khác biệt của chiếc áo dài việt Nam.
- Màu sắc: Đa dạng, tùy theo sở thích lựa chọn của mỗi người.
-. Ý nghĩa.
+Chiếc áo dài luôn giữ được tầm quan trọng của nó và trở thành bộ lễ phục của các bà, các cô.
+Áo dài Việt Nam đã được tổ chức Unesco công nhận là một di sản Văn hóa phi vật thể, là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam.
+Từ xưa đến nay chiếc áo dài đã trở thành tác phẩm mỹ thuật.
III. Kết bài:
+Ngày nay có nhiều kiểu áo thời trang của nước ngoài du nhập vào nước ta, nhưng trang phục truyền thống, chiếc áo dài dân tộc vẫn là một biểu tượng đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
+Chiếc áo dài đã trở thành quốc phục. Đó là tâm hồn, cốt cách của người Việt gửi vào vẻ tha thướt, quyến rũ của chiếc áo.
Dàn ý - mẫu 3
I. Mở bài
Nêu lên đối tượng: Chiếc áo dài Việt Nam
VD: Trên thế giới, mỗi Quốc gia đều có một trang phục của riêng mình. Từ xưa đến nay, chiếc áo dài đã trở thành trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam.
II. Thân bài
1. Nguồn gốc, xuất xứ
+ Không ai biết chính xác áo dài có từ bao giờ
+ Bắt nguồn từ áo tứ thân Trung Quốc
+ Căn cứ vào sử liệu, văn chương, điêu khắc, hội họa, sân khấu dân gian.....chúng ta đã thấy hình ảnh tà áo dài qua nhiều giai đoạn lịch sử
- Tiền thân của áo dài VN là chiếc áo giao lãnh, hơi giống áo từ thân, sau đó qua lao động, sản xuất chiếc áo giao lãnh mới được chỉnh sửa để phù hợp với đặc thù lao động => áo tứ thân và ngũ thân.
- Người có công khai sáng là định hình chiếc áo dài Việt Nam là chúa Nguyễn Phúc Khoát. Chiếc áo dài đầu tiên được thiết kế tại thời điểm này là sự kết hợp giữa váy của người Chăm và chiếc váy sườn xám của người trung hoa.... Bởi vậy áo dài đã có từ rất lâu.
2. Hiện tại
Tuy đã xuất hiện rất nhiều những mẫu mã thời trang, nhưng chiếc áo dài vẫn giữ được tầm quan trọng của nó, và trở thành bộ lễ phục của các bà các cô mặc trong các dịp lễ đặc biệt..
Đã được tổ chức Unesco công nhận là một di sản Văn hóa phi vật thể, là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam.
3. Hình dáng
- Cấu tạo
+ Áo dài từ cổ xuống đến chân
+ Cổ áo may theo kiểu cổ Tàu, cũng có khi là cổ thuyền, cổ tròn theo sở thích của người mặc. Khi mặc, cổ áo ôm khít lấy cổ, tạo vẻ kín đáo.
+ Khuy áo thường dùng bằng khuy bấm, từ cổ chéo sang vai rồi kéo xuống ngang hông.
+ Thân áo gồm 2 phần: Thân trước và thân sau, dài suốt từ trên xuống gần mắt cá chân.* Áo được may bằng vải một màu thì thân trước thân sau sẽ được trang trí hoa văn cho áo thêm rực rỡ.
+ Thân áo may sát vào form người, khi mặc, áo ôm sát vào vòng eo, làm nổi bật những đường cong gợi cảm của người phụ nữ.
+ Tay áo dài không có cầu vai, may liền, kéo dài từ cổ áo tới cổ tay.
+ Tà áo xẻ dài từ trên xuống, giúp người mặc đi lại dễ dàng, thướt tha, uyển chuyển.
+ Áo dài thường mặc với quần đồng màu hoặc màu trắng bằng lụa, satanh, phi bóng.... với trang phục đó, người phụ nữ sẽ trở nên đài các, quý phái hơn.
- Thợ may áo dài phải là người có tay nghề cao, thợ khéo tay sẽ khiến áo dài khi mặc vào ôm sát form người.
- Áo dài gắn liền tên tuổi của những nhà may nổi tiếng như Thuý An, Hồng Nhung, Mỹ Hào, ....., đặc biệt là áo dài Huế màu tím nhẹ nhàng…
- Chất liệu vải phong phú, đa dạng, nhưng đều có đặc điểm là mềm, nhẹ, thoáng mát. Thường là nhiễu, voan, nhất là lụa tơ tằm…
- Màu sắc sặc sỡ như đỏ hồng, cũng có khi nhẹ nhàng, thanh khiết như trắng, xanh nhạt...Tùy theo sở thích, độ tuổi. Thường các bà, các chị chọn tiết đỏ thẫm…
4. Áo dài trong mắt người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế
Từ xưa đến nay, áo dài luôn được tôn trọng, nâng niu.…
Phụ nữ nước ngoài rất thích áo dài
5. Tương lai của tà áo dài
III. Kết bài
Cảm nghĩ về tà áo dài
Dàn ý - mẫu 4
I. Mở bài
- Giới thiệu về chiếc áo dài
Chiếc áo quê hương dáng thướt tha
Non sông gấm vóc mở đôi tà
Tà bên Đông Hải lung linh sóng
Tà phía Trường Sơn rực rỡ hoa
Vạt rộng Nam phần chao cánh gió
Vòng eo Trung bộ thắt lưng ngà
Nhịp tim Hà Nội nhô gò ngực
Hương lúa ba miền thơm thịt da.
- Không biết tự bao giờ hình ảnh chiếc áo dài đi vào thơ ca một đỗi thân thuộc và yêu thương. Mỗi quốc gia đều có một quốc phục riêng, và chiếc áo dài là quốc phụ của Việt Nam. Áo dài là niềm tự hào dân tộc của mỗi người dân Việt Nam.
II. Thân bài
1. Lịch sử, nguồn gốc
+ Thời chúa Nguyễn Phúc Kháng: Do chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa nên đến cuối thế kỉ 16 thì ăn mặc của người Việt vẫn giống người Phương Bắc. Trước làm song xâm nhập này, vua ban hành mọi người dân Việt đều mặc quần không đáy.
+ Thời vua Minh Mạng: Cho đến thế kỉ 17 phong tục mặc váy vẫn được duy trì.
+ Áo dài Le mor: Biến chiếc áo tứ thân để biến nó chỉ còn lại hai vạt trước và sau
+ Áo dài Lê Phổ: Bỏ bớt những nét lai căng, cứng cỏi của áo Le Mur, đồng thời đưa thêm các yếu tố dân tộc để tạo thành áo dài
+ Đời sống mới: Chiếc áo dài giờ vẫn có hai tà và ôm sát người.
2. Cấu tạo
+ Cổ áo: Cổ áo cổ điển cao khoảng 4 đến 5cm, thường khoét chữ v ở trước. Ngày nay, kiểu cổ áo dài được biến tấu khá đa dạng như kiểu trái tim, cổ tròn, cổ chữ U, cổ tròn...
+ Thân áo: May vừa vặn, ôm sát thân của người mặc, ở phần eo được chít ở hai bên. Cúc áo dài thường là cúc bấm, từ cổ chéo sang vai rồi kéo xuống ngang hông. Ngày nay đã có sự biến tấu nhiều với chiếc áo dài.
+ Áo dài có hai tà: Tà trước và tà sau và buộc dài qua gối.
+ Tay áo được tính từ vai, may ôm sát cánh tay, không có cầu vai, may liền, dài đến qua khỏi cổ tay một tí.
+ Quần áo dài
3. Công dụng
+ Trang phục truyền thống
+ Là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam
+ Trang phục công sở như các ngành nghề: Tiếp viên hàng không, nữ giáo viên, nữ nhân viên ngân hàng, học sinh,…
4. Cách bảo quản
Do chất liệu vải mềm mại nên áo dài đòi hỏi phải được bảo quản cẩn thận. Mặc xong nên giặt ngay để tránh ẩm mốc, giặt bằng tay, treo bằng móc áo, không phơi trực tiếp dưới ánh nắng để tránh gây bạc màu. Sau đó ủi với nhiệt độ vừa phải, treo vào mắc áo và cất vào tủ. Bảo quản tốt thì áo dài sẽ mặc bền, giữ được dáng áo và mình vải đẹp.
5. Ý nghĩa của chiếc áo dài
- Trong đời sống: Là trang phục truyền thống, quốc phục của dân tộc Việt Nam
- Trong nghệ thuật:
- Thơ văn:
Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong
Hôm xưa em đến mắt như lòng
Nở bừng ánh sáng em đi đến
Gót ngọc dồn hương bước tỏa hồng
- Âm nhạc:
Có chiếc áo dài tung tăng trên đường phố
Những lúc buồn vui vu vơ nào đó
Ánh mắt hồn nhiên vô tư dễ thương á hà……
...Áo dài vui áo dài hát bao nắng xuân đang về khắp nơi
Áo dài nói áo dài cười mang hạnh phúc đến cho mọi người
Áo dài vui vui áo dài hát hát bao nắng xuân đang về khắp nơi
Áo dài nói nói áo dài cười cười mang hạnh phúc đến cho mọi người
- Hội họa
- Trình diễn
III. Kết bài: Nêu ý nghĩa của chiếc áo dài
Dù cuộc sống hiện đại và có những trang phục đẹp nhưng chiếc áo dài luôn là trang phục truyền thống và gắn với người dân Việt Nam.
Dàn ý - mẫu 5
I. Mở bài:
Giới thiệu chung về áo dài (Là trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Chúng ta hãnh diện về chiếc áo dài và trân trọng nâng nó lên hàng quốc phục hoặc gọi tên một cách hình ảnh là chiếc áo dài quê hương).
II. Thân bài:
a. Nguồn gốc:
Không ai biết rõ chiếc áo dài nguyên thủy ra đời từ bao giờ, hình dáng ban đầu của nó ra sao?
Trong cuốn sách Kể chuyện chín mùa, mười ba vua triều Nguyễn của ông Tôn Thất Bình (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 1997) có ghi lại là chiếc áo dài được hình thành từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Như vậy, chiếc áo dài được ra đời từ thế kỉ thứ 18. Tuy ban đầu còn thô sơ nhưng đã rất kín đáo.
b. Chất liệu:
Có thể may bằng nhiều loại vải, thông dụng là gấm, lụa, the…
Các quan chức thì mới cho dùng xen the, đoạn … còn gấm vóc và các thứ rồng phượng thì dành cho các vua, chúa, vương công.
c. Kiểu dáng chiếc áo: Theo Tôn Thất Bình đã dẫn ý kiến của Lê Quí Đôn viết trong Phủ biên tạp lục để khẳng định rằng chúa Nguyễn Phúc Khoát là người đầu tiên phác thảo ra hình hài chiếc áo dài Việt Nam.
Ngày xưa: Đối với người phụ nữ Việt Nam trước đây, trang phục dân tộc là chiếc áo tứ thân màu nâu non đi chung với váy đen, yếm trắng, đầu chít khăn mỏ quạ, thêm vào đó là những chiếc thắt lưng màu thiên lí hay màu đào.
- Lễ phục thì có những tấm áo mớ ba. Đó là loại áo dài gồm 3 chiếc: ngoài cùng là chiếc áo tứ thân bằng vải the thâm màu nâu non hoặc tam giang; chiếc áo thứ hai có màu mỡ gà, chiếc thứ ba là màu cánh sen. Khi mặc những chiếc áo dài này, các cô thường chỉ cài cúc cạnh sườn. Phần từ ngực áo đến cổ chỉ lật chéo để lộ ba màu áo ra ngoài. Bên trong là chiếc yếm đào đỏ thắm, đầu đội nón quai thao trong rất duyên dáng, kín đáo. Viên cố đạo người Italia tên là Bô - ri sống ở Việt Nam từ năm 1616 đến năm 1621 đã viết một tập kí sự, trong đó ông ghi những nhận xét về phụ nữ Việt Nam như sau: “Ao quần của họ có lẽ kín đáo nhất vùng Đông Nam Á”.
- Thường phục may áo cổ đứng, ngắn tay, cửa ống tay có thể rộng hẹp tuỳ ý. Áo thì từ hai bên nách trở xuống phải khâu kín, không cho xẻ mở.
- Lễ phục thì may áo cổ đứng dài tay , vải xanh, chàm hoặc đen, trắng tùy nghi. Cổ áo có thể viền và lót. Cũng kể từ thế kỉ 18, các phụ nữ biết thêu thùa hoa lá quanh cổ áo để tăng thêm vẻ đẹp, chất liệu vải ngày càng tốt hơn.
Ngày nay: Chiếc áo dài được dần dần thay đổi và hoàn thiện hơn. Đầu thế kỉ 20, phụ nữ Việt Nam chỉ mặc có một chiếc áo dài, bên trong là chiếc áo cộc và thay chiếc váy bằng chiếc quần dài. Tùy theo lứa tuổi, chiều dài áo buông xuống dài ngắn khác nhau, lúc thì đến đầu lúc thì chấm bàn chân. Bà Trịnh Thục Oanh, hiệu trưởng Trường nữ Trung học Hà Nội, đã làm một cuộc cách mạng cho chiếc áo dài Việt Nam. Bà thiết kế phần eo sao cho chiếc áo dài ôm sát đường cong mềm mại trên cơ thể người phụ nữ để tạo nên một sức hấp dẫn mới mẻ, tràn đầy xuân sắc. Cho đến nay, chiếc áo dài truyền thống tương đối ổn định.
d. Ý nghĩa:
- Giờ đây chiếc áo dài của phụ nữ đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời. Đó là niềm tự hào của trang phục dân tộc. Nó vừa kín đáo, vừa e ấp, vừa khêu gợi được những nét đẹp kiều diễm, mảnh mai của người phụ nữ Việt Nam.
- Chiếc áo dài ngoài vẻ đẹp văn hóa còn có một ý nghĩa đạo lí. Người xưa dạy rằng: Hai tà áo (hai vạt) tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu. Cái yếm che trước ngực nằm giữa những chiếc áo ngoài tượng trưng cho hình ảnh mẹ ôm ấp con vào lòng. Năm khuy cài nằm cân xứng trên năm vị trí cố định, giữ cho chiếc áo ngay thẳng, kín đáo tượng trưng cho năm đạo làm người là: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Khi mặc áo dài tứ thân người ta thường buộc hai vạt trước lại với nhau cho chiếc áo cân đối tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng chung thủy bên nhau.
III. Kết bài: Ngày nay có nhiều kiểu áo thời trang của nước ngoài du nhập vào nước ta, nhưng trang phục truyền thống, chiếc áo dài dân tộc vẫn là một biểu tượng đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Chiếc áo dài đã trở thành quốc phục. Đó là tâm hồn, cốt cách của người Việt gửi vào vẻ tha thướt, quyến rũ của chiếc áo.
Dàn ý - mẫu 6
I. Mở bài:
Giới thiệu về đối tượng cần thuyết minh: chiếc áo dài Việt Nam.
Nhắc đến Việt Nam thế giới nghĩ ngay đến bản sắc văn hóa đa dạng, với áo dài và nón lá, tà áo dài thướt tha duyên dáng đại diện cho người phụ nữ Việt Nam xinh đẹp, dịu dàng. Đi đến đâu xuất hiện tà áo dài đều thấy hình ảnh quê hương Việt Nam.
II. Thân bài:
1. Nguồn gốc
Không rõ xuất xứ những tà áo dài xuất hiện từ hàng ngàn năm trước được khắc trên trống đồng Ngọc Lũ.
Chúa Nguyễn Phúc Khoát người có công giúp chiếc áo dài định hình.
Chiếc áo dài đầu tiên ra đời đó là sự kết hợp giữa váy người Chăm và chiếc váy sườn xám người Trung Hoa.
=> Áo dài là sự kết hợp của nhiều trang phục tinh hoa các nền văn hóa khác nhau.2. Cấu tạo, hình dáng áo dài
- Áo dài gồm các phần:
+ Cổ áo: thường là cổ cao hoặc cổ tròn
+ Thân áo: từ cổ đến eo, có 2 mảnh bó sát eo.
+ Tà áo: chia làm 2 phần tà áo trước và tà áo sau.
+ Tay áo: không có cầu vai, may liền, kéo dài từ cổ áo.
+ Phần quần: quần áo may rộng có thể cùng màu sắc với áo dài.
+ Chất liệu: áo dài thường may bằng chất liệu nhẹ, mềm thoáng.
+ Màu sắc đa dạng: không chỉ màu trắng truyền thống mà còn xanh, đỏ, vàng....
+ So với áo dài truyền thống áo dài ngày nay thêm nhiều kiểu đặc biệt ở cổ áo như cổ chữ U, cổ tròn.
3. Sử dụng áo dài
Học sinh sinh viên mặc áo dài đến trường trong những ngày đặc biệt.
Người lớn mặc áo dài trong những dịp đặc biệt như lễ cưới, sự kiện, dự tiệc...duyên dáng, sang trọng.
Áo dài còn xuất hiện ở nhiều sự kiện lớn như Apec diễn ra ở Việt Nam.
4. Bảo quản áo dài
Sau khi sử dụng cần giặt sạch, phơi nơi thoáng mát.Không dùng thuốc tẩy dễ làm bay màu áo dài.
Nếu không mặc áo dài thường xuyên nên gấp áo lại và cho vào túi giấy giúp áo luôn mềm và sạch sẽ.
5. Ý nghĩa áo dài
Tượng trưng cho vẻ đẹp của người con gái Việt Nam yêu kiều, duyên dáng.
Trang phục đại diện cho hình ảnh người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
III. Kết bài:Áo dài là trang phục truyền thống của nước ta, những cô gái khoác lên mình chiếc áo dài trở nên duyên dáng, xinh đẹp đến lạ kì. Khi nhắc về áo dài thế giới sẽ nghĩ ngay đến bản sắc dân tộc của người Việt Nam, hãy cùng giữ gìn và bảo tồn chiếc áo dài đến muôn đời sau.
Dàn ý - mẫu 7
I. Mở bài:
Giới thiệu đối tượng cần thuyết minh.
Nhắc đến tổ quốc, bạn nghĩ đến điều gì ? Còn nhắc đến Việt Nam, có bao nhiêu con tim đã kéo gọi một bóng hình chữ S, một tô phở bò đậm hương, một tấm bánh trưng ngày Tết, và cũng bao nhiêu tâm trí mơ về một tà áo dài thướt tha. Chiếc áo dài từ lâu đã là một biểu tượng văn hóa gắn liền với đất nước và với dân tộc, một nét đặc trưng của riêng hương sắc Việt Nam.
II. Thân bài:
1. Lịch sử chiếc áo dài
+ Chiếc áo dài đã có từ rất lâu.
+ Áo dài có từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, ban đầu được áp dụng tại hai vùng là Thuận Hóa và Quảng Nam. Sau khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước sau phân tranh Đàng Ngoài - Đàng Trong, áo dài được phổ biến rộng rãi và trở thành quốc phục của triều Nguyễn.- Sau khi quân Pháp tràn vào nước ta, chiếc áo dài được thay đổi về kiểu dáng, gọi là áo dài Lemur, thêm nhiều nét phương Tây, “lai căng” nên không được nhiều người ủng hộ.- Năm 1934, họa sĩ Lê Phổ đã bỏ bớt một số nét từ áo Lemur, cùng với đó ông cũng đưa thêm yếu tố dân tộc từ áo tứ thân thành áo dài cổ kính, ôm sát thân và hai vạt trước tự do.- Trải qua nhiều thay đổi theo dòng chảy lịch sử và sự vận động của đời sống, chiếc áo dài ngày nay đã được thay đổi và hoàn thiện hơn để phù hợp với nhu cầu thẩm mĩ và nếp sống hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống đặc trưng.Năm 2017 đã chứng kiến sự thay đổi lớn trong kiểu dáng của áo dài với “áo dài cách tân” được nhiều chị em phụ nữ ưa chuộng.
2. Cấu tạo của chiếc áo dài
- Cổ áo: Kiểu cổ điển, cổ áo cao từ bốn đến năm centimet. Ngày nay, những người thợ may đã cắt giảm bớt chi tiết cổ áo, thay bằng cổ tròn, cổ tim, cổ chữ U, cổ thấp để tạo sự thoải mái hơn cho người mặc.
- Thân áo: Thân áo được tính từ phần cổ đến eo. Cúc áo được đính chéo từ cổ sang vai rồi kéo xuống ngang hông. Từ eo, thân áo được xẻ làm hai tà ở hai bên hông. Ngày nay, kiểu áo dài đính khuy cũng không còn phổ biến như trước mà kiểu có khóa kéo sau lưng được ưa chuộng hơn bởi tính tiện lợi và nhanh gọn.
- Tà áo: Áo dài có hai tà: tà trước và tà sau. Xưa thì tà trước bằng tà sau, nhưng ngày nay có nhiều loại áo có tà trước ngắn hơn tà sau, phù hợp với việc di chuyển.
- Tay áo: Tay áo dài được may ôm sát tay, dài đến qua cổ tay, những thiết kế năng động hơn thì phần tay áo thường dài đến qua khuỷu tay một chút.
- Quần: Quần áo dài là quần ống rộng, dài đến gót chân.
- Chất liệu: Áo dài thường được may bằng bằng những loại vải nhẹ để tạo độ bay và có độ co giãn thích hợp như lụa hoặc voan.
- Màu sắc: Áo dài học sinh thường mang sắc trắng tinh khôi, phù hợp với lứa tuổi học trò. Các bà, các mẹ, các cô thường lựa chọn những mẫu áo dài đa dạng hơn với những tà áo được thêu hoa, vải có họa tiết,… với đủ các loại màu sắc chất liệu.
3. Ý nghĩa của tà áo dài
+ Là quốc phục của Việt Nam, mang màu sắc văn hóa đất nước ra với bạn bè quốc tế, cùng bao nhiêu bóng dáng yêu kiều của người phụ nữ sải bước trên những đấu trường nhan sắc và trí tuệ.
+ Tà áo dài còn trở thành trang phục công sở như tiếp viên hàng không, giáo viên, nữ nhân viên ngân hàng,…
+ Mỗi ngày hội tựu trường, ta lại thấy những bóng áo dài trắng của nữ sinh tinh khôi, thấy bóng cô dịu dàng trong những tà áo dài,… Mỗi ngày cưới, ta lại thấy cô dâu mới e ấp trong tà áo dài đỏ khi ra mặt quan viên hai họ….
+ Tạo cảm hứng cho bao nhà thiết kế, hàng loạt những bộ sưu tập thời trang đã được ra đời dựa trên chiếc áo dài truyền thống, để nét hiện đại và cổ truyền hòa hợp với nhau.
III. Kết bài:
- Nêu cảm nhận của em về đối tượng được thuyết minh.
“ Chiếc áo quê hương dáng thướt tha
Non sông gấm vóc mở đôi tà ”
- Đinh Vũ Ngọc trong “Chiếc áo dài Việt Nam” đã vẽ nên đôi tà áo dài như thế. Bao tà áo dài đã tung bay trong gió, bao bóng áo thướt tha đã đi qua thời gian và tới bao miền đất. Áo dài là nếp sống không thể thiếu trong văn hóa người dân đất Việt, là chất vàng của phù sa văn hóa nước Nam mà đi đâu tim người cũng mang theo.
Dàn ý - mẫu 8
I. Mở bài:
Giới thiệu khái quát về chiếc áo dài Việt Nam
II. Thân bài:
1. Nguồn gốc
- Xuất hiện trên những hình khắc trên những chiếc trống đồng Ngọc Lũ cách đây vài nghìn năm.
- Trang phục truyền thống của cả nam và nữ song phổ biến và thường được sử dụng nhiều hơn cả cho người phụ nữ.
- Được cách tân từ áo Ngũ thân của Việt Nam, được mặc kết hợp với quần.
- Có sự thay đổi về tên gọi và có sự cách tân để phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người sử dụng.
2. Chất liệu và kết cấu
- Thường được may bằng những loại vải mềm và chủ yếu được may bằng vải lụa.
- Một chiếc áo dài Việt Nam truyền thống thường có năm bộ phận: cổ áo, thân áo, tà áo, tay áo và quần
- Cổ áo:
+ Thường có chiều cao từ bốn đến năm xăng-ti-mét, ôm sát vào cổ của người mặc
+ Ngày nay, cổ của chiếc áo dài ít nhiều đã được cách tân, có thể là hình chữ U, hình tròn, được trang trí thêm những viên đá lấp lánh hoặc những chiếc hoa rất đẹp.
- Thân áo:
+ Quy ước tính từ cổ đến eo
+ Có một hàng khuy bấm được đính chéo từ phần cổ áo xuống ngang hông
+ Phần thân áo khi đến ngang hông được chia đôi làm hai tà – tà trước và tà sau, gọi là phần tà áo.
- Tà áo:
+ Gồm tà trước và tà sau
+ Độ dài của tà trước và tà sau được thiết kế linh hoạt, để phù hợp với nhu cầu của người sử dụng, nhưng thường thấy hơn cả là tà sau dài hơn tà trước và hai tà bằng nhau.
+ Trên cả hai tà áo thường được thêu hoặc trang trí những hình vẽ, họa tiết
- Tay áo:
+ Có thể là tay cộc, tay lỡ hoặc tay dài.
+ Thường được đính đá để tăng thêm nét đẹp, quý phái cho chiếc áo.
- Quần:
+ Thông thường, áo dài thường được mặc kết hợp với quần.
+ Thường được may bằng vải lụa mềm, có độc dài đến chấm gót chân.
+ Màu sắc của chiếc quần thường đi liền với màu của áo nhưng phổ biến hơn cả là hai màu trắng và đen.
3. Ý nghĩa, vai trò, vị trí của chiếc áo dài trong đời sống sinh hoạt và văn hóa tinh thần của con người Việt Nam.
Áo dài là loại trang phục truyền thống của dân tộc Việt Nam từ xưa cho đến tận hôm nay
Nó trở thành biểu tượng cho hình ảnh ảnh người phụ nữ Việt.
Trang phục không thể thiếu trong các cuộc thi người đẹp, cuộc thi hoa hậu và trong các cuộc thi sắc đẹp thế giới, góp phần tôn vinh cho vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm, duyên dáng mà không kém phần lịch lãm, sang trọng, quý phái của người phụ nữ Việt.
Chiếc áo dài cũng là nguồn đề tài bất tận cho thi, ca, nhạc họa với nhiều tác giả và tác phẩm nổi tiếng,
III. Kết bài: Khái quát về chiếc áo dài Việt Nam và cảm nhận của bản thân về chiếc áo dài.
Dàn ý - mẫu 9
I. Mở bài:
Áo dài Việt Nam - hình ảnh đại diện cho truyền thống và vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Chiếc áo dài không chỉ là một trang phục truyền thống mà còn là biểu tượng tinh thần và văn hóa đặc trưng của dân tộc ta.
II. Thân bài:
1. Khái quát chung:
Áo dài là món trang phục truyền thống của người Việt, có lịch sử ra đời từ thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát. Áo dài đã trải qua nhiều thay đổi và biến hóa qua các thời kỳ, nhưng vẫn giữ được sự thanh lịch và sang trọng. Năm 1934, họa sĩ Lê Phổ đã thay đổi kiểu dáng áo dài, tạo nên phiên bản hiện đại và phổ biến đến ngày nay.
Áo dài được thiết kế với nhiều màu sắc khác nhau, phù hợp với từng dịp và mục đích sử dụng, từ áo dài trắng thanh khiết trong ngày cưới, đến áo dài họa tiết sặc sỡ cho những dịp lễ hội.
2. Thuyết minh chi tiết:
Áo dài có hai tà trước và sau, bắt buộc dài qua gối, tôn lên vẻ duyên dáng của người mặc. Cổ áo cao và khoét hình chữ V trước cổ, tạo nét thanh lịch và quý phái.
Thân áo được may vừa vặn, ôm sát thân người, tôn lên vóc dáng của người phụ nữ Việt. Phần eo được chiết lại, làm nổi bật chiếc eo thon, thêm phần dịu dàng và quyến rũ.
Từ eo, thân áo được xẻ làm hai tà ở hai bên hông, tạo nên sự thoải mái khi di chuyển. Tay áo ôm sát cánh tay, dài đến qua khỏi cổ tay, tạo nên vẻ trẻ trung và thanh lịch.
Quần áo dài được may chấm gót chân, ống quần rộng, thường được làm từ vải mềm, tạo sự thoải mái khi mặc.
3. Ý nghĩa, vai trò của áo dài:
Áo dài không chỉ là trang phục tô điểm cho người phụ nữ, mà còn tôn vinh vẻ đẹp và đoan trang của họ. Nó là biểu tượng của nền văn hóa và truyền thống dân tộc Việt Nam.
Áo dài cũng có ý nghĩa đặc biệt trong các dịp lễ hội, cưới hỏi hay hội nghị thượng đỉnh. Nhiều đơn vị còn chọn áo dài làm trang phục bắt buộc cho nhân viên, tạo nên sự thống nhất và chuyên nghiệp.
III. Kết bài:
Áo dài Việt Nam không chỉ là một món trang phục đơn thuần, mà còn là biểu tượng của vẻ đẹp và thanh lịch của người phụ nữ Việt Nam. Nó đại diện cho truyền thống và tinh thần dân tộc, tạo nên sự tự hào và gắn bó trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Áo dài đã và đang tiếp tục được truyền thống và phát triển qua thời gian, để giữ lửa cho nền văn hóa truyền thống của đất nước.
Dàn ý - mẫu 10
I. Mở bài:
Chiếc áo dài, trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam, đã trở thành biểu tượng đẹp và tinh tế của văn hóa dân tộc. Chúng ta hãnh diện và trân trọng chiếc áo dài này, một cống hiến sắc sảo của người Việt Nam trong lịch sử và văn hóa.
II. Thân bài:
1. Nguồn gốc, xuất xứ:
Áo dài có một lịch sử dài đẹp, xuất hiện trong nhiều tài liệu như văn chương, điêu khắc, hội hoa, sân khấu dân gian... Áo dài đã có từ rất lâu trong văn hóa Việt Nam, thể hiện sự thanh lịch và dịu dàng của phụ nữ Việt.
2. Chất liệu vải:
Áo dài được may từ các chất liệu vải phong phú và đa dạng, như lụa, nhung, ren, voan... Tuy nhiên, chất liệu vải của áo dài đều có đặc điểm chung là mềm mại, nhẹ nhàng và thoáng mát, phù hợp với khí hậu nhiệt đới của Việt Nam.
3. Kiểu dáng:
Áo dài có kiểu dáng đặc trưng, tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam:
- Cổ áo may theo kiểu cổ Tàu hoặc cổ thuyền, tùy theo sở thích và phong cách của người mặc.
- Khuy áo thường là dạng khuy bấm, từ cổ chéo sang vai rồi kéo xuống ngang hông, tạo nên vẻ thanh lịch và truyền thống.
- Thân áo dài từ cổ xuống gần mắt cá chân, ôm sát vòng eo, làm nổi bật vóc dáng của người phụ nữ.
- Tà áo xẻ dài từ trên xuống, giúp người mặc đi lại dễ dàng và thướt tha.
4. Ý nghĩa:
Áo dài không chỉ là trang phục truyền thống, mà còn mang trong mình ý nghĩa sâu sắc về văn hóa và vẻ đẹp của người Việt Nam. Nó là biểu tượng của sự thanh lịch, dịu dàng và quyền uy của người phụ nữ Việt Nam. Áo dài Việt Nam đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, khẳng định vị thế và giá trị của nó trong lòng người Việt.
III. Kết bài:
Dù có nhiều kiểu áo thời trang nước ngoài du nhập vào Việt Nam, chiếc áo dài vẫn giữ vững vị trí của mình là một biểu tượng đẹp của phụ nữ Việt Nam. Áo dài đã trở thành tâm hồn và cốt cách của người Việt, gửi vào vẻ thanh lịch, quyến rũ của mỗi chiếc áo dài một tinh thần và niềm tự hào về đất nước.
Thuyết minh về chiếc áo dài - mẫu 1
Chiếc áo dài xuất hiện trong đời sống của người Việt từ lâu đời. Nó mang đậm bản sắc dân tộc và tượng trưng cho vẻ đẹp dịu dàng, duyên dáng của người phụ nữ. Bạn bè quốc tế cũng rất yêu thích và thán phục vẻ đẹp lạ kỳ, đầy hấp dẫn của chiếc áo dài Việt Nam.
Ngược dòng thời gian, không ai biết rõ chiếc áo dài nguyên thủy ra đời từ lúc nào và hình dáng ra sao vì không có tài liệu ghi nhận. Y phục xa xưa nhất của người Việt, theo những hình khắc trên mặt chiếc trống đồng Ngọc Lũ cách nay khoảng vài nghìn năm đã thấy thấp thoáng bóng dáng của tà áo dài, tranh khắc trang phục cho thấy hình phụ nữ mặc trang phục với hai tà áo xẻ. Nét đặc trưng mạnh mẽ nhất của áo dài chính là hai tà áo, dù trải qua bao nhiêu ngàn năm với bao nhiêu biến thể, nét duy nhất vẫn nhận ra được trang phục truyền thống của người Việt không bị lai tạp với các nền văn hóa khác chính là hai tà áo dài. Có nhiều người cho rằng áo dài Việt là một bản khác của sườn xám của phụ nữ Trung Quốc, nhưng chiếc sườn xám chỉ xuất hiện vào khoảng 1920, còn tà áo dài Việt đã có từ rất lâu trước đó. Điều đó chứng tỏ áo dài là một nét văn hóa truyền thống của riêng Việt Nam, là của người Việt Nam.
Áo dài cấu tạo gồm ba phần: cổ áo, thân áo và tay áo. Cổ áo cổ điển cao khoảng 4 đến 5cm, khoét hình chữ V trước cổ. Kiểu cổ áo này càng làm tôn lên vẻ đẹp của chiếc cổ cao ba ngấn trắng ngần thanh tú của người phụ nữ. Ngày nay, kiểu cổ áo dài được biến tấu khá đa dạng như kiểu trái tim, cổ tròn, cổ chữ U,… Thân áo được tính từ cổ xuống phần eo. Thân áo dài được may vừa vặn, ôm sát thân của người mặc, ở phần eo được chít ben (hai ben ở thân sau và hai ben ở thân trước). Cúc áo dài thường là cúc bấm, từ cổ chéo sang vai rồi kéo xuống ngang hông. Ngày mới ra đời áo dài có năm khuy ở năm vị trí cố định vừa giữ cho thân áo ngay ngắn vừa tượng trưng cho năm đạo làm người: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Từ eo, thân áo dài được xẻ làm hai tà, vị trí xẻ tà ở hai bên hông. Áo dài có hai tà: tà trước và tà sau và bắt buộc dài qua gối. Tay áo được tính từ vai, may ôm sát cánh tay, không có cầu vai, may liền, dài đến qua khỏi cổ tay một tí. Chiếc áo dài được mặc với quần thay cho chiếc váy đen ngày xưa. Quần áo dài được may chấm gót chân, ống quần rộng. Quần áo dài thường được may với vải mềm, rũ. Màu sắc thông dụng nhất là màu đen. Nhưng xu thế thời trang hiện nay thì chiếc quần áo dài có màu đi tông với màu của áo.
Có nhiều loại vải dùng để may áo dài như lụa tơ tằm, lụa tổng hợp, gấm, nhung…nhưng tính chất chung là phải mỏng, nhẹ thì áo mới đẹp. Các bà và các chị ở độ tuổi trung niên thích may áo dài bằng nhung, gấm cho sang trọng để mặc trong những dịp cưới hỏi, lễ tết. Còn thanh nữ và thiếu nữ lại thích những chất liệu nhẹ nhàng hơn và màu sắc tươi mát hơn. Chiếc áo dài đi đôi với chiếc quần lụa hay sa tanh, tạo nên vẻ đẹp quyến rũ, sang trọng.
Giờ đây chiếc áo dài phụ nữ đã trở thành một tác phẩm mĩ thuật tuyệt vời. Đó là niềm tự hào của y phục dân tộc. Năm 1970, tại hội chợ quốc tế O-sa-ka (Nhật Bản) chiếc áo dài của phụ nữ Việt nam đã đoạt huy chương vàng về y phục dân tộc. Khách quốc tế trầm trồ và ngây ngất khi ngắm nhìn những vạt áo dài lả lơi như những cánh bướm trước gió. Nó vừa kín đáo, vừa e ấp, vừa khêu gợi được những nét đẹp kiều diễm, mảnh mai của người phụ nữ Việt Nam .
Chiếc áo dài ngoài vẻ đẹp văn hoá còn có một ý nghĩa đạo lí. Người xưa dạy rằng: Hai tà áo (hai vạt) tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu. Cái yếm che trước ngực nằm giữa những chiếc áo ngoài tượng trưng cho hình ảnh mẹ ôm ấp con vào lòng. Năm khuy cài nằm cân xứng trên năm vị trí cố định, giữ cho chiếc áo ngay thẳng, kín đáo tượng trưng cho năm đạo làm người là: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Khi mặc áo dài tứ thân người ta thường buộc hai vạt trước lại với nhau cho chiếc áo cân đối tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng chung thuỷ bên nhau.
Ngày nay có nhiều kiểu áo thời trang của nước ngoài du nhập vào nước ta, nhưng trang phục truyền thống, chiếc áo dài dân tộc vẫn là một biểu tượng đẹp của người phụ nữ Việt Nam . Chiếc áo dài đã trở thành quốc phục. Đó là tâm hồn, cốt cách của người Việt gửi vào vẻ tha thướt, quyến rũ của chiếc áo.
Thuyết minh về chiếc áo dài - mẫu 2
Trên trái đất này, mỗi quốc gia đều có một trang phục truyền thống của riêng mình.Việt Nam ta cũng vậy, tà áo dài của chúng ta đã là trang phục cổ truyền có từ thời xa xưa cho đến tận ngày nay. Cho dù đã trải qua không ít thăng trầm của lịch sử nhưng giá trị của nó vẫn rất nguyên vẹn. Nó đã tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Ngày nay, tuy không ít những mẫu mã thời trang, nhưng chiếc áo dài vẫn giữ một vị trí rất quan trọng không những chỉ trong làng thời trang trong nước mà ngay cả trên thế giới. Nó đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể và đã trở thành một biểu tượng cho người phụ nữ Việt Nam hiền hòa mà nhân hậu.
Nguồn gốc của chiếc áo dài đã có từ rất xa xưa, không ai biết thời điểm chính xác là từ khi nào, chỉ có thể biết rằng nó được bắt nguồn từ chiếc áo tứ thân vốn đã có từ lâu đời của dân tộc ta. Qua sử liệu, qua văn chương, qua các loại hình nghệ thuật : điêu khắc, hội họa, sân khấu dân gian, chúng ta đã trông thấy hình ảnh của chiếc áo dài qua các giai đoạn phát triển của người dân Việt Nam.
Chiếc áo dài phù hợp với mọi lứa tuổi, và mọi tầng lớp của xã hội. Từ người giàu cho đến người nghèo, từ trẻ con cho đến các cụ già đều có thể mặc áo dài. Đối với mỗi độ tuổi, áo dài lại có các cách thức và kiểu may phù hợp, giúp người mặc nó cảm thấy tự tin và xinh đẹp hơn.
Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp thấy những em bé gái xinh xắn, và đáng yêu hơn trong bộ áo dài bằng gấm, có những màu sắc đa dạng như : hồng, đỏ, xanh… cùng những chiếc quần màu trắng hoặc cùng màu áo, ở trong các cuộc nghi lễ sang trọng…trông chúng thật ngộ nghĩnh và dễ thương. Còn đối với các thiếu nữ thì tà áo dài lại càng tôn lên sự cân đối của sự uyển chuyển vốn có của mình. Họ thướt tha trong chiếc áo mềm mại và chiếc quần trắng càng làm tôn lên vẻ tinh khiết và sự trắng trong.
Áo dài may bằng nhiều thứ vải khác nhau: gấm Thái Tuấn, lụa tơ tằm, nhung, lụa,…Các kiểu may rất đa dạng và cũng có thể cách điệu như cổ ba phân hay một phần, cổ thuyền, cổ tròn… tuy không màu mè nhưng vẫn rất trẻ trung, thanh tú. Còn với những cô, những bác trung niên thì tà áo dài còn giúp họ thấy sự đứng đắn, lịch lãm và trang trọng. Nhưng với các cụ có tuổi thì có thể mặc áo dài màu nâu hay bằng nhung, lụa, đi kèm là quần đen sẽ cảm thấy lịch sự và trang nhã không kém.
Tà áo dài càng ngày càng có nhiều kiểu cách để ta lựa chọn nhưng dù thế nào thì nó vẫn giữ được vẻ đẹp vốn có của mình. Tà áo dài là niềm hãnh diện của người Việt Nam không chỉ ở đất nước mình mà còn là khắp năm châu bốn biển. Giờ đây, mỗi chúng ta phải biết giữ gìn, bảo vệ nó như di sản văn hóa của dân tộc mình. Chắc chắn, chiếc áo dài mãi mãi đẹp và trường tồn theo thời gian.
Thuyết minh về chiếc áo dài - mẫu 3
Áo dài là trang phục đẹp nhất của phụ nữ Việt Nam. Chiếc áo khoác ngoài màu thầm, bên trong là chiếc áo cánh sen, áo mỡ gà,... làm cho người phụ nữ quê ta trở nên duyên dáng, xinh đẹp và trang trọng.
Áo dài của các bà, các mẹ ngày xưa thường là áo tứ thân hoặc áo năm thân. Áo tứ thân được kết bằng bốn mảnh vải, hai thân trước và hai thân sau. Áo năm thân, vạt áo trái phía trước được ghép thành hai thân vải, rộng gấp đôi vạt áo phía phải. Mặc áo tứ thân thường mặc bỏ buông; mặc áo năm thân thường buộc thắt vào nhau, làm cho dải thắt lưng thiên lí hiện ra lấp ló. Các cụ bà lên chùa lề Phật vào ngày mồng một, ngày rằm thì mặc áo dài tứ thân màu nâu, màu đà bằng vải hay lụa tơ tằm. Ngày xưa, con gái Kinh Bắc đi hội chùa Dâu, đi hát Quan họ hay mặc áo dài tứ thân màu thẫm.
Chiếc áo dài tân thời ngày nay vốn là chiếc áo dài tứ thân được cải tiến. Ống tay dài thon, cổ áo hoặc được dựng cao, hoặc ôm tròn viền quanh cổ người mặc được cách điệu. Có nhiều cúc bấm chạy chéo nghiêng theo hai vạt áo phía trước. Lưng áo được may thắt lại tạo nên ‘eo”, làm hiện lên vẻ đẹp trẻ trung, yêu kiều của thiếu nữ. Áo dài tân thời được may bằng lụa đủ màu sắc: trắng, hồng, xanh lơ, tím,... lụa điểm hoa, điểm một số loài chim đủ màu sắc rực rỡ, lộng lẫy.
Trong lễ hội, hình ảnh các thiếu nữ xuất hiện trong chiếc áo dài tân thời, người đi xem cảm thấy như đàn bướm sặc sỡ đang bay lượn giữa vườn hoa xuân.
Thứ hai hằng tuần, trường em quy định giáo viên nữ mặc áo dài trắng, các giáo viên nam mặc vét, thắt ca-vát, đi giầy. Lễ chào cờ hàng tuần trở nên long trọng; sân trường như sáng bừng lên.
Chiếc áo dài màu trắng điểm hoa, chiếc áo dài màu xanh da trời, màu tím Huế đã làm tôn vẻ đẹp thiếu nữ Việt Nam trang nhã, trinh trắng hơn, mềm mại, tươi đẹp hơn.
Thuyết minh về chiếc áo dài - mẫu 4
Áo dài Việt Nam có từ rất xa xưa, theo từng thời kì lịch sử mà chiếc áo dài có những hình dáng khác nhau và thay đổi theo từng phương. Miền Bắc ngày xưa có kiểu áo dài viền năm tà, miền Trung lại có một kiểu sợi dây cột ngang lưng, miền Nam cũng có áo dài cổ cao theo một cách đặc biệt.
Hoặc họ dùng những hoa văn trên thổ cẩm để làm viền, tạo nên những chiếc áo dài vừa duyên dáng vừa cổ điển, vừa hiện đại. Trang phục kèm áo dài cũng thay đổi theo thời gian như quần màu đen, trắng hòa cùng màu với áo, khăn đóng ngày nay thay thế bằng vương miện dùng trong ngày cưới của cô dâu.
Nhờ sự khéo léo của những nhà thiết kế, chiếc áo dài Việt Nam đã tôn thêm vẻ đẹp dịu dàng và thể hiện nét kín đáo thiết tha của người phụ nữ. Vì sao vậy? Phần trên thường kín cổ, thể hiện vẻ kín đáo nhưng cũng làm hiện lên bờ vai và đôi tay trắng thon dài của cô gái. Nhờ cắt may khéo léo, phần trên chiếc áo thể hiện nét đẹp khỏe mạnh gọn gàng và thùy mị của cô gái Việt Nam.
Hiện nay, tuy nước ta đã theo nhiều trào lưu y phục phương Tây nhưng phụ nữ Việt Nam vẫn không quên giữ gìn và phát huy vẻ đẹp của chiếc áo dài. Trong vài thập niên gần đây, tà áo dài đã' là đồng phục quy định của nhiều công sở và trường học. Ngay cả những dịp quan trọng như ngày Tết, ngày lễ, ngày cưới, người ta cũng dùng áo dài làm trang phục chính. Với những loại vải quí phái, chất liệu đặc biệt như tơ tằm, lụa với màu sắc lộng lẫy hoặc nhu hòa, chiếc áo dài làm tăng thêm vẻ sang trọng và tươi đẹp cho người phụ nữ Việt Nam.
Thuyết minh về chiếc áo dài - mẫu 5
Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thướt tha, đắm thắm , hiền dịu trong tà áo dài Việt Nam luôn là hình ảnh để lại ấn tượng, nét đậm văn hóa rất riêng đối với bạn bè quốc tế. Chính vì thể, chiếc áo dài trở thành thứ trang phục đẹp đẽ, là trang phục truyền thống của Việt Nam ta.
Áo dài của các bà, các mẹ ngày xưa thường là áo tứ thân hoặc áo năm thân. Áo tứ thân được kết bằng bốn mảnh vải, hai thân trước và hai thân sau. Áo năm thân, vạt áo trái phía trước được ghép thành hai thân vải, rộng gấp đôi vạt áo phía phải. Mặc áo tứ thân thường mặc bỏ buông; mặc áo năm thân thường buộc thắt vào nhau, làm cho dải thắt lưng thiên lí hiện ra lấp ló. Các cụ bà lên chùa lề Phật vào ngày mồng một, ngày rằm thì mặc áo dài tứ thân màu nâu, màu đà bằng vải hay lụa tơ tằm. Ngày xưa, con gái Kinh Bắc đi hội chùa Dâu, đi hát Quan họ hay mặc áo dài tứ thân màu thẫm.
Dần dần chiếc áo dài được cách tân, cải tiến dần trở thành những chiếc áo dài tân thời nhưu ngày nay. Áo tứ thân được cải tiến, ống tay thon, cổ áo hoặc được dựng cao, hoặc ôm tròn viền quanh cổ người mặc được cách điệu. Có nhiều cúc bấm chạy chéo nghiêng theo hai vạt áo phía trước. Lưng áo được may thắt lại tạo nên ‘eo”, làm hiện lên vẻ đẹp trẻ trung, yêu kiều của thiếu nữ. Tà áo xẻ dài từ hông xuống tạo nên nét duyên dáng, thướt tha của người con gái Việt. Áo dài tân thời được may bằng lụa đủ màu sắc: trắng, hồng, xanh lơ, tím,... lụa điểm hoa, điểm một số loài chim đủ màu sắc rực rỡ, lộng lẫy tôn thêm vẻ đẹp cho chiếc áo. Chiếc áo dài khi mặc thường được được đi kèm với chiếc nón lá đội đầu càng tôn vẻ dịu dàng nữ tính của người phụ nữ Việt Nam.
Áo dài được dùng rộng rãi và rất phổ biến. Xưa, áo dài được người phụ nữ sử dụng phổ biến khi đi đồng, khi làm việc,… trở thành một trang phục thường ngày bởi sự tiện lợi ngay cả khi làm lụng trên đồng. Ngày nay cũng thế, chiếc áo dài không chỉ là trang phục lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn văn hóa dân tộc, là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam mà chiếc áo dài đã trở thành trang phục công sở như các ngành nghề: Tiếp viên hàng không, nữ giáo viên, nữ nhân viên ngân hàng, học sinh,... Ngoài ra ta có thể diện áo dài để đi dự tiệc, dạo phố vừa kín đáo, duyên dáng nhưng cũng không kém phần thời trang, thanh lịch.
Xem thêm các bài Văn mẫu thuyết minh, phân tích, dàn ý tác phẩm lớp 8 khác:
Thuyết minh về chiếc áo dài (Bài văn mẫu 1)
Giới thiệu về chiếc áo dài Việt Nam (Bài văn mẫu 2)
Thuyết minh về chiếc áo dài Việt Nam (Bài văn mẫu 3)
Mục lục Văn mẫu | Văn hay lớp 8 theo từng phần:
- Mục lục Văn phân tích, phát biểu cảm nghĩ, cảm nhận
- Mục lục Văn biểu cảm
- Mục lục Văn thuyết minh
- Mục lục Văn nghị luận
- Tài liệu cho giáo viên: Giáo án, powerpoint, đề thi giữa kì cuối kì, đánh giá năng lực, thi thử THPT, HSG, chuyên đề, bài tập cuối tuần..... độc quyền VietJack, giá hợp lí
Tủ sách VIETJACK shopee lớp 6-8 cho phụ huynh và giáo viên (cả 3 bộ sách):
- Trọng tâm Toán, Anh, KHTN lớp 6 (303 trang - từ 99k)
- Trọng tâm Toán, Anh, KHTN lớp 7 (266 trang - từ 99k)
- Trọng tâm Toán, Anh, KHTN lớp 8 (302 trang - từ 99k)
ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH LUYỆN THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 8
Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official
Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85
Từ khóa » Giới Thiệu Về Chiếc áo Dài Việt Nam Dàn ý
-
13 Bài Dàn ý Thuyết Minh Về Chiếc áo Dài Việt Nam Chọn Lọc
-
TOP 5 Dàn ý Thuyết Minh Về Chiếc áo Dài Việt Nam - Văn 8
-
Dàn ý Thuyết Minh Về Chiếc áo Dài Lớp 8 Ngắn Gọn Nhất - TopLoigiai
-
Dàn ý Thuyết Minh Về Chiếc áo Dài Việt Nam Hay Ngắn Gọn
-
Dàn ý Thuyết Minh Về Chiếc áo Dài Việt Nam - Thủ Thuật
-
Dàn ý Thuyết Minh Về Chiếc áo Dài Việt Nam Lớp 8 (19 Mẫu)
-
Dàn ý Thuyết Minh Chiếc áo Dài Việt Nam Lớp 8 - Daful Bright Teachers
-
Dàn ý Thuyết Minh Về Chiếc áo Dài Việt Nam
-
Dàn ý Cùng Bài Văn Thuyết Minh Về Chiếc áo Dài Việt Nam Hay Nhất
-
Top 13 Bài Thuyết Minh Về Chiếc áo Dài Việt Nam Hay Nhất
-
Dàn Ý Thuyết Minh Về Áo Dài ❤️️ 10 Mẫu Ngắn Hay Nhất
-
Dàn ý Thuyết Minh Về Chiếc áo Dài Chi Tiết đầy đủ
-
Đề 4: Giới Thiệu Về Chiếc áo Dài Việt Nam - Tech12h
-
Đề Văn 8: Thuyết Minh Về Tà áo Dài Việt Nam