Đảng Cộng Sản Việt Nam Ra đời – Tất Yếu Lịch Sử, Bước Ngoặt Quan ...

Trải qua thực tiễn đấu tranh kiên cường, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào mùa xuân năm 1930, được toàn thể dân tộc Việt Nam giao cho trọng trách là Đảng cầm quyền, chèo lái con thuyền cách mạng của dân tộc. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam được lịch sử giao cho sứ mệnh nắm quyền lãnh đạo duy nhất đối với cách mạng Việt Nam, vì thế, Đảng Cộng sản Việt Nam được Nhân dân suy tôn là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của toàn thể dân tộc Việt Nam. Thực tiễn 86 năm kể từ ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/02/1930 – 03/02/2016) cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và nắm quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam là một tất yếu lịch sử khách quan.

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930. Ảnh chụp lại tranh của họa sĩPhi Hoanh (Ảnh: Bảo tàng\u200b\u200b\u200b\u200b Lịch sử Quốc gia)

Theo dòng lịch sử Việt Nam những năm giữa thế kỷ XIX cho thấy, trước khi thực dân Pháp xâm lược, nước ta là một nước phong kiến, nông nghiệp lạc hậu, trì trệ. Triều đình nhà Nguyễn thực hiện một chính sách đối nội, đối ngoại vô cùng bảo thủ và phản động: bên trong trong đàn áp, bóc lột Nhân dân, bên ngoài thì bế quan tỏa cảng từ chối mọi cải cách. Điều đó làm cho đất nước ta không có cơ hội tiếp xúc, bắt nhịp với sự phát triển của thế giới, cũng không phát huy được nội lực.

Ngày 01/9/1958, thực dân Pháp chính thức nổ súng xâm lược và từng bước thôn tính Việt Nam. Trước tình hình đó, triều đình nhà Nguyễn chống cự yếu ớt, từng bước thỏa hiệp và đi đến đầu hàng hoàn toàn. Vào năm 1884, sau khi Điều ước Pa tơ nốt được ký kết, Việt Nam trở thành "một xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc nô, Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác" (Hồ Chí Minh toàn tập). Từ năm 1858 đến cuối thế kỷ XIX, phong trào cứu nước diễn ra mạnh mẽ, tiêu biểu như: Phong trào Cần Vương (1885-1896) mà đỉnh cao là khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo, phong trào nông dân chống Pháp, tiêu biểu là khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913) do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo. Tuy nhiên, tất cả lần lượt đều thất bại, điều đó cho thấy sự bất lực của hệ tư tưởng phong kiến trước nhiệm vụ lịch sử.

Sang thế kỷ XX, thực dân Pháp tạm thời bình định được nước ta, và bắt đầu tiến hành các cuộc khai thác thuộc địa. Xã hội Việt Nam có sự phân hóa. Trên trên vũ đài chính trị xuất hiện một số trào lưu yêu nước và một số đảng phái chính trị đều với mong muốn gánh vác sứ mệnh lịch sử cứu vớt dân tộc Việt Nam thoát khỏi xiềng xích nô lệ (phong trào Đông Du, Đông kinh nghĩa thục, Duy Tân…) mà đại diện tiêu biểu nhất là hai chí sĩ yêu nước với hai khuynh hướng cứu nước khác nhau là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Tuy nhiên, các phong trào cứu nước từ lập trường Cần Vương đến lập trường tư sản, tiểu tư sản, qua khảo nghiệm lịch sử đều lần lượt thất bại, đều bị chính thực tế lịch sử Việt Nam chối bỏ vì chúng hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu phát triển của dân tộc. Cách mạng Việt Nam thật sự lâm vào tình trạng khủng hoảng về đường lối. Sứ mệnh lịch sử đặt ra cho cả dân tộc, cho mỗi người dân yêu nước phải tìm cho ra con đường mới để cứu nước, cứu dân.

Sinh ra trong một gia đình tri thức yêu nước, lớn lên từ một miền quê có truyền thống đấu tranh quật khởi, Nguyễn Ái Quốc từ rất sớm đã có "chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào". Với khát vọng giải phóng dân tộc, cùng với thiên tài trí tuệ, nhãn quan chính trị sắc bén và được kế thừa các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam. Mặc dù Người rất khâm phục tinh thần yêu nước của các bậc tiền bối như Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… nhưng không tán thành con đường cứu nước của các cụ. Xuất phát từ lòng yêu nước và trên cơ sở rút kinh nghiệm thất bại của các thế hệ cách mạng tiền bối, ngày 5/6/1911, với tên gọi Nguyễn Tất Thành, Người đã quyết tâm ra đi tìm con đường cứu nước.

Bác Hồ phát biểu tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp lần thứ XVIII họp ở Thành phố Tuostháng 12/1920 (Nguồn: bqllang.gov.vn)

Sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong tư tưởng và lập trường chính trị của Nguyễn Ái Quốc trên cuộc hành trình tìm kiếm con đường cứu nước mới cho dân tộc diễn ra vào tháng 7/1920, khi Người đã đọc được Bản sơ thảo lần thứ nhất Đề cương các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, và tìm thấy trong đó con đường đúng đắn để giành độc lập thật sự. Đó là con đường cách mạng vô sản. Chỉ có thể giải phóng dân tộc, giành độc lập thật sự khi gắn liền sự nghiệp đó với cách mạng vô sản. Từ đó, trào lưu cách mạng theocon đường vô sảncủa chủ nghĩa Mác - Lênin do Nguyễn Ái Quốc tiếp thu và được đưa vào phong trào "vô sản hóa" ở Việt Nam là đứng vững trong các trào lưu có tính chất cách mạng những năm 20 của thế kỷ XX. Vào thời điểm đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với tầm nhìn chiến lược và nhạy bén chính trị đã tiến hành tổ chức vận động thành lập Đảng ở Đông Dương. Người đã biên soạn nhiều tài liệu, giáo trình tập huấn, tuyên truyền trong phong trào công nhân. Khi những điều kiện cần thiết đã chín muồi, Nguyễn Ái Quốc cùng các chiến sĩ cộng sản đã quyết định thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa xuân năm 1930. Sứ mệnh lịch sử đó là tất yếu, không ai, không một lực lượng nào có thể thay thế. Nó phù hợp với quy luật khách quan của lịch sử đó là sự kết hợp giữa chủ nghĩa xã hội khoa học với phong trào công nhân. hệ thống lý luận cách mạng khoa học do C. Mác; Ăngghen xây dựng được tổng kết khái quát từ phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân ở các nước chống lại giai cấp tư sản, được Lênin phát triển qua thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và được Nguyễn Ái Quốc Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo, linh hoạt vào cách mạng Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự sáng tạo, độc đáo của Hồ Chí Minh về vận dụng học thuyết Mác – Lê nin về Đảng Cộng sản. Chủ nghĩa Mác – Lênin về Đảng Cộng sản đã chỉ ra quy luật ra đời, tồn tại, phát triển của Đảng là chủ nghĩa xã hội khoa học kết hợp với phong trào công nhân. Đối với nước ta lúc bấy giờ là một nước thuộc địa nửa phong kiến, kinh tế nông nghiệp lạc hậu, giai cấp công nhân còn nhỏ bé, phong trào công nhân phát triển, phong trào yêu nước mạnh mẽ. Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh nhận thấy: Để thành lập Đảng phải làm cho phong trào công nhân và phong trào yêu nước chuyển biến về chất và phải được chủ nghĩa Mác – Lênin soi sáng, các yếu tố đó phải được kết hợp với nhau. Người đã tích cực thực hiện và thực hiện thành công điều đó, dẫn tới sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 03/02/1930. Như vậy, sự ra đời của Đảng là đòi hỏi khách quan của thực tế lịch sử lúc bấy giờ, không phải tự nhiên mà có, cũng không phải muốn là được. Đảng ra đời đáp ứng được khát vọng lớn lao của toàn thể cần lao, xóa tan màn đêm đen tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi trong cuộc cách mạng phản đế, phản phong.

Trong quá trình vận động cách mạng, với tôn chỉ mục đích rõ ràng "trước làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản", Đảng Cộng sản Việt Nam nhanh chóng giành được vị thế lãnh đạo và được sự ủng hộ rộng rãi của quảng đại quần chúng Nhân dân lao động, một lòng, một dạ đoàn kết xung quanh Đảng, quyết tâm ủng hộ Đảng lãnh đạo đất nước đi đến thắng lợi cuối cùng. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã giải quyết những vấn đề cơ bản của cách mạng: về mục tiêu chiến lược lâu dài và mục tiêu cụ thể; về tổ chức và xây dựng lực lượng cách mạng; về hình thức và phương pháp đấu tranh, sách lược cách mạng; về đoàn kết mọi lực lượng của toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế; về xây dựng Đảng - đội tiền phong lãnh đạo cách mạng. Cương lĩnh của Đảng không ngừng được bổ sung, phát triển và cụ thể hóa trong đường lối, chính sách và những chủ trương lớn ở các thời kỳ cách mạng.

Dù có những nhận thức và quan điểm khác về đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc trong Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc vẫn kiên trì nêu cao đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã làm sáng tỏ quan điểm đó của Người. Hội nghị Trung ương Đảng (11/1939) do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì đã chủ trương nêu cao ngọn cờ dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc. Trung ương cho rằng, bước đường sinh tồn của dân tộc "không có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập". "Đứng trên lập trường giải phóng dân tộc, lấy quyền lợi dân tộc làm tối cao, tất cả mọi vấn đề của cuộc cách mệnh, cả vấn đề điền địa cũng phải nhằm vào cái mục đích ấy mà giải quyết".

Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài. Tại Cao Bằng, tháng 5/1941, Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8, phát triển hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa đấu tranh dân tộc với đấu tranh giai cấp, chống đế quốc và chống phong kiến, lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp. Trung ương nhấn mạnh: "Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới quyền lợi giải phóng của toàn thể dân tộc. Vậy thì quyền lợi của nông dân và thợ thuyền phải đặt dưới quyền lợi giải phóng độc lập của toàn thể Nhân dân".

Đường lối đúng đắn của Đảng được các giai cấp, tầng lớp hưởng ứng và ủng hộ, phát triển mạnh mẽ khối đại đoàn kết toàn dân trong Mặt trận Việt Minh, thúc đẩy cao trào giải phóng dân tộc dẫn tới thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại năm 1945. Cách mạng Tháng Tám đã xóa bỏ chế độ thực dân gần một thế kỷ, chấm dứt chế độ phong kiến hàng nghìn năm, giành được chính về tay Nhân dân; thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cho dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh. "Do sự lãnh đạo sáng suốt và kiên quyết của Đảng, do sức đoàn kết và hăng hái của toàn dân trong và ngoài Mặt trận Việt Minh, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã thắng lợi". "Chẳng những giai cấp lao động và Nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảngmới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc".

Sau khi giành được chính quyền, khác với các đảng chính trị khác trên thế giới, khi lãnh đạo Nhân dân giành được chính quyền thì tự mình hưởng thành quả cách mạng, Đảng ta không làm như vậy mà chủ trương "dựng ra chính phủ công - nông - binh" và "mọi quyền lợi đều trao cho Nhân dân". Đúng như lời cam kết mà Hồ Chí Minh đã chỉ ra ngay từ khi vận động thành lập Đảng: "Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh thì nên làm đến nơi, nghĩa là làm sao cách mạng rồi thì quyền lợi giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một số ít người".

Như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tồn tại và phát triển là do chính đòi hỏi của lịch sử, cần có một tổ chức chính trị Đảng Cộng sản lãnh đạo để đánh đổ thực dân phong kiến, xây dựng một xã hội mới chứ không phải Đảng áp đặt hay đòi hỏi cho mình mà được.

Sau cách mạng Tháng Tám 1945, đất nước vẫn còn thù trong giặc ngoài, hoàn cảnh vô cùng phức tạp. Với tầm nhìn chiến lược và hiểu biết thực tiễn cách mạng thế giới sâu sắc, chỉ sau một ngày đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh đã triệu tập phiên họp đầu tiên Chính phủ lâm thời, bàn những vấn đề cấp bách, đồng thời chủ trương "Chúng ta phải tiến hành Tổng tuyển cử Quốc hội và phải có một Hiến pháp dân chủ". Trước muôn vàn khó khăn của chính quyền còn non trẻ, Đảng ta và Hồ Chí Minh đã kiên quyết lãnh đạo tổ chức cuộc Tổng Tuyển cử ngày 6/1/1946 để nhân dân tự lựa chọn, bầu những đại biểu chân chính của mình vào Quốc hội, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 2/3/1946 Quốc hội họp kỳ thứ nhất bầu Hồ Chí Minh giữ chức Chủ tịch Chính phủ và trao quyền cho Người lập Chính phủ chính thức - Chính phủ Liên hiệp kháng chiến.

Tranh cổ động kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Như vậy, mặc dù Đảng giành được chính quyền qua quá trình lãnh đạo cách mạng, nhưng Đảng được trao quyền lãnh đạo đất nước lại thông qua con đường luật pháp, bầu cử dân chủ mà ra..Chỉ sau khi Quốc hội được bầu bằng cuộc Tổng tuyển cử và Quốc hội thông qua Hiến pháp thì quyền lực nhà nước của Nhân dân ta mới được xác lập về mặt pháp lý. Đảng có trách nhiệm trọng đại lãnh đạo toàn dân tộc tiếp tục con đường cách mạng giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới. Quyền lực của Đảng là do nhân dân và cả dân tộc Việt Nam tin tưởng giao cho chứ Đảng không đòi hỏi bắt buộc phải có sứ mệnh lịch sử đó.

Chủ nghĩa đế quốc, thực dân không cam chịu thất bại ở Việt Nam, một quốc gia nhỏ yếu. Vì vậy, với lợi ích thực dân và được sự ủng hộ của các đế quốc khác, thực dân Pháp đã quay lại xâm lược Việt Nam từ ngày 23/9/1945. Sau thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ (7/5/1954), đế quốc Mỹ tìm cách thế chân Pháp bằng cách thiết lập chế độ thực dân mới ở miền Nam Việt Nam và phát động cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo chống dân tộc Việt Nam khát khao độc lập, tự do và yêu chuộng hòa bình. Vì niềm tin của dân tộc, của nhân dân, Đảng đã hy sinh cho lợi ích của giai cấp, của dân tộc và của nhân dân Việt Nam, làm chọn vẹn sứ mạng cao cả mà nhân dân giao cho. Đảng Cộng sản Việt Nam trước vận mệnh sống còn của dân tộc đã quyết tâm lãnh đạo toàn dân tiến hành các cuộc kháng chiến oanh liệt giành và bảo vệ độc lập, thống nhất của dân tộc. Sự nghiệp đó được hoàn thành với Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, ghi vào lịch sử dân tộc như như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người Việt, dân tộc Việt.

Toàn cảnh Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII

Kiên định mục tiêu chiến lược của cách mạng, khi miền Bắc được giải phóng (1954), Đảng đã lãnh đạo thực hiện cách mạng XHCN và xây dựng CNXH ở miền Bắc. Đất nước thống nhất (1975), Đảng lãnh đạo xây dựng CNXH trên cả nước. Sự nghiệp cách mạng XHCN và xây dựng CNXH là hoàn toàn mới mẻ, chưa từng có ở Việt Nam. Thực hiện nhiệm vụ nặng nề đó, chúng ta đã giành được những thành tựu quan trọng, song cũng bộc lộ những hạn chế, yếu kém, thậm chí sai lầm, khuyết điểm. Thực tế đó đòi hỏi Đảng phải chú trọng nắm bắt đặc điểm thực tiễn của đất nước, đổi mới tư duy lý luận, khắc phục bệnh giáo điều, chủ quan duy ý chí, để nhận thức và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan, những đặc trưng của thời kỳ quá độ lên CNXH. Đường lối đổi mới của Đại hội VI (12/1986) đã được hoạch định trên cơ sở đó. Thực tiễn đổi mới và sự phát triển nhận thức lý luận có ý nghĩa quan trọng để Đảng đề raCương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hộitại Đại hội VII (6/1991) và bổ sung, phát triển Cương lĩnh tại Đại hội XI của Đảng (1/2011).

Sau 30 năm đổi mới, đất nước ta đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, từ một nước nghèo đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình. Thành quả đó tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để đất nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới; đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cấp bách là phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ hơn. Đảng ta đã bước sang tuổi 86, được đánh dấu bằng sự kiện trọng đại là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã thành công tốt đẹp với việc lựa chọn ra được bộ máy lãnh đạo mới và thông qua Nghị quyết Đại hội. Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống chính trị nước ta. Cán bộ, đảng viên, Nhân dân cả nước kỳ vọng nghị quyết của đại hội sẽ sớm đi vào cuộc sống. Trước yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề của thời kỳ phát triển mới, với những dư âm tốt đẹp và niềm tin trọn vẹn trong lòng cán bộ, đảng viên và Nhân dân, Đảng ta luôn kiên trì thực hiện đường lối đổi mới, kiên định và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. "Mùa Xuân Bính Thân đang về, mang theo những điều tốt lành. Chúng ta đang chuẩn bị kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Đảng quang vinh. Với quyết tâm mới, khí thế mới, sức sống mới, với niềm tin tưởng sâu sắc vào sức mạnh, ý chí của toàn Đảng, toàn dân tộc, vào tương lai tươi sáng của đất nước" (trích trong bài phát biểu bế mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng)./.

BÌNH NGUYÊN

(Bài viết có tham khảo tư liệu lịch sử trong giáo trình Đảng Cộng sản Việt Nam và Lịch sử Đảng CS Việt Nam)

Từ khóa » đảng Cộng Sản Việt Nam Ra đời 3/2/1930 Là Kết Quả Tất Yếu Của