Dâng Sao, Giải Hạn đầu Năm: Làm Thế Nào đúng? - VnExpress

Theo lịch Ấn Độ, cửu diệu gồm: Nhật diệu (Thái dương), Nguyệt diệu (Thái âm), Hỏa diệu (Hỏa tinh, Vân hán), Thủy diệu (Thần tinh), Mộc diệu (Tuế tinh, Mộc đức), Kim diệu (Thái bạch), Thổ diệu (Thổ tinh, Thổ tú, Trấn tinh). Bảy vị này gọi là Thất diệu. Hai vị còn lại là La hầu (Hoàng phan, Thực thần-sao chổi) và Kế đô (Tuệ tinh, Báo vỹ tinh-cái đuôi sao chổi).

Cửu diệu (9 ngôi sao) được hiểu là chín thiên thể chiếu sáng, liên quan mật thiết với lịch pháp, thiên văn, tính chất của các loại vật chất trong vũ trụ. Ảnh: Gia Chính.

"Cửu diệu" (9 ngôi sao) được hiểu là chín thiên thể chiếu sáng, liên quan mật thiết với lịch pháp, thiên văn, tính chất của các loại vật chất trong vũ trụ. Ảnh: Gia Chính.

Cửu diệu được phối hợp với các phương vị (để xem thiên văn và tính lịch) như sau: Thái dương ở phạm vi các cung Sửu-Dần, Thái âm ở Tuất- Hợi, Vân hán ở phương Nam (Bính-Ngọ), Thủy diệu ở phương Bắc (Nhâm-Tý), Mộc đức ở phương Đông (Giáp-Mão), Thái bạch ở phương Tây (Canh-Dậu), Thổ tú ở trung cung (giữa), La hầu ở Đông Nam (Thìn-Tỵ), Kế đô ở Tây Nam (Mùi-Thân).

Tuy tên gọi khác nhau nhưng cửu diệu đều được hiểu thống nhất là chín thiên thể chiếu sáng, liên quan mật thiết với lịch pháp, thiên văn, tính chất của các loại vật chất trong vũ trụ.

Theo phong tục, hàng năm người ta phối hợp cửu diệu tương ứng với tuổi của con người theo hai nhóm nam-nữ để dự đoán lành dữ, tốt xấu... Những nội dung này được ghi chép trong kinh Ma đăng già (quyển thượng), Quảng đại nghi quỹ (quyển trung), Đại nhật kinh sớ (quyển 4), Thất diệu nhương tai quyết, Thông thư, Ngọc hạp ký.

Cần nói thêm rằng, thuyết Nhị thập bát tú (28 sao) đã xuất hiện rất sớm ở Ấn Độ, được ghi trong kinh Phật như Ma đăng già (quyển thượng), kinh Đại tập (quyển 41), kinh Tú diệu (nói trên), được dùng để tính ngày tháng năm (lịch) hoặc phối hợp với giờ sinh để dự đoán lành dữ, họa phúc của mỗi người.

Thuyết Nhị thập bát tú của Trung Quốc cũng tương tự, ban đầu dùng để tính toán lịch pháp, phối hợp xem thiên văn; sau thêm nhiều yếu tố khác làm cơ sở để dự đoán số mệnh trong Tử vi.

Có thể thấy rằng, cửu diệu (và Nhị thập bát tú) là những yếu tố vận dụng trong lịch pháp và thiên văn, có quan hệ trực tiếp đến đời sống con người như đất, nước, gió, lửa, cây xanh, thời tiết, khí hậu... Vì vậy việc con người thần thánh hóa các nhân tố tự nhiên, dẫn đến các hoạt động cầu đảo, cúng vái... là dễ hiểu.

Phương pháp cúng sao

Trong Thông thư và Ngọc hạp ký (bản in khắc ván thời Nguyễn) có bổ sung hướng dẫn cách dâng sao giải hạn. Các sao xấu cần hóa giải gồm Thái bạch, Thổ tú, Hỏa tinh (Vân hán), La hầu, Kế đô.

Thái bạch: Ngũ hành thuộc kim, chủ về tai ách bệnh tật, nam nữ đều xấu, nhất là đối với nữ giới. Nhưng riêng quý nhân (người có danh vọng, chức vụ) gặp năm hạn Thái bạch lại là điềm tốt, có thể tăng thêm nhân khẩu, gặp cơ hội thăng tiến. Những năm sao Thái bạch chiếu mệnh đại kị hôn nhân.

Thổ tú: Ngũ hành thuộc thổ, xấu về mọi phương diện. Thổ tú chiếu mệnh thường gây ưu phiền, tinh thần hoảng hốt, mất ngủ, gặp ác mộng; chăn nuôi, kinh doanh không hưng vượng; bị tiểu nhân ám hại, dèm pha.

Hỏa tinh: Ngũ hành thuộc hỏa, chủ về tật bệnh, nạn đổ máu, làm ăn khó khăn; phụ nữ thai sản bất lợi. Hỏa tinh chiếu mệnh không nên lập doanh nghiệp, đầu tư, mở rộng sản xuất... nên "thủ cựu bình an".

La hầu: Chủ về khẩu thiệt, kiện tụng. Nam giới gặp khó về công danh, chức vụ, học tập; nữ giới đề phòng chuyện tình cảm, cẩn thận nạn đổ máu, nạn thai sản...

Kế đô: Chủ về tai nạn bất ngờ, người âm ám thị, thuộc loại hung tinh, nam nữ đều kị.

Muốn biết trong năm sao nào chiếu mệnh, trước hết tính tuổi theo âm lịch (tuổi ta). Nếu số tuổi lớn hơn số chín thì cộng các chữ số tuổi cho đến khi được số có một chữ số, sau đó tra số sao tương ứng.

Ví dụ: Người sinh năm 1971, năm 2022 là 52 tuổi, lấy 5 + 2 = 7, tra số 7 để biết sao chiếu mệnh tương ứng, nam là sao Kế đô, nữ là sao Thái dương (xem bảng).

Nam

La hầu

Thổ tú

Thủy diệu

Thái bạch

Thái dương

Hỏa tinh

Kế đô

Thái âm

Mộc đức

Số sao

1

2

3

4

5

6

7

8

9

Nữ

Kế đô

Hỏa tinh

Mộc đức

Thái âm

Thổ tú

La hầu

Thái dương

Thái bạch

Thủy diệu

Việc dâng sao giải hạn nên tự làm, vào ngày sao giáng trần (giáng hạ) hàng tháng. Người làm lễ tắm gội sạch sẽ, trang phục ngay ngắn, thành tâm thủ tín, chuẩn bị hương án (hoặc mâm), mua sắm lễ vật để tiến hành nghi lễ theo hướng dẫn, cụ thể như sau:

Dùng giấy màu cắt thành bài vị (hình chữ nhật, theo chiều dọc), trên bài vị ghi rõ tên sao hạn. Thắp nến và bày lễ vật như trầu nước, rượu, phẩm quả. Bày hương án, bài vị ở hướng sao giáng trần, đốt hương, quay về hướng sao giáng trần khấn Nôm (nêu rõ họ tên, tuổi, địa chỉ, ngày giờ, lễ vật; thành tâm kiểm điểm những điều sai quá của bản thân, hứa khắc phục; cầu mong được bình an, thuận lợi).

Ngày sao giáng trần hàng tháng (ngày âm lịch), cắm nến, viết tên sao (tiếng Việt), hướng bày hương án cúng sao giải hạn như sau:

Thái bạch: Giáng trần vào ngày 15. Dùng giấy màu trắng làm bài vị, trên bài vị ghi: Tây phương canh tân kim đức tinh quân. Thắp 8 ngọn nến. Bày hương án quay về hướng tây làm lễ tế.

Thổ tú: Giáng trần ngày 19. Dùng giấy màu vàng làm bài vị, trên bài vị ghi: Trung ương mậu kỷ thổ tú tinh quân. Thắp 5 ngọn nến. Bày hương án quay về hướng tây làm lễ tế.

Hỏa tinh: Giáng trần ngày 29. Dùng giấy màu đỏ làm bài vị, trên bài vị ghi: Nam phương bính đinh hỏa đức tinh quân. Thắp 15 ngọn nến. Bày hương án quay về hướng nam làm lễ tế.

La hầu: Giáng trần ngày 8. Dùng giấy màu vàng làm bài vị, trên bài vị ghi: Thiên cung thần thủ La hầu tinh quân. Thắp 9 ngọn nến. Bày hương án quay về hướng bắc làm lễ tế.

Kế đô: Giáng trần ngày 18. Dùng giấy màu vàng làm bài vị, trên bài vị ghi: Thiên phú phân tư Kế đô tinh quân. Thắp 21 ngọn nến. Bày hương án quay về hướng tây làm lễ tế.

Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải

  • Hiểu đúng tập quán đón giao thừa và mừng năm mới
  • Các nghi thức cúng đêm Giao thừa 2022
  • Xông đất, xuất hành đầu năm thế nào mới đúng?
  • Nghi thức cúng ông Công ông Táo
  • Những điều cần lưu ý khi đi lễ đầu năm

Từ khóa » Các Loại Sao Giải Hạn