Đằng Sau Bi Kịch Bản án Chung Thân Của Bà Trần Thúy Liễu

Kết cục bà Trần Thúy Liễu (41 tuổi) – người được dư luận biết đến là vợ và cũng chính là hung thủ sát hại nhà báo Hoàng Hùng (phóng viên báo Người Lao Động TP.HCM) - cuối cùng đã phải nhận mức án chung thân về hành vi “giết người”. Cuối cùng thì dư luận cũng đã tán dương HĐXX TAND tỉnh Long An về mức án, khi lời tuyên án vừa được chủ tọa HĐXX là Nguyễn Hòa Bình đọc vang lên, thế nhưng đến nay họ vẫn ngờ vực và không thôi đặt dấu hỏi về vai trò có liên quan đến vụ án của ông Nguyễn Văn Tâm – là nhân tình của bà Liễu.

Theo dõi từ đầu đến nay, phóng viên chuyên đề Hôn Nhân & Pháp Luật đã có dịp tiếp xúc với nhiều người và được nghe về những bi kịch sâu thẳm nhất trong cuộc sống hôn nhân đau đớn và không kém phần xui rủi của nhà báo Hoàng Hùng với bà Trần Thúy Liễu – một cuộc hôn nhân đã dẫn đến kết cục tội ác.

Phút tuyên án vụ sát hại nhà báo Hoàng Hùng và phiên tòa ngập nước mắt

Thế là thời khắc mà người dân tỉnh Long An nói riêng và dư luận nói chung mong chờ cũng đã đến, đó là giây phút bà Trần Thúy Liễu phải trả giá cho tội ác giết chồng. Cuối phiên xử của ngày 29/3 đó, vị thẩm phán Nguyễn Hòa Bình – đại diện cho HĐXX thuộc TAND tỉnh Long An – đã phán quyết bà Liễu phạm tội giết người và cái giá phải trả là mức án chung thân. Nghe đến đây nhiều người bên dưới dự khán phiên tòa, dù là có chỗ ngồi bên trong để nghe tường tận tội ác của bà Liễu hay đứng ngồi lộn xộn phía bên ngoài để được nhìn thấy người đàn bà đáng lên án này, họ đã vỗ tay khi cái ác bị trả giá.

Bị cáo Trần Thúy Liễu.

Dự phiên tòa hôm 29/3, bà Liễu luôn ngập tràn trong nước mắt. Đó là những giọt nước mắt ăn năn vì tội ác, vì có lỗi với chính người chồng quá cố của mình, vì ân hận khi đối diện với 2 đứa con thơ. Đặc biệt nữa là có lỗi với đại gia đình của bà và của cả Hoàng Hùng. Bà Liễu đã bật khóc nức nở ngay khi vừa bước xuống xe bít bùng áp giải bà từ trại giam đến phiên tòa. Suốt phiên xét xử bà cũng nhiều lần khóc ngất, lả người đi trong những tiếng nấc nghẹn ngào, mỗi khi vị thẩm phán phiên tòa hay các luật sư của các bên mô tả về hành vi tội ác của bà đối với nhà báo Hoàng Hùng trong thời điểm rạng sáng định mệnh – rạng sáng 19/1/2011.

Đến khi rời khỏi pháp đình trong giờ nghỉ trưa và đặc biệt hơn cả là lúc nhận mức án chung thân, bà Liễu đã lả người, không còn đứng vững được nữa. Luôn túc trực bên cạnh bị cáo Trần Thúy Liễu trong suốt ngày xét xử 29/3 là 5 cán bộ cảnh sát hỗ trợ tư pháp gồm 3 nữ và 2 nam để xoa dịu những tiếng khóc nấc, giúp bà ổn định tinh thần, sức khỏe đảm bảo cho phiên xử được diễn ra.

Được nói lên những lời hiếm hoi trong phiên xử, bị cáo Trần Thúy Liễu cứ vừa nói vừa khóc, thi thoảng bà mới giữ được bình tĩnh để tự bao biện về hành vi phạm tội của mình. Thế nhưng rốt cuộc bà cũng chỉ nói được những lời đại loại như “bị cáo không giết chồng, chỉ vì anh Hùng hay ghen tuông, đánh đập bị cáo nên bị cáo chỉ đốt với ý định hăm dọa anh ấy, nhưng không ngờ… kết cục lại đau đớn đến như thế” hay “bị cáo rất ăn năn hối hận”.

Điều kỳ lạ và ai cũng cảm phục chính là người mẹ của nhà báo Hoàng Hùng, bà Tám Nga, dù đã trải qua bao nhiêu nỗi đau đớn tột cùng bởi mất đi đứa con thành đạt nhất trong đại gia đình của mình thế nhưng trước tòa và kể cả những lần tiếp xúc với báo chí trước đây, bà vẫn luôn gọi Trần Thúy Liễu với cái cụm từ không thay đổi. Một tiếng bà gọi là “con dâu tui” và hai tiếng vẫn gọi là “con dâu của già”. Bà Tám Nga từng nói với phóng viên chuyên đề Hôn Nhân & Pháp Luật rằng, bà đau đớn khi đứa con trai của bà gặp nạn và chết trong sự đau đớn; nhưng bà cũng đau tột cùng hơn khi hay tin đứa con dâu của bà ra đầu thú, khai báo tội ác đã sát hại đứa con trai bà.

Bà Tám Nga (mẹ của cố nhà báo Hoàng Hùng).

Cuộc sống từ trước đến giờ, người đàn bà dân quê nay đầu chỉ có mỗi một màu tóc bạc trắng, không có gì đau đớn hơn. Dù cho đến nay đứa con dâu đã phải trả giá thế nhưng bà đinh ninh rằng vẫn còn có đồng phạm giúp sức cho Thúy Liễu trong khi thực hiện hành vi giết chồng, hoặc ít nhất là có người xúi giục chỉ vẽ cho con dâu của bà. Bà Tám Nga từng tâm sự và nói rõ trước phiên tòa ngày 29/3 rằng “tui không tin con dâu tui lại một mình nó gây ra tội ác tày trời như thế. Trong suy nghĩ của bà già dân quê, ít học này là nếu con dâu tui có đồng phạm hay ai xúi nó thì nó nên khai ra đi”.

Có lúc không kiềm chế được cảm xúc, bà Tám Nga đã nói lớn, vang vọng trong pháp đình: “Con ơi! Nếu có ai xúi con thì con hãy ra đi. Con khai ra thì người đó cùng chịu tội và chia sẻ với con”. Thế nhưng cái điều mà bà mong mỏi nhất – con dâu của bà không khai ra đồng phạm hoặc cũng có thể không có để mà khai – thì bà thoáng có gương mặt buồn bã, khi người viết có hỏi thì bà nói rằng “việc kháng cáo thì có lẽ để con cháu nó bàn lại đã”.

Có ai chứng kiến giờ phút tuyên án đó thì có lẽ mới thấy dù người phạm vào tội ác như thế nào cũng không thể quên cái tình mẫu tử. Được nói lời cuối cùng trước khi HĐXX vào nghị án, bị cáo Trần Thúy Liễu đã trình bày trong nước mắt: “Thưa má, trước tiên con xin lỗi má và các em. Phận con làm dâu mà con không thể làm trọn đạo nghĩa, lại gây ra cái tội lỗi tày trời. Cũng do là vợ chồng con mâu thuẫn với nhau nên xảy ra bạo lực gia đình, con đã suy nghĩ bồng bột và phạm tội rồi má ơi!. Nhưng xin má hiểu cho con, trong thâm tâm con thì con không bao giờ có ý nghĩ hủy diệt anh Hùng. Xin má tha lỗi cho con”. Lại ngoái nhìn về phía 2 đứa con gái, nước mắt của bà Liễu rơi lã chã: “Hồng Nhung, Hồng Châu của mẹ. Mong 2 con hiểu được nỗi khổ tâm của mẹ mà tha thứ cho mẹ”.

Đoạn cuối của lời nói sau cùng đó, bà Liễu cũng như những kẻ phạm tội ra trước vành móng ngựa, cũng chỉ là những lời xin giảm nhẹ hình phạt. Người đàn bà phạm tội ác giết chồng đó đã nói vang “bị cáo rất ăn năn, hối hận. Trong thâm tâm bị cáo không muốn giết anh Hùng, chỉ muốn hăm dọa anh ấy… bị cáo mong HĐXX tạo điều kiện cho bị cáo có cơ hội trở về đoàn tụ với gia đình, với 2 con, nuôi nấng 2 con nên người”.

Và khi ngã gục trong sức tàn bởi mức án chung thân vừa tuyên, bà Liễu vẫn còn chút sức lực gắng gượng quay lại phía sau, nơi hàng ghế đầu có 2 đứa con gái Lê Hồng Nhung và Lê Hồng Châu, ở đó có cả bà Tám Nga, mẹ của Hoàng Hùng đang ngồi đó với ánh mắt già nua, cằn cỗi. Phút giây cuối cùng của cuộc hội ngộ ở pháp đình ấy ngập tràn nước mắt cho cuộc chia li thế nhưng nhiều người vẫn nghe bà Liễu thốt lên những tiếng gọi đau đớn “Con ơi! Má ơi!”.

Bi kịch từ mối tình 3 năm bất chính ngoài vợ ngoài chồng

Đến nay dù bà Liễu vẫn trước sau như một như lời nói của bà trong phút hiếm hoi giữ được bình tĩnh tại tòa, đó là “tại bị cáo bị anh Hùng ghen tuông, nhiều lần đánh đập vô cớ nên bị cáo đã ra tay đốt để hăm dọa anh ấy… Bị cáo nói một là một, hai là hai, không có ai xui bị cáo trước lúc gây án hết”. Thế nhưng mấy người tham dự phiên tòa, đặc biệt là những người bạn, những người hàng xóm của bà Liễu và cố nhà báo Hoàng Hùng không tin đó là sự thật, bởi họ đã từng biết, từng nghe và có người đã từng chứng kiến bi kịch trong đời sống vợ chồng riêng tư của cặp vợ chồng này.

Dù không muốn nhắc lại nỗi đau lòng của người quá cố nhưng nhiều người đã bức xúc về những lời khai báo mà theo họ là không trung thực của bà Liễu. Bởi ai biết Hoàng Hùng thì cũng thừa biết tính anh hiền dịu như thế nào, và ngược lại biết được sự cộc cằn của bà Liễu trong sinh hoạt hàng ngày với chồng. Có những đêm, những người bạn của anh lại nghe anh điện thoại than vãn là không thể ở nhà bởi vì vợ đang... điên tiết, rồi cũng chính những người anh em trong gia đình Hoàng Hùng hay cả bà Tám Nga từng tâm sự với người viết rằng, có đôi lúc Hoàng Hùng ghé về thăm nhà (ở ấp 4, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) có biếu má 50 hay 100 ngàn đồng cũng có vẻ giấu giấu giếm giếm, có lẽ sợ Liễu biết được việc này.

Suốt diễn biến phiên tòa, ai cũng chú ý đến một người đàn ông luống tuổi, ngồi đăm chiêu và khá căng thẳng, bởi lẽ ông là Nguyễn Văn Tâm – người trong suốt hơn 1 năm qua quá “nổi tiếng”, được biết đến với tư cách là nhân tình của bà Liễu. Ông Tâm cũng như bà Liễu khi bị chất vấn về mối quan hệ thì cũng thừa nhận rằng đã có sự bất chính, ngoài vợ ngoài chồng, đó là sự thật mà ai cũng biết đến. Bà Liễu khai “do bị cáo và anh Tâm có làm ăn chung với nhau nên có phát sinh tình cảm từ đầu năm 2008 cho đến lúc bị cáo thực hiện hành vi phạm tội với chồng”. Ông Tâm cũng thừa nhận điều này, nhưng cho đến nay nhiều người và dư luận cũng khó hiểu là những lời khai sai lệch của 2 người có liên quan, lúc thì bắt đầu quan hệ bất chính từ năm 2005, lúc thì khai là đầu năm 2008.

Ông Nguyễn Văn Tâm, nhân tình của bà Liễu.

Những câu hỏi của HĐXX đôi lúc đã làm bà Liễu không thể hồi đáp thành lời được, bởi lẽ đó là sự thật quá phũ phàng, quá đau đớn. Có nhiều lúc bị cáo Trần Thúy Liễu mạnh dạn nói thẳng “vì anh Hùng nghi ngờ bị cáo có mối quan hệ tình cảm với người đàn ông khác, nên hay đánh đập bị cáo”. Thế nhưng HĐXX lại hỏi “và bị cáo quan hệ bất chính với ông Tâm là có thật! Và anh Hùng ghen với anh Tâm là có cơ sở, phải không?, bà Liễu chỉ biết im lặng và khóc. Một thực tế tế nhị nhưng phũ phàng đau đớn mà Liễu khai báo trước tòa đó là “anh Hùng bị bệnh”. Bà Tám Nga cũng từng nói thẳng với người viết như thế, và ai cũng mường tượng và cũng suy đoán được căn bệnh mà Hùng đang mang phải, bệnh “gút” nó đã có ảnh hưởng đến cuộc hôn nhân, hạnh phúc gia đình ghê gớm đến mức nào.

Chính vì thế mà bà Liễu đã phải tìm đến nhân tình, để có thể đáp ứng được cho bà những phút giây ái ân, dù là hiếm hoi, dù là lén lút nhưng với người đàn bà ấy lại là hạnh phúc. Nhưng mà hạnh phúc trong sự bất hạnh của nhiều người khác. Bà Nga cũng có những giây phút trải lòng là đã từng nghe đứa con dâu của bà hư đốn, cặp bồ với người đàn ông này, người đàn ông nọ nhưng bà già quê thật sự bất lực, bởi hơn ai hết bà hiểu rằng bà cũng là phụ nữ, bà cũng phần nào hiểu được cái ham muốn của người phụ nữ nó mãnh liệt như thế nào, bà cũng hiểu phần nào về những căn bệnh con trai bà đang mang trong người dẫn đến gia cảnh cơm không lành, canh không ngọt.

Cuối cùng rồi điều mà dư luận mong muốn cũng không thể xảy ra, người đồng phạm của bà Liễu sẽ lộ diện ở trong phiên xét xử hôm 29/3. Vị thẩm phán Nguyễn Hòa Bình của TAND tỉnh Long An đã trao đổi với báo chí sau phiên xử rằng, việc kết tội ai đó thì cũng có bằng chứng chắc chắn và thuyết phục. Theo ông việc dư luận nghi ngờ ông Nguyễn Văn Tâm là người giúp sức cho bà Liễu thực hiện hành vi sát hại chồng hay chí ít là chỉ vẽ cho bà Liễu đối phó với cơ quan công an trong quá trình điều tra cái chết của nhà báo Hoàng Hùng đến nay là không có cơ sở.

Được biết, những nội dung tin nhắn, những cuộc điện thoại trao đổi qua lại giữa bà Liễu và ông Tâm trước và sau ngày Hoàng Hùng gặp nạn, cho đến nay cơ quan công an đã không thể làm rõ, không tìm hiểu được gốc ngọn. Hay như những lá thư tay trao đổi của 2 người thông qua cháu Lê Hồng Nhung (là con bà Liễu với Hoàng Hùng) và bà Nhiệm (em gái của ông Tâm) đến nay cơ quan công an cũng không xác định được mối liên quan trong cái chết của Hoàng Hùng, ông Tâm cũng khẳng định “không nhận được thư nào cả”. Mặc dù trước đó công an tỉnh này đã gửi công văn đến các cơ quan chức năng thông báo về tiến trình điều tra là “ông Nguyễn Văn Tâm có dấu hiệu phạm tội che giấu tội phạm”.

Đến giờ thì tất cả những gì liên quan đến cái chết của Hoàng Hùng chỉ có một mình bà Liễu làm và chỉ một mình bà nhận lấy kết cục đau đớn. Ai cũng thấy ông Tâm có mặt trong phiên tòa đăm chiêu đến lạ, ánh mắt cũng xa xăm, cũng không tránh được những cái nhìn lạ lẫm của người đời khi nhân tình của ông bị tuyên án chung thân.

Một sự thật mà dư luận không ngờ đến chính là những chị em ruột của bà Liễu đã biết về mối quan hệ bất chính ấy trong một thời gian dài, lại chẳng có ai can ngăn hay có một thái độ gì đó quyết liệt. Những câu trả lời chất vấn của bà Trần Thúy Loan (em ruột và sống ngay bên cạnh căn nhà của bà Thúy Liễu ở khu dân cư Đại Dương, phường 7, TP. Tân An, tỉnh Long An) đã làm không ít người dự phiên tòa xầm xì, bàn tán. Bởi bà biết chị ruột của mình và ông Tâm có quan hệ mặn nồng sai trái nhưng vẫn im lặng, thậm chí bà khai có sang casino bên Campuchia đánh bài… chút chút. Và ai cũng biết những lần xuất ngoại ăn chơi đó bà Loan đi với những người không ai khác là chị ruột của bà (tức là bà Liễu) và nhân tình của bà Liễu (ông Nguyễn Văn Tâm).

Đứa con gái lớn của bà Liễu cũng thế, cũng biết về mối quan hệ bất chính của mẹ nhưng nó đã có một khoảng thời gian dài… im lặng. Đề rồi đến hôm nay, khi vụ án sát hại nhà báo Hoàng Hùng đã, đang và chắc chắc là sẽ còn thu hút dư luận thì những lời khai báo về sự thật mối quan hệ bất chính dẫn đến bi kịch trong gia đình của nhà báo Hoáng Hùng đều đã trở nên quá muộn màng.

Nỗi đau của những đại gia đình

Khập khiễng bước ra khỏi phòng xử án, người mẹ già của nhà báo quá cố Hoàng Hùng đau xót nói: “Mặc dù đã hơn bảy mươi tuổi nhưng đây là lần đầu tiên tôi tham dự một phiên tòa, mà là để xét xử người đã giết con trai mình. Mặc dù rất giận con Liễu nhưng tôi không bao giờ tin Liễu nó giết thằng Hùng vì bất cứ lý do gì. Tôi vẫn hy vọng tại phiên tòa này nó sẽ khai ra kẻ đồng phạm. Nhưng thật thất vọng, nó vẫn bảo vệ kẻ đó”. Người đàn bà ốm yếu đưa đôi tay khẳng khiu lau vội giọt nước mắt, nói. Bà thật sự đã hết nước mắt để khóc cho tấn bi kịch cuộc đời ập đến gia đình của mình lúc tuổi già.

Ngồi lại trong phòng xử án, hai cô con gái của bà Liễu òa khóc nức nở khi nghe tòa tuyên án “chung thân” cho người mẹ tội lỗi của mình. Miệng không ngớt gọi mẹ, cô con gái út gục mặt lên vai người dì như không tin được sự thật đau đớn này. Là con cưng của cha mẹ nên khi cha mất, cháu Lê Hồng Châu vô cùng hụt hẫng. Suốt những ngày cha nằm viện, cô bé túc trực bên giường cha đến gầy rộc. Hy vọng cha sẽ trở về nhà với em bỗng vụt tắt khi một ngày cô bé nhận được tin ông không qua khỏi vì những vết bỏng trên người quá nặng.

Đám cháy đã cướp đi của em một vật báu vô giá, một tình phụ tử thiêng liêng mà không ai có thể bù đắp được. Nhưng sự thật còn trớ trêu hơn khi Châu hay tin mẹ em đã đến cơ quan công an đầu thú vì đã đốt chồng. Đã không biết bao ngày, bao tháng em khóc bên tấm ảnh cũ của gia đình mình ngày hạnh phúc. Và đến ngày hôm nay lời thỉnh cầu của Châu lại vang lên giữa phiên tòa, ở đó có nước mắt của chị em Lê Hồng Châu – Lê Hồng Nhung và mẹ của chúng “con không yêu cầu gì hết. Con chỉ mong tòa xem xét để mẹ sớm về với con”. Đôi mắt ngân ngấn nước, cô bé lí nhí nói trước khán phòng rộng lớn.

Giờ đây cuộc đời của em sẽ ra sao khi cha chết, mẹ vào tù? Vẫn còn ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, liệu Châu sẽ sống ra sao giữa cuộc đời khi thiếu sự dậy dỗ của cha mẹ, dù tình cảm của nội, ngoại, các dì, các chú có lớn lao như thế nào thì trên gương mặt của Châu vẫn không khỏi những nỗi đau buồn khó tả.

Dù cứng rắn hơn cô em gái, Lê Hồng Nhung cũng ngậm ngùi khóc. Nỗi đau của thiếu nữ mới lớn này chảy ngược vào trong. Nhung cũng từng tâm sự, ký ức về những ngày gia đình hạnh phúc bên buổi cơm chiều, những tiếng cười đùa vui vẻ ngập tràn khi cả nhà cùng coi một bộ phim hay… Giờ chỉ còn là quá khứ đau buồn và chỉ còn là trong truyện cổ tích. Cha mất chỉ vừa mới tròn năm thì giờ đây chị em Nhung sẽ chỉ được gặp mẹ sau song sắt nhà tù.

Không có cha đã là một mất mát quá lớn của chị em Châu và Nhung. Khi mẹ thừa nhận đã giết cha ruột, Nhung không tin đó là sự thật. Mẹ luôn mềm mỏng, dịu dàng, chịu thương chịu khó. Chưa bao giờ Nhung và cả Châu chứng kiến cảnh tượng cha đánh mẹ hay giữa hai người có lời qua tiếng lại, nhưng đến nay sự thật của tội ác mà mẹ gây ra cho cha chúng là quá lớn, vượt qua sự tưởng tượng của những đứa trẻ.

Nhung đã từng cảm thấy tự hào khi có một gia đình hạnh phúc, có cha là nhà báo. Và sau khi cha chết, Nhung trở nên lầm lì, ít nói hẳn. Đến khi mẹ thú nhận đã làm việc trái luân thường đạo lý đó, Nhung sợ hãi, thu mình lại và bỗng thay đổi hoàn toàn. Từ một cô bé hồn nhiên, vui vẻ, Nhung trở thành một người cộc cằn, chai lỳ, chẳng còn sợ những lời nói mỉa mai, cay độc hay ánh mắt thương hại của mọi người khi biết em là con của bà Liễu đốt chồng.

Rồi bi kịch đã xảy ra khi nghe tòa tuyên án Trần Thúy Liễu, 2 đứa trẻ òa khóc. Người ta thấy bà Tám Nga cũng khóc; những người chị em của bà Liễu như: bà Trần Thúy Nga, Trần Thúy Loan… cũng ngập tràn nước mắt. Nỗi đau quá lớn. Nhiều người thấy bà Trần Thúy Loan đến cầm tay bà Tám Nga ngay sau khi lời tuyên án kết thúc. Như để thay mặt chị gái (tức Trần Thúy Liễu), thay mặt đại gia đình mình, bà Loan xin lỗi mẹ của Hoàng Hùng. 2 người đàn bà một già, một trẻ cầm tay nhau khóc nói không nên lời. Thế rồi cái giây phút hiếm hoi ấy chóng qua, bởi 2 đứa con của bà Liễu, của Hoàng Hùng và chị ruột là Thúy Nga giục lớn, chạy theo chiếc xe bít bùng để được thấy mặt bà Liễu lần cuối cùng trước khi người đàn bà mang tội ác giết chồng đó trở về trại giam.

Ông Trần Văn Mến (cha ruột của bà Liễu) lặng lẽ rời tòa, ngại đối mặt, trả lời những lời hỏi thăm của những người xung quanh. Bà Tám Nga cũng được đứa con trai dìu ra khỏi pháp đình trong những bước đi khập khiễng, bởi cái bệnh đau xương khớp của tuổi già. Rồi đây bà lại trở về với ruộng đồng, với những đứa con quây quần sống bên cạnh bà, đứa nào cũng làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày và bà trở về với ngôi nhà mới tươm tất mà Báo Người Lao Động đã hỗ trợ bà có một chỗ thờ cúng Hoàng Hùng. Nhưng ở đó bà Tám Nga cứ ra vào, đụng ánh mắt đến di ảnh của con trai lại bắt đầu lau nước mắt. Khi tòa vừa tan, ông Tâm cũng bước thật nhanh để ra về, để tránh những ánh mắt của người dân không mấy thiện cảm. Bà vợ ông cũng có mặt ở phiên tòa nhưng không ngồi cùng, ra về cũng không đi cạnh nhau. Tất cả họ, những đại gia đình đều có những nỗi buồn, sự đau đớn khác nhau mà khó tả thành lời

Từ khóa » Thúy Liễu Tâm Kinh