Đằng Sau Cuộc 'khủng Hoảng Cơm Gà' ở Singapore - PLO

Việc Malaysia hồi cuối tháng 5 ban hành lệnh cấm xuất khẩu thịt gà đã khiến nước láng giềng Singapore rơi vào cuộc ‘khủng hoảng cơm gà” khi món ăn quốc quân của quốc gia này dần trở nên khan hiếm. Điều này dấy lên lo ngại về nguy cơ mất an ninh lương thực khi Singapore chỉ tự đáp ứng được 10% nhu cầu lương thực trong nước.

Thiếu hụt nguồn cung, Singapore “khủng hoảng cơm gà”

Theo hãng tin Reuters, mặc dù nằm trong số những quốc gia giàu có nhất ở châu Á, nhưng Singapore lại có diện tích đất nông nghiệp khá eo hẹp. Đất nước này chủ yếu dựa vào nhập khẩu lương thực, năng lượng và các hàng hóa khác.

Thịt gà cũng nằm trong số đó, theo số liệu của Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA), gần như toàn bộ thịt gà của quốc gia này đều được nhập khẩu, gồm 34% từ Malaysia, 49% từ Brazil và 12% từ Mỹ.

Tuy nhiên, vào ngày 23-5, Thủ tướng Malaysia - ông Ismail Sabri Yaakob đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gà toàn quốc, trong bối cảnh đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung sau khi nông dân cắt giảm số lượng gia cầm mà họ nuôi do giá thức ăn cho gà tăng. Lệnh cấm có hiệu lực kể từ ngày 1-6, theo tờ South China Morning Post.

Một tiệm gà bình dân ở Singapore. Ảnh: CNN

Một tiệm gà bình dân ở Singapore. Ảnh: CNN

Lệnh cấm của Malaysia khiến Singapore đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung gà khi mất đến 34% lượng gà nhập khẩu, đồng nghĩa với việc món cơm gà - vốn được mệnh danh là món ăn quốc dân của quốc đảo sư tử - cũng trở nên khan hiếm.

Cuộc chiến ở Ukraine đã khiến các hoạt động xuất khẩu nguyên liệu thô như ngô và đậu tương vốn là những thành phần chính trong thức ăn cho gà bị đình trệ, dẫn đến việc giá các mặt hàng này tăng cao.

Giải thích cho lý do ngưng xuất khẩu gà, ông Ismail Sabri ngày 28-5 cho biết: “Chiến sự Nga-Ukraine đã ảnh hưởng đến các nước trên toàn thế giới. Malaysia bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng thiếu hụt nguồn cung do chiến sự gây ra”.

Ông Yeah Kim Leng - GS kinh tế tại ĐH Sunway cho biết lệnh cấm xuất khẩu là cần thiết để phục vụ cầu trong nước, nhưng cảnh báo rằng hành động này có thể gây tác động tiêu cực đối với các nhà sản xuất Malaysia có hợp đồng cung ứng dài hạn ở nước ngoài.

Singapore lên kế hoạch ngăn mất an ninh lương thực

“Lần này là gà, lần sau có thể là thứ khác. Chúng tôi phải chuẩn bị cho điều này” - Thủ tướng Singapore, ông Lý Hiển Long nói.

Thấy rõ tình trạng dễ bị tổn thương khi phụ thuộc quá lớn vào nguồn lương thực nhập khẩu, hồi năm 2019, Singapore đã bắt tay vào thực hiện “kế hoạch 30”, nhằm mục đích sử dụng công nghệ và tiến hành các phương pháp mới để sản xuất và đáp ứng 30% nhu cầu thực phẩm trong nước trước năm 2030, tạo bước đệm cắt giảm phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu.

Theo SCMP, chương trình vẫn đang còn trong giai đoạn đầu, với việc chính phủ đang đầu tư hàng triệu USD để hỗ trợ tài chính cho các trang trại và dự án nghiên cứu sản xuất lương thực trong đô thị.

Trong số đó có dự án của công ty nông nghiệp Sustenir (Singapore). Công ty này có các trang trại trồng rau củ theo kệ thẳng đứng, mỗi trang trại rộng hơn 3.700 m vuông, trồng đến 240 tấn rau củ mỗi năm. Theo Sustenir, các trang trại của họ được thiết kế theo kiểu mô-đun dễ tháo lắp và điều chỉnh nên có thể dễ dàng ứng dụng tại các tòa nhà văn phòng.

Người dân Singapore cũng được khuyến khích trồng rau tại nhà. Kể từ tháng 6-2020, chính phủ Singapore đã phân phát 860.000 gói hạt giống cho các hộ gia đình trên toàn quốc.

Bà Sonia Akter - chuyên gia chính sách nông nghiệp và lương thực tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc ĐH Quốc gia Singapore - cho biết nếu Singapore đạt được mục tiêu tự đáp ứng 30% nhu cầu lương thực trong nước thì đây sẽ là một bước đệm tốt để đối phó nguy cơ mất an ninh lương thực.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng điều quan trọng vẫn là xây dựng khả năng phục hồi lương thực của Singapore bằng cách đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu. Theo ông Paul Teng - chuyên gia an ninh lương thực tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh phi truyền thống thuộc ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) - nói rằng ngay cả khi đạt được mục tiêu đáp ứng 30% nhu cầu lương thực trong nước, Singapore vẫn phụ thuộc 70% vào lương thực.

Các chuyên gia cho biết điều quan trọng đối với Singapore là phải có thêm các giải pháp để ngăn gián đoạn nguồn cung. Một trong số đó là Singapore nên thuê các trang trại ở nước ngoài, đặc biệt là ở các nước có thặng dư xuất khẩu thực phẩm lớn để không bị kiểm soát xuất khẩu, trong đó Úc và New Zealand là các quốc gia tiềm năng.

Bảo hộ lương thực: Hành động trong nước, hậu quả toàn cầu

Giới phân tích cho rằng giá lương thực giờ đây đã trở thành một mối quan tâm lớn về cả kinh tế và chính trị đối với các chính phủ, đó là lý do tại sao chủ nghĩa bảo hộ lương thực đang trở nên phổ biến hơn, theo SCMP.

“Việc tăng giá thực phẩm và chi phí sinh hoạt nói chung đóng một vai trò rất quan trọng trong chính trị trong nước. Các chính phủ lo sợ sẽ mất đi sự ủng hộ từ công chúng khi giá thực phẩm tăng chóng mặt” - bà Sonia Akter nhận định.

Vì đó là vấn đề chính trị, nên các chính phủ có xu hướng đưa ra các hạn chế xuất khẩu nhằm bảo vệ an ninh lương thực trong nước. Tuy nhiên, hành động này có thể kéo theo làn sóng chủ nghĩa bảo hộ lương thực bao trùm châu Á.

“Khi một quốc gia đưa ra lệnh cấm xuất khẩu, những quốc gia khác có xu hướng làm theo” - ông Rakesh Agarwal - chuyên gia tại công ty kiểm toán KPMG (Hà Lan) cơ sở Singapore nhận định.

Ông Agarwal dẫn thông tin từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) rằng có hơn 20 quốc gia đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu lương thực do giá lương thực tăng cao và xuất hiện nhiều lo ngại thiếu hụt nguồn cung.

“Những lo ngại này tồn tại trước khi xung đột (Nga-Ukraine) xuất hiện. Các quốc gia đã ngừng xuất khẩu thịt từ năm ngoái để quản lý lạm phát trong nước. Tuy nhiên, việc ngày càng nhiều quốc gia thực hiện các chính sách bảo hộ lương thực có thể gây ra những hậu quả mang tính toàn cầu” - ông nói.

Hệ lụy nguy hiểm từ việc các nước cấm xuất khẩu lương thực

Hệ lụy nguy hiểm từ việc các nước cấm xuất khẩu lương thực

DƯƠNG KHANG Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Tiệm Gà ông Luật