Đảng Ta Là đạo đức, Là Văn Minh - Báo Hậu Giang

Phát biểu trong Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do Trung ương Đảng tổ chức ngày 5-2-1960 tại thủ đô Hà Nội, với niềm tự hào về công lao thành tích vẻ vang của Đảng, Bác Hồ đã chỉ ra:

Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Ảnh: DAIHOI13.DANGCONGSAN.VN

“Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao,

Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình.

Đảng ta là đạo đức, là văn minh,

Là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no.

Công ơn Đảng thật là to,

Ba mươi năm lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng”.

Trong khổ thơ trên, có câu “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Câu nói nổi tiếng ấy của Bác đã trở thành đề tài có sức hấp dẫn được các nhà lý luận, giới nghiên cứu đề cập, được nhiều người biết đến, càng đi sâu càng thấy những vấn đề mới, càng thấy thú vị hơn. Bác Hồ là nhà lý luận có bề dày thực tiễn, là người có tài sáng tạo lý luận từ thực tiễn. Khẳng định “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, là Bác đã công phu tổng kết thực tiễn 30 năm lãnh đạo cách mạng nước nhà của Đảng kể từ khi thành lập.

Nói Đảng là đạo đức, là Bác đã nêu bật tính nhân đạo, nhân văn của Đảng ta. Đó là trách nhiệm thiêng liêng, cao cả của Đảng đối với vận mệnh của đất nước, của dân tộc và hạnh phúc của Nhân dân. Bác bảo ngoài lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân, Đảng ta không còn mục đích nào khác. Nhớ lại trước khi có Đảng, đất nước ta bị xóa tên trên bản đồ thế giới, dân tộc ta chìm đắm trong đêm đen nô lệ, Nhân dân ta phải chịu cùng cực dưới hai tầng áp bức bóc lột của phong kiến, thực dân. Sau khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân đứng lên đấu tranh đánh đổ thực dân phong kiến, giành lại độc lập tự do cho dân tộc và hạnh phúc cho Nhân dân, đưa Nhân dân ta đổi đời từ thân phận nô lệ trở thành người chủ vận mệnh của mình. Có thể nói, Đảng đã có công cứu nước cứu dân, đưa Nhân dân ta từ “bể khổ” trở về với cuộc đời tự do hạnh phúc! Bác rất tự hào về tính nhân văn, về tình người của Đảng ta: Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình; Là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no; Công ơn Đảng thật là to… Đó là tôn chỉ mục đích thiêng liêng của Đảng!

Sau khi giành được độc lập, Bác vẫn luôn căn dặn Đảng ta phải ra sức phấn đấu theo lý tưởng cao đẹp vì nước vì dân của mình. Bác bảo để dân đói, dân rét, dân bệnh là Đảng và Chính phủ có lỗi. Đảng phải lo tương cà mắm muối cho dân. Và Bác nhấn mạnh, nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Bác yêu cầu cán bộ, đảng viên phải tu dưỡng đạo đức, nhất là phải cần kiệm liêm chính, ít có lòng ham muốn vật chất... Bác lưu ý vào Đảng là để phụng sự Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân chứ không phải để làm quan phát tài. Phải xứng đáng là người đày tớ thật trung thành của Nhân dân. Bác là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta. Chính Bác đã thổi hồn “nhân đạo bác ái” vào trong Đảng để nhân thêm sức mạnh cho Đảng, vì Bác đã coi đạo đức là cái gốc, có tài mà không đức coi như vô dụng.

Nói Đảng là văn minh, là Bác nêu bật tính sáng suốt, tiên tiến, tiên phong của Đảng. Trước khi Đảng ra đời, đã có nhiều phong trào yêu nước rất nhiệt huyết nhưng cuối cùng đều thất bại do đường hướng cứu nước đưa ra của họ không phù hợp với thời cuộc. Đảng ta ra đời đã mở ra bước ngoặt mới đối với lịch sử nước nhà, chấm dứt thời kỳ bế tắc về con đường cứu nước đúng đắn. Với cương lĩnh chính trị hợp thời, Đảng đã đưa dân tộc ta vượt qua bao thác ghềnh hiểm trở để đến được với bến bờ độc lập tự do, ấm no hạnh phúc. Thành quả đó có phần bắt nguồn từ việc Đảng ta đã biết kết hợp hài hòa giữa sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, không khép kín thủ cựu như các bậc tiền bối trước đây. Bác là người đã thổi luồng ánh sáng văn minh mới của chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong Đảng, nâng tầm nhìn và sức mạnh của Đảng, làm cho Đảng trở nên cách mạng, khoa học, tiến bộ và hiện đại hơn.

Nói Đảng ta là đạo đức, là văn minh là Bác đã không những tự hào về kỳ tích vẻ vang của Đảng mà còn đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ cao hơn, sâu sắc hơn đối với Đảng, đặc biệt là đối với công tác xây dựng Đảng. Bác vốn là người rất nhạy cảm và sáng suốt về chính trị. Bác đã phát triển nguyên lý về đảng cộng sản của học thuyết Mác - Lênin, lấy phong trào yêu nước Việt Nam phối hợp với chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào công nhân để sáng lập ra Đảng ta, một chính đảng kiểu mới mang bản sắc Á Đông của Việt Nam. Bác đã đem sự tiến bộ của văn minh nhân loại về phối hợp với tinh thần yêu nước của đạo đức truyền thống Việt Nam và đã tạo nên được một sức sống, sức mạnh mới vô biên cho Đảng ta. Tuy có tính độc lập tương đối nhưng đạo đức và văn minh là sự thống nhất hữu cơ giữa hai mặt trong cùng một vấn đề, có mối quan hệ, làm tiền đề bổ trợ lẫn nhau. Đây là một cống hiến sáng tạo quan trọng, có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn của Bác.

Những khuyết điểm, yếu kém trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vừa qua có một phần nguyên nhân là do chúng ta chưa chú trọng đúng mức đến yếu tố đạo đức, văn minh theo tư tưởng Bác Hồ. Có thể nói, Đảng mà thiếu đi cái “thần” hồn cốt, sức mạnh bên trong là thất bại! Để Đảng vững mạnh thật sự, cần làm cho tính chất đạo đức, văn minh thấm đẫm hơn lên trong Đảng. Thiết nghĩ, sắp tới cần quan tâm làm có hiệu quả một số việc có tính căn cơ.

Đó là phải quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả những định hướng cơ bản của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đảng mạnh là phải mạnh toàn diện trên cả 4 mặt: chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chúc. Xây dựng Đảng phải theo phương châm: đồng bộ (với các lĩnh vực có liên quan); kiên quyết, kiên trì; dựa vào dân…

Phải đề cao quan điểm “Trọng dân”, lấy dân làm gốc trong Đảng. Cấp ủy đảng, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên của Đảng phải thật sự yêu thương, quý trọng, gần gũi dân chúng; không được khinh dân, thờ ơ, vô tâm vô cảm với dân, phải nghiêm khắc với tệ quan liêu xa dân; cả quyết sửa bệnh hình thức, thành tích. Luôn chăm lo nâng cao đời sống Nhân dân; phải biết lo trước “cái lo” của dân và vui hưởng sau “cái vui” của dân. Phải tỏ rõ là người hăng hái, tận tụy phụng sự đất nước, phục vụ Nhân dân.

Phải đẩy mạnh hơn nữa việc tu dưỡng đạo đức cách mạng trong Đảng để làm gương về mặt đạo đức với xã hội. Cán bộ, đảng viên của Đảng phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính; ít có lòng ham muốn về vật chất; không tham ô, bòn rút, lãng phí tiền của Nhà nước, của Nhân dân. Phải gương mẫu trước dân. Phải đề cao sức mạnh giám sát của dân đối với việc tu dưỡng đạo đức của tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên.

Phải nâng cao tính trí tuệ, tiên tiến, tiên phong của Đảng. Cụ thể là Đảng phải thật sự có năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền; bên cạnh cái tâm phải có cái tầm. Đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng phải tỏ ra tiên tiến về mặt trí tuệ, phải dẫn dắt được quần chúng, không được để lạc hậu, sợ quần chúng, theo đuôi quần chúng. Chú trọng yếu tố văn hóa, nhất là văn hóa chính trị, văn hóa ứng xử trong hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên của Đảng và công chức, viên chức Nhà nước.

Thấm nhuần những chỉ giáo của Bác Hồ, 91 năm qua, tuy có lúc cũng mắc phải những khuyết điểm, sai lầm, nhưng do Đảng ta biết cầu thị, luôn chăm lo “sửa sang” mình để luôn là niềm tin, là lẽ sống của Nhân dân nên Đảng đã tạo được sức mạnh để làm nên những kỳ tích có tính lịch sử. Có thể nói, sức mạnh của Đảng được kết tinh từ việc làm có đạo đức, có văn hóa văn minh của Đảng. Đại hội XIII của Đảng đã khơi gợi, mời gọi ý chí, khát vọng vươn lên của cả dân tộc nhằm đưa đất nước ta mau phát triển đi lên giàu mạnh, văn minh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Để đủ sức lãnh đạo Nhân dân ta thực hiện thắng lợi lý tưởng tốt đẹp đó, trách nhiệm của mỗi người hôm nay là phải hăng hái tham gia xây dựng Đảng ta thật sự vững mạnh toàn diện, xứng đáng với một Đảng chân chính cách mạng, thể hiện được thần thái trí tuệ, đạo đức, văn hóa, văn minh như Bác Hồ từng tự hào và hằng mong muốn!

Đảng như mùa Xuân cuộn trào dâng nhựa sống

Dân như mùa Hoa rộn rịp đón bình minh.

LÊ HỮU PHƯỚC

Từ khóa » Nội Dung Xây Dựng đảng Là đạo đức Là Văn Minh