Đặng Tiểu Bình Và Cải Cách Kinh Tế Trung Quốc - VnExpress

78464-050-EBCF1383-6005-1408697112.jpg

Chân dung ông Đặng Tiểu Bình. Ảnh: Swa-jkt

Công việc kinh doanh của Nian, người tỉnh An Huy, Trung Quốc, ngày càng được mở rộng kể từ sau khi các chính sách của Đặng được thực thi vào cuối thập niên 70. Có những lúc nhân công của Nian lên đến hơn 100 người. Ông kiếm được một triệu nhân dân tệ ngay trong những năm 1980, một số tiền quá lớn đối với người Trung Quốc lúc bấy giờ.

Năm 2001, con trai ông là Nian Qiang bắt đầu quảng bá thương hiệu, phát triển lên hơn 2.000 cửa hàng và đầu tư tới 170 triệu nhân dân tệ vào cơ sở sản xuất. Gia đình Nian đang xây dựng một bảo tàng tưởng nhớ những đóng góp của Đặng Tiểu Bình.

"Nếu thiếu đi chính sách cải cách và mở cửa của Đặng Tiểu Bình thì thành công đã không đến với Nian, gia đình ông cũng như hàng triệu người dân Trung Quốc khác", hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua nhận xét trong bài viết ca ngợi ông Đặng trong dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 110 cuối tuần qua.

Mèo trắng mèo đen

Năm 1978, Đặng Tiểu Bình nêu kế hoạch "cải cách mở cửa" trước phiên họp của hội nghị trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, đánh dấu sự thay đổi mãnh liệt và phát triển chóng mặt của nền kinh tế nước này trong 30 năm sau đó. Đặng được xem như kiến trúc sư của công cuộc cải cách, xây dựng một "nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc".

Theo Diplomat, chính sách của Đặng Tiểu Bình chú trọng đặc biệt tới khía cạnh mở cửa, cụ thể là nhắm tới các nước phương Tây. Cuối năm 1978, nhà sản xuất máy bay Boeing công bố bán nhiều phi cơ 747 cho các hãng hàng không Trung Quốc. Đồng thời, hãng Coca-Cola thu hút chú ý của dư luận khi có ý định mở một nhà máy sản xuất ở Thượng Hải. Đây là dấu hiệu ban đầu cho thấy việc mở cửa khởi động rất mau lẹ.

Đầu năm 1979, Đặng có chuyến thăm chính thức tới Mỹ, gặp gỡ tổng thống khi đó là Jimmy Carter tại Washington. Trong hành trình, Đặng đến thăm Trung tâm Không gian Johnson ở Houston, cũng như trụ sở của Cola-Cola và Boeing ở Atlanta và Seattle. Với hành động này, Đặng Tiểu Bình khẳng định rõ ràng ưu tiên của chính phủ Trung Quốc là phát triển công nghệ và kinh tế. Trung Quốc tháng 4/1980 trở thành thành viên Quỹ Tiền tệ Thế giới, một tháng sau tiếp tục tham gia vào Ngân hàng Thế giới.

Chính sách cải cách của Đặng chú trọng tư nhân hóa hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, khuyến khích khởi nghiệp, đồng thời đón nhận mọi nguồn đầu tư từ nước ngoài. Điều này là một sự thay đổi căn bản trong nền kinh tế của Trung Quốc tính tới lúc bấy giờ.

Câu nói "mèo đen mèo trắng không quan trọng, miễn là bắt được chuột" của Đặng Tiểu Bình trở thành triết lý áp dụng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, đặc biệt là kinh doanh ở đất nước khi đó có nền kinh tế còn ở mức độ thấp kém này.

People's Daily đánh giá các chính sách của Đặng và các đồng chí của ông "đã cứu Trung Quốc tại thời khắc gay cấn nhất của lịch sử" và "đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, vươn tới thịnh vượng".

Từ khi mở cửa và cải cách kinh tế, Trung Quốc được xếp vào một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, GDP tăng trung bình quanh mức 10% mỗi năm từ 1978 đến 2013. Năm 2010 nước này vượt mặt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.

"Họ đã mang lại sức sống tuyệt vời cho hàng triệu người dân Trung Quốc", Xinhua dẫn lời Zong Qinghou, tài phiệt trong ngành đồ uống, giám đốc điều hành công ty Wahara, nói về những bước đột phá mà Đặng Tiểu Bình và đồng sự thực hiện năm xưa.

"Tôi không thể tưởng tượng được cuộc sống của mình và nhiều người khác sẽ như thế nào nếu không có Đặng Tiểu Bình và chính sách khôi phục giáo dục, phát triển khoa học của ông", Global Times dẫn lời Wu Ziniu, giám đốc sản xuất phim truyền hình nói.

"Cá nhân tôi rất biết ơn Đặng Tiểu Bình. Cuộc sống ngày nay tốt hơn quá nhiều so với thời niên thiếu của tôi", Zang Yi, 37 tuổi, một công dân đến từ Tứ Xuyên chia sẻ.

Trong chuyến đi nổi tiếng về miền nam năm 1992, Đặng đã làm nên một làn sóng khuyến khích dân chúng phát triển kinh tế. Người ta vẫn tranh luận liệu có phải đích thân Đặng nói "làm giàu là vinh quang" hay không, nhưng nó đã tạo nên động lực mạnh mẽ, đặc biệt là tại các khu kinh tế duyên hải như Thẩm Quyến, Chu Hải và Quảng Đông.

Tuy nhiên, phương pháp cải cách của Đặng vẫn thiếu đi tính cách tân thật sự và cũng có những vấn đề không thể vượt qua, chuyên gia phân tích Yang Hengjun, tiến sĩ tốt nghiệp Đại học Công nghệ Sydney, nhận xét. Ông Yang cho rằng sau một thời gian, mọi ưu điểm được sử dụng hết và biến thành nhược điểm, cải cách không giải quyết được những vấn đề của một hệ thống chính trị cứng nhắc. Các vấn đề đó là tham nhũng, quyền lực tập trung, và sự thiếu dân chủ.

Hệ thống hiện tại dường như không thể áp dụng triệt để cơ chế kinh tế thị trường. Do đó cải cách không giải quyết được những bất đồng giữa chính trị và lợi ích kinh tế, dẫn tới một hệ thống bất thường, kiểu như tư bản thân hữu. Điều này cũng đồng nghĩa trong 30 năm, Trung Quốc cùng lúc đạt thành công rực rỡ về kinh tế nhưng những vấn đề của nó cũng nảy sinh và ngày càng trở nên nghiêm trọng.

"Có quốc gia nào trên thế giới mà đòi hỏi lực lượng cảnh sát ngày càng đông hơn để duy trì ổn định xã hội trong khi nền kinh tế vẫn phát triển vượt bậc? Có quốc gia nào vừa thể hiện sự mạnh mẽ nhưng cũng đầy tai tiếng bởi sự tham nhũng từ chính các thành viên đảng cầm quyền", Yang Hengjun đặt ra câu hỏi trong một bài viết trên tờ Diplomat khi bàn về ảnh hưởng của chính sách Đặng Tiểu Bình.

"Chính sách của Đặng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng tham nhũng thì cũng quá nhiều. Những người bình thường không được giàu lắm, nhưng những đảng viên thì có đấy", Asia News dẫn lời ông Liang Deming, một tài xế ở Quảng Đông, nhận xét về xã hội Trung Quốc.

Nối tiếp Đặng Tiểu Bình?

thediplomat-2014-08-20-14-14-3-4862-7293

Đài tưởng niệm Đặng Tiểu Bình tại Thẩm Quyến. Ảnh: Shutter Shock

Trong lễ kỷ niệm sinh nhật của Đặng, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã nhắc lại các tư tưởng của cha đẻ công cuộc cải cách, điều mà giới phân tích cho là thể hiện mong muốn của ông Tập được trở nên quan trọng như bậc tiền bối họ Đặng. Ngoài vấn đề lý tưởng và chính sách, ông Tập còn có mối liên hệ cá nhân với Đặng Tiểu Bình. Cha của ông Tập, Tập Trọng Huân, từng là trợ thủ đắc lực của họ Đặng trong thời kỳ mở cửa cải cách.

Theo nhà phân tích Shannon Tiezzi, Đặng Tiểu Bình trước đây chính là tấm gương của Tập Cận Bình ngày nay. Những cải cách mà Tập Cận Bình đang theo đuổi khiến giới quan sát không khỏi có sự so sánh giữa hai ông Đặng, Tập.

Khi mới nhậm chức, ông Tập có chuyến viếng thăm đầu tiên đến Thẩm Quyến, đặt vòng hoa tại tượng đài Đặng Tiểu Bình. Nhiều người nhìn thấy những nét tương đồng giữa hai nhà lãnh đạo dù khoảng cách thế hệ rất lớn.

Lúc đó, truyền thông nước ngoài nghi ngờ liệu nhà lãnh đạo mới có sẵn sàng thực hiện những bước đột phá để giải quyết các vấn đề của Trung Quốc không. Gần hai năm sau, Trung Quốc đang trong giai đoạn cải cách mạnh mẽ được nhiều chuyên gia đánh giá là táo bạo nhất từ trước tới nay.

Trong một phát biểu vào năm 1992, Đặng Tiểu Bình kêu gọi các quan chức đồng ý cải cách và can đảm để thử nghiệm cái mới. "Chúng ta không thể hành động như phụ nữ với đôi chân bó", ông phát biểu. Câu nói nổi tiếng này đã được ông Tập trích lại trong phiên họp thứ ba của hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 18.

Ông Tập cũng thường xuyên thể hiện suy nghĩ thực tế tương tự như của Đặng Tiểu Bình trong việc giải quyết các vấn đề gai góc. "Những lời sáo rỗng chỉ khiến đất nước lạc lối, lao động hăng say sẽ trẻ hóa cả dân tộc", ông Tập nói. Đây cũng là ý của ông Đặng nêu ra năm 1992 khi đi thị sát tại miền nam Trung Quốc.

"Không có gì phải nghi ngờ, Tập chính là lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc từ thời Đặng Tiểu Bình", BBC dẫn lời chuyên gia phân tích chính trị Đặng Duật Văn nói.

Theo ông Đặng, di sản của Đặng Tiểu Bình chính là việc ông thay đổi lịch sử Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình có lẽ muốn đạt đến một ngưỡng vọng như vậy, tuy nhiên khả năng thực hiện đến đâu là điều mà công chúng đang chờ đợi. 

Tiến sĩ Kerry Brown, một giáo sư chính trị từ Đại học Sydney lại cho rằng sự so sánh giữa ông Tập và ông Đặng không có nhiều ý nghĩa. "Họ sống ở hai thời đại khác nhau, đương đầu với những thử thách hoàn toàn khác biệt".

Theo Brown, cải tổ kinh tế không phải là thách thức lớn nhất cho ông Tập, thay vào đó, thách thức thực sự hiện nay là về chính trị và xã hội, như xây dựng xã hội cân bằng hơn, để người dân được tham gia nhiều hơn. “Nếu ông thành công, Tập Cận Bình có thể được xem là lãnh tụ quan trọng của Trung Quốc", tiến sĩ Brown kết luận.

Vũ Hoàng

  • Săn hổ Chu Vĩnh Khang, Tập Cận Bình đối mặt nhiều thách thức
  • Vương Kỳ Sơn - bàn tay sắt truy quét tham nhũng ở Trung Quốc

Từ khóa » Thuyết Con Mèo đặng Tiểu Bình